Wednesday, May 8, 2013

Nhà thơ Hồ Zếnh

Nhà văn và ...gái điếm

Dzếnh viết: "Tôi sinh ra giữa một kỷ nguyên khác lạ, kỷ nguyên của những con đường thênh thang bị phá vỡ, cầu đổ xụp, nhà cửa tiêu tan, xe cộ mất lối. Người đô thị tản mạn lên rừng xanh, những cô gái xinh tươi của cuộc đời nhung lụa biến thành những cô hàng nước, những bèo bọt phong trần. Cuộc đổi đời đó thật là vĩ đại và kinh khủng, lay chuyển hết mọi từng lớp, giai cấp, san phẳng hết mọi chênh lệch sang giầu. Nếu chỉ có một trạng thái biến đổi đó thì chưa đến nỗi gay gắt. Ðằng này, buồn thế hệ gặm nhắm vào từng lòng người, cái phẫn uất, cay chua nhào thành một loại cảm giác kỳ dị, gán lên cuộc sống một hình thức sượng sần khó tả. Cái gì dở, trái, đều được văn chương mới mạng danh bằng những tiếng kêu ròn: tiểu tư sản, phong kiến. Muốn vào trong cái thế giới vừa tân tạo hôm qua, con người bắt buộc phải qua một lượt lột xác, hay ít nhất, cũng phải có ý thức lột xác [...] 
... Cha tôi không còn được dạy học nữa vì lý do sức khỏe và nhất là vì giáo khoa (của ông) không thực tế. Học trò bây giờ quy tất cả các môn học về chính trị. [...] Chỉ tội nghiệp cho cô Kiều, cho Nguyệt Nga, lạc lõng từ mấy thế kỷ xa lại, thốt nhiên được người ta phê bình mổ xẻ [...] 
Văn nghệ biến ra một ý nghĩa khác: ai cũng làm văn nghệ được [...] và tác phẩm của một cá nhân, tuy được mang tên mình, phải có xen vào công trình tập thể.
Trong cái biển đại chúng, bản sắc của một cá nhân bị đánh tan ra thành bọt. Văn nghệ không nhận ai là thiên tài cũng như cõi đời không biết có người nào là xuất chúng. 
Một nhà văn như cha tôi không khác gì cô gái điếm: Cô gái chiều khách hàng, nhà văn chiều thời đại. [...] [Nhưng] nghệ thuật không thể lừa được ai, và cũng không có gì lừa được nghệ thuật. Những tà tâm, lợi dụng nhất thời làm nổi tiếng, hay đúng hơn, làm xôn xao, sẽ chìm ngập khi con người không còn có mặt để kêu rộn những ngụy thuyết của mình."
(trích hồi ký, trang 19/20, 30, 31 và 55)

Sao cứ phải lấy máu để dựng một sự nghiệp, lịch sử cổ kim chưa bao giờ thấy nói đến giòng máu ác đổ ra mà làm nên truyện được. Nước Trung Hoa không sống vì Vạn Lý Trường Thành mà sống vì Khổng Tử. Dân tộc Pháp được nhắc đến thiên thu bởi vì nền văn hóa tinh anh mà không phải vì Nã Phá Luân hiếu thắng. [...]

Cha tôi ghi trong hồi ký: [...] Thời đại bố sống là một thứ thời đại tác quái, thời đại bít hết nẻo thông và lương tâm nhiều khi rẫy chết. Lúc con đọc những dòng chữ này, chắc loài người đã nguôi cơn điên loạn, thế hệ đã chôn cất những khổ đau một thời [...] Bố muốn rằng, đọc lại nó, con nên có cái tâm niệm này trước hết: đừng bao giờ cổ võ, dầu chỉ bằng một lời nói vô tình, cái ý thức chém giết hằng rền vang trong mạch máu động vật [...]. Cái thời đại bố sống, anh em thù nhau, Ðông Tây ghét nhau, quả đất hừng hực những căm hờn bất mãn. Lẽ sống dệt bằng khói lửa, người ta không biết gì hơn là thủ tiêu nhau để hòng thoát ngõ bí.

Trong cuộc xáo trộn Nam Bắc, có cái gì còn nguyên được giá trị cố hữu đâu. Cái quý nhất là con người lại không còn gì quý nữa, nếu nó không là thứ xuất phẩm được rèn đúc theo khuôn khổ của thời đại."
(trích những trang 47, 48, 49, 75 và 87)
 

No comments: