Monday, May 13, 2013

Vũ Quốc Dụng

                                                  ÔNG GIÀ GÂN 



Là một người hoạt động về nhân quyền tôi chú ý đến những đóng góp của ông trong lãnh vực nhân quyền, cả về lý thuyết lẫn hoạt động.
Một cuộc đời ly kỳ
Cuộc đời của Hessel rất ly kỳ. Ông gia nhập quân đội Pháp và bị quân Đức Quốc Xã bắt năm 1940 nhưng vượt ngục thoát được sang Luân Đôn. Năm 1941 ông gia nhập lực lượng kháng chiến Pháp dưới sự lãnh đạo của tướng De Gaulle. Năm 1944 ông bị mật vụ Gestapo của Đức Quốc Xã bắt vì tội gián điệp, bị tra tấn, bị xử án tử hình và đưa về giam ở trại tập trung Buchenwald. Tại đó ông tráo lý lịch với một tù nhân bị chết vì bệnh thương hàn nên không bị giết. Đến năm 1945 ông Hessel lại vượt ngục trước khi Âu Châu được quân đồng minh giải phóng.
Sau Thế chiến ông gia nhập ngành ngoại giao Pháp và tham gia vào việc soạn thảo bản
Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế (TNNQQT) năm 1948. Hồi đó ông là thư ký của Ủy hội Nhân quyền (UN Commission on Human Rights) và có nhiệm vụ tổng hợp ý kiến của các thành viên của uỷ ban soạn thảo bản tuyên ngôn này. Tuy không phải là thành viên chính thức của ủy hội này và không nổi tiếng bằng ông René Cassin, một trong những cha đẻ của TNNQQT, nhưng đời nay vẫn xem ông ta là đồng tác giả của văn bản quan trọng này
người Paris thắp nến tưởng niệm Hessel
   Cả đời Hessel gắn bó với bản TNNQQT. Ông cho biết ông luôn mang theo mình “bản tuyên ngôn vĩ đại” này và kêu gọi chúng ta phải hỗ trợ một cách mạnh mẽ cho nó. Hessel viết về ý tưởng của nhân quyền như sau: “Nhờ René Cassin mà chúng ta có “quyền phổ quát ” thay vì dùng từ ngữ “quyền quốc tế” như đã được các bạn Mỹ, Anh đề nghị. Sau Đệ nhị Thế chiến vấn đề của chúng ta là phải tìm cách để nhân loại thoát khỏi được sự đe dọa của chủ nghĩa độc tài toàn trị. Do đó chúng ta cần bắt các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc phải tuân thủ nhân quyền phổ quát. Với cách này một quốc gia không còn có thể vin vào lập luận chủ quyền quốc gia để vi phạm tội ác chống nhân loại trên lãnh thổ của họ.”

Người dân thắp nến vào ngày 27 tháng 2 năm 2013 tại Paris, trong một cuộc tuần hành để tỏ lòng tôn kính ông Stephane Hessel đã qua đời ở tuổi 95. AFP PHOTO Kenzo TRIBOUILLARD.
Tôi xin mở ngoặc nói thêm về các khái niệm “quyền quốc tế” và  “quyền phổ quát ” của  Hessel. Khi nói đến quyền quốc tế người ta hiểu đó là những bộ luật quốc tế. Mà đã là luật thì phải có ký kết mới có hiệu lực ràng buộc. Nhiều nước viện cớ họ không ký nên không có bổn phận tuân thủ và thi hành các bộ luật quốc tế. Còn khi nói đến quyền phổ quát là muốn nhấn mạnh đến ràng buộc về mặt đạo đức của nhân quyền. Nhân quyền là quyền gắn liền với tính chất Người của con người và phải được xem là quyền tự nhiên, không cần phải đặt ra luật thì mới có nhân quyền và như thế nhân quyền có trước luật quốc tế.  Như vậy những nước không ký vào một công ước nhân quyền nào cũng vẫn phải tôn trọng nhân quyền. (Nhân quyền có tính phổ quát, nghĩa là con người có nhân quyền vì họ là người và bất kể họ thuộc chủng tộc, có màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị, quốc tịch hay có địa vị nào.)
Một tấm gương đấu tranh
Ý kiến về quyền phổ quát của Hessel đã được khẳng định trong Hội nghị Nhân quyền quốc tế họp ở Vienne năm 1993 mà năm nay chúng ta sẽ làm lễ kỷ niệm 20 năm. Hội nghị này cũng khẳng định việc can thiệp của quốc tế khi xảy ra vi phạm nhân quyền ở một quốc gia. Hội đồng Nhân quyền LHQ hiện xem xét các vi phạm nhân quyền ở các quốc gia trên toàn thế giới bất kể các quốc gia này có ký kết tham gia vào các công ước nhân quyền hay chưa.
Hessel không phải là một lý thuyết gia mà còn là một nhà hành động không biết mệt mỏi. Khi hoạt động Hessel đã giữ bản chất phản kháng của một kháng chiến quân. Với quan niệm „Con người phải dấn thân để cải thiện thế giới“, trong bài tiểu luận nổi tiếng mang tựa để „Hãy nổi giận“ viết năm 2009 Hessel kêu gọi thế hệ trẻ phải biết nổi giận, phải bất tuân dân sự và phải bỏ thái độ bàng quan trước những bất công xã hội và trên bất công thế giới. Bài này đã được in trên 4 triệu bản và phổ biến trên 100 quốc gia.
Người đời sau sẽ nhắc đến những dấn thân của Hessel để đòi hỏi những nước giàu ở Bắc bán cầu phải san sẻ cho những nước nghèo ở Nam bán cầu, cho quyền của những người di dân „không giấy tờ (hợp pháp)“ trên đất Pháp, nhưng cá nhân tôi chú ý đến lập trường của ông đối với vấn đề xung đột giữa Palestine và Israel. Ông đã đứng ra bảo vệ quyền sống của người Palestine ở dải Gaza và vùng Tả ngạn sông Jordan và chống lại cái mà ông gọi là tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại của Israel. Ông đã kêu gọi tẩy chay, không đầu tư và cấm vận đối với Israel. Lập trường khá cực đoan của ông đã gây tranh luận sôi nổi và khiến ông bị phản đối không ít tại Pháp. Ở Pháp, nhất là Đức - là nơi xảy ra cuộc diệt chủng 6 triệu người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã - người ta dễ bị dán nhãn là „kỳ thị người Do Thái“ khi mở miệng chống Israel. Dù có thể không đồng ý với lập trường của ông trong vấn đề Israel nhưng chúng ta cũng phải cảm phục thái độ lội ngược dòng can đảm của người gốc Do Thái này đối với Israel. Ở đây bản chất phản kháng Hessel đã lộ rõ nhất.
Ông già gân Stéphane Hessel đã qua đời ở tuổi 95 và để lại cho chúng ta một tấm gương đấu tranh không mệt mỏi và một di sản tinh thần đáng kể.



No comments: