Friday, May 3, 2013

Nhớ Vũ Trọng Phụng





                           Trời yêu nên sớm giấu đi

  
                              


    
[
Vũ Trọng Phụng chỉ có 27 năm trên dương thế, nhưng có lẽ người đời cũng không nên hờn trách ông Trời làm chi. Bởi cũng như những giai nhân tuyệt sắc, một tài văn thiên bẩm như vậy mà lưu lại trần thế quá lâu e cũng nhàm đi.
 


Nhớ đến Vũ Trọng Phụng, bao giờ tôi cũng nhớ đến những dòng thương cảm nhà văn Thanh Châu dành tả đám tang ông, một đám tang “không kèn, không trống (...) lặng lẽ đi trên đường Ngã Tư Sở - Thanh Xuân... Gió sáng mát mẻ quá. Ánh nắng thu trong suốt và dịu dàng. Những ruộng lúa ở hai bên đường xanh tốt và nặng trĩu bông. Giá không có chiếc xe thảm đạm kia, giá không có những đứa trẻ rắc vàng hồ trên mặt đường để cho người ta thỉnh thoảng đạp chân lên nghe lắc rắc, thì có lẽ nhiều nhà thơ đã tưởng đó là một cuộc đi chơi vùng quê trong một ngày chủ nhật.
Giá không có người vợ góa kia bận sô gai, khóc đã lả người vịn vào kẻ đi bên cạnh mà lê bước. Giá không có đứa con gái nhỏ mồ côi, xinh xắn và ngây thơ kia và người ta bồng trên tay cho theo chiếc xe tang. Trời! Tôi không muốn nghĩ đến lúc hai kẻ khốn nạn ấy trở về gian nhà trống lạnh với đau đớn và túng thiếu ở ngoại ô Hà Nội. Ngoại ô, quê hương của những nghệ sĩ nghèo nàn, của những kẻ đã mang hết tinh hoa của đời họ để cống hiến, để giải trí cả  một thành thị xa hoa và bội bạc”. Vũ Trọng Phụng ra đi để lại sau lưng 4 người đàn bà mà lúc nào ông cũng gọi âu yếm và xót xa là một “bầy người già dại” bao gồm bà, mẹ, vợ, con, phải trông vào ngòi bút của ông mà sống.

                                       
                                 

Trong làng văn VN, có lẽ không ai khổ như Vũ Trọng Phụng, người mà nhà văn Ngô Tất Tố phải tặng cho 3 chữ cay đắng “nghèo gia truyền”. Bố mất sớm lúc ông 7 tháng tuổi, mẹ ông ở vậy nuôi con, gánh thêm bà mẹ chồng.
Thủa nhỏ may mắn nhà văn được hưởng thụ chế độ giáo dục mới do Toàn quyền Pháp Albert Sarraut đề xướng, miễn phí hoàn toàn trong sáu năm tiểu học, và là một trong những lứa thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ.
Trong khi bạn cùng lứa được học lên tiếp thì 14 tuổi, Vũ phải sớm rẽ ngang đi làm thư ký cho một số hãng in, công ty rồi bước vào con đường làm văn, làm báo chuyên nghiệp.
Trong làng văn VN, có lẽ không ai có sức viết kinh hoàng như Vũ Trọng Phụng, chỉ trong vòng 10 năm từ khi bước vào nghiệp viết cho đến khi phải nhắm mắt vì bệnh lao, ông đã để lại hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng 1 bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa.
Trong số những tiểu thuyết của ông, không thể không kể đến hai cuốn “Giông tố” và “Số đỏ” mà chỉ riêng cuốn “Số đỏ” theo đánh giá của nhà văn Nguyễn Khải đã đủ làm vinh dự cho bất cứ một nền văn học nào.
Vũ Trọng Phụng nghèo đói, bệnh tật, suốt đời chỉ quanh quẩn ở vài con phố quen thuộc của Hà thành, vậy mà trí trưởng tượng vô biên và tài khái quát hóa của ông đã dựng nên một tấn trò đời trong “Số đỏ” không biết khiến chúng ta nên cười hay nên khóc.
Có đủ trong đó mọi thói hư tật xấu của người đời, có cuộc hôn phối nhố nhăng của một xã hội lúc nhập nhoạng nửa cựu nửa tân, có những nhân vật đang là “thằng” hóa thành “ông” chỉ nhờ những trò ma cà bông láu cá.
Vũ Trọng Phụng đã thể hiện phẩm chất thiên tài của ông chính trong thiên truyện về Xuân tóc đỏ, bởi chính ông chứ không phải ai khác, đã nhìn thấy những trò chơi đau đớn nhất của cõi nhân gian dưới một lăng kính hài hước tới mức nghẹn ngào.
Các bạn văn của ông đã mô tả cái lao động nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng thời ấy chẳng khác nào lao động khổ sai, cái thời mà khi đồng nghiệp còn có thời gian vi vu đàn hát thì Vũ phủ phục trên giường như voi phục để viết truyện dài kỳ đăng “Hà Nội báo”, đầu nghiêng sang một bên, lưỡi thè ra lưỡi thằn lằn, vừa viết vừa chửi cái số mình sao mà khổ thế.
Nếu Vũ ngừng viết, thì cái gia đình gồm toàn những người già dại của ông lấy gì mà sinh nhai.
Nhiều người tưởng Vũ Trọng Phụng có số chơi bời nên ông mới gia nhập vào với cộng đồng “dân làng bẹp” kết bạn với nàng tiên nâu, nhưng có biết đâu, đó là cách đau đớn để ông chống lại căn bệnh lao những năm cuối đời.
Có lần ông nói với nhà văn Nguyễn Triệu Luật: “Tôi phải dùng cái này mới sống đến ngày nay đó ông ạ. Thầy thuốc bảo rằng có hút thì mới khỏi được.
Nghiện thuốc phiện thì đê tiện thật, nhưng còn hơn chết chứ! Tôi, trên còn bà, còn mẹ, dưới còn vợ, còn con. Bằng ấy người già dại trông vào tôi. Tôi chết... tính ra làm sao? Bởi thế, tôi đành hút thuốc phiện”.
Cái văn của một người đằm mình trong cái nghèo nên bao giờ cũng thấm thía, sâu xa. Từ thiên truyện đầu tay “Chống nạng lên đường”, Vũ Trọng Phụng đã hé lộ một bậc thầy về mô tả tâm lý người nghèo. Cho đến bao nhiêu truyện ngắn về sau này, như “Bà lão lòa”, hay “Một đồng bạc” mà ông đề tặng bà Vũ My Lương- người kết tóc xe tơ với mình, cái tài ấy của nhà văn lại càng thêm rực rỡ.
Trong thiên truyện “Một đồng bạc”, ông kể chuyện một nhà văn mãi mãi day dứt vì lỡ nói dối một người hàng xóm cũ để phòng chuyện người này trong lúc sa cơ sẽ đến vay mượn mình thường xuyên. Truyện viết thành thực tới nỗi người đọc không chút nghi ngờ rằng nhân vật “tôi” ấy chính là tác giả:  “Bạn đọc ơi, viết đến dòng này, tôi lại thấy cả tấm lòng khốn khổ và khốn nạn của tôi nôn nao lên...tôi buồn nôn, tôi ghê tởm cho cả chính tôi, vì rằng, trừ một bọn vẫn nịnh sằng gọi tôi là danh sĩ, là văn hào, thì trong thiên hạ, than ôi lại vẫn có một số người đứng đắn kia nỡ lòng khen tôi là “một người tử tế”. Và ông kết luận vô cùng cay đắng: “Khi ta có tiền thì ta chẳng nghĩ đến cái nhân, và khi phải nghĩ đến cái nhân, thì ta lại chẳng có tiền”. 
Với tôi, điều chua xót nhất mỗi khi nghĩ tới sự nghiệp của Vũ Trọng Phụng  là quãng thời gian dài hơn 30 năm khi văn ông bị kết án “tự nghiên chủ nghĩa”, “cổ súy dâm dục” và bị cấm in, cấm đọc. Trong khi tác giả rất nhiều lần đã tự làm luật sư bào chữa cho mình: “…Cái dâm tự nó không xấu, mà nó là cái điều cao thượng đẹp đẽ và linh thiêng vô cùng, vì nhờ nó mà loài người không tiêu diệt, nhờ nó mà có chúng ta đây. Tác giả xin để Freud cắt nghĩa cho các ngài nghe rằng sự dâm có điều bẩn thỉu không đáng nói đến chăng, tưởng là đã đủ. Vậy thì, thưa các ngài. Ôi! Hỡi người đọc ta, phường đạo đức giả mà giống hệt ta! Tại làm sao cái điều ấy, cái điều mà người ta tự cho mình là đúng đắn, đạo đức không dám nói ra miệng bao giờ, thì chính là cái điều mà bất cứ lúc nào người ấy cũng có thể phải nghĩ thầm trong bụng?” thì đúng là cái thói “đạo đức giả” của người đời và của những người có quyền phán xét đã hơn một lần làm tổn hại đến uy danh của ông.
Giờ thì Vũ Trọng Phụng đã được trả về đúng vị trí của ông trên văn đàn, đó là một nhà văn hàng đầu của dòng văn học hiện thực, nhà văn của người nghèo, nhà văn chuyên phanh phui những mảng nhơ nhớp của đời sống.
27 năm trên cõi đời, Vũ Trọng Phụng sống một đời kín đáo, khiêm nhường và giàu tự trọng hơn ai hết khi cố không để bạn bè biết là mình luôn túng thiếu. Người đọc hậu thế thương xót ông vì tài hoa mệnh bạc, nhưng cũng đừng nên vì thế mà hờn trách ông Trời, người tài hoa như thế, Trời yêu lắm nên hé ra một chút rồi cũng phải mau chóng giấu đi, kẻo không nữa lại hóa thành nhàm chán.




No comments: