Monday, May 6, 2013

Tư liệu văn học Mỹ


                                       

NHỮNG CÂY BÚT TIỂU LUẬN VÀ CÁC THI SĨ
 
Chủ nghĩa lãng mạn, bắt nguồn từ Đức rồi nhanh chóng lan sang Anh, Pháp và xa hơn, rồi đến Mỹ khoảng năm 1820, trên dưới 20 năm sau khi William Wordsworth và Samuel Taylor Coleridge làm cuộc cách mạng thi ca Anh bằng việc xuất bản tập Lyrical Ballads (Thơ trữ tình). Ở Mỹ cũng như châu Âu thời đó, một quan điểm mới mẻ tươi tắn truyền đi như dòng điện trong giới nghệ sĩ, trí thức. Tuy vậy, cũng có một sự khác biệt quan trọng: chủ nghĩa lãng mạn ở Mỹ xảy ra cùng lúc với thời kỳ bành trướng quốc gia và sự khám phá giọng điệu riêng của nước Mỹ. Sự củng cố đặc trưng quốc gia và sự trỗi dậy của chủ nghĩa lý tưởng cùng với niềm đam mê chủ nghĩa lãng mạn đã nuôi dưỡng những kiệt tác của “thời Phục hưng Mỹ”. 

Những tư tưởng lãng mạn tập trung quanh nghệ thuật như nguồn cảm hứng, như chiều kích thẩm mỹ và tâm linh của cõi tự nhiên và như những ẩn dụ về sự phát triển hữu cơ. 

Những tác gia của chủ nghĩa Lãng mạn lý luận rằng nghệ thuật, chứ không phải khoa học, có thể diễn tả tốt nhất về chân lý phổ quát. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật biểu hiện đối với mỗi cá nhân và xã hội. Trong tiểu luận The Poet (Nhà thơ - 1844) Ralph Waldo Emerson, có lẽ là tác giả có ảnh hưởng lớn nhất của thời kỳ Lãng mạn, khẳng định:
Con người ta sống bằng chân lý và có nhu cầu tự biểu hiện. Trong tình yêu, trong nghệ thuật, trong lòng tham, trong chính trị, trong lao động, trong vui đùa, chúng ta học để thốt ra những bí ẩn đau đớn của chúng ta. Con người chỉ là một nửa của mình, nửa kia chính là sự diễn đạt tư tưởng của anh ta.
Sự phát triển cái tôi trở thành một chủ đề quan trọng; trong đó sự tự nhận thức là phương pháp cơ bản. Nếu theo lý luận của chủ nghĩa lãng mạn, cái tôi của con người và tự nhiên là một, thì sự tự biết mình không phải là mục đích hoàn toàn vị kỷ mà là một cách nhận thức có hướng mở ra cùng toàn thể vũ trụ. 

Khi cái tôi của một người cũng hợp nhất làm một với toàn nhân loại thì khi ấy mỗi cá nhân có một bổn phận đạo đức trong việc cải tạo những bất bình đẳng trong xã hội và làm vơi đi nỗi khổ đau của con người. Bản ngã -cái tôi được các thế hệ trước cho là đầy tính vị kỷ đã được định nghĩa lại. Những từ kép mới với ý nghĩa tích cực đã xuất hiện: “tự nhận thức”, “tự biểu hiện”, “tự tín”. Khi cái tôi chủ quan đơn nhất trở nên quan trọng, thì lãnh địa tâm lý cũng trở thành quan yếu. Những kỹ thuật và hiệu quả mang tính nghệ thuật đặc biệt được phát triển để khơi dậy những trạng thái tâm lý cao cấp. Cái “siêu phàm” - hiệu quả của cái đẹp trong sự hùng vĩ (ví dụ, một cảnh quan nhìn từ một đỉnh núi) - đã tạo ra những cảm giác sợ hãi, tôn kính, choáng ngợp và sức mạnh vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người. 

Chủ nghĩa Lãng mạn chiếm ưu thế và thích hợp với hầu hết những nhà thơ và những nhà tiểu luận Mỹ. Rừng núi bao la, sa mạc vô tận và miền nhiệt đới mênh mông của nước Mỹ là hiện thân của cái “siêu phàm”. Tinh thần lãng mạn dường như đặc biệt thích hợp với nền dân chủ Mỹ: nó đề cao chủ nghĩa cá nhân, tôn vinh giá trị của con người bình thường, và hướng vào sự tưởng tượng đầy cảm hứng để tìm những giá trị thẩm mỹ và đạo đức. Chắc hẳn những tác giả theo chủ nghĩa siêu nghiệm ở New England: Ralph Waldo Emerson, Henry David Thoreau và bằng hữu của họ - đã được trào lưu Lãng mạn kích thích để vươn tới một sự khẳng định lạc quan và mới mẻ. New England chính là mảnh đất màu mỡ của hạt giống lãng mạn chủ nghĩa. 

 

CHỦ NGHĨA SIÊU NGHIỆM
Phong trào Siêu nghiệm trong văn học là sự phản ứng chống lại chủ nghĩa Duy lý thế kỷ thứ 18 và là biểu hiện của khuynh hướng nhân bản trong các trào lưu tư tưởng thế kỷ thứ 19. Trào lưu này đặt nền tảng trên niềm tin cơ bản vào sự hợp nhất của Thế giới và Thượng đế. Linh hồn của mỗi cá nhân được xem là đồng dạng với vũ trụ - một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ. Học thuyết về tự - tin - cậy và chủ nghĩa cá nhân đã phát triển thông qua niềm tin vào sự đồng nhất của linh hồn mỗi con người với Thượng đế.

Trào lưu Siêu nghiệm gắn bó mật thiết với Concord, một làng nhỏ ở New England cách Boston 32km về phía tây. Concord là vùng định cư sâu trong đất liền đầu tiên của thuộc địa Vịnh Massachusetts buổi ban đầu. Được rừng cây bao quanh, nó đã và vẫn là một thị trấn thanh bình đủ gần để có thể tiếp xúc với những bài giảng, những hiệu sách và những trường đại học ở Boston để có thể gặt hái thật nhiều quả ngọt tri thức, nhưng cũng đủ xa để giữ được sự thanh khiết. Concord cũng là nơi xảy ra cuộc chiến đầu tiên của cách mạng Hoa Kỳ và bài thơ của Ralph Waldo Emerson tưởng nhớ về trận chiến đó, Concord Hymn (Bản tụng ca Concord), có một khổ thơ mở đầu nổi tiếng trong văn học Mỹ:
Bên chiếc cầu thô sơ bắc ngang dòng nước
Lá cờ bay trong gió tháng Tư
Đã có thời ở đây người nông dân đứng lên chiến đấu
Tiếng súng của họ vang lên trên khắp địa cầu.

Concord là lãnh địa thôn dã đầu tiên của các nghệ sĩ Mỹ và là nơi đầu tiên cống hiến một chọn lựa tinh thần và văn hóa cho chủ nghĩa vật chất Mỹ. Nó cũng là nơi diễn ra các cuộc đàm luận tư tưởng và cuộc sống giản đơn đạm bạc (cả Emerson lẫn Henry David Thoreau đều tự trồng rau). Emerson đến Concord năm 1834, và Thoreau là những người gắn bó nhất với thị trấn này, nhưng địa danh này cũng lôi cuốn cả nhà văn Nathaniel Hawthorne, nhà văn đấu tranh cho nữ quyền Margaret Fuller, nhà giáo dục (và là cha của nhà văn Louisa May Alcott) Bronson Alcott, và nhà thơ William Ellery Channing. Câu lạc bộ Siêu nghiệm được tổ chức một cách rất thoáng đạt vào 1836 và bao gồm, ở nhiều thời điểm, Emerson, Thoreau, Fuller, Channing, Bronson Alcott, Orestes Brownson (một mục sư hàng đầu), Theodore Parker (một mục sư ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ) và những người khác.
Những người theo chủ nghĩa Siêu nghiệm xuất bản một tạp chí ra hàng quý, tờ The Dial, tồn tại được 4 năm. Margaret Fuller làm chủ bút đầu tiên và về sau là Emerson. Họ dấn thân cả vào lĩnh vực cải cách xã hội cũng như văn học. Một số người theo chủ nghĩa Siêu nghiệm ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ, và một số tham gia vào các cộng đồng của chủ nghĩa xã hội không tưởng thử nghiệm, chẳng hạn như Brook Farm (Trại Brook) ở gần đấy (được Hawthorne mô tả trong cuốn The Blithedale Romance (Khúc ca thung lũng hạnh phúc) và Fruilands.
Khác với nhiều nhà văn châu Âu, các nhà văn theo phái Siêu nghiệm không đưa ra một bản tuyên ngôn nào. Họ vẫn duy trì quan điểm về những khác biệt cá nhân - về kiến quan độc đáo của cá nhân. Về mặt này, các nhà văn lãng mạn Siêu nghiệm Mỹ đẩy chủ nghĩa cá nhân tiến bộ đến cực điểm. Các nhà văn Mỹ thường xem mình là những người thám hiểm đơn độc bên ngoài cơ cấu và quy ước xã hội. Người hùng Mỹ - như thuyền trưởng Ahab của Herman Melville, Huck Finn của Mark Twain hay Arthur Gordon Pym của Edgar Allan Poe - thường đương đầu với hiểm nguy, thậm chí với cả sự hủy diệt, trong việc theo đuổi sự tìm kiếm bản thân mang tính chất siêu hình. Đối với các nhà văn lãng mạn Mỹ chẳng có gì là điều chắc chắn. Những quy ước trong văn học và xã hội, chẳng mảy may có ích lợi gì, lại nguy hiểm. Một áp lực khổng lồ thúc bách các nhà văn khám phá ra một hình thức, nội dung và tiếng nói cho một nền văn học đích thực - tất cả đều cùng một lúc. Rõ ràng, nhiều kiệt tác sản sinh ra trong 3 thập kỷ trước cuộc nội chiến Mỹ (1861 - 1865) là kết quả của việc các nhà văn Mỹ vươn lên đối đầu với thử thách.

No comments: