Wednesday, May 1, 2013

Đọc cho vui



                                          Lý luận phê bình văn học




01.05.2013 nguồn blog Triệu xuân

Đặng Tiến

Đêm thánh nhân - Một thành tựu của văn chương huyền ảo

          
 Đêm Thánh Nhân - tiểu thuyết dày hơn 600 trang, Nhà xuất bản Văn học, in giữa 1999 là tác phẩm dài hơi nhất của Nguyễn Đình Chính.


Đêm Thánh Nhân một bộ tiểu thuyết huyền ảo kết hợp hai thể loại truyền kỳ và quái đản. Cuốn I mới xuất bản, phần II được hứa sẽ ra mắt năm 2000, kể chuyện một ông bác sĩ già bị kỷ luật Đảng cấm hành nghề. Bác sĩ Cần chỉ được trông coi nhà xác một bệnh viện Hà Nội, cuối đời bị bệnh tâm thần nhẹ, bỏ việc đi lang thang, và đã gặp nhiều sự cố, nhiều nhân vật kỳ lạ trên lộ trình phiêu lưu vô định của mình. Cuối cùng B.S Cần ở tuổi 70 tấp vào một trại cùi tại Tây Nguyên. Cảnh sống của bệnh nhân thuộc nhiều sắc tộc thiểu số giúp ông dần dần tỉnh trí "Dường như BS Cần đã trở lại là một người khỏe mạnh bình thường. Trí nhớ đã về lại trong hộp sọ của ông" (tr. 546).








                                 Cốt truyện: Cớ và cắc cớ


Để tạo không khí truyền kỳ, tác giả dành chương đầu, non 100 trang cho đời sống chung quanh và trong nhà xác do nhân vật chính, BS Cần, trông coi. Ông này bị liệt dương từ năm 45 tuổi, nhưng bốn năm sau đó bị kết tội hủ hóa với một nữ bệnh nhân vị thành niên, người dân tộc Tày; tức là vi phạm ba tội cùng một lúc: về đạo đức, về luật hôn nhân, và… chính sách dân tộc (tr.75) . Ông bị án kỷ luật "khai trừ ra khỏi Đảng, bị cách chức và đuổi ra ngoài biên chế" (tr.78), và dĩ nhiên là bị vợ bỏ.


"Nhất là sau khi ly dị với bà Ngót (Đảng viên cấp trên), bác sĩ Cần không thể ngẩng đầu lên mà đi lại được nữa. Ông đã cạn đường sống" (tr.79). Đây là kỹ xảo của tác giả: ngay từ đầu đã chọn một nguyên liệu đa năng: một bác sĩ đã bị liệt dương còn can tội hủ hóa, và bị kỷ luật Đảng, dĩ nhiên là lâm bệnh tâm thần rôi lại phải sống với ma: với vật liệu tiền chế như thế, tác giả tha hồ kể chuyện hấp dấn: từ tính dục đến chính trị, xã hội. Mà cứ kể chơi chơi, khơi khơi, hư hư thực thực. Thỉnh thoảng bắn ra những mũi tên chính xác vào nhiều mục tiêu thú vị. Mà cũng bắn chơi thôi. Kiểu bách bộ xuyên tường.





                               Phiêu lưu và truyền kỳ


Đêm Thánh Nhân là một tiểu thuyết phiêu lưu. Tác giả từ tốn cho rằng mình theo "thể loại du hý chương hồi cũ rích" (Lời tựa), thật ra ông nắm rất vững mọi kỹ thuật kể chuyện, từ chuyện truyền khẩu Đông – Tây đến tiểu thuyết hiện đại. Chủ yếu là tạo không khí hư hư thực thực như truyện quái đản khoa học ảo tưởng của Tây Phương. Người sống với ma, nói chuyện với ma, một mặt hấp dẫn người đọc, mặt khác giúp tác giả nêu lên những vấn đề xã hội trầm trọng dưới dạng hư cấu, làm như không đụng chạm đến ai.


Tiếp theo là tác giả kết hợp thể truyện ngắn truyền kỳ với thể du ký, là chuyện dài từ Tây Du ký phương Đông sang Du ký Gulliver phương Tây, tác giả không cần cấu trúc chặt chẽ, mà để tự do cho nhân vật đi từ nơi này đến nơi kia, gặp nhiều người nhiều cảnh lạ lùng. Một mặt độc giả không nhàm chán, mặt khác được thấy nhiều cảnh sống khác nhau, từ những màn tính dục gay cấn, đến cảnh cướp của giết người, cảnh lễ hội rộn ràng âm thanh và màu sắc của các sắc tộc thiểu số Tây Nguyên.





                           Truyền kỳ và truyện ký


Để giữ tính cách truyền kỳ, tác giả không xác định địa danh, thỉnh thoảng còn nói đến "thị xã không tên" (tr.225), hay "Thành phố (viết hoa) khá to" nhưng lại cho biết chỗ này nằm trên đường sắt, chỗ kia gần bến cảng, xứ mỏ nồng nặc mùi than trộn lẫn mùi cá biển" (tr.213) hay "thị trấn rợp bóng nhãn lồng (tr.249) khiến người đọc liên tưởng đến những địa điểm có thực, thậm chí tác giả còn nói đến thị trấn biên giới có tên "Cốc Lố" làm người đọc nghĩ ngay Lào Cai và Cốc Lừu. Bí quyết của truyện huyền ảo là dung hòa liều lượng huyền ảo và hiện thực; huyền hoặc quá sẽ thành huyễn hoặc; hiện thực quá sẽ thành dung tục. Nhẹ chất thực thì truyện không hay; nhẹ chất ảo thì truyện không bay. Truyện huyền ảo dễ viết và khó hay, nhất là khó có giá trị sâu sắc, vững bền. Dễ viết, vì kiến trúc tự do, vật liệu mỏng nhẹ, nhưng khó vững bền khi thiếu nền móng xây dựng trên kiến trúc nhân văn và kinh nghiệm sống hay chỉ vì tác giả không nắm vững vàng kỹ thuật: giấc mộng con (1932) của Tản Đà là ví dụ một thất bại. Truyện Lơ Hóc-la (Le Horla) của Mô-pác-xăng, từ 1887 (Guy de Maupassant) cũng như phim Bộ hồ sơ X (XGiles) hiện nay, không có gì sâu sắc nhưng được ham thích vì kỹ thuật.


Nguyễn Đình Chính biết rõ thị hiếu độc giả Việt Nam hiện nay và nắm vững những kinh nghiệm truyền kỳ đã có từ xưa và truyện quái đản thịnh hành gần đây, và lối kể chuyện dân gian. Ông khéo chia hồi, phân cảnh 10 chương vừa liên hoàn vừa độc lập. Giữa chương nọ chương kia, nhân vật chính thường ù té chạy; chuyển mạch đơn điệu nhưng phù hợp với văn chương khẩu chiến.


Cũng như cách gọi tên nhân vật dài dòng: Bác sĩ Trương Vĩnh Cần, Bác sĩ Chiểu, Cô Kim Thoa, Mùi Cá Ngạnh, Mùi Thuyền Trưởng, Thạch Gà Gáy,là theo lối kể chuyện xưa. Thành phố không tên, bỗng dưng từ 1975 mọc lên 108 cao ốc, sản xuất 108 tấn bụi, cạnh hồ 108 héc-ta (tr.143), v.v.v… con số 108 (9 dương cùng x 12 chi = 108) gây ấn tượng huyền hoặc, đồng thời nhắc đến con số anh hùng Lương Sơn Bạc – hay biết đâu chẳng là số nhà (khá nổi tiếng) của nhạc sĩ Văn Cao? Những chi tiết vụn vặt như thế, dù ở tiềm thể, cũng tạo được ảo giác thân thuộc giữa một thế giới lạ lùng: âu cũng là một bí quyết của truyền kỳ.





                               Hiện thực và Liêu trai


Một đoạn văn truyền kỳ điển hình cho Đêm Thánh Nhân là quan hệ luyến ái giữa Bác sĩ Cần và cô bé Ma Thị Thảo. nguyễn Đình Chính là một phù thủy cao tay ấn khi sáng tạo ra nhân vật phụ Ma Thị Thảo chỉ xuất hiện thấp thoáng trong một vài trang đầu nhưng vừa là một yếu tố "phá quấy" (élément perturbateur theo nghĩa của V.Propp) vừa là nhân vật cứu tinh, một thứ chìa khóa giải mã cho câu chuyện. Tạo khoái cảm cho Bác sĩ Cần đã liệt dương nhiều năm, cô đã gây tai họa, làm sụp đổ cả một cuộc đời; mặt khác, cô đã giải phóng cho nhân vật về mặt tình dục lẫn xã hội. Nhờ có bản án "hủ hóa" mà bác sĩ Cần mới có cơ hội lên đường phiêu liêu khám phá ra định mệnh đích thực của mình. Cô gái Tày 16 tuổi, có thể sống tưởng tượng như một thánh nữ đồng trinh, đã có vai trò khai lộ (initiatique) tính dục cho một ông già bất lực 50 tuổi.


"Có thể nói cuộc sống sinh hoạt tình dục của bác sĩ Trương Vĩnh Cần từ khi lấy vợ đến khi bị liệt dương là rất khấp khiễng tẻ nhạt và đơn điệu đến mức sỉu xìu như cơm thiu. Đời bác sĩ Cần có một chút ngày hả hê sung sướng thỏa mãn ấy chính lại là những ngày ông h\gian díu với cô bé Ma Thị Thảo. Cho đến bây giờ mỗi khi nhớ lại bác sĩ Cần vẫn không thể hiểu được tại sao một cô bé người Tày mười sáu tuổilại biết được nhiều ngón bài làm tình lạ lùng kỳ quặc đến như vậy. Và cho đến bây giờ đã là một bợm rượu rồi đã nếm không biết bao loại rượu trên đời này rồi mà ông vẫn cứ như vẫn còn ngửi thấy mùi rượu thơm kỳ quái bí ẩn tỏa ra từ trong cái nậm quả bầu khô cô Thảo vẫn đeo tòng teng ở ben lườn. Da cô Thảo không trắng người cô Thảo không mềm mại tóc cô Thảo không dài và hơi thở của cô thậm chí còn hơi có mùi hôi nồng ngai ngái như  mùi cỏ dại bị dẫm nát…". (tr.88-89).


Về cái tên Ma Thị Thảo: Họ Ma vì là người Tày, nhưng còn có nghĩa là Ma Quái như một nhân vật trong liêu trai. Ma Lực huyền bí của thiên nhiên hay của tình yêu đã chuyển hóa khả năng tính dục của một đời người, điều mà y học không làm nổi. Đồng thời hóa giải cho một định mệnh. Tên Thảo là mùi hương hoa cỏ của rừng núi hoang sơ, " mùi cỏ dại bị dẫm nát " làm người đọc liên tưởng đến những câu thơ của Đinh Hùng:


Nàng lớn lên giữa mùa xuân hoa cỏ


Lửa linh hồn u ám bóng non xanh


Ngoài thiên nhiên nở bừng thân mỹ nữ


Nàng yêu ta huyền hoặc mối kỳ tình


(Mê Hồn ca).


Cô Ma Thị Thảo và một số nhân vật khác trong Đêm Thánh Nhân, như Thương Ơi, vừa có đời sống xương thịt, vừa lung linh huyền ảo lại mang thêm tính cách biểu tượng. Tác phẩm do đó mà hàm súc, vừa giải trí vừa làm suy nghĩ. Người đọc có thể thưởng thức tác phẩm ở nhiều mức độ khác nhau: đó cũng là kết quả một thành tựu văn học, dù huyền ảo hay không huyền ảo.





                                      Nhân vật: Người và Ma


Trong một cấu trúc rộng mở như vậy, tác giả đã tạo ra nhiều tuyến nhân vật, vừa độc đáo vì tính cách truyền kỳ vừa điển hình vì tính cách hiện thực. Nói chung, tác giả ưu tiên cho một diện nhân vật thuộc "những người dân bình thường có cuộc đời vất vả, éo le, đầy những lầm lỗi ăn năn. Họ ở những bậc thang thấp nhất của xã hội…" (Lời tựa). Người đọc có thể phân biệt được nhiều loại hình:


Nhân vật ma như bà Phạm Thị Nhàn hay Phạm Văn Cổn ma Gia Rai gốc Kinh. Bà Nhàn lấy chồng được mấy hôm thì phải xa chồng trở thành vợ liệt sĩ (1960). Bà là Đảng viên gương mẫu tiết liệt đoan trinh, thừa ba đảm đang, ba sẵn sàng đến độ… có thai với đứa cháu thương phế binh, vừa mất trí, vừa bị cụt hai chân đến háng "một con cóc khổng lồ, cái con cóc-người đó bò dần về phía giường tôi" (tr.130). Bà bị hạ tầng công tác xuống làm trưởng ga xép Thuận Thiên rồi chết ở đấy. Thuận Thiên là tên một nhà ga tưởng tượng nhưng là niên hiệu đầu tiên của vua Lý Thái Tổ, và là tên của vợ An Sinh Vương Trần Liễu đang có mang thì bị Trần Thủ Độ ép phải lấy vua Trần. Những địa danh như vậy gợi những ấn tượng truyền kỳ cho người đọc. (Lời bàn ngoài đề: Thuận Thiên tuy là ga xép, nhưng có tàu qua lại đôi lần mỗi ngày; còn triết gia Trần Đức Thảo phải giữ một cái ga không còn tàu qua lại, trước khi được đề bạt lên Ba Vì giữ bò).


- Tuyến nhân vật khác là những hảo hán như thuyền trưởng Mùi Cá Ngạnh, hay tướng cướp Thạch gà gáy, cựu bộ đội đặc công, lập băng đảng cướp của giết người, đã từng giết ba mươi nhân mạng và lãnh án tử hình. Trong khi chờ đợi bị xử tử, Thạch gà gáy bị nhốt chung với tử tù Bác sĩ Cần. Ông này bị công an bắt nhầm vì nhầm nhân diện với một tử tội khác, rồi được phóng thích "với lời xin lỗi của người có trách nhiệm" (tr.164). May mà chưa bị hành quyết… nhầm.





                                Phái tính và dục tính


Tuyến nhân vật nữ, thường thường là dung nhan khả ái, xuất thân từ những hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân của nhiều tròng áp bức tận tụy, cố cùng và mang lại, hay hứa hẹn hạnh phúc cho kẻ khác. Họ có thể là người đàn bà ăn xin kiêm gái điếm đầu đường xó chợ (tr.43) xuất hiện từ những trang đầu đến cô Hà, một thiếu nữ nông thôn nghèo khó lên thành phố làm thợ rồi thành gái điếm; sau bao nhiêu gian truân cuối cùng mắc bệnh Sida. Họ không một lần được ở lầu Ngưng Bích đợi chờ một Thúc Sinh, mà chỉ gặp toàn súc sinh cỡ Rô Be Bảo Quýt "Việt kiều yêu nước giả hiệu (ông này giả hiệu Việt kiều chỉ để mua dâm, chứ không viết thư chính trị gây gổ với… Trần Độ: ngoài đề). Họ là cô gái huyền thoại Thương Ơi bước ra từ cổ tích, hay cô Kim Thoa gốc Thượng du miền Bắc hồn nhiên trong sáng "tâm hồn còn vô tư chưa có cái khả năng tuyệt vọng" (tr.558) phiêu lưu đến một trại cùi Tây Nguyên, "mở ra một thông lộ kỳ lạ cho cuộc đời" (tr.557) một quá trình khai thông (passage initiaque) trong truyện dân gian phương Tây. Cô ấy tìm được hạnh phúc và mang lại niềm vui cho cuối chuyện.


Đêm Thánh Nhân đề cao phẩm chất và vai trò người phụ nữ mà tác giả thường gọi là Thiên Sứ khiến ta nhớ đến một câu thơ Aragon, nhại theo lời Marx, được phổ biến vì được phổ nhạc:


"Đàn bà là tương lai của loài người" (La femme est l'avenir de l'homme). ý nói, hạnh phúc của nhân loại trong tương lai tùy thuộc ở tình yêu, ở đôi lứa, và ở người phụ nữ.


Nét đặc biệt của Đêm Thánh Nhân là đời sống tình dục qua người phụ nữ. Một mặt họ vẫn là biểu tượng, đối tượng hay dụng cụ tình dục, nhất qua các nhân vật gái điếm. Mặt khác họ có nhu cầu, sinh hoạt tình dục. Họ thường chủ động khi làm tình. Tình dục chiếm nhiều trang, nhiều đoạn trong tác phẩm. Tác giả có lúc lả lơi, suồng sã, thô bạo, thậm chí dung tục; nhưng có lúc thơ mộng, dí dỏm, siêu thoát thậm chí nghiêm trang. Đoạn cuối, qua đời sống tính dục hồn nhiên của các cô gái sắc tộc ở Tây Nguyên, tác giả muốn bình thường hóa hoạt động sinh lý ở mỗi cá nhân, thường bị dồn nén, vì nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau, nhất là ở Việt Nam, trong một giai đoạn chưa xa.


Nhìn chung, trong đề tài tính dục, ngòi bút Nguyễn Đình Chính có nghịch ngợm nhưng lành mạnh.





                                Điệu nghệ và Đạo nghĩa


Đêm Thánh Nhân cấu trúc theo truyện kể dân gian, nói vậy là phải xét theo hai mặt hình thái học (morphologie) mà V.Propp đã phân tích rốt ráo. Mặt khác là nội dung, cái phần tư tưởng tham dự vào cấu trúc như một phương tiện dựng truyện chứ không phải là một đối tượng của tư duy. Khi cụ Nguyễn Đình Chiểu vào truyện bằng câu "trai thời trung hiếu làm đầu" thì không phải chỉ để giảng dạy luân lý, mà còn tạo chú ý và đồng thuận của người nghe "nói Văn Tiên". Có người nghe, thì mới "nói thơ", mới kể chuyện Tây Minh được. Hay dở là việc đến sau, đến với người nghe thời đó, chứ không phải hay – dở theo quan điểm phê bình ngày nay.


Đêm Thánh Nhân, phần nào được hướng theo quan niệm dân gian: ở hiền gặp lành, tích ác phùng ác, một kỹ thuật dựng chuyện của Nguyễn Đình Chính chứ không nhất thiết là nhân sinh quan của Nguyễn Đình Chính.


ở hiền gặp lành: ông cụ Cần ngớ ngẩn, già nua, yếu đuối nhưng đi đâu cũng được ơn trên phò trợ. Ông qua bao nhiêu tai ác mà con người bình thường không có cách gì vượt qua nổi. Phép lạ cứu ông thường là một phụ nữ, bà tiên hiện đại, có khi xuất hiện dưới dạng một cô gái điếm rẻ tiền. Cuối cùng khỏi bệnh tâm thần. Như một phép lạ. "Thông thường người bị bệnh tâm thần, dù thể nhẹ, mà cứ bỏ đi vật vờ quàng xiên như thế thì bệnh càng nặng hơn. Nhưng với ông bác sĩ già này thì không phải như vậy". Tác giả đã tự giải mã trong Lời tựa và xác định đã "cố gắng lấy cái đó làm ý tưởng tiểu thuyết của mình". Tôi nhấn mạnh: "ý tưởng tiểu thuyết không phải là… ý tưởng. Độc giả, có khi cả người phê bình có thể sơ ý và nhầm lẫn khái niệm hay phạm trù.


Tích ác phùng ác, ác giả ác báo, quả báo nhãn tiền… là trường hợp cán bộ Nguyễn Văn Sự phụ trách tổ chức Đảng, người đã "tình cờ" (tr.64) phát giác cảnh hủ hóa của bác sĩ Cần và tổ chức "đánh úp" (tr.78), ông đã bị trời phạt: thân bại và danh liệt (tr.220), vợ bỏ theo trai… vượt biển (!) (tr.233); đến khi chết, phần mộ bốc lên mùi xú uế, đến nỗi cỏ quanh mộ cháy xém… chim sẻ cũng rủ nhau bay tuốt…" (tr.235).


Một ý tưởng của tác giả, lần này không nhất thiết phải là ý tưởng tiểu thuyết, là niềm tin vào thiện căn ở con người. Những người tốt thường là những người thất học, hay ít học, thậm chí còn chưa được xã hội hóa như cô gái câm Thương Ơi, hay anh Phơn, thanh niên người dân tộc ở biên giới Việt Hoa. Người có học như bác sĩ Chiểu cũng chỉ tìm thấy lý tưởng ở một trại cùi heo hút trong rừng núi Tây Nguyên, bên cạnh những bộ tộc, sắc tộc, cổ sơ nghèo khó, và anh cũng đã sống hạnh phúc ở đó với cô Kim Thoa, một cô gái bỏ học, bỏ cảnh phồn hoa chợ búa, để về lại với thiên nhiên hoang dã.


Cảnh họ làm tình đắm say cuồng nhiệt ở phần cuối truyện dù có chiều theo thị hiếu độc giả, cũng hàm súc ý nghĩa nhân đạo. “Khi cô Kim thoa chủ động dắt tay anh chui vào ổ dương xỉ bên bờ suối thì bác sĩ Chiểu chủ động ôm ghì lấy…” (tr.571). Cảnh tình dục này, về mặt cấu trúc là màn vĩ thanh vừa hồi âm vừa đối lập với màn hài thanh ở đoạn đầu khi cô điếm ăn mày đến tự nguyện làm tình với ông già liệt dương bên cạnh nhà xác. Ngoại cảnh, nội tâm và tình tiết hoàn toàn tương phản, như một thiên nhiên từ đêm tối chuyển sang rạng đông rực rỡ.





                          Đêm Thánh Nhân, Ngày Hoàng Đạo


 Đêm Thánh Nhân, từng trang từng trang mở rộng không gian, từ căn phòng nhỏ bên nhà xác, đến một ga xép và những chuyến tàu, đến một thị trấn và biên giới, cuối cùng đến rừng núi bạt ngàn trộn lẫn nhiều sắc tộc, từ cảnh làm tình trong tủ áo trong phòng bệnh viện, đến cảnh ân ái giữa thiên nhiên: không gian ới rộng kích thước và nhân gian nới rộng vòng tự do. Trong khi đó, thời gian, ngày lại ngày, như lùi về tiền sử, từ những xác chết ướp lạnh trong các hộc tủ nhà xác thành phố, đến lễ “bỏ mả”, tang lễ rộn ràng của bộ tộc Gia Rai. Điều đó không có nghĩa là tác giả từ khước văn minh: hai vị bác sĩ và một linh mục giữa một trại cùi trong rừng núi, thêm một cô gái tân thời chuẩn bị mở lớp học cho trẻ em sắc tộc chứng tỏ tác giả vẫn tin vào khoa học và tiến bộ; nhưng niềm tin ở đây có dè dặt, phê phán, gạn lọc. Và dường như cũng có ước mơ một nhân chủng mới, nảy sinh từ hoang phế của một xã hội rệu rã





                                Một thành tựu văn học


Tóm lại Đêm Thánh Nhân của Nguyễn Đình Chính, tiểu thuyết vừa truyền kỳ vừa quái đản là một thành tựu của văn chương huyền ảo, một thể loại văn học mới, dù rằng đã có gốc rễ xa xưa tại Việt Nam, một thể loại đang đà phát triển trên thế giới, dường như để phản ứng với đời sống khoa học, kỹ thuật và đô thị đang siết chặt vòng kim cô trên nhu cầu mộng tưởng và huyền thoại vốn là một bản năng của nhân loại. ở Việt Nam, văn chương huyền ảo còn là một phản ứng đối với hiện thực xã hội chủ nghĩa, với những giáo điều non nửa thế kỷ đã tù hãm văn học và tình cảm con người. Đêm Thánh Nhân hứa hẹn một nguồn giải trí lành mạnh cho trí thức và tâm linh trong một xã hội mà trật tự tinh thần chưa được ổn định, sau những cơn địa chấn quân sự, chính trị, kinh tế.


Đêm Thánh Nhân của Nguyễn Đình Chính đã mở ra một nguồn vui và một niềm tin: tin ở con người, ở cuộc sống, ở tình đồng loại và khả năng hạnh phúc. Trong truyền thống truyền kỳ, Nguyễn Đình Chính vẫn chung thủy với niềm tin ở hiền gặp lành trong tâm thức dân gian tiếp giáp với quan niệm văn dĩ tại đạo của văn chương bác học. Ngoài ra ông đã sử dụng nhiều thủ thuật của truyện dân gian thế giới, mà lý thuyết văn học hiện đại đã đề xuất, như trong Hình Thái Học Truyện Cổ Dân Gian (Morphologie du Conte, 1928) của V.Propp.


Đêm Thánh Nhân làm mới những giá trị không mới: đó là nhiệm vụ thường tình của mọi thành tựu văn học. Tác phẩm có sức hấp dẫn lâu dài hay không, thì khó ai đoán được ở một xã hội có một lịch sử đa đoan như nước Việt Nam - dường như ở đây vẫn chưa thành hình một xã hội văn học đích danh và đích thực. Và những âm thanh và cuồng nộ vẫn thường xuyên lấn át lời ngay lẽ phải, và những thì thầm tri kỷ tri âm.


Chúng tôi thành thật chào mừng tiểu thuyết Đêm Thánh Nhân và tác giả Nguyễn Đình Chính.                                                


Paris, 7-8/11/1999.  


Đặng Tiến


 

No comments: