Bên lề một cuốn
sách
Khi
nhà thơ Anh Earl of Surrey dùng thể thơ không vần để dịch tập 2 và 4, tập thơ
“Aeneid” của nhà thơ Ý, Virgil, qua tiếng Anh, nhà xuất bản gọi là “thể lạ”. Vì
thế khi giới thiệu thể thơ không vần của thơ Anh sang thơ Việt, và sáng tác bằng
thể thơ này, với những yếu tố phù hợp với ngôn ngữ Việt, tôi đặt tựa tập thơ là
“Thơ Khác”. “Thơ Khác” khác với những sáng tác của tôi từ trứơc đến nay, khác
với những thể lọai thơ Việt, và khác với thơ không vần Mỹ. Đây là tập thơ thứ
ba, sau hai tuyển tập song ngữ bao gồm nhiều tác giả, Không Vần và Thơ
Kể. Những tập thơ xuất bản được gửi tới những thư viện, cơ quan nghiên cứu
về Đông nam Á châu, những cơ sở, tạp chí thơ Mỹ, cùng một số những nhà thơ, nhà
biên tập, những người đọc bình thường và những sinh viên văn học Mỹ
…
Thơ
Mỹ, sau hai phong trào tiền phong Thơ Ngôn Ngữ và Thơ Tân Hình Thức ở những
thập niên 80, 90 cuối thế kỷ 20, không còn bất cứ một phong trào tiền phong nào
nữa. Thơ trở nên bão hòa với thơ thể luật (có vần và không vần)
và thơ tự do. Với những nhà thơ tự do, họ thực hành qua những phong cách đã
được khai phá từ những nhà thơ hiện đại, và những phong trào tiền phong nửa sau
thế kỷ 20. Thơ không có những phong cách mới. Những gì khai thác đã khai thác
hết, và những nhà thơ đi lại từ đầu. Thơ trải rộng, qui tụ từng nhóm nhỏ, sinh
họat qua nhiều hình thức, đặc biệt là trên những diễn đàn thơ. Tuy không còn
những phong trào tiền phong, nhưng nhiệt tình về thơ vẫn sôi sục không kém, số
lượng người làm thơ nhiều hơn, những sáng tác của từng nhà thơ cũng nhiều hơn,
nhờ những chia sẻ và góp ý nhanh chóng qua phương tiện internet. Vấn đề là,
không còn những tên tuổi nổi bật như thời hiện đại và hậu hiện đại, những nhà
thơ William Carlos Williams, Allen Ginsberg chẳng hạn … thơ được định giá
thường qua những giải thưởng thơ. Nhưng giải thưởng chỉ có giá trị tương đối,
vì không thiếu những nhà thơ hay, không dự tranh. Khi không còn những xáo động
bên ngòai, thiếu vắng phê bình và tranh luận, những nhà thơ để tâm tới thực
hành và thơ trở thành một nhu cầu và là nơi trú ẩn cho mỗi con người trứơc một
thế giới đầy biến động và bạo động.
Sống
trong một thời đại đa văn hóa, hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều sắc dân, tôi
tự hỏi, phải chăng thơ có khả năng và tiềm năng tạo sự thông cảm giữa nhiều
chủng tộc? Và điều đó đã thúc đẩy tôi làm cuộc trắc nghiệm, đưa thơ Việt đến
với những người đọc mới. Nhưng thơ dịch, từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác ở
bất cứ nền văn hóa nào đã thất bại, chỉ được coi như một tài liệu tham khảo.
Theo tôi, dịch là chuyển phong cách, nhạc tính và văn hóa một bài thơ từ ngôn
ngữ này đến một ngôn ngữ khác. Và như thế thơ phải thay đổi cách sáng tác làm
sao để công việc chuyển dịch được dễ dàng, giữ nguyên vẹn nhạc tính của thơ.
Nhưng điều kiện trước tiên 1 chúng tôi quan tâm tới vấn đề người dịch. Theo
Marilyn Gaddis Rose, “ngôn ngữ được dịch ra thông thường là ngôn ngữ bản địa
của người dịch.” 2 Bởi vì văn chương cần ngôn ngữ tự nhiên của tiếng mẹ đẻ để
có thể chuyển được cái sâu thẳm của tâm hồn con người và âm thanh tinh tế của
ngôn ngữ. Trong điều kiện khó tìm được một dịch giả Mỹ am hiểu rành rẽ tiếng
Việt để dịch thơ Việt qua tiếng Anh, tôi chọn những dịch giả Việt tới Mỹ từ
khỏang 7 tới 10 tuổi, mà tiếng Anh của họ còn tự nhiên và gần gũi với tiếng Anh
người bản địa. Sau này, tôi nhận ra, thơ tự do cũng cần thay đổi cách sáng tác
nếu muốn chuyển dịch. Lý do là, thơ tự do Mỹ, thay thế thể thơ bằng cấu trúc
thơ (hoặc hình thức trên trang giấy) 3, và thay cái hay qua nhạc tính
bằng cái hay trong phân tích để tìm ra ý nghĩa thơ. Nhưng phân tích
không phải là đặc tính của thơ Việt. Vì vậy thơ tự do Việt cần tạo ra một
cấu trúc mới và ý tưởng liền lạc để ngừơi đọc có thể hiểu, trước khi cảm nhận
được thơ.
Chúng
ta đang sống trong thời đại văn minh điện tóan, sự trao đổi, giao tiếp nhanh
cấp kỳ, chỉ trong giây phút. Nhưng tại sao những bất đồng dường như càng ngày
càng lớn, những cuộc chiến tranh khủng bố, bạo lọan, diệt chủng vẫn xảy ra? Tại
sao những khác biệt về văn hóa, tôn giáo lại được những thế lực cực đoan khai
thác để tạo nên những đối đầu không thể giải quyết? Tôi cho rằng, thơ có vô số
khả thể, và tự nó, đang có những thay đổi diện mạo, khác với thời hiện đại và
hậu hiện đại, trở thành nhân tố tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa những chủng tộc,
những sắc dân. Một lần nữa, thơ xoay mặt ra với thế giới bên ngòai, đóng vai
trò nối kết giữa nội tâm và ngọai giới, giữa con người và con người, như nhà
thơ Frederick Turner, qua Thơ Khác, ghi nhận, “Có lẽ ý tưởng xưa
về nền ‘cộng hòa văn chương’ có thể nổi lên lần nữa trong thời đại nơi tất cả
đều nhận ra tính nhân bản chung của chúng ta và tìm kiếm cho văn học nghệ thuật
một nền tảng đúng hơn, vì sự đồng cảm hơn là hệ tư tưởng.” 4 Thuật ngữ nền
‘cộng hòa văn chương’ thường dùng chỉ những cộng đồng trí thức cuối thế kỷ 17
và thế kỷ 18 ở Âu Châu và Mỹ. Họ luân lưu những lá thư viết tay, trao đổi những
bản văn hoặc những tập sách mỏng đã xuất bản, mở rộng sự nối kết, trải dài qua
những biên giới quốc gia nhưng vẫn tôn trọng sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa.
Tập
“Thơ Khác”đã có phản hồi từ nhiều phía những ngừơi đọc Mỹ, thuộc mọi thành
phần, từ những nhà thơ, nhà bình luận tới những sinh viên Văn học Mỹ, những
người bình thường ...Những người đọc từ một ngôn ngữ và văn hóa khác biệt,
không quen không biết, phút chốc qua thơ, tưởng như đã là anh em bạn bè từ bao
kiếp trứơc. “Thơ Khác” là một bản tường thuật đi tìm ngừơi đọc. Và tôi
hy vọng, thơ Việt sẽ tiếp tục có những tập thơ được chuyển dịch và đón nhận từ
bất cứ một ngôn ngữ nào khác, chỉ với những điều kiện căn bản như chúng tôi đã
nêu trên. Một con én không tạo được mùa Xuân, và thơ Việt có thể sánh vai,
ngang bằng những nền thơ lớn khác, thơ Mỹ chẳng hạn, nếu chúng ta có nhiều tập
thơ giá trị được chuyển dịch theo cách, “làm sao thơ được chuyển dịch từ ngôn
ngữ này qua một ngôn ngữ khác và ngừơi đọc khác chủng tộc và văn hóa vẫn tiếp
nhận và cảm nhận như một lọai thơ sáng tác”.Tầm vóc của một đất nước cần có một
nền thơ tầm vóc. Tôi tin rằng đó cũng là mong ước của những nhà thơ có khuynh
hướng đổi mới.
Ghi chú
1.
Translation work is normally carried out by at least one qualified,
native-speaker of the target language, and reviewed by another native-speaking
professional.
2.
“The target language is generally the translator’s native tongue.” Marilyn Gaddis
Rose, Translation Spectrum: Essays in Theory and Practice.
3.
“Giải Hình Thức”, Khế Iêm.
4.
“ Perhaps the old idea of the ‘republic of letters’ can rise again in an age
where we are all recognizing our common humanity and finding literature and art
a better basis for communion than ideology.”
No comments:
Post a Comment