Friday, May 3, 2013

Tiểu thuyết Sóng lừng



03.05.2013
lý luận phê bình văn học
Từ điển Tác phẩm Văn xuôi Việt Nam, tập 3. Mai Hương chủ biên. NXB Giáo dục, tháng 12-2010. Trang 898-902, viết về tiểu thuyết Sóng lừng (VN. Mafia). Với tiểu thuyết Sóng lừng, Triệu Xuân là cây bút đầu tiên viết về mafia ở Việt Nam một cách nghiêm túc và tâm huyết. Ngay khi trình diện trên văn đàn tháng 5-1991, tiểu thuyết Sóng lừng đã tạo được dư luận sôi động, thu hút sự chú ý với những luồng ý kiến trái ngược. Nhưng Sóng lừng vẫn hiện diện trong đời sống của bạn đọc, bởi đây là tác phẩm văn học mang tính dự báo, có cái nhìn tiên cảm trước một xã hội ở buổi giao thời có rất nhiều bất an, khiếm khuyết. Có thể nói, những vấn đề đặt ra trong Sóng lừng đến hôm nay vẫn nguyên tính thời sự cập nhật: tham nhũng, buôn lậu, thoái hóa, biến chất…

tiểu thuyết

“Với tiểu thuyết Sóng lừng, Triệu Xuân là nhà văn đầu tiên viết về Mafia Việt Nam. Tác giả đề cập vấn đề Mafia Việt Nam một cách nghiêm túc và toàn diện. Qua nhân vật Tám Đôn, ta hình dung ra cuộc chiến chống Mafia là vấn đề sống còn của xã hội hiện nay chứ không chỉ là sự sai lầm về một mặt nào đó của đội ngũ cán bộ để rồi chỉ “xử lý nội bộ”. Tám Đôn hiện nguyên hình là một bố già Mafia như các bố già ở Mỹ, Ý... Song do tính chất độc đáo của xã hội Việt Nam, Bố già Tám Đôn cũng độc đáo hơn các bố già quốc tế. Và chính vì vậy, cuộc đấu tranh chống Mafia ở Việt Nam sẽ phải trả giá đắt khó mà hình dung nổi! Điều đó đã được tác giả thể hiện rõ bằng hình tượng nhân vật Lê Dung, người chiến sĩ an ninh dũng cảm đương đầu với Tám Đôn... Người đọc tin rằng cuộc chiến đấu của Lê Dung sẽ không bao giờ đơn độc, bởi đúng như tác giả đã viết trong lời đề ở đầu sách: “Còn xã hội, còn loài người thì luôn luôn có cuộc chiến đấu chống lại tội ác...” (Trích bài phê bình của Ngọc Thạch, trên báo Đại đoàn kết).
Nhà văn Hoài Anh: Tiểu thuyết VN. Mafia được nhà văn Triệu Xuân viết trong vòng hai năm: 1989-1990, lần lượt gửi tới hai Nhà xuất bản lớn, nhà nào cũng trả lời: Tác phẩm rất hay, rất muốn xuất bản nhưng… ngại! Đến khi tác giả gửi cho NXB Giao thông Vận tải thì được chấp nhận nhưng phải đổi tên là Sóng lừng! Sách in đợt đầu 3.000 bản, phát hành đầu tháng 5-1991, sau một tuần thì hết sạch. Đang chuẩn bị in tiếp 10.000 bản thì bị ngưng lại… Cơ quan chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh làm công văn đề nghị Ban Nội chính Thành ủy cho khởi tố tác phẩm, vì bôi nhọ ngành công an, bôi nhọ Đảng và chế độ!
Tác giả đã gặp trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại nhà riêng ở đường Trần Quốc Toản Quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, trước giờ ông ra sân bay đi Hà Nội để tiếp bà Daniel Mitterant, Phu nhân Tổng thống Pháp Francois Mitterant. Sau cuộc gặp này, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thành lập Hội đồng Giám định Nghệ thuật Trung ương do nhà thơ Huy Cận làm Chủ tịch, Phó GS Thái Ninh, Phó Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương làm Phó Chủ tịch cùng bẩy nhà văn nhà phê bình lý luận khác. Sau ba tháng, Hội đồng Giám định kết luận: “Tác giả là nhà văn có trách nhiệm công dân cao, dũng cảm chống tham nhũng, chống tiêu cực…”. Thế nhưng, từ đó đến nay, VN. Mafia, tức Sóng lừng vẫn chưa được tái bản!
Mười sáu năm sau khi VN. Mafia được viết xong, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam khủng khiếp hơn, tinh vi hơn rất nhiều so với hiện thực được thể hiện trong tác phẩm. Vụ án Năm Cam là một thí dụ nhỏ! Dư luận đánh giá rất cao nhà văn Triệu Xuân về tâm huyết, lòng dũng cảm, tính dự báo cao… trong các tác phẩm của mình. (Nhà văn Hoài Anh, Xác và hồn của tiểu thuyết. Khảo luận, 600 trang. NXB Văn học, 2007)
 

No comments: