Wednesday, May 8, 2013

Nguyễn Thị Hoàng Bắc


  Về người viết và ngôn ngữ

 
   Viết bằng tiếng Việt trong một môi trường sống mà mọi sinh hoạt chung quanh: từ gia đình, ti vi, báo chí, mua bán, hội hè, công việc, chung quanh ta, mọi người đều sinh hoạt bằng một ngôn ngữ khác, chính thức và chính thống, cũng có thể tự ví von như tôi đang làm một trò hề?
Một trò hề tự mình đắm đuối mình trong một giấc mộng dài (lang thang trong một đời sống khác, một tinh cầu khác lơ lửng những lo lắng, vu vơ, hão huyền, những bận tâm, bàn cãi những chuyện đâu đâu, xưa và nay, tại sao mọi người cứ tranh luận ráo riết về tiếng Việt, về tương lai, tiền đồ giáo dục hay đổi mới chính trị của Việt nam, thơ mới, thơ cũ tiếng Việt, Ðại hội đảng, Ðại hội nhà văn…đang xảy ra trên một đất nước mà họ không ở, về một ngôn ngữ họ không dùng trong các sinh hoạt đời sống?)
Thứ tiếng có khả năng xây dựng cho một giấc mộng triền miên, giữ lại những hồi ức, gợi nhớ về một quá khứ cội nguồn, thứ tiếng chết trong sinh hoạt hằng ngày mà vẫn sống động trong một thế giới của riêng họ? Một thế giới ảo, những cơn mơ, những mộng lớn, mộng con, nếu không may, phản ứng ngược có thể tác hại và cô lập người sử dụng với hiện thực hằng ngày?
"Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời"

(Tản Ðà)
Nếu quả vậy thì viết bằng tiếng Việt thật là liều mạng.( Ðã liều rồi thì còn thiết gì đến có còn độc giả hay không còn độc giả đọc mình?) Nhìn quanh, thấy thiên hạ liều cũng nhiều, mơ ngủ cũng bộn, trong cơn say ma tuý, khối kẻ liều chết hay điếc không sợ súng (như mình) sẽ tự hỏi: viết bằng tiếng Việt (ở nước ngoài) sẽ giúp mình thấy bớt cô đơn, bớt điên khùng, hay sự thật sẽ phũ phàng hơn?
Ðây gọi là hội chứng "đồng bệnh tương lân" giữa những người viết.
Viết bằng tiếng Việt trước hết là viết cho chính mình, đến bạn bè mình và sau đó, mới đến độc giả, tất nhiên là những người đồng bệnh với mình.
Viết bằng tiếng Việt ở nước ngoài là một nhu cầu được nằm mơ hơn là một hy vọng hão huyền xây dựng một sự nghiệp.
Thử làm một chút so sánh nhà thơ viết tiếng Việt với ca sĩ hát tiếng Việt ở nước ngoài sẽ thấy sự khác nhau giữa lợi lạc và lợi lộc. Ca sĩ hát tiếng Việt có thể sắm nhà, sắm cửa, sắm Lexus, BMW… Thi sĩ thì chỉ có phen bán nhà (nếu có), bán xe đi mà in thơ.
Có một sự trộn lẫn khó phân biệt giữa người viết và người đọc (tiếng Việt) ở nước ngoài. 
Người viết chính là người đọc, và đa phần người đọc là người viết. 
Có một nhóm những người trẻ đi học, lớn lên ở Mỹ không có nhu cầu bức thiết đắm mình trong mơ như thế hệ cha anh trước họ, nhưng nhu cầu tìm đọc, hiểu, thẩm thấu về cội nguồn, về kinh nghiệm của "tổ tiên"…làm phong phú cuộc đời của họ, nên họ đọc và đọc nghiêm túc bằng tiếng Việt. Giáo dục Mỹ vốn khích lệ mẫu người đa ngôn ngữ, dân Mỹ biết quý trọng những người nói được hai thứ tiếng (bilingual) nếu ba thứ, bốn thứ, càng tốt. Nhiều người trẻ Việt sinh ra lớn lên ở Mỹ, học và nói tiếng Anh từ lúc mới sinh, lớn lên, cảm thấy tò mò thắc mắc về văn hoá, văn minh nước Việt, và trở lại học hành nghiên cứu nghiêm túc về tiếng Việt. 
Họ là những độc giả tỉnh táo.
Cá nhân tôi có những kinh nghiệm nói là may mắn cũng đúng, nói là lạc quan hay lạc quan tếu cũng không sai. 
Những người đọc tiếng Việt (mê) hiện nay ở hải ngoại có thể ở lứa tuổi từ 40. Nếu họ vẫn tiếp tục đọc và lai rai đọc cho đến khi họ 80, 90 tuổi (mẹ tôi năm nay đã gần 90, mắt yếu, phải thay thuỷ tinh thể 2 lần, thay kính mỗi 2 năm, nhưng vẫn đọc sách báo tiếng Việt), nếu lấy theo tiêu chuẩn của cụ, thì chí ít chúng ta cũng còn đến …50 năm cái gọi là "văn học viết và đọc bằng tiếng Việt" ở hải ngoại. Nếu tình huống xấu nhất là trong 50 năm sắp tới, tình hình xuất bản, nhà cầm quyền (đảng Cộng sản? Ban Tư tưởng Văn hoá trung ương?…) và thái độ của (bất cứ) nhà cầm quyền nào trong nước đối với văn chương viết bằng tiếng Việt ở nước ngoài vẫn không có gì thay đổi như hiện nay (cấp giấy phép xuất bản hiếm hoi và có điều kiện, kiểm duyệt hay cấm lưu hành sách báo tiếng Việt của các tác giả sinh sống ở nước ngoài…) tôi vẫn lạc quan…tếu, vì tôi vẫn còn đến…50 năm để viết bằng tiếng Việt ở nước ngoài! 
Tôi vẫn ở Virginia, nơi không nhiều mà cũng không ít người Việt, có một trung tâm thương mại nhỏ và riêng cho người Việt, việc làm của tôi vừa cần đến tiếng Việt vừa tiếng Mỹ. Tôi vẫn nói thạo, đọc thạo, và viết thạo tiếng Việt hơn tiếng Mỹ. 
Viết bằng tiếng Việt đối với tôi không phải là vấn đề để chọn lựa, nhưng viết cho ai đọc thì tôi có cùng mẫu số chung với những người viết bằng tiếng Việt khác: tôi viết cho chính tôi, cho bạn bè và cho những độc giả đồng bệnh tương lân ở nước ngoài. Ước vọng đến tay rộng rãi độc giả trong nước vẫn còn là một ước vọng.

No comments: