Wednesday, May 8, 2013

Kiểm duyệt



Sự tai ác của kiểm duyệt và việc xây dựng các hành trang văn hóa
Tham dự cuộc bàn tròn về đề tài kiểm duyệt dưới chế độ toàn trị, nhà phê bình văn học Alexandru Calinescu nhận xét :
« Mặc dù hệ thống kiểm duyệt (dưới chế độ toàn trị) chính thức đã bị hủy bỏ vào năm 1977, nhưng nhiệm vụ kiểm duyệt vẫn tiếp tục được thực thi (từ đó cho đến khi chế độ độc tài ở Rumani sụp đổ) bởi một loạt các tổ chức, với tên gọi như hội đồng văn hóa, hội đồng tư tưởng, hội đồng giáo dục… và kể cả nhiều nhà văn làm việc cho các tạp chí văn học, nhà xuất bản… Hệ thống kiểm duyệt, trở nên đa dạng như vậy, đã tạo ra một thứ kiểm duyệt mạnh, bởi vì các nhà văn sợ các hệ quả, nên do đó cũng tăng cường các biện pháp tự kiểm duyệt, để tránh bị rơi vào các tình huống mạo hiểm, nguy hiểm cho mình.
Ở đây chúng ta có thể nói đến một hệ thống đồi bại và tai ác, bởi vì nó lôi chính các nhà văn vào trong cơ chế này. Kiểm duyệt đôi khi là ngớ ngẩn, kỳ cục gây cười, người ta có thể đùa giỡn với nó, nhưng nói cho cùng kiểm duyệt thật là bỉ ổi, bởi vì nó bắt các nhà văn phải nói những điều mà mình không muốn. Hệ thống đa hình đó đi đến chỗ đe dọa bản sắc của nhiều nhà văn, khiến họ bị đe dọa trong sự toàn vẹn về tinh thần và trí tuệ ».
Trong cuộc bàn tròn này, cũng có sự tham gia của nhà văn Eugen Uricaru (mà tiểu thuyết của ông từng được dịch ra tiếng Việt như « Trở lại bến xưa »). Ông Eugen Uricaru, người sáng lập tạp chí văn học Echinox trong những năm 1970, là tác giả của hơn 10 tiểu thuyết, trong đó có cuốn ''La soumission'' (Khuất phục), xuất bản tại Pháp năm nay. Sau đây là tiếng nói của tiểu thuyết gia Eugen Uricaru :
« Trong giai đoạn này, chế độ cộng sản bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng xã hội dựa trên ‘‘các giá trị’’, chứ không phải ý thức hệ. Bởi vì ý thức hệ không mang tính sáng tạo, mà chỉ để điều hành lãnh đạo. Vì thế mà họ đã để cho chúng tôi làm văn học và có ý định sử dụng văn học để phục vụ chế độ. Chúng tôi đã khai thác tình trạng này để lập ra một tạp chí, tạp chí duy nhất của Rumani không chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ. Chúng tôi đã xuất bản lại các tác giả bị quên lãng và tạo ra một thứ văn học có giá trị.
Chúng tôi hài lòng vì đã tạo ra được một nhóm văn hóa, đa văn hóa, cùng với người Đức, người Hungary… Sự thay đổi chế độ sở dĩ là có thể được là do đã có một khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng văn hóa, nhưng cũng bởi vì, đã tồn tại trong nước những người được chuẩn bị tốt, trang bị tốt về văn hóa. Những hành trang văn hóa như vậy giúp cho việc chuẩn bị một giai đoạn mới. »
Văn học : Trường học và nơi trú ẩn của tâm hồn tự do
Nhà thơ và nhà viết truyện Ana Blandiana, tác giả cuốn « Les Saisons », tập truyện vừa được dịch và ấn hành tại Pháp năm nay, cho biết đôi lời về cuốn sách :
« Đây là cuốn sách của tôi được in tại Rumani năm 1971. Cuốn sách này đã ra đời rất khó khăn vào thời điểm đó, với rất nhiều cản trở và bị kiểm duyệt. Tôi rất vui vì sách được dịch và xuất bản. Cuốn sách này đã mô tả không khí của chế độ độc tài với một phong cách hư ảo và nhiều chất thơ. »
Cùng với nữ tiểu thuyết gia Gabriela Adamesteanu, Ana Blandiana là diễn giả của chuyên mục « Các nhà văn trong xã hội : Từ độc tài đến dân chủ » được tổ chức tại khu « sân khấu của các tác giả » trong Hội sách năm nay.
Hội sách Paris 2013 có sự tham gia của Norman Manea, được coi là nhà văn Rumani nổi tiếng nhất trên thế giới. Tập tiểu luận mới của ông « Sự bất khả thứ năm » (La Cinquième Impossibilité/Plicuri si portrete & Laptele negru) vừa ra mắt tại Pháp. Về ý nghĩa của văn học đối với xã hội, đặc biệt những người sống dưới chế độ toàn trị, Norman Manea chia sẻ một cảm nhận :
Nhà văn Norman Manea (giữa) tại diễn đàn của Trung tâm sách quốc gia/Centre national du livre, 24/03/2013
Trọng Thành/RFI
« Tôi tin rằng, cũng như đối với các xã hội tự do, văn học mang lại cho những người sống trong xã hội toàn trị một nơi trú ẩn/nơi nương tựa (refuge), để lấy lại sức sống trong dòng đời. Trong phòng bạn, một mình với cuốn sách, bạn có thể có những cuộc đối thoại với những người không quen, thông minh hơn là những bạn hữu hàng ngày của bạn. Tôi tin rằng, điều này là quan trọng. Trong xã hội toàn trị cũng vậy, văn học mang lại các chất kích thích cho sự trầm tư, suy nghĩ một cách tự do, để củng cố sự tự do tinh thần ».

Nhà văn - Chứng nhân của đời thường
Độc giả Pháp đón nhận văn học Rumani ở hội sách năm nay ra sao, chúng tôi xin chuyển đến quý vị tiếng nói của một nữ giảng viên, bà liên tục có mặt từ hai ngày hôm nay, để tham dự rất nhiều hoạt động liên quan đến văn học Rumani :
« Tôi đến Salon sách lần này, vì tôi hoàn toàn không biết gì về văn học Rumani đương đại. Điều tôi quan tâm là được gặp các nhà văn của nửa thế kỷ gần đây, được nghe họ nói. Điều này khiến tôi muốn đọc các tác phẩm của họ. Khi đến Salon sách này, tôi thấy được là các nhà văn đó đã chứng kiến lịch sử nửa thế kỷ mà xã hội Rumani vừa trải qua : giai đoạn sau chiến tranh, dưới thời cộng sản, rồi giai đoạn hiện nay không hề dễ dàng.
Tôi sẽ đọc các tác phẩm của họ bây giờ. Bởi vì các nhà văn Rumani đưa chúng ta vào trong hiện thực đời sống hàng ngày mà họ đã trải qua. Ở Pháp, ta có một cái nhìn trừu tượng về các giai đoạn đó, trong khi các nhà văn ấy là chứng nhân của những cảm xúc đời thường trong xã hội, của người Rumani trong giai đoạn độc tài, và trong giai đoạn đương đại, khi xã hội Rumani đang tìm đường, khi xã hội dân sự Rumani đang hình thành… ».
Bàn tròn về Sân khấu. Trong ảnh, các nhà viết kịch Matei Visniec (trái), Nicoleta Esinencu (hai trái sang) và Alina Nelega (hai phải sang).
Trọng Thành/RFI

No comments: