Saturday, May 11, 2013

Chia sẻ thân thiện

               

Các thành tố tạo nên một nền dân chủ vững chắc

 Valerie Bunce

Valerie Bunce là Giáo sư Khoa Chính phủ và Trưởng khoa Quốc tế học Aaron Binenkorb tại trường Đại học Cornell. Bà là, chuyên gia về dân chủ và phương thức cai trị độc đoán thời hậu cộng sản ở châu Âu và đại lục Á – Âu. Bà cũng là đồng biên tập cuốn Dân chủ và Chủ nghĩa độc đoán ở thế giới hậu cộng sản (Democracy and Authoritarianism in the Postcommunist World)(2009).

Các cuộc bầu cử trong một nền dân chủ lành mạnh quy định các chính quyền phải chịu trách nhiệm trước những người mà nó lãnh đạo và tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Bầu cử dân chủ không chỉ dừng lại ở việc bỏ phiếu và kiểm phiếu. Trong một nền dân chủ lành mạnh, các cuộc bầu cử quy định các chính quyền phải chịu trách nhiệm trước những người mà nó lãnh đạo. Điều này đạt được khi:
  • Người dân được tự do lựa chọn người đại diện chính trị của họ.
  • Người dân được lựa chọn trong số các ứng cử viên tìm kiếm sự ủng hộ từ họ.
  • Những người cầm quyền phải được bầu cử lại để tiếp tục giữ chức vụ của họ sau một thời hạn định trước. Họ phải tham gia điều trần định kỳ và phải đối diện với nguy cơ không được bầu.
Các cuộc bầu cử cạnh tranh tạo nên thế không chắc chắn giữa các ứng cử viên, qua đó khuyến khích họ phải đáp ứng nhanh chóng hơn các yêu cầu của người dân.

Các cuộc bầu cử sẽ chỉ được tổ chức một cách hợp lệ khi được tổ chức định kỳ, tự do và công bằng. Ở nhiều nền dân chủ mới ở khu vực châu Phi cận Sahara và các nước hậu cộng sản ở đại lục Á – Âu, yếu tố cạnh tranh trong bầu cử không đảm bảo được trách nhiệm giải trình. Đôi khi là do quy trình bầu cử không hợp lệ chứ không phải do tính minh bạch và việc tuân theo các quy định về thể chế. Ở một số quốc gia, những người cầm quyền chi phối chính trường bằng cách bảo trợ cho những người ủng hộ tiềm năng và có uy tín, hay tạo ra những đối thủ “giả mạo” và quấy nhiễu đối thủ “thực sự”. Ngoài ra, các chế độ dân chủ hình thức còn có thể kéo dài thời gian đương chức bằng cách kiểm soát việc đăng ký bầu cử, số cử tri và việc kiểm phiếu.

Khoảng cách giữa hành động dân chủ thực sự và tỏ ra dân chủ sẽ được rút ngắn lại khi các đảng và các ứng cử viên đối lập thực hiện các chiến dịch tranh cử mạnh mẽ. Các chiến dịch này sẽ lôi kéo người dân và các nhóm xã hội dân sự tổ chức đăng ký bầu cử cho cử tri, lấy phiếu bầu và giám sát cuộc bầu cử. Đây chính xác là những việc đã được thực hiện ở các cuộc bầu cử chủ chốt ở Slovakia năm 1998, ở Croatia và Serbi năm 2000, ở Giorgia năm 2003 và Ukraina năm 2004. Trong mỗi trường hợp, các công dân đều đã tiến hành các biện pháp dân chủ, bao gồm cả việc bầu cử và đấu tranh để buộc những kẻ lãnh đạo độc đoán hay những người kế nhiệm được lựa chọn của những kẻ này phải chấp nhận thất bại.

Chuyển giao quyền lực là thách thức với bất kỳ một hệ thống chính trị nào. Các nền dân chủ lành mạnh giải quyết tình huống này một cách suôn sẻ và hòa bình. Các cuộc bầu cử trong sạch và việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình chứng tỏ những người thất bại hôm nay có thể là người chiến thắng ngày mai, và ngược lại. Những người giành chiến thắng và những người ủng hộ họ phải tiếp tục ứng phó với những ý kiến của đối thủ và chú ý tới vòng bầu cử tiếp theo. Những người thua cuộc và những người ủng hộ của mình có thể tập trung vào các cơ hội hiện tại và trong tương lai thay vì tỏ ra bất mãn với kết quả. Khi tự tin rằng có thể giành chiến thắng ở lần sau thì họ cũng dễ dàng chấp nhận trật tự chính trị hiện tại hơn và ít hướng đến việc lật đổ một chính quyền dân chủ bằng biện pháp bạo lực hơn.

Mọi cuộc chuyển giao quyền lực cho bộ máy lãnh đạo mới đều ẩn chứa sự thay đổi, do vậy nên cũng tạo ra thách thức đối với sự ổn định chính trị. Dân chủ giúp giảm thiểu thách thức này bằng cách duy trì các cuộc bầu cử thường xuyên và cạnh tranh, mở ra các cơ hội thực sự cho những nhà lãnh đạo mới nổi lên và thông qua các cuộc chuyển giao quyền lực minh bạch giúp người thắng và người thua chấp nhận số phận. Tuy nhiên, các nền dân chủ khác nhau cũng đánh giá các lợi ích của sự ổn định so với yêu cầu về đa dạng chính trị và thay đổi, và thậm chí còn đi ngược lại với nguyện vọng của cử tri, đưa cùng một ứng cử viên lên nắm quyền hết kỳ này đến kỳ khác. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Armenia và hơn 30 quốc gia khác ở khu vực châu Phi cận Sahara đều có giới hạn thể chế về khoảng thời gian mà một nhà lãnh đạo được phép cầm quyền. Những giới hạn này đảm bảo ngăn chặn được sự chuyên quyền bằng cách ngăn không cho bất kỳ một cá nhân nào được nắm giữ quyền lực quá lâu, nhưng đồng thời cũng không cho người dân có cơ hội bầu cho một ứng cử viên đã “hết nhiệm kỳ”.

Do vậy mà các các cuộc bầu cử phục vụ cho hai chức năng chính trong một trật tự dân chủ. Chúng đảm bảo chính quyền phải chịu trách nhiệm trước người dân của mình và thúc đẩy việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Hai kết quả này ngược lại cũng hợp pháp hóa nền dân chủ. Công dân của một nền dân chủ lành mạnh coi một chính quyền đại diện là “cách duy nhất” để dẫn dắt chính trị.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này không nhất thiết phản ánh quan điểm  của blog lá xanh

No comments: