TỪ MIẾN ĐIỆN TỚI VN
Tại sao có cách mạng ở Trung
Đông, ở Miến Điện mà ở VN chưa có “cách mạng muà
Xuân”, mặc dù đã hội tụ đủ mọi điều kiện : bế
tắc chính trị, khủng hoảng kinh tế, sa đọa xã hội,
và ghê gớm, khẩn cấp hơn nữa, hiểm họa mất nước?
Lấy thí dụ Miến Điện. Tại
sao có thay đổi ở Miến Điện? Những yếu tố hiển
nhiên: Miến Điện sẽ làm chủ tịch ASEAN 2014, tinh thần
quốc gia gần như cực đoan của giới quân phiệt cầm
quyền (độc tài, tham nhũng không thua ai, nhưng vẫn yêu
nước) thấy hiểm họa Trung Cộng trước mắt. Giới
quân phiệt muốn nhích lại với Tây phương, không thể
không nhượng bộ, không thể tiếp tục giam tại gia bà
Aung Suu Kyi, khuôn mặt khả ái, khả kính của nhân quyền
ở Miến.
Rất nhiều người VN lên đường
chống thực dân vì lòng ái quốc, nhưng đảng Cộng sản
đã đưa VN vào quỹ đạo Nga, Hoa, nhất là Hoa, ngày nay
tập đoàn lãnh đạo bắt buộc phải bám vào Trung Cộng
để sống còn, để bảo vệ quyền lợi. Bi đát hơn nữa
: có muốn ra khỏi quỹ đạo cũng quá trễ. Cái thòng
lọng Tầu đã xiết chặt cổ.
Đó là những yếu tố chính trị.
Yếu tố văn hoá : người VN không có truyền thống phản
kháng. Văn hóa VN không phải là văn hóa phẫn nộ của
Stéphane Hessel. Văn hoá VN là văn hóa “một sự nhịn,
chín sự lành”. Cái văn hóa “tránh voi chẳng hổ mặt
nào ” giúp con voi càng ngày càng thô bạo.
Cái thói quen chịu đựng, cộng
thêm với văn hoá Khổng giáo, đúng hơn là Tống nho, coi
vua là con trời, hơn cả cha mẹ, và “cha mẹ đặt đâu,
con ngồi đấy”, đã biến chúng ta thành những người
thụ động.
Câu hỏi đặt ra : tại sao cách
mạng ở Tunisie và Ai Cập mà vẫn không có biến chuyển
ở VN. Hai dân tộc Tunisie và Ai Cập được coi là hai dân
tộc thụ động nhất ở Bắc Phi và Trung Đông. Tôi nhớ
một buổi trò truyện với một số người Tunisiens sống
ở Paris. Tất cả đều có bằng cấp cao, theo con mắt VN,
đó là những nhà trí thức. Khi tôi hỏi về tình hình
chính trị ở Tunisie, không ai trả lời, lảng sang truyện
khác. Sau bữa ăn, khi mọi người ra về, còn lại một
người, Ahmed , ông ta cho hay là chính trị xứ ông ta nát
bét, dân chủ chỉ là trò bịp, tham nhũng khủng khiếp.
Tại sao vừa rồi ông ta không nói gì? Ahmed cười, hơi
ngượng, nếu anh nào phát biểu bừa bãi, sẽ có đứa
báo cáo tòa đại sứ và hết về nước nghỉ hè. Hai
tuần sau, Bouazizi tự thiêu, ngọn lửa phẫn nộ bùng lên,
gia đình tổng thống Ali bỏ của chạy lấy người. Ngọn
lửa phẫn nộ vượt biên giới, tràn sang Ai Cập và
Lybie.
Tại sao những dân tộc được
coi là thụ động có cái khả năng phẫn nộ dữ dội như
vậy, mà ở VN chưa có? Có một hiện tượng tạm gọi là
hội chứng (syndrôme) Algérie. Lửa cháy chung quanh, nhưng
Algérie chưa động tĩnh gì, vì dân Algérien đã mệt
nhoài, cả về thể xác lẫn tinh thần, chỉ muốn được
yên thân. Sau khi dành độc lập khỏi tay thực dân Pháp,
đất nước rơi vào tay độc tài , tập đoàn của những
lãnh tụ kháng chiến cũ, những người kháng chiến vì lý
tưởng độc lập, tự do,công bình, nhân ái, khi nắm
quyền làm ngược lại, chứng minh công thức “quyền lực
đưa tới tham nhũng. Quyền lực tối đa, tham nhũng tối
đa”. Algérie giống VN một điểm nưã: lực lượng công
an cảnh sát hữu hiệu. Ở Alger, sau biến cố Tunisie, nhà
nước huy động 35.000 cảnh sát bao vây, giải tán 500
người biểu tình. Một ông phẫn nộ, 70 ông cớm!
Algérie có thêm một đại họa :
khủng bố Hồi giáo đã gây kinh hoàng và làm tê liệt
đất nước. VN (lạy Chúa, lạy Phật) không có khủng bố
Hồi giáo, nhưng có đại họa khác làm tiêu tan khả năng
phẫn nộ: văn hoá chu di tam tộc. Người Cộng Sản đã
khôi phục cái văn hóa của thời man rợ. Anh có tội - sợ
mất nước là một cái tội, khóc với dân là một cái
tội, nghĩ và đòi quyền sống là một cái tội - không
phải chỉ có anh lãnh hậu quả, mà cả gia đình vợ con,
cha mẹ, gia đình anh bị liên lụy. Anh có can đảm cùng
mình, có coi nhẹ tù đầy và cái quý nhất của con người
là mạng sống, anh cũng bó thay khi nghĩ tới cái vạ sẽ
đổ xuống đầu những người thân. Cái văn hóa chu di
tam tộc nó man rợ nhưng hiệu quả. Hiệu quả bởi vì
man rợ. Ai có thể tưởng tượng điều đó ở thế kỷ
21?
Những kỹ thuật đàn áp ghê
rợn, điển hình là cuộc Cải Cách Điền Địa đẫm
máu, vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, những Toà án Nhân dân
(!) , những trại cải tạo sau 75, đã tiêu diệt tinh thần
phẫn nộ của người Việt.
SỰ MÒN
MỎI CỦA LÒNG TRẮC ẨN
Bà Aung San Suu Kyi, trong bài diễn
văn cách đây ít ngày ở Oslo than phiền những đóng góp
cho các chương trình nhân đạo càng ngày càng giảm bớt.
Bà Kyi nói: sự giảm sút đóng góp là kết quả cuả “sự
mòn mỏi cuả lòng trắc ẩn ”. Thế giới sẽ đi về
đâu, xã hội sẽ đi về đâu nếu không còn lòng trắc
ẩn?
Người ta ngỡ ngàng trước cảnh
một em bé bị xe nghiến trước sự dửng dưng của mọi
người ở bên Tầu. Còn VN? Những chuyện tương tự xẩy
ra hang ngày. Một thí dụ, trong những thí dụ : Một bà
già bị xe cán, nằm ôm cái chân gẫy, rên rỉ. Nhiều
người muốn can thiệp. Người lái xe xuống xe, quát: “Đ.
M. Có biết ông là ai không?” Mọi người nín khe, bỏ
mặc bà già nằm rên rỉ. Người kể
chuyện kết luận : chưa chắc gã lái xe là ông lớn hay
con cháu ông lớn.
Còn
đâu là lòng trắc ẩn? Không còn trắc ẩn, làm sao có
phẫn nộ?
Đó
chắc chắn là cái di sản ghê rợn nhất của những năm
Cộng sản. Biến con người thành thành vô tâm, vô cảm.
Bịt tai, bịt mắt, bịt miệng để sống, thờ ơ trước
bất công, lãnh đạm trước cái đau khổ của người
khác.Những đổ vỡ về chính trị, về kinh tế có thể
hàn gắn trong vài chục năm. Sự sa đoạ về con người,
băng hoại văn hoá phải nhiều thế hệ mới hy vọng cứu
vãn được. Nếu bắt tay cứu vãn trước khi quá trễ.
Trước khi bị diệt vong.
THÁI
ĐỘ XẤU NHẤT LÀ SỰ THỜ Ơ
Trong bối cảnh
đó, phải khâm phục những người dám bày tỏ sự phẫn
nộ cuả mình ở trong nước. Những người đấu
tranh cho dân chủ, cho nhân quyền,
Phải khâm phục những người
nông dân mất đất đã tay không đứng dậy. Phải khâm
phục những giáo dân, Phật tử đã xả thân đòi tự do
tín ngưỡng. Phải khâm phục những bloggers, những nhà
báo, những nghệ sĩ đã có can đảm nói lên sự thực.
Phải khâm phục những người đã tranh đấu cho công
nhân, ở trong nước hay bị bán ra ngoại quốc.
Cái trở ngại cho họ không chắc
đã là chính sách đàn áp của người cầm quyền. Cái
trở ngại cho họ là sự thờ ơ, thụ động của người
chung quanh. Nhiều người tiếc VN không có một người
như Aung Suu Kyi. Nhưng nếu bà Kyi là người VN, có bao
nhiêu người đứng sau lưng bà như dân Miến. Những Lê
thị Công Nhân tranh đấu trong sự cô độc. Cái bản
tính thờ ơ, cố chấp, nghi kỵ, ganh ghét của người
Việt, ngay cả giữa những người hoạt động cho dân
quyền ở VN, đã khiến chúng ta chưa có Aung San Suu Kyi hay
Nelson Mandela.
Hessel viết “thái độ xấu nhất
là sự thờ ơ” (la plus mauvaise attitude est
l’indifférence) và nhắc câu nói của Jean Paul Sartre :
mỗi người, với tư cách cá nhân, có trách nhiệm với
xã hội ( vous êtes responsables en tant qu’individus).
Sự thờ ơ, với rất nhiều
người Việt Nam, đã trở thành một đức tính, một thái
độ khôn ngoan của những người từng trải. Người ta
hãnh diện, khoe khoang cái túi khôn của mình và dè bỉu
cái dại dột của người khác. Ở những nước tân tiến,
những người dại dột, những người ăn cơm nhà vác ngà
voi, là những tác nhân làm cho xã hội tốt đẹp hơn,
công bình hơn, làm cho con người đối với nhau còn là
con người.
Sống trong sự hoài nghi thường
trực, với sự thờ ơ như một nhân sinh quan khả kính,
với tính thụ động như một mục tiêu, lòng trắc ẩn
mòn mỏi, với sự vắng bóng của phẫn nộ, bao giờ VN
có cách mạng muà Xuân như ở Bắc Phi, Trung Đông, thay
đổi chính trị nhưnhư ở Miến
Stéphane Hessel nói
nếu anh sống dửng dưng, hãy tìm một lý do để nổi
giận. Lý do để nổi giận không hiếm: sự lộng hành
của tài phiệt đã đưa tới khủng hoảng kinh tế, sự
bất công xã hội càng ngày càng ghê rợn, môi trường bị
phá hoại… Với người VN, khỏi cần tìm kiếm, những
lý do để nổi dậy đếm không nổi : độc tài, nhân
quyền, tự do bị chà đạp, nhân công bị bán ra nước
ngoài,sống như nô lệ, phụ nữ bị gởi đi bán dâm kiếm
ăn, nông dân bị cướp đất, và hiểm hoạ đất nước
sừng sững trước mắt.
Vụ
Hoàng Sa, Trường Sa đã gây phẫn uất trong mọi giới.
Một cơn gió mới. Hy vọng sự phẫn nộ đó sẽ là động
lực đưa đến thay đổi ở VN. Thay đổi hay mất nước.
Thay đổi hay là chết.
TỪ THỨC
(Paris, Juin 2012)
( 1 ) INDIGNEZ VOUS. Stéphane Hessel.
Ed Les Indigènes, Montpelliers, France. 2010. Phát hành: Harmonia
Mundi. Bản tiếng Anh: Time For Outrage. Hardoven Editions.
( 2 ) Engagez-vous.
Stéphane Hessel. Editions de l’Aube. France.
2011.
( 3 ) Le Chemin de
l’Espérence. S.Hessel § Edgar Morin. Ed Fayard.
Paris. France. 2011.
No comments:
Post a Comment