Monday, May 6, 2013

Đọc sách

                 Ba bài viết về Đêm Thánh Nhân




240 phút mạo hiểm cùng Nguyễn Đình chính


Văn Cầm Hải


Nhân đọc Đêm Thánh Nhân, tiểu thuyết. NXB Văn học, 1999.


Một ngày tháng 7, chỉ còn 5 tháng nữa là sang thiên niên kỷ mới, như loài hến chợt vàng chát màu kim loại mùa hạ, tôi bỗng sừng sộ với căn phòng quá đỗi chen chúc bóng người, họ rì rầm, họ líu lo và thậm chí có kẻ còn phởn phơ làm tình trên chiếc giường vốn cháy lên bao lần mạch máu của tôi di động. Họ mỉm cười đến súc tích và sâu thẳm như vừa sinh ra từ một quả trứng gà óng ả lòng trắng giấc ngủ lòng vàng giấc mơ. Tôi nhận ra bác sĩ Trương Vĩnh Cần - kẻ liệt dương một đời cô đơn tính dục “lặng lẽ cam chịu nhẫn nại âm thầm sống như vậy qua ngày, qua tháng, qua năm, mang nặng trên lưng nỗi ám ảnh ân hận xấu hổ của một kẻ tội đồ đang tự trừng phạt mình”; tôi bắt gặp nữ trưởng ga Phạm Thị Nhàn - người vợ liệt sĩ đã từng “như ngất lịm đi vì những cảm xúc quái lạ điên cuồng không thể hiểu được” với anh thương binh cụt hai chân bằng tuổi cháu mình; tôi rùng mình trước tướng cướp Thạc gà gáy - đã từng là một người lính đặc công, bị tử hình bởi “giết người hàng chục lần bằng tất cả các thủ đoạn: chém, đâm, bắn, thắt cổ và bổ cuốc chim vào đầu; tôi nhận ra thuyền trưởng Mùi cá ngạnh - cũng là cựu binh như Thạc gà gáy, tuy không đi cướp nhưng bị chiến tranh cướp mất tương lai cuộc đời với đứa con “lầy nhầy mang hình thù nửa người nửa sứa có hai con mắt to tướng trắng dã”; tôi tiếp tục nhận ra sắc mặt y sĩ Sự và đứa con gái Thương Ơi cùng nhau “kéo dài cái mạng ngoắc ngoải vô hồn của ông thêm mười năm, 3640 ngày đêm nữa mới trút hơi thở cuối cùng”; lần hồi tôi bỗng thân quen với một tá người khác như ông Từ giữ đền Thánh Mẫu, cô Hà làm đĩ, bác sĩ Chiểu và cô Kim Thoa - ân ái ba lần liền trong một chiều trắng hếu dương xỉ như da thịt mông Thoa trong cánh rừng ngút ngàn màu xanh mắt hủi, có bóng dáng ông nội Thoa bới đào 7 cục vàng như 7 vụ nổ big bang làm vỡ mặt tổ ấm vũ trụ… Toàn quen cả. Nhưng sao hồng hào đến thế hay cửa sổ khép mở dương khí? Khép lại đôi cánh, bóng tối ngậm chặt vú nhú Thương Ơi, họ vẫn thiên sứ hồng hào tươi tắn, những màu sắc tội đồ bong vỡ, họ như những bức tranh đã được phục chế bởi một họa sĩ. Không phải phục chế mà là… - vẫn điệu rề rà những tỉnh táo lạnh tựa kiến soi da, bác sĩ Trương Vĩnh Cần liếc vào mặt tôi một nhát chữ: phục sinh! Chúng tôi được phục sinh sau Đêm Thánh Nhân! May quá, thế kỷ 20 cũng sắp tàn…


Tôi kinh hoàng nhận ra đấy không phải là một giấc mơ thấy họ được phong “thánh” như lời tựa tác giả Nguyễn Đình Chính tự lòng, đó là trường năng động, là độ sâu của một sự dịch biến có thật đang xô đẩy tôi vào khoảng thời gian có chiều dài 240 phút mù mịt mảnh vỡ pha lê thăng giáng, mỗi mảnh trong veo ấy tôi nhìn thấy tôi, tôi nhận thấy người, tôi nhìn thấy Nguyễn Đình Chính, tôi nhìn thấy 10 nhân vật ứng với 10 chương sách như 10 truyện ngắn được liên kết với nhau bằng một dòng ý thức huyền nhiệm dân gian không lao động theo khuôn khổ của tư duy mà là cuộc chơi hực hỡ của trực giác, vật vã và thông thống trườn qua từng con chữ ám ảnh nỗi niềm cô đơn và tính dục vốn như hai loài chim hiếm khi xuất hiện giữa bầu trời xứ ta bởi nhiều tia nhìn ám khí sẵn sàng hạ thủ không nương tay. Dựa vào cô đơn và tính dục, S.Freud, N.Rilke hay F.Kafka từng nung chảy bao nhiêu mặt nạ rụt chặt lấy con người qua mấy thế kỷ. tự trong suối nguồn của mình, “những tội đồ trong sáng” ấy đã làm giá đỡ cho không ít tấm lòng vịn lên, nhảy ra giữa ánh sáng để soi rọi mọi giác độ của mình. Và bây giờ, cũng không đến nỗi xa lạ nhưng không đồng điệu, Nguyễn Đình Chính đã chuyển tải cả 621 trang sách của mình trên hai đường ray tâm lý cô đơn và mất mát, tính dục và đam mê bằng điệu chơi volo ergo-sum - tôi muốn tức là tôi tồn tại chứ không phải cotigo ergosum - tôi tư duy tức tôi tồn tại của Descartes. Sự muốn ở đây được xem như một khả năng sống của con người hiện ra dưới ngòi bút huyễn hoặc đột nhập vào những giấc mơ phập phồng ma quỷ thủ dâm, những hồn ma đối thoại, những chân dung nước mắt rỏ máu, những cuộc làm tình tươi tốt như lửa thiêu cháy giác quan. Tưởng là ẩu đả với phân tâm học, tưởng là tâm thần phân lập trong từng múi chữ, tưởng là ngột ngạt của một bài ca di giáo bất chấp tôn giáo, không gian và thời gian đa chiều nhưng tất cả những điều “đa số gọi là huyễn hoặc hay đặc biệt thì đối với tôi lại chính là bản chất của cái hiện thực” (chữ dùng của Dostoevki). Ngay từ chương một cho đến chương mười, cái hiện thực ấy lũ lượt rấm chảy rong rã với luồng khí lạnh cuộn bay trên xác ma trong bệnh viện, khuya khoắt tương tư với hồn ma của nữ trưởng ga tại ga xép Thuận Thiên, rồi khinh bạc ăn ỉa với Thạc gà gáy trong chuồng cọp dành cho người tử tù để tới hồi rú lên với Mùi cá ngạnh trong đêm tỷ thí rượu và sau sau nữa, ông cứ xách chiếc va-ly cũ kỹ như đời ông lang thang, vất vưởng, giải oan cho hồn ma này đến hồn ma khác như ý trời đã chỉ rõ lộ trình bằng tiếng sét choảng xuống ga xuất phát có tên là Thuận Thiên. ý trời lời người, cô đơn và tính dục như mũi tên xé gió vừa giết ông nhưng vừa mang ông bay đi không quên để lại trên đường cây cỏ muôn vàn giọt nước mắt hòa múa lúc vụng về, lúc nhút nhát, lúc cuồng nộ rơi xuống hóa giải bao nhiêu trần gian ọp ẹp. Chưa hết ông còn hóa giải những cơn đau cho cả chính mình trong những đêm vằn véo tâm hồn cùng cái thể xác “mít ướt” của mình. Cô đơn hành hạ “cái xác thối rữa về chính trị đạo đức và nghề nghiệp” ẩn náu trong ông bác sĩ, cô đơn 108 ngày đêm của anh lính tuổi “băm” thất nghiệp sau cuộc chiến, cô đơn néo chặt dây thần kinh làm cô gái Thươnng Ơi mười mấy năm câm điếc… Im lặng là nơi náu mình của cô đơn, đam mê cuồng loạn là nơi nương thân của tính dục. Hơn mười cuộc làm tình kỳ quái nhưng rất người của lão Phềnh khi lão “cười gằn cầm ống điếu gõ gõ nhè nhẹ vào mông Hà. Rồi như con beo đè con nai ông Phềnh dằn cô gái xuống và bắt đầu thực hiện cái việc truyền giống một cách rất thong thả, chính xác, hệ trọng”. Cuộc làm tình này không vỡ bờ khiếp đảm đến như “cô Kim Thoa chẳng ngồi dậy được nữa mà cô cứ nằm co người lại giấu bộ mông nở nang trắng hếu vào bụi dương xỉ, mắt nhắm lim dim giả vờ như đang ngủ để cố tránh không kích thích gợi dục bác sĩ Chiểu… “. Nhưng ấn tượng về một loạt tính từ không cần trật tự ngữ pháp. Lão Phềnh chính là con thú vừa mang trong mình nhịp điệu sơ khai của đời sống nguyên thủy trong trắng, vừa gầm gừ ô nhiễm cái thói lạnh lùng của thời đại bạo lực, công nghệ vay tiền mua tim - một căn bệnh trầm kha khó trị của loài người. Nhưng cũng như giữa Con và Người, đời sống ô trọc và thánh thiện được nhắc đi nhắc lại hai lần trong mắt Mùi cá ngạnh - “cái cuộc đời rối mù bát nháo hỗn độn này hóa ra dễ hiểu vô cùng. Nó giống hệt cái bãi biển kia và đại dương mênh mông xa tít dào dạt kia. Trước mũi là cứt đái bẩn thỉu khắm lặm nhưng xa hơn chỉ là một chút xa hơn bao giờ cũng là biển xanh mênh mông trong sạch lúc nào cũng dạt dào vỗ sóng tới tận chân trời”. Và cuối cùng, vượt qua tín ngưỡng, Mùi cá ngạnh có một hành động mà nói theo điệu thức của Thiền là ngộ khi anh “nghiến răng tung bọc chăn xuống biển. Mặt biển đen ngòm lóe sáng đớp gọn lấy thằng bé” - đứa con quái thai nhức nhối màu da cam của chiến tranh. Giải thoát đau khổ không phải là nhường hay trút sang cho đồng loại mà hãy mang nó đi thật xa khỏi kiếp người, ở nơi đó dường như chỉ có tấm lòng thiên nhiên, sự chuyển xoay vô ngôn của tạo hóa mới bao dung không so đo con tính! Trong tôi, kết thúc chương 4 với tiếng hét cuống cuồng tràn đầy yêu thương chia sẻ của bác sĩ Cần, nào thằng Thạc gà gáy, nào thằng Mùi cá ngạnh và cái quái thai là thằng cháu nội quý tử của ông, với hành động siêu nhân của Mùi là hồi kết đầy tính quả cảm của kết cấu Đêm Thánh Nhân, những chương hồi sau là các cảnh huống so sánh, đối lập và sự giải vây cho mọi thắc mắc hoặc có thể nó sẽ tiếp tục tràn qua Đêm Thánh Nhân II với nhiều tục lụy và phương cách giải thoát khác não nùng và tinh túy hơn! Kết cấu biến hóa và chuyển tải bởi một cuộc chơi ngôn ngữ lười quy tắc đến độ tàn nhẫn ấy, có lẽ Đêm Thánh Nhân I không dành cho những ai yếu vía hoặc thậm chí nhìn nó với ánh mắt lén lút! 4 giờ đồng hồ / 621 trang sách quả là mạo hiểm nhưng mạo hiểm để hóa thân thì cũng lên đường vậy.


Tiễn mọi người ra cửa, trời bỗng xối mưa, những cơn mưa đột ngột nhói lên giữa chuỗi ngày khô hạn nắng nóng nhất nước trong nửa lưng chiều 16/7.


    Tôi nhìn dáng đi của bác sĩ Trương Vĩnh Cần và những con người bước thấp bước cao ào ra phố phường, qua màn mưa nóng lốt hơi đất xong lên nồng cháy, mưa nhớ đến K, nhớ đến Zivago,… chắc họ không ngờ sau họ, hậu duệ vẫn chưa rũ bỏ được những căn bệnh hoang tưởng lẫn nhau, vẫn còn lận đận bản năng yêu thương đồng lọai đam mê muốn sống trong sự sám hối thật thà dẫu rằng chỉ 5 tháng nữa là thời gian lật bước thế kỷ mới. A men!


Thiên cầm lâu, những ngày sóng đổi màu 16/7/1999.


V.C.H - Nhà thơ - Luật sư


                                      


“Đêm thánh  nhân” cõi nào  giữa trần gian


H.Q.T


Cảm tưởng đầu tiên khi đọc xong Đêm Thánh Nhân của Nguyễn Đình Chính cho ta một hình ảnh của một sân khấu trên đó diễn viên là những nhân vật nửa người nửa ngợm:


Kẻ thì cụt cả chân lẫn tay, còn lại duy nhất cái thân… cóc.


Kẻ thì đẻ ra quái thai 3 chân 4 tay lều nghều, loằng ngoằng như những cái vòi của con bạch tuộc.


Kẻ thì hiện nguyên hình ma cô, ma cậu, lưu manh, côn đồ, đĩ đực, đĩ cái…


Kẻ thì khóc dở, mếu dở, nửa tức, nửa cười, mặt mày méo mó.


Đó là những con người, sự kiện có thể đã xảy ra ở đâu đó, ở rất xa, và cũng có thể là rất lâu rồi. Nhưng khi gom chúng lại một chỗ và cho chúng nhảy múa, trông chúng thấy khiếp đảm. Nó gợi lại cho ta hình ảnh địa ngục trong các truyện cổ dân gian Việt Nam.


Và lẽ dĩ nhiên một số người rất dị ứng trước màn diễn như vậy.


Đơn giản là tâm trí của họ ưa cái thiện, ghét cái ác. Họ sẵn sàng chấp nhận những hình ảnh của thiên đàng, nhưng cảnh xuống địa ngục thì khó chấp nhận. Và rất có thể họ sợ, khi xem những điệu vũ quái đản đó, quái nhân sẽ nhảy ra vồ lấy họ. Các quái vật ở trên sàn diễn của Nguyễn Đình Chính xem ra có cái thế hung hăng và ngông cuồng lắm.


Rồi tiếng la hét, đánh cồng, đánh chiêng, đập bàn, đập ghế, quỳ bò lê lết, ăn xin, ăn mày, liếm gót, huyênh hoang, khoác lác… nghĩa là đủ các trò đời.


Một lý do đơn giản nữa là họ giật mình (người có tật vẫn thường hay giật mình). Các quái vật trong lúc trình diễn các vũ điệu tự chọn sao trông giống họ đến thế. Cứ như hai giọt nước vậy.


Vậy thì không thể là một màn trình diễn để mua vui cho thiên hạ được. Song khi ta để tâm xem kỹ thêm một chút nữa, ta nhận ra đám nửa người, nửa thú đó chính là loài mặt người dạ thú sống chen lẫn trong xã hội để hù dọa, ăn hiếp, cướp bóc, làm tình, làm tội những kẻ yếu bóng vía. Và Nguyễn Đình Chính đã dùng ngòi bút của mình để lột tả những dã tâm đen tối của chúng. Như vậy, thông qua tác phẩm Nguyễn Đình Chính đã phơi trần bộ mặt thật của những kẻ không có văn hóa và trình bày dưới dạng tác phẩm văn học. Những kẻ dị ứng với tác phẩm Đêm Thánh Nhân của Nguyễn Đình Chính không phải lo và giật mình đến thế. Vì những sự kiện, địa danh, tên nhân vật trong truyện đều phi thực tế, phi địa lý và bất tiện dụng. Như vậy là ảo tưởng, Không một ai bị phạm vào danh dự, không một địa phương nào bị bôi xấu, không bóng gió một việc gì. Như vậy là mơ hồ, hai yếu tố ảo tưởng và mơ hồ rất đậm đặc trong tác phẩm. Đáng lẽ điều đó phải làm cho tác phẩm trở nên không giá trị. Nhưng khi đọc lại, ta thấy nó có sức gợi cảm lạ kỳ. Hình như cuộc sống của các dị nhân trong truyện có nguồn gốc từ xa xưa, hình như ta có nghe ở đâu đó. Hình như những hình bóng vật vờ, lởn vởn trong truyện ta thấy ở chỗ này chỗ khác. Những điều làm ta rất ghê khiếp hình như nó là một thế lực mà ta phải kiêng sợ. Như vậy, Nguyễn Đình Chính đã đặt ra một vấn đề triết học: nhân bản – con người trình bày dưới dạng văn học.


Những điều mà Đêm Thánh Nhân trình bày liệu có làm hổ thẹn ai đó không? Không thể biết \.


Thực chất Đêm Thánh Nhân không phải là sân khấu của các quái nhân mà đó là phiên tòa của địa ngục trần gian.


Văn học Việt Nam từ xưa vẫn có thế mạnh miêu tả cảnh bồng lai ở trên trời hoặc cảnh báo ân oán dưới địa ngục. Nhưng thật lạ ở đời nay các thi sĩ vẫn tiếc cảnh trăng, núi, gió, mây, tiên nữ, bồng lai. Đó là cảnh cung trời Đâu-suất. Họ muốn thăng thiên. Nhưng tại sao họ không dám nhìn xuống địa ngục. Thiên đàng và địa ngục là hai mặt đối lập song song tồn tại như hai mặt của một tờ giấy, có cái này mà không có cái kia. Đấy là nét đặc trưng rõ nhất trong văn hóa cổ điển của chúng ta. Và nếu chúng ta tìm lại, chúng ta sẽ thấy những áng văn hay nhất đều thuộc về những đề tài này. Đọc Đêm Thánh Nhân ta thấy các âm hưởng đó vang lên, và ta không thể không rùng mình sợ hãi. Bất ngờ, ta nhận ra tâm linh đang chuyển động. Không như các thi sĩ đời nay, Nguyễn Đình Chính đã chọn con đường đi xuống địa ngục. Hay đúng hơn là anh chọn bác sĩ Trương Vĩnh Cần đi xuống thay anh.


Là một trí thức hiền lành, yêu vợ, bác sĩ Trương Vĩnh Cần đang sống yên ổn, bình yên thì bỗng dưng mắc chứng liệt dương. Đó là trời giáng họa hay đúng hơn là    Nguyễn Đình Chính thay trời giáng một đòn cân não vào tâm hồn bác sĩ Trương Vĩnh Cần. Cái kiểu trong họa có phúc là quyền năng của trời đất, chuyển họa thành phúc lại là tài năng của con người. Nhưng đối với Trương Vĩnh Cần thì họa rồi vẫn không có phúc vì Trương Vĩnh Cần là người có tội mà khi đã có tội thì dù là tài năng cũng khó được đắc dụng ở đời. Cái tội lớn nhất của Trương Vĩnh Cần là tội hèn nhát. Đó là cái tội trời không dung, đất không tha của một kẻ được coi là đàn ông. Nhưng dù là người có tội cũng có chỗ đắc dụng của nó và Nguyễn Đình Chính đã chủ ý dùng Trương Vĩnh Cần đi gặp các tội nhân. Để đúng như ý của người xưa: Có văn phải biết dụng võ.


Để thông hiểu nỗi nhọc nhằn của thuộc hạ, Nguyễn Đình Chính đã cho Trương Vĩnh Cần được truy hoan với một cô gái rừng chưa tròn 16 tuổi trước khi đi học. Đó là ân huệ riêng của Nguyễn Đình Chính ban cho Trương Vĩnh Cần. Còn người đời với các lề luật riêng của mình thì khép Trương Vĩnh Cần vào trọng tội: Hủ bại, hủ hóa.


Bác sĩ Cần là người không thông hiểu luật trời, cũng như không thông hiểu lòng người nên đã hóa điên lên giữa miền hoan lạc và tội danh.


Người đời nói chung vẫn là vậy. Cái trời ban cho họ đâu biết, cái tội mang tiếng ở đời dễ gì một sớm một chiều gỡ cho ra.


Trong cái ngờ vực của một người ngô nghê, Trương Vĩnh Cần đã đi trong đời với một tâm thức lúc tỉnh lúc mê, gặp hết người này người khác, nghe hết chuyện này đến chuyện khác, để dần dần vỡ ra, dần dần nhận ra: ở trong đời còn có trời đất và cả âm ti địa ngục. Đó là cái lý chính để Nguyễn Đình Chính dệt nên tác phẩm của mình. Nhưng dù lý thuyết có tuyệt vời đến đâu nếu không có nghệ thuật thì tác phẩm cũng là thứ cặn bã của lý trí mà thôi. Với sự hiểu biết sâu sắc về luật cân bằng âm dương, cùng với nghệ thuật của cú pháp, Nguyễn Đình Chính dùng tài năng của mình đã dệt nên một tác phẩm hoàn chỉnh miêu tả công đường dưới địa ngục.


Câu hỏi được đặt ra là: Trong tác phẩm có Diêm Vương đâu? Đao phủ đâu? Có vạc dầu đâu?…


Tất cả có hết, từ Diêm vương đến Đao phủ. Tất cả không thiếu một ai, không thiếu một thứ gì. Tất cả chứa ở trong đầu Trương Vĩnh Cần cũng như trong đầu mỗi độc giả chúng ta. Diêm vương là khái niệm của người xưa để chỉ hỏa ngục mà tượng trưng bằng vạc dầu sôi và lửa. Cho nên khi ta cáu giận ta có cảm giác của sự nóng bỏng sôi sục. Đó chính là lửa hỏa ngục đang dâng lên trong ta. Như vậy, Diêm vương là khái niệm tiêu hủy thể xác. Cho nên ta đâu ngờ: trong đầu ta vẫn thường xuyên xuất hiện nhiều ước mơ. Rồi trí óc giúp ta hiểu rằng nếu ta gắng sức, ta sẽ đạt được những điều cao đẹp đáng quí và ta nhận ra có những điều nếu ta phạm vào ta sẽ bị khép vào hình phạt. Như thế ngay trong đầu ta con đường thiện và con đường ác đã bày hiện. Vấn đề là ta sẽ chọn con đường nào, nếu ta chọn con đường ác thì tất yếu đó là con đường dẫn xuống địa ngục.


   Nguyễn Đình Chính đã sai Trương Vĩnh Cần đi gặp các tội nhân để ta thấy các tội danh của chúng.


Do đó, mặc dù địa ngục là thế giới âm, đời là dương gian. Âm dương cách trở không dễ gì biết được nhau. Nhưng với việc để một người mắc chứng tâm thần đi lang thang lúc tỉnh, lúc mê, Nguyễn Đình Chính đã rất có lý làm cho âm dương đan xen vào nhau trong trạng thái đồng đồng, cốt cốt, tỉnh tỉnh, mê mê của Trương Vĩnh Cần. Lúc tỉnh,  Trương Vĩnh Cần nghe các vui sướng, khổ buồn của các tội nhân, khi mê quá khứ đó mới là nguyên nhân dẫn đến sự thọ lãnh các nghiệp quả, nhân duyên: ác giả, ác báo, luân hồi, bể khổ của kiếp người trầm luân. Đó mới thực là cái vòng khép kín của một kiếp người trong thế giới âm dương ở mảnh trời Nam đất Bắc này. Và cũng như thế ân oán vay trả đã được phơi bày.


Trong Đêm Thánh Nhân, Nguyễn Đình Chính đã sai Trương Vĩnh Cần đi bắt các tội nhân về quỳ chung trong một công đường: trong cái đầu của Trương Vĩnh Cần. Những kẻ bướng bỉnh, ương ngạnh, khó dạy, khó uốn nắn. ở đó, chúng ta nghe thấy có tiếng rên rỉ, tiếng oán trách, tiếng quằn quại vì dát, bỏng… với một thủ pháp như vậy, Nguyễn Đình Chính đã bày trước mặt độc giả những tội ác dẫn đến địa ngục, cũng như cái cần phải trả của một kẻ tội lỗi muốn làm lại cuộc đời để trở nên lương thiện. Để cho lời của cổ nhân được ứng nghiệm:Thiên đàng tại tâm  .Địa ngục tại tâm


Đó là điều rất kỳ diệu, và đó cũng là lần đầu tiên văn học Việt Nam hiện đại có thể giúp người đọc giơ tay chạm tới địa ngục mà không hề sợ bị tổn thọ. Đó cũng là điều mà những nhà văn chúng ta qua Nguyễn Đình Chính có thể tự hào : rằng thế giới nội tâm là thế giới mà chỉ có nghệ thuật văn chương mới miêu tả được. Đó phải là vinh hạnh riêng cho các nhà văn. Vì không một nghệt thuật nào có thể làm thay nó được.


Lại nữa, cái chìa khóa để Nguyễn Đình Chính có thể dắt bạn đọc hào hứng đi hết 600 trang sách mà không biết mệt mỏi, đó là nhân vật Trương Vĩnh Cần. Như đã nói y là người có tội, nhưng y cũng là người vô can. Vì y có liệt dương đâu, y chỉ liệt dương với mụ vợ già nua lúc nào cũng chỉ lên mặt dạy chồng. Mụ đàn bà đó đã trở thành đàn ông từ lâu rồi. Trong khi đó cái khao khát làm tình của người đàn ông đã dày vò làm khổ sở Trương Vĩnh Cần và y đã phạm tội. Nguyễn Đình Chính đã thấu hiểu, chính vì thấu hiểu mà thông cảm, chính vì thông cảm mà  Nguyễn Đình Chính đã tìm cách gỡ tội cho Trương Vĩnh Cần. Cho nên trong 600 trang sách ta luôn thấy sự hóa thân của Nguyễn Đình Chính vào  những kẻ cặn bã của xã hội để giúp Trương Vĩnh Cần đối mặt với tội lỗi, để giúp Trương Vĩnh Cần nhận ra…


.


Nhưng tâm hồn Nguyễn Đình Chính phức tạp hơn chúng ta tưởng. Với việc để Trương Vĩnh Cần truy hoan với Ma Thị Thảo 16 tuổi. Trong suốt câu chuyện, Nguyễn Đình Chính luôn đặt trong ta câu hỏi: Có đáng ra tay cứu vớt một con người tội đến như thế không? Một con người hủ bại đến như thế không? Và trong suốt câu chuyện, Nguyễn Đình Chính luôn lật ngược lại vấn đề cho ta nhận ra rằng cái khát khao được lưu truyền giống nòi vốn là bản tính tự nhiên của con người. Đó là công cuộc văn hóa. Như thế là Trương Vĩnh Cần là người có văn hóa bị bóp nghẹt. Và y đã gây tội với cô bé Ma Thị Thảo. Oán như thế có thể gọi là đã trả xong, nhưng ân thì chưa. Đó cũng là vòng ân, oán, vay, trả, luân hồi Đó là mũi dao chích vào lòng tự trọng của ta. đó là ảo giác, nó đọng lại trong tâm hồn ta, tuy ta luôn nghĩ là ta sẽ không làm như thế. Nhưng trong tâm thức ta thèm khát điều đó.Ta phải từ chối nó chỉ vì lề luật xã hội không cho phép. Những mâu thuẫn tình cảm, lý trí, đó là một thủ pháp: trong đó tác giả đối thoại với độc giả, độc giả đối thoại với tác giả, rồi bạn đọc nhận ra cuộc đời của các nhân vạt trong truyện và cuộc đời của bạn . Nguyễn Đình Chính đã đi đến lô-gích tâm lý hiện đại: phân-tâm-học-tâm-lý. Điều đó buộc chúng ta phải im lặng như ta vẫn thường tỏ thái độ im lặng trước những gì quá bất ngờ. Nó mới mẻ quá, lớn quá, ta bị ngập trong cảm giác rờn rợn khi ta nhận ra vũ trụ này bao la quá, náo nhiệt quá, còn ta đã cô đơn từ lâu rồi, từ rất lâu rồi! Như Nguyễn Đình Chính đã nhận ra trước ta.


        Đêm Thánh Nhân là một cuốn sách được đọc một cách âm thầm như số phận nó phải có. Những ảo giác nó gây nên làm linh hồn ta rung động. Những lời thoại của các nhân vật như những ánh đèn đỏ trong đêm tối giúp ta nhận ra lối đi, những ký ức từ dĩ vãng được dựng dậy làm bừng tỉnh tâm thức ta. Tất cả những điều phức tạp này có được là nhờ nghệ thuật ngôn từ sành điệu của Nguyễn Đình Chính. Đôi chỗ ta thấy anh đã cố tình bỏ quên những dấu phẩy, dấu chấm, những đại từ, trạng từ… Đó không phải là sai sót, mà đấy chính là nghệ thuật đã làm chủ kỹ thuật. Chính lúc đó ta thấy kỹ thuật chỉ là thứ dụng cụ phục vụ mục đích của nghệ thuật. Người nghệ sĩ thích quăng đi lúc nào thì quăng. tôi không có ý khen ngợi điều này vì đó không phải là điều hay cho số đông các nhà văn đang bì bõm học viết. Không phải là người phi thường không làm được điều đó mà kẻ giả cầy thì quá đông. Điều mà khiến tôi ngưỡng mộ là thái độ của anh. Khi gọi các tội nhân đến công đường, Nguyễn Đình Chính không đưa ra một hình ảnh Diêm vương, hay một kẻ luận tội nào. Làm như thế Nguyễn Đình Chính đã tự hạ mình xuống ngang hàng với độc giả, nhường phần phán quyết cuối cùng cho trí óc minh mẫn của bạn. Nhưng chính vì lẽ đó mà chúng ta phải nghiêng mình, khi ta nhận ra rằng ta không đủ sức phán quyết, ta bắt buộc phải tìm đến anh. Người đã cho ta biết thế nào là ân, thế nào là oán thì người cũng sẽ cho ta biết thế nào là công bằng. Đó là lý do tại sao ta phải lùi lại nghiêng mình tỏ lòng tôn kính để được chiếu cố.


Hà Nội – Xuân 2000.


H.Q.T



                                 
Mấy cảm nghĩ khi đọc đêm thánh nhân





Được biết rằng sau nhiều trăn trở, Đêm Thánh Nhân của nhà văn Nguyễn Đình Chính đã ra mắt bạn đọc và được nhiều người tán thưởng. Là người đọc, tôi chỉ mong góp vài cảm nghĩ của mình sau khi đọc sách của anh.


Nguyễn Đình Chính đã dùng nghệ thuật kể chuyện rất khéo để viết cuốn tiểu thuyết có sức hấp dẫn người đọc của mình. Chỉ riêng việc cầm mấy trăm trang giấy trong tay, sau một hồi đã cảm thấy có một ma lực cuốn hút, đọc một mạch từ trang đầu đến trang cuối, trong tình hình cơ chế thị trường và truyền thông đại chúng sôi động như ngày nay, quả thật là điều hiếm thấy. Càng đọc càng thấy giọng văn của Chính hồn nhiên, không kiểu cách, chỉ thấy Chính cố ý nói lên cái sự thật nó vốn là như thế vốn nó là sự thật, thật từ âm thanh, mùi vị, tình tiết, mà tác giả vạch trần không che đậy, không õng ẹo, không ngập ngừng và nhất là không cay chua, không độc địa, không hằn học, không tàn nhẫn, đã khiến người đọc có thiện cảm với tác giả, Tôi đi vào nội dung câu chuyện mà tác giả phanh phui từ trang đầu đến trang cuối truyện. Rõ ràng anh là một nhà văn trung thực. Anh kể sự thật. Sự thật ở đây là sự thật văn học, sự thật của cái tồn tại xã hội bán khai đó đây trong và sau chiến tranh, ở rất nhiều nơi mà nhà văn cựu chiến binh này đã thực sự ngụp lặn sống trong đó mới có thể nắm bắt và kể ra từ gan ruột. Những tình tiết diễn ra trong không gian và thời gian hẳn hoi, chứ không phải căn cứ vào vài thủ pháp nghệ thuật gây ảo giác của tác giả mà một số người cho nó là phi thời gian và phi không gian. Những câu chuyện cứ tưởng như một giấc chiêm bao. Anh chỉ kể sự thật mà không làm quan tòa phán những nguyên nhân gây ra sự thật đó để răn dạy người đời và cải tạo xã hội! Cuộc đời này nó là như thế, còn vì sao nó lại như thế và làm thế nào để nó sẽ không như thế nưa, đó là việc của khác và vẫn chỉ là mơ ước của hàng triệu người trong cuộc đời, ngoài tầm tay của tác giả. Tôi là người ngoại đạo, không hiểu rõ sứ mệnh của nhà văn ở chỗ nào, nhưng ở chỗ này tôi đồng tình với tác giả.


        Ai cũng biết đời sống tình dục là một nhu cầu bình thường của đời người, việc truyền giống làm cho nòi giống sinh sôi lại là nhiệm vụ của bất cứ người nam, người nữ nào đối với xã hội. Nói về Simumd Freud người sáng lập khoa phân tâm học, nhà văn Stéfan Zweig nói: “Ông gọi con mèo là con mèo, ông dành cho những sự vật và hoạt động tình dục những cái tên thật của nó, một cách tự nhiên như nhà thực vật học gọi tên những loại cỏ và cây. Với một sự bình tĩnh lâm sàng, ông xem tất cả những biểu hiện của tình dục, ngay cả những biểu hiện gọi là xấu và sự đồi bại bằng những tiếng nổ phẫn uất của đạo đức và tiếng kêu hoảng sợ của sự thẹn thùng… ”. Cũng vậy, Nguyễn Đình Chính đã gọi tên thật của các sự vật, đã cố ý đã đưa vấn đề tình dục vốn là bình thường của đời sống con người như đói ăn, khát uống thành những nhu cầu thiết yếu mà xưa nay người ta cố tình che đậy. Họ né tránh vì quan niệm rằng nói ra là xấu xí, là thiếu văn minh. Tuy nhiên ít lâu nay ở ta cũng có một số tác giả nói thẳng những chuyện này nhưng tiếc rằng người ta cố ý hay vô tình biến chuyện tình dục thành chuyện dâm thư có tác dụng kích động người đọc hoặc dùng nó để đả kích một lớp người nào đó mà họ cho là đối tượng xấu coi nó như những lời chửi rủa mà nhiều người đọc cảm thấy“nổi gai ốc khắp người” mỗi khi học đọc. Thật ra những tác giả chân chính phải ngợi ca tình dục như những hình tượng đẹp, cái đẹp thẩm mỹ, cao thượng theo gương các tác gải văn chương và nghệ thuật cổ điển. Nguyễn Đình Chính trong Đêm Thánh Nhân I mới đưa nó ra một cách không che đậy nhằm chống thói đạo đức giả và thói bôi xấu tình dục, mà chưa nâng lên được như những hình tượng tuyệt vời của tạo hóa. Tuy nhiên đây đó ta vẫn tìm thấy những hình ảnh đẹp đầy cảm động. Chị trưởng ga Thuận thiên chỉ được ngủ với chồng ba đêm, đêm thứ ba, chị ngượng với chồng, bèn quẳng chiếc đèn pin ra cửa sổ. Vậy mà đến lúc chị ở với đứa cháu hờ cụt cả hai chân, chị đã cẩn thận làm cái liếp che buồng tắm bằng mảnh gỗ dán. Và bỗng nhiên miếng gỗ đổ ra, lần đầu tiên người đàn bà được một người khác phái nhìn vào vùng kín của mình, chị đứng ngây ra một lúc trước khi sụp xuống - và tiếp đó trên giường, chị đã ôm choàng lấy cậu cháu mà không biết vì sao! Thử hỏi rằng hình ảnh ấy ở người đàn bà sẵn sàng mang mọi sự ưu đãi trả lại để nhận kỷ luật sau khi không thể che giấu nổi cái bầu… còn có gì đẹp hơn và cảm động hơn? Một cô gái điếm mắc bệnh HIV bị bán sang Trung Quốc đã dâng hiến tình yêu cho một chàng thanh niên dân tộc đã cứu sống và cưu mang cho mình. Cô ta đã biết từ bỏ tình yêu vì nếu đi theo người yêu thì các em ở nhà ai nuôi? Có phải đó là một bức tranh đẹp cả về mặt thẩm mỹ và đạo đức của Nguyễn Đình Chính hay không? Do vậy thực sự bản thân tôi không hiểu nổi có người đã phải nín thở để đọc một số trang thật đến thế và đẹp như thế.


Đêm Thánh Nhân I cuồn cuộn nhiều nhân vật. Tôi tự hỏi số phận của họ thế nào, họ cam chịu số phận của mình hay chiến đấu chống lại số phận. Tôi không tìm được lời giải đáp, bởi vì tôi nhận thấy số phận của họ đồng nhất với số phận của dân tộc này từ miền xuôi, miền trung lên miền ngược, từ vùng người Kinh đến vùng đồng bào dân tộc, từ thành thị cho đến bãi đào vàng, ngả đường quá cảnh biên giới vượt dãy Trường Sơn. Ông bác sĩ Trương Vĩnh Cần bị đầy đọa đến thế mà vẫn không chết, người tử tù bị truy nã hẳn vì tội nặng lắm, anh ta được bạn tâm giao đồng đội tố giác, bị mang đi bắn, có viên đạn xuyên qua chiếc giá bắn hẳn hoi… hình như vẫn không chết. Họ chẳng cam chịu số phận, cũng chẳng đứng lên chống lại số phận. Họ không oán thù. Chính họ là cuộc đời. Cuộc đời của họ như những  mạch nước ngầm - những dòng nước ngầm ấy vốn câm lặng, bị chặn chỗ này chúng chảy theo lối khác,nghĩa là chúng vẫn chảy, chúng cứ chảy theo cái mạch đời, theo cái dòng đời của nó: Ông bác sĩ Cần chỉ can tội thích cô bé Thảo hơn bà vợ Ngót nên bị đẩy xuống nhà xác, rồi từ nhà xác bỏ đi lang thang, không biết vì ngu ngơ hay chán chẳng buồn hỏi vì sao lại vào tù rồi vì sao lại ra tù, đi khắp đó đây, cuộc đời ông tưởng như tàn lụi mà vẫn như dòng nước cứ chảy theo dòng của nó. Ông Nguyễn Văn Sự một con người thừa hành tội nghiệp, rốt cuộc vẫn chỉ là một nạn nhân đáng thương, sau khi chết rồi đời cũng chỉ giải khỏi oán thù. Ông lão người Trung Hoa như con thú chỉ muốn truyền giống, vì cưỡng dâm nên bị pháp luật trừng trị, và vợ già của ông vì ý thức được “cái quyền lực đã cạn kiệt của tuổi tác mình” chỉ ném cái măng bóc dở lên người ông chồng lúc ông đang truyền giống không biết là để hưởng ứng hay là phản đối? ở bãi đào vàng cô gái xinh xẻo không chấp nhận hành động loạn luân của người anh họ, nhưng rồi cuộc đời đưa đẩy đến với bác sĩ Chiểu. ở buôn Nat, sau lễ chôn cất người chồng, bà vợ góa đi lấy chồng ngay, cắt đứt hẳn với quá khứ, màu xanh cây cối phủ đầy xóa đi mọi vết tích của nấm mồ người quá cố… Cuộc đời lại đi theo dòng chảy của mình. Cuộc sống vĩnh viễn cứ là cuộc sống. Sự thật diễn ra trong cuộc sống ấy vẫn cứ là sự thật. Và bây giờ tôi đã tìm được lời giải đáp cho câu hỏi của mình.


Thánh nhân vốn là những người Bất tử, vì chính bản thân họ là cuộc đời. Các số phận miêu tả trong Đêm Thánh Nhân chưa hẳn đã là số phận của họ vì không có một sức mạnh nhất thời nào có thể quật ngã được họ. Chỉ có những người tưởng mình là Thánh mới là những kẻ đáng thương, đời họ hữu hạn và nếu không tự hóa giả với đồng loại thì cuộc sống của họ rồi cũng sẽ chấm dứt vào một ngày đẹp trời nào đó. Và chính quy luật đào thải chứ không phải một thánh nhân nào khác sẽ vật ngã họ, loại bỏ họ vĩnh viễn khỏi mặt đất xanh um tươi tốt này xóa đi mọi vết tích cũ. Và cuộc đời vẫn cứ đi theo dòng chảy của nó.


cho nên, Đêm Thánh Nhân là cuốn tiểu thuyết thét lên tiếng thét của cuộc đời, tiếng thét lặng câm. Nó vượt lên trên cả cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, lên trên mọi oán hờn, lòng đố kỵ, sự ti tiện hèn mọn, lên trên tất cả nỗi dại khờ. Do đó nó vượt ra ngoài mọi cách nhìn và cách nghĩ cũ kỹ, không thể đem các định ước có sẵn áp đặt cho nó, các khuôn khổ chật hẹp khoác vào mình nó. Vì nó là nó. Vì bản thân nó là nội dung và dòng chảy của cuộc đời.


       Chính vì thế mà tôi chỉ dám làm cái việc là nói lên vài cảm nghĩ của mình sau khi đọc Đêm Thánh Nhân của Nguyễn Đình Chính. Tôi biết rõ một điều: Đêm Thánh Nhân gợi cho tôi nhiều suy nghĩ, gây cho tôi những ấn tượng tốt và nhiều thiện cảm với người “mang nặng đẻ đau” sinh ra nó. Tôi không đòi hỏi Đêm Thánh Nhân giải quyết cho tôi nhiều vấn đề vì đó là trách nhiệm của riêng tôi.


Để cảm ơn tác giả, tôi chỉ xin ghi lại một câu nói của Goethe tặng anh vì Đêm Thánh Nhân đã nêu nhiều sự thật của cuộc đời này: “Mọi lý thuyết đều màu xám! Cây đời mãi mãi xanh tươi”.   


Phùng Đệ – dịch giả

1 comment:

Tuệ Nguyên said...

Tái bản đi Ung Chính ơi!