Wednesday, May 8, 2013

Matthieu Ricard

 Phật giáo là gì

 Đó có phải là một tôn giáo, hay là một sự minh triết hay một giáo lý siêu hình? Đó là câu người ta thường hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma và ngài đã trả lời một cách hóm hỉnh: ''Tôi nghiệp cho  Phật giáo, nó đã không được những người ngoan đạo chấp nhận vì cho nó là vô thần, một sản phẩm trí thức, và đối với các triết gia thì lại liên kết nó với tôn giáo”

Vậy là  Phật giáo không có chỗ đứng, nhưng theo Đức Đạt Lai Lạt Ma thì nhờ vậy mà  Phật giáo giữ vai trò một nhịp cầu giữa tôn giáo và triết học.  Phật giáo là một truyền thống tâm linh, từ đó toát ra một sự minh triết mà người ta có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi trong đời sống.

Phật giáo không phải là một tôn giáo nếu người ta cho tôn giáo là một sự tuân phục một cách mù quáng vào một giáo điều mà không cần xét lại sự chân xác của giáo điều đó. Nhưng nếu người ta xét đến ngữ nguyên của chữ tôn giáo là "cầu nối", thì  Phật giáo có liên quan đến những nguyên lý siêu hình cao nhất.  Phật giáo cũng không loại bỏ niềm tin, nếu người ta hiểu niềm tin như là một sự tín mộ sâu xa và không gì lay chuyển được nảy sinh từ sự khám phá ra chân lý nội tại. Niềm tin cũng là biểu hiện của sự chuyển hóa nội tâm đó. Sau cùng  Phật giáo không phải là một giáo điều, vì Đức Phật luôn luôn nói rằng cần phải xem xét lại những lời dạy của Ngài, tư duy về nó, và không bao giờ chấp nhận nó do lòng kính trọng Ngài. Phải khám phá ra chân lý sau khi đã trải qua những giai đoạn kế tiếp đưa đến sự thành tựu tâm linh. Người ta phải quan sát chúng, như quan sát một miếng vàng. Muốn biết chắc là vàng thật, người ta cần mài nó trên một mặt đá phẳng, đập dẹp nó ra và đốt chảy nó. Lời dạy của Đức Phật ví như những tấm bản đồ đưa đến sự tỉnh thức, của trí tuệ cao tôt về Bản thể của Tâm và về thế giới hiện tượng.

Vì sao Đức Phật được sùng mộ? Không phải như một thượng đế, một vị thánh mà như một nhà hiền triết là hóa thân của sự tỉnh thức. Tiếng Phạn “Bouddha" có nghĩa là người đã thành tựu, đã thâm nhập chân lý và được diễn tả ra tiếng Tây Tạng bằng từ “Sangué" gồm có hai vần, ''Sang” có nghĩa là xua tan mọi thứ làm cản trở sự hiểu biết, cũng có nghĩa là tỉnh thức từ màn đêm vô minh, và vần ''gué" có nghĩa là phát triển tất cả lãnh vực tâm linh cũng như con người.

No comments: