Friday, May 3, 2013

Tham nhũng


                            

   “Tham nhũng không còn là vấn đề của địa phương mà là một hiện tượng có tính xuyên quốc gia ảnh hưởng tới tất cả các xã hội và các nền kinh tế, do vậy hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng là điều vô cùng cần thiết”
    - Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng

    “Chúng ta đã nhận ra rằng tham nhũng là cản trở lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế-xã hội”
    - Ngân hàng Thế giới

    “Tham nhũng khiến hàng triệu người không thể thoát khỏi cảnh đói nghèo”
    - Tổ chức Minh bạch Quốc tế

    “Đã từ lâu, văn hóa tham nhũng làm suy giảm sự phát triển và quản lý hiệu quả đồng thời làm gia tăng tội phạm và sự ngờ vực trên khắp thế giới”
    - Tổng thống George W. Bush

Theo Ngân hàng Thế giới, nhìn chung tham nhũng được coi là lạm dụng quyền lực công để tư lợi. Các hình thức tham nhũng bao gồm từ tham nhũng quy mô lớn liên quan tới cấp cao nhất trong chính phủ quốc gia, cho tới tham nhũng quy mô nhỏ, chẳng hạn như hối lộ những khoản tiền rất nhỏ hoặc cho hưởng những ưu đãi nhỏ của những người ở cấp thấp hơn. Bất luận quy mô tham nhũng như thế nào đi nữa thì những hành vi như vậy làm suy giảm sự phát triển của xã hội dân sự và làm gia tăng đói nghèo, đặc biệt khi mà các nguồn lực nhà nước - lẽ ra đã được đầu tư để nhân dân có cuộc sống tốt hơn - lại bị các quan chức nhà nước sử dụng sai hoặc lạm dụng.

Trong những năm gần đây, với một loạt các thỏa thuận quốc tế, một khuôn khổ chống tham nhũng toàn cầu đã bắt đầu được định hình. Mỗi quốc gia giờ đây có thể chống tham nhũng hiệu quả hơn thông qua thực thi mạnh mẽ các biện pháp chống tham nhũng và dựa vào hợp tác quốc tế để hỗ trợ những biện pháp này. Tạp chí Điện tử kỳ này của Bộ Ngoại Hoa Kỳ nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của khu vực công, tư nhân và các tổ chức phi chính phủ trong việc xóa bỏ nạn tham nhũng trên toàn thế giới.



Chống tham nhũng ở cấp cao
Tham nhũng quy mô lớn của các quan chức nhà nước cấp cao – tham nhũng ở cấp cao – là mối đe dọa cụ thể đối với nền dân chủ và pháp quyền ở các nước đang phát triển. Loại hình tham nhũng này làm suy yếu trách nhiệm giải trình về tài chính, cản trở đầu tư nước ngoài, làm giảm hiệu quả kinh tế và làm giảm lòng tin vào các hệ thống pháp lý và tư pháp.

Theo Ngân hàng Thế giới, mỗi năm có 1.000 tỉ đô-la được chi cho các vụ hối lộ, và theo Liên Hợp Quốc, chỉ riêng châu Phi đã có hơn 400 triệu đô-la bị ăn cắp và tẩu tán ra nước ngoài. Tham nhũng ở cấp cao là một vấn đề liên quan đến phát triển, bởi nó làm suy giảm sự phát triển kinh tế và khiến cho những vấn đề quan trọng trở nên thiếu hiệu quả, như cuộc chiến chống đói nghèo. Ở nhiều nơi trên thế giới, các quan chức tham nhũng ở cấp cao vơ vét cho đầy túi tham thay vì đầu tư cho phát triển, như xây dựng đường xá, trường học và bệnh viện mới.
Nhất thiết cần đề ra những biện pháp mới để ngăn không cho các quan chức sử dụng của cải mà họ tích lũy được thông qua những hành vi tham nhũng và họ cũng đang tìm những cách thức mới để tìm lại tài sản của mình.

 để chống tham nhũng ở cấp cao, phải thực hiện Chiến lược Quốc gia nhằm quốc tế hóa nỗ lực chống tham nhũng ở cấp cao. Chiến lược này đã đưa cuộc chiến chống tham nhũng ở cấp cao lên một tầm mới với sự tham gia của các đối tác nước ngoài của Hoa Kỳ và các cơ quan tài chính của Hoa Kỳ tham gia vào một nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm đưa ra những biện pháp tốt nhất để phát hiện và tịch thu các quỹ đã bị lấy cắp, tăng cường chia sẻ thông tin và đảm bảo trách nhiệm lớn hơn đối với viện trợ phát triển.

Hai khía cạnh quan trọng của cuộc chiến chống tham nhũng cấp cao là lôi ra ánh sáng các quan chức tham nhũng, thu hồi và phân phối hợp lý tiền của thu được từ các vụ tham nhũng.

Đưa ra ánh sáng những quan chức cấp cao tham nhũng

Ngày 12/1/2004, Tổng thống Bush ra Tuyên bố 7750, trao cho ngoại trưởng thẩm quyền pháp lý đặc biệt để xác định những người không được phép vào Mỹ do liên quan đến tham nhũng của công có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia của Mỹ,

Mục đích của tuyên bố này là ngăn không cho những người đó được vào Mỹ để hưởng lợi từ những hành vi tham nhũng của họ và phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ các nỗ lực quốc tế chống tham nhũng của công xảy ra ở bất cứ đâu.

Thu hồi tài sản

Hoa Kỳ cũng đang hợp tác với các đối tác quốc tế để truy tìm và thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời, Hoa Kỳ còn hỗ trợ các cuộc điều tra nước ngoài để thu hồi tài sản thông qua việc sử dụng các công cụ tịch thu tài sản và điều tra thực thi luật pháp.

Trong những năm gần đây, các nhà chức trách Hoa Kỳ đã trả lại cho nhiều quốc gia hàng triệu đô-la mà các nhà lãnh đạo cũ của họ đã biển thủ.

Hoa Kỳ cũng sẽ hợp tác với các đối tác quốc tế để đưa ra những biện pháp tốt nhất trong việc xác định, truy tìm, phong tỏa và thu hồi tải sản có được một cách phi pháp thông qua tham nhũng quy mô lớn và hợp tác với các trung tâm tài chính quốc tế khác để xây dựng và tăng cường những biện pháp hiệu quả nhất ngăn không cho tài sản tham nhũng vào đất nước, tăng cường chia sẻ thông tin tài chính đáng nghi ngờ, khuyến khích và xây dựng mối quan hệ đối tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân.

Tại sao phải đấu tranh chống tham nhũng? Tại nhiều nền kinh tế, tham nhũng mang tính định chế và việc hàng ngày đối mặt với nạn tham nhũng còn có vẻ dễ hơn là việc đấu tranh chống lại nó. Coi tham nhũng là một vấn đề kinh tế có nghĩa là tham nhũng không chỉ đơn giản là một hành vi ứng xử sai trái. Điều này có nghĩa là khi nó mang lại lợi ích cho một số ít cá nhân thì nó cũng gây ra những tổn thất cho xã hội, cho khu vực tư nhân và cho chính phủ trong dài hạn. Tham nhũng cần phải được loại bỏ tận gốc vì những lý do sau:

Phân bổ nguồn lực không hợp lý
Các nguồn lực nếu không được trực tiếp dành cho sản xuất hàng hóa và dịch vụ thì thường là mục tiêu cho tham nhũng. Những nguồn lực này bao gồm cả các nguồn lực trực tiếp trong chuyển tiền mặt và các nguồn lực gián tiếp như việc duy trì quan hệ với các quan chức chính phủ hay việc cung cấp giấy phép hoạt động hoặc giấy phép sản xuất cho một doanh nghiệp ít hiệu quả hơn. Tham nhũng cũng khiến các nguồn lực bị phân bổ thiếu hợp lý trong khi lẽ ra chúng phải được sử dụng để cung cấp các dịch vụ công cộng. Số tiền thu được do cấp phép hoặc số thu từ thuế, thay vào việc được sử dụng để đóng góp cho ngân sách, lại chạy vào túi các quan chức chính phủ tham nhũng. Như vậy, các nguồn lực không được sử dụng một cách hiệu quả nhất; nói cách khác, chúng chỉ trở nên có hiệu quả nhất đối với các doanh nghiệp có quan hệ tốt và có được hợp đồng với chính phủ.

Tiếp tay cho các chính sách và các điều luật sai lầm và vô trách nhiệm
Trong các hệ thống bị tham nhũng, các nhà làm luật thường đưa ra các chính sách và các điều luật không có lợi cho môi trường kinh tế chính trị nói chung. Trái lại, các điều luật và chính sách này thường mang lại lợi ích cho một số ít người thân của các nhà hoạch định chính sách hoặc cho những người mua chuộc các quan chức chính phủ để họ thông qua một điều luật ưu đãi.

                           Mức độ đầu tư thấp hơn
Tham nhũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ xa lánh những môi trường có nạn tham nhũng hoành hành, bởi lẽ tham nhũng sẽ làm tăng chi phí kinh doanh của họ và sẽ hủy hoại sự nghiêm minh của pháp luật. Tham nhũng cũng thường đi đôi với mức độ rủi ro cao, và điều này luôn khiến các nhà đầu tư e ngại.

Giảm cạnh tranh và tính hiệu quả
Việc các quan chức chính phủ đòi hối lộ để cung cấp hoặc từ chối các dịch vụ (như cấp môn bài và giấy phép) sẽ hạn chế số lượng các công ty có thể tham gia vào thị trường, tạo ra một môi trường “xin-cho” buộc các công ty không muốn hoặc không có khả năng chi các khoản tiền hối lộ gia nhập vào nền kinh tế phi chính thức. Cơ chế xin-cho thường dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ thương mại và cũng dẫn đến thực tế là những đầu vào được sản xuất kém chất lượng hoặc không có hiệu quả sẽ làm giảm năng suất, tính hiệu quả và tính cạnh tranh. Nhìn một cách tổng thể, sự thiếu cạnh tranh gây tổn hại cho người tiêu dùng vì họ phải chấp nhận những hàng hóa hàm chứa tiến bộ công nghệ thấp, những hàng hóa kém chất lượng và phải trả những mức giá cao hơn cho những hàng hóa này.




Giảm nguồn thu của nhà nước đối với các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu
Trốn thuế - một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nguồn thu ngân sách của chính phủ - là hiện tượng phổ biến tại các quốc gia có nạn tham nhũng hoành hành. Lý do là các doanh nghiệp trong khu vực phi chính thức không báo cáo lợi nhuận của họ và kéo theo đó là hiện tượng trốn thuế. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực kinh tế chính thức cũng sẽ chi các khoản tiền hối lộ thay vì đóng thuế khi cơ quan thuế có hiện tượng tham nhũng hoặc khi cơ hội vi phạm luật thuế trở nên lan tràn. Hơn nữa, các viên chức chính phủ tham nhũng cũng chiếm đoạt các khoản phí và tiền thuế mà họ thu được từ các doanh nghiệp lẽ ra phải được nộp vào ngân sách nhà nước. Hiện tượng này làm giảm nguồn thu mà chính phủ cần để cung cấp các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.

Tăng chi tiêu công cộng
Các dự án đầu tư công cộng thường tạo nhiều cơ hội để các quan chức chính phủ nhận hối lộ. Đơn giản là để có nhiều cơ hội nhận được những lợi ích trực tiếp mỗi khi cung cấp một hợp đồng cho các “chiến hữu”, các quan chức chính phủ sẽ tìm mọi cách để có càng nhiều dự án đầu tư công cộng càng tốt. Trên thực tế, những vụ bê bối kiểu này không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển và có nạn tham nhũng hoành hành mà còn xảy ra tại nhiều quốc gia phát triển, nơi mà nạn tham nhũng hoành hành ít hơn. Tại nhiều quốc gia, đôi khi còn xảy ra trường hợp các dự án được cấp cho các “chiến hữu” không bao giờ kết thúc được do nguồn vốn nhà nước bị ăn cắp. Tham nhũng cũng là nguyên nhân gây ra việc quản lý yếu kém các dự án đầu tư công cộng, khiến cho thâm hụt công khố trở nên trầm trọng và đe dọa giảm tính hiệu quả của chính sách tài chính của nhà nước.

Giảm năng suất và không thúc đẩy được sự sáng tạo
Trong các hệ thống tham nhũng, các cá nhân và công ty thường dành thời gian và nguồn lực để tiếp tay cho nạn tham nhũng (đưa hối lộ, nuôi dưỡng quan hệ với các quan chức tham nhũng) hơn là để đẩy mạnh các hoạt động phát triển. Ngoài ra, tham nhũng cũng kìm chế sáng tạo vì các hệ thống tham nhũng thường thiếu các quy định của các thể chế pháp luật nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Tăng chi phí kinh doanh (được coi như một khoản thuế đối với hoạt động kinh doanh)
Thời gian và tiền bạc để hối lộ các quan chức chính phủ và để xoay sở với các điều luật phức tạp sẽ làm tăng chi phí kinh doanh. Các chi phí này sẽ được chuyển sang cho người tiêu dùng thông qua việc tăng giá bán hoặc sản xuất ra các sản phẩm chất lượng thấp, hoặc trở thành vật cản đối với các công ty muốn gia nhập thị trường. Ngoài ra, các hệ thống tư pháp tham nhũng cũng sẽ hạn chế khả năng thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp, cản trở các hoạt động bình thường và làm mất đi các cơ hội mới.

Giảm mức độ tăng trưởng
Tham nhũng gây tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp nhỏ vì các chi phí về thời gian và tiền bạc cho các quan chức chính phủ tham nhũng trở nên quá sức đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn là đối với các doanh nghiệp quy mô lớn. Nói chung, các doanh nghiệp nhỏ thường khó tránh được nạn tham nhũng, và những doanh nghiệp này có xu hướng hoạt động trong những môi trường cạnh tranh cao, vì thế, họ không thể chuyển chi phí dùng cho hối lộ lên vai người tiêu dùng. Vì vậy, trong một môi trường tham nhũng, các doanh nghiệp nhỏ rất khó tồn tại và điều này làm tổn hại đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vì các doanh nghiệp nhỏ chính là động lực phát triển của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.

Giảm cơ hội việc làm trong khu vực tư nhân
Tham nhũng buộc các doanh nghiệp phải gia nhập khu vực phi chính thức, tạo ra các rào cản đối với việc gia nhập thị trường và làm tăng chi phí kinh doanh; do đó làm giảm cơ hội việc làm trong khu vực tư nhân vì các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng trưởng và mở rộng quy mô.

Giảm số lượng công việc có chất lượng trong khu vực nhà nước
Các chính phủ tham nhũng thường đưa ra các cơ hội việc làm được trả lương thấp nhằm bảo trợ cho các thành phần quan trọng. Ngoài ra, chất lượng của các nghề nghiệp trong khu vực nhà nước cũng thường rất thấp tại các nền kinh tế có nạn tham nhũng hoành hành, bởi lẽ các quan chức chính phủ thường dành các nguồn lực để moi tiền hối lộ hơn là để cung cấp dịch vụ. Ví dụ, trong nhiều trường hợp, tại các cơ quan cấp giấy phép, các viên chức thường trì hoãn và kéo dài thủ tục cấp phép nếu họ không nhận được tiền hối lộ hoặc quà biếu.

Tăng nghèo đói và bất bình đẳng
Tham nhũng làm giảm thu nhập tiềm năng của những người nghèo vì nó khiến khu vực tư nhân tạo ra ít cơ hội việc làm hơn. Ngoài ra, thông qua việc hạn chế chi tiêu trong các dịch vụ công cộng, tham nhũng cũng làm gia tăng bất bình đẳng – nó hạn chế cơ hội tiếp cận của người nghèo đối với các nguồn lực quan trọng như chăm sóc y tế và giáo dục.

Xói mòn tính nghiêm minh của pháp luật
Tham nhũng tạo ra một nền văn hóa trong đó các quan chức chính phủ không phải chịu trách nhiệm đối với những việc họ đã làm. Ngoài ra, trong một hệ thống tham nhũng, luật pháp và các quy phạm pháp luật trên giấy tờ không được thực thi một cách thích hợp, nhất quán và công bằng. Các vấn đề được giải quyết không phải dựa trên luật pháp mà phụ thuộc vào việc bạn quen biết những ai và sẵn sàng chi ra bao nhiêu tiền.

Gây trở ngại cho các cải cách dân chủ theo định hướng thị trường
Để xây dựng thành công nền kinh tế thị trường và xã hội dân chủ, các quốc gia cần phải xây dựng và phát triển các thể chế có khả năng thực thi pháp luật và bảo đảm tính minh bạch của chính phủ, kể cả quá trình hoạch định chính sách. Trong các hệ thống tham nhũng, việc thực hiện yêu cầu này và việc xây dựng các thể chế như vậy là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Các quan chức chính phủ tham nhũng có trách nhiệm thực hiện cải cách nhưng lại tìm mọi cách để tư lợi từ các khoản hoa hồng và các khoản tiền hối lộ. Ngoài ra, do nó hạn chế sự tham gia của dân chúng, tham nhũng còn làm xói mòn tính hợp pháp của các cơ quan nhà nước và làm tổn thương tiến trình dân chủ vì nó không khuyến khích sự tham gia của người dân.

Tăng bất ổn định chính trị
Nạn tham nhũng hoành hành sẽ làm tăng bất ổn định chính trị vì người dân luôn muốn thay đổi các lãnh đạo tham nhũng vì họ là những người không thể đại diện cho lợi ích của nhân dân.

Tăng tỷ lệ tội phạm
Tham nhũng nuôi dưỡng một hệ thống có thái độ coi thường luật pháp cao và tạo ra một xã hội trong đó hệ thống lập pháp, tư pháp và các thể chế thi hành pháp luật đều không có hiệu quả. Trong các hệ thống tham nhũng, tội phạm rất dễ dùng tiền để chạy tội. Tham nhũng không chỉ dẫn đến tội phạm chính trị và tội phạm tập thể mà còn tạo điều kiện thuận lợi các các hình thức tội phạm có tổ chức.

Trích từ tạp chí Cải cách Kinh tế Trung tâm Doanh nghiệp Tư nhân Quốc tế.


No comments: