Wednesday, May 15, 2013

Pháp quyền




Trong hầu hết lịch sử nhân loại, giai cấp thống trị và luật pháp đồng nghĩa với nhau, luật pháp đơn giản chỉ là ý chí của giai cấp thống trị. Bước đầu tiên để thoát khỏi chính thể chuyên chế đó là khái niệm pháp quyền, kể cả khái niệm kẻ thống trị cũng phải tuân thủ luật pháp và phải cai trị bằng các công cụ pháp luật. Các nền dân chủ đi xa hơn bằng việc xây dựng pháp quyền. Mặc dù bất cứ xã hội hay hệ thống chính phủ nào cũng đều có vấn đề, nhưng pháp quyền bảo vệ các quyền chính trị, xã hội và kinh tế cơ bản và nhắc nhở chúng ta rằng chính thể chuyên chế và vô luật pháp không phải là những lựa chọn duy nhất.
  • Pháp quyền có nghĩa là không một cá nhân nào, dù là tổng thống hay công dân, được đứng trên luật pháp. Các chính phủ dân chủ thực thi quyền lực bằng luật pháp và bản thân họ cũng phải chịu những hạn chế của luật pháp.
  • Luật pháp phải thể hiện ý chí của nhân dân, chứ không phải ý muốn của các vị hoàng đế, những nhà độc tài, các tướng lĩnh, chức sắc tôn giáo hay các đảng phái chính trị tự phong.
  • Công dân ở các nền dân chủ sẵn sàng tuân thủ luật pháp của xã hội bởi vì họ đang tuân thủ chính những nguyên tắc và quy định của họ. Công lý đạt được một cách hoàn thiện nhất khi luật pháp được xây dựng bởi chính người dân, những người phải tuân thủ luật pháp.
  • Theo pháp quyền, một hệ thống toà án độc lập và vững mạnh phải có sức mạnh, quyền lực, các nguồn lực và uy tín để buộc các quan chức chính phủ, kể cả những nhà lãnh đạo cao nhất phải chịu trách nhiệm trước các quy định và luật pháp của quốc gia.
  • Vì thế các thẩm phán phải là những người được đào tạo tốt, có chuyên môn, độc lập và vô tư. Để thực hiện được vai trò quan trọng của họ trong hệ thống chính trị và pháp lý, các thẩm phán phải trung thành với các nguyên tắc dân chủ.
  • Luật pháp của một nền dân chủ có thể có nhiều nguồn: hiến pháp thành văn, các bộ luật và quy định; các giáo huấn tôn giáo và sắc tộc; các thông lệ và truyền thống văn hóa. Dẫu có nguồn gốc gì đi nữa, luật pháp phải có những quy định bảo vệ các quyền và sự tự do của công dân:
    • Theo yêu cầu được bảo vệ bình đẳng trước luật pháp, luật pháp không được áp dụng riêng cho bất cứ cá nhân hay nhóm người nào.
    • Công dân không bị bắt giữ tuỳ tiện, nhà cửa không bị khám xét mà không có lý do chính đáng hoặc không bị tịch thu tài sản cá nhân.
    • Công dân phạm tội phải được xét xử công khai và nhanh chóng, được đối diện và chất vấn những người cáo buộc. Nếu bị kết án, họ có thể không phải chịu những hình phạt dã man và hoặc bất thường.
    • Công dân không bị ép buộc phải nhận tội. Nguyên tắc này bảo vệ cho công dân khỏi bị ép buộc, lạm dụng hoặc đánh đập và giảm đáng kể tình trạng cảnh sát sử dụng những biện pháp đó.

No comments: