Thursday, May 9, 2013

Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ


Con và Cha






Nhà thơ Hoàng Trung Thông nổi tiếng là người cương trực. Sinh thời, ông từng đảm trách nhiều vị trí quan trọng: Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên huấn Trung ương, Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, Viện trưởng Viện Văn học…

Tuy nhiên, nhắc đến Hoàng Trung Thông, bạn hữu thường nhắc đến những kỷ niệm xoay quanh câu thơ và chén rượu - hai thú vui của ông trong những năm tháng cuối đời. Và cũng chính từ những lần chuếnh choáng hơi men này, ông đã viết nên cặp câu đối thể hiện cốt cách của mình:

Cậu tỉnh cứ tình ca, chắc chẳng lang bang đấy chứ

Mình thường khi chuếnh choáng, đã từng quỵ lụy ai đâu

Tôi không có vinh hạnh được một lần cụng chén với nhà thơ Hoàng Trung Thông, song cũng đã một số lần được làm bạn nhậu của con trai ông - họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ.

Có thể nói, Hoàng Phượng Vỹ có "cái thần" rất giống người cha. Khi rượu vào, anh chăm chắm nhìn thẳng người đối thoại, cặp mắt hiền từ, có chút gì đó hoang mang, thảng thốt. Nhiều lúc anh muốn nói gì đó, rồi như lại cùng chén rượu cố nuốt vào
         

Với Hoàng Phượng Vỹ, khi nhậu thì tất cả đều là bạn, đều bình đẳng. Nếu như trước đây, Hoàng Trung Thông từng mắng một người khi người này gọi ông là "thủ trưởng" ở nơi quán rượu, thì bản thân tôi cũng chứng kiến một lần Hoàng Phượng Vỹ mắng một người bạn rượu "làm gì mà cuống lên thế" khi anh bạn này tỏ ra khúm núm trước việc sếp của anh ta vô tình ghé vào cùng tham gia cuộc vui. Và tôi nhận thấy trong mắt Hoàng Phượng Vỹ lóe lên một sự khinh miệt thái độ của anh bạn nọ.

Cũng có lúc để râu ria lởm chởm như cha mình, song ở gương mặt của Hoàng Phượng Vỹ luôn toát lên sự đôn hậu. Ấy là bởi - giống như Hoàng thi sĩ - Vỹ có cái nhìn đầy trắc ẩn. Sáng tác của Hoàng Phượng Vỹ chủ yếu là tranh. Anh thường xuyên tham gia minh họa cho báo Văn nghệ.

Trong các bức họa của anh, điều dễ nhận thấy là đôi bàn tay của nhân vật bao giờ cũng to một cách dị thường. Có lẽ anh muốn nhấn mạnh cái ý tưởng nảy nở từ hai câu thơ của cha mình "Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" chăng?


Anh sáng tạo vì không sao phản ảnh
Anh cho đời những cái đời không cho"
                            (Di cảo Chế Lan Viên)

1. Không hiểu sao, cứ mỗi một lần gặp Hoàng Phượng Vỹ, trong tôi lại trào lên những thương cảm. Nói điều đó ra, bản thân tôi cũng thấy vô lý, nực cười bởi trước khi trở thành họa sỹ trẻ tài năng và tên tuổi, Hoàng Phượng Vỹ có may mắn sinh ra trong một gia đình trí thức nòi, các anh chị gần hết là giáo sư tiến sỹ thành đạt ở trong và ngoài nước, anh là con trai út của nhà thơ nổi tiếng Hoàng Trung Thông.
Nhưng cảm giác thương cảm ấy là có thật trong tôi, và ắt hẳn Vỹ sẽ không hài lòng, sẽ dữ dội phản kháng. Có thể Vỹ sẽ giận tôi, sẽ siếc sẩm tôi là thứ "mậu dịch viên" (Vỹ vẫn thường hay gọi chúng tôi là mậu dịch viên, là đoàn thể, là số đông, trong khi Vỹ luôn đứng ở phía cá thể, tôn trọng cái tôi cá nhân hết mực).
Có lẽ một lần nào đó tôi đã thấy Hoàng Phượng Vỹ uống rượu với bạn bè. Giữa đám bạn hữu thân thiết (vì rất ít khi, Vỹ uống rượu mà không phải với những người thân, những người Vỹ bắt gặp ở đó một tiếng lòng, hay dẫu một chút nhỏ thôi, một tri âm tri kỷ), Vỹ uống và nói nhiều, đến say mềm, say khướt.



Lúc nào Vỹ nói nhiều, ấy là lúc Vỹ có một chút men say, một chút chất xúc tác, hoặc là khi Vỹ hoàn toàn tỉnh táo, ngọn ngành và khúc chiết khi nói về triết học, hoặc nói về thơ ca, văn học Nga, Pháp, Trung Hoa và một chút về hội họa...
Nhưng khi men say ấy đến độ, Vỹ lại im lặng. Giữa đám đông, giữa chúng bạn, giữa người thân, Vĩ uống không chỉ bằng môi, mà bằng ánh nhìn, bằng đôi mắt to, sẫm màu, lúc nào cũng như có rượu cháy ở trong đôi mắt ấy. Sâu trong đôi mắt ấy là một nỗi buồn vô hạn, một nỗi cô đơn không cùng, nỗi cô đơn ấy hiện lên, sừng sững trong bóng dáng Vỹ lúc Vỹ nâng chén rượu, lúc Vỹ nhìn sâu vào người đối diện mà thực ra là nhìn vào cõi hư vô ở phía trước mặt mình.
Trong giới họa sỹ, dung nhan Vỹ là một Man đích thực. Gương mặt Vỹ đẹp thật, góc cạnh, nam tính mà buồn (mặc dù cuộc sống của Vỹ nỗi buồn không có cơ hội để len tới. Vỹ sống thanh thản, bình dị trong căn nhà chung cư xinh đẹp ở Khu đô thị Thăng Long. Vỹ có một người đàn bà đậm đặc nữ tính (chữ dùng của Vỹ) làm vợ, yêu thương và âu lo cho Vỹ mọi điều. 
Họ có một con gái xinh đẹp và ngoan hiền - một tổ ấm hạnh phúc mà không phải ai cũng tạo dựng được trong cuộc sống nhiều mệt mỏi này). Vỹ không có cớ gì để buồn về họ, và cả những người thân rất thành đạt trong gia đình lớn của Vỹ. 


Thế nhưng, một nỗi cô đơn trống trải vẫn mơ hồ trên gương mặt Vỹ, trong đời sống của Vỹ và chẳng thể khác đi được sự lẻ loi cô độc ấy một khi Vỹ sinh ra trong một gia đình học thuật chỉn chu, nề nếp, gia phong, mọi người đều nhìn Vỹ, một họa sỹ tự do với một ánh mắt khác lạ.
Vỹ thấy lẻ loi, đơn độc trên con đường mình đi, trong sự nghiệp mà mình đã chọn. Ngay cả bản thể con người Vỹ cũng vậy, luôn có một sự chấp chới chênh vênh giữa buông thả và giữ gìn, giữa phá phách và nghiêm túc trong chân dung diện mạo và cả số phận cuộc đời mình.
2. Thật ra, hội họa đã lựa chọn Vỹ. Một sự lựa chọn khắc nghiệt và đau đớn, như số phận của bất kỳ một người nghệ sỹ sáng tác nào. Họ đau đớn bởi bất lực trước chính mình, bởi một sự hiến thân trọn vẹn tình yêu với nghệ thuật và chính họ sẽ đổ vỡ bởi nghệ thuật, đổ vỡ với chính bản thân mình.
Đó chính là nỗi cô đơn không chia sẻ và thấu hiểu của một kẻ làm nghệ thuật. Hội họa đã lựa chọn Vỹ, đã lôi Vỹ từ cái đời sống đã chừng mực ổn định sau những vất vưởng, nhọc nhằn. Vỹ sinh ra trong gia đình nề nếp, nhưng cha Vỹ là nhà thơ Hoàng Trung Thông, một người lao động thực sự với cây bút của mình.
Dù ở những chức vụ cao trong sự nghiệp, nhưng khi về hưu, ở những thập niên 80, cuộc sống của một quan chức văn hoá văn nghệ như ông, cơm chưa chắc đã đủ no, rượu chưa chắc đã đủ uống, và niềm tin chưa chắc đã giữ trọn. Hoàng Trung Thông nổi tiếng là ông đồ xứ Nghệ say thơ say rượu. 

              

Cuối đời, thú vui của ông là chống gậy lần ra quán rượu, ngồi nhìn ly rượu đầy trước mặt mà không chạm môi, vì lòng đắng nỗi nhân gian thế sự, nỗi nhớ bạn hiền đã bỏ ông khuất núi, cho đến khi bản thân ông cũng chìm vào cõi hư vô. Với các con, ông quyết không nhờ vả một ai để lo lót cho các con có một tương lai tốt.
Ở xứ Nghệ quê ông, con cái phải như những cái cây, tự tìm đất để mọc rễ, tự sống, tự tồn tại và oằn mình trong bão táp mưa sa để làm một cây cổ thụ. Vỹ học Trường Đại học Kiến trúc, tốt nghiệp đại học rồi, chàng kiến trúc sư trẻ dẫu làm thơ hay, lý luận học thuật giỏi, và dĩ nhiên nghề kiến trúc vững vàng, với một cái đầu nhiều chữ do đọc nhiều và nhớ nhiều khủng khiếp, nhưng ra đời, Vỹ vẫn phải đi trộn hồ, trộn vữa, làm thợ xây, đủ mọi thứ nghề lao động chân tay để kiếm sống, để tồn tại, và để vất vưởng bởi những giày vò đau đớn vì Vỹ, con người tài hoa, nặng lòng với cái đẹp sinh ra không phải để làm thợ trộn hồ, để làm thợ xây, hay bất kỳ một người lao động chân tay nào hết.
Rồi sau những ngày tháng vất vưởng, khi cái nghề kiến trúc sư của Vỹ đã có thể mang lại cho Vỹ một cuộc sống ổn định, thì Vỹ lại bỏ nghề. Vỹ bỏ nghề bởi hồi sinh viên, Vỹ ám ảnh mãi một lần, Vỹ ký họa bằng bút bi bức chân dung của cha mình là Hoàng Trung Thông, Vỹ đưa cho họa sỹ Nguyễn Sáng xem, ông đã quay sang nói với Hoàng Trung Thông: "Ông để nó đi theo con đường hội họa.
Đó mới chính là con đường của nó". Vỹ đã mang theo câu nói ấy trong những năm tháng cực nhọc của tuổi trẻ, và tình yêu đối với hội họa thì chưa bao giờ nguội tắt, nó âm ỷ như những hòn than trong bếp lửa mùa đông giá, có thể bùng cháy bất kỳ trước một cơn gió nhẹ.
Và Vỹ đã bỏ một nghề nghiệp mà nhiều người mơ ước là kiến trúc sư để đi vẽ, hiến thân cho hội họa. Quyết định đó có thể đã dẫn Vỹ bước sâu hơn vào nỗi buồn, sự cô đơn mà Vỹ muốn.
Vỹ uống rượu từ khi anh còn rất trẻ. Đó cũng là sự khiếp hãi, nỗi buồn và những âu lo trải dài dằng dặc trong cuộc đời của mẹ Vỹ, người vợ đã đi qua những cơn say của người chồng hay rượu, đến những cơn say của cậu con trai mà bà thương nhất trên đời.
Vỹ uống rượu từ khi Vỹ chưa biết yêu, chưa thành một người đàn ông thực thụ, hay từng trải. Những giọt cay đắng ấy như thấm từ cuộc đời của người cha, của những bạn bè ông, chảy vào đời Vỹ, vào số phận Vỹ như bắt buộc phải thế.

http://antgct.cand.com.vn/Images/arr_1.gif

No comments: