Posted on 06.05.2013 by Sara
*
1. Mùa Đông năm 2011, sau những sôi nổi về vấn đề Hồ Trung Tú trên web Inrasara.com, nhân về quê ghé Trà Vigia, tôi có kể vui cho bạn. Trà buồn buồn: Chăm lạ, người ta mong tìm đến với mình mà mình cứ muốn xua người ta đi. Sao yut không cho mình hay, để mình viết cái gì đó để đánh tan hiểu lầm… Đầu tháng 4-2013, anh HVT bạn học cũ thuở Pô-Klong lớn hơn tôi 4 tuổi, đang buôn bán xa xứ, phone cho tôi:
- Trạm nè, anh đang ở Mĩ Sơn đây. Anh chắc chắn Mĩ Sơn là của Chăm mình, sao mầy nói là của người Việt?
- Anh thấy Sara nói vậy ở đâu thế? – Tôi hỏi.
- Tao đọc thấy trên Ch…
- Ông anh đọc một chiều rồi. Ông anh muốn hiểu đâu là sự thật không, Sara gửi “Hồ sơ Hồ Trung Tú” cho ông anh đọc nhé?
Ông bạn không thích nghe lời trái suy nghĩ cũ của mình, cứ tiếp tục nói… Thấy chả tới đâu, tôi nhẹ nhàng để máy xuống, đi làm công việc của mình. Dĩ nhiên ông bạn nói với khoảng trống, rồi mệt rồi nghỉ.
Vậy là đủ biết Hồ Trung Tú đã rất nổi tiếng trong cộng đồng Chăm, đến nỗi ông bạn nông dân bỏ ruộng đi buôn bán xa cũng nức tiếng. Và bàn. Dù không biết đầu đuôi, dù không có nhiều người Chăm mua sách của anh để đọc, vẫn cứ bàn.
2. Sáng nay, 3-5-2013, RFA có phát bài trả lời phỏng vấn tôi, ở đó có câu hỏi sau:
Hỏi: Anh có nhận định gì về quyển sách Có 500 năm như thế của nhà báo Hồ Trung Tú, một cuốn sách tạo được dư luận đáng kể?
- Tác phẩm Có 500 năm như thế là công trình giá trị. Giá trị hơn cả ở tính gợi mở của nó. Trong đó câu quan trọng nhất, là: “Chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”. Qua kết luận đầy quả cảm và chuẩn xác đó, ta không những truy ra lai lịch của dòng máu Chăm ở vùng đất Quảng, ở khắp dải đất miền Trung, mà cả ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam hôm nay nữa… Luận điểm của Hồ Trung Tú còn gợi ý về dấu vết văn hóa Chăm ở miền Bắc…
Hỏi: Theo tôi được biết cũng có vài ý kiến chê bai tác phẩm này, rằng nó được viết bởi nhà nghiên cứu nghiệp dư, rồi có vài chuyện khác nữa. Anh nghĩ thế nào?
- Do cuốn sách là công trình đầu tay của một nhà báo mà chê nó nghiệp dư, là một bất công lớn. Có ai là chuyên gia ngay từ khởi đầu đâu. Cuốn sách mở ra một hướng đi khác lạ và đầy hứng khởi như thế, là điểm son đáng quý trong nghiên cứu về Chăm nói riêng, và Việt Nam nói chung. Điều gây ngộ nhận là, ngay ở phần đầu, trong khi anh khẳng định xác đáng: “chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm “, thì ở phần kết luận, anh lại rất lủng củng và kém cỏi trong diễn đạt: “Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất”. Chính câu này đã khiến vài người có suy nghĩ không tốt về anh. Họ cho là anh muốn cướp di sản Chăm trao cho người Việt! Rồi Inrasara cũng vạ lây, chỉ vì đã viết bài giới thiệu cuốn sách ấy. Ẹ vậy! Cả thế giới biết đó là của Chăm mà, làm gì có chuyện cướp. Ví có tác giả nào viết bài cho làng Chakleng quê tôi là của người Việt, hỏi có ai thèm cãi không? Lủng củng thôi. Qua trao đổi trên website Inrasara.com, tác giả hứa sẽ chỉnh sửa khi tái bản tác phẩm. Và anh đã cắt bỏ nó đi.
3. Đây là đoạn Hồ Trung Tú cắt bỏ khi tái bản:
“Vậy hà cớ gì chúng ta không nói một câu thật to rằng Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất như các tờ rơi du lịch giới thiệu. Nó bình đẳng với chùa Một Cột, Cổ Loa hay bất cứ thứ gì gây nên sự tự hào trong tâm hồn mỗi người dân Việt“. Đó là đoạn ở trang 218-219 bản cũ, ở bản in mới trang 247 không có.
Do tinh thần làm việc của tôi trong bài “Tổng kết 4 sự cố văn hóa Chăm & những ứng xử cuộc người” cùng các thảo luận thật lòng của độc giả, đăng trên web Inrasara.com mà anh đi đến quyết định trên:
“Trước một sự thể ta cho là “sai lầm”, có mấy cách phản ứng sau: Kết án, quy chụp và tìm mọi cách đánh gục đối phương, không cho đối phương một nửa đường trở về để có thể gọi là cải tà quy chánh. Đó là lối hành xử của kẻ có xu hướng chính trị. Quyết liệt tranh đấu cho cái ta cho là “đúng”, dù quyết liệt đó gây tổn thương cho đối tượng. Nhà khoa học cực đoan hay chọn lối này. Nhà minh triết thì khác: Không chạy trốn vấn đề mà điềm tĩnh tìm cách minh giải để có thể hóa giải vấn đề và hòa giải nỗi người. Từ đó mở lối cho đối tượng phục thiện trong chân trời của sự bao dung”.(*)
Hay từ nguyên do nào khác thì tôi không biết được. Dù sao, anh đã nghe lọt tại, và đã cắt bỏ nó.
4. Ở bản in lần hai: Có 500 năm như thế, NXB Đà Nẵng, 10-2012, lời giới thiệu của Inrasara chẳng những không thấy xuất hiện, mà ngay đoạn ngắn trích ở bìa 4 của bản cũ cũng mất tiêu! Lần trước, HTT bảo do nhà xuất bản cắt, còn bận này thì do-bởi-tại-vì sao, tôi không hiểu được.(*)
Từ khi nhập cuộc chữ nghĩa, tôi chưa hề có ý định mời nhân vật uy tín viết lời giới thiệu hay “tựa” cho tác phẩm mình. Cuốn nghiên cứu đầu tay: Văn học Chăm khái luận, là do Phú Văn Hẳn giới thiệu tôi làm quen với GS Nguyễn Tấn Đắc, rồi nhà xuất bản mời ông viết. Sách tái bản, dù in ở nhà xuất bản khác – tôn trọng ông, tôi vẫn giữ nguyên lời tựa đó. Còn sáng tác đầu tay: Tháp nắng; bản thảo do chính nhà thơ Nông Quốc Chấn (lúc đó đang rất thế giá) cầm đi xin giấy phép. Non 2 năm – không được; ông viết giới thiệu – cũng không được. Năm sau, nhà xuất bản Thanh niên in, họ bỏ lời giới thiệu của ông (không có gì sai). Khi in tập thơ thứ hai: Sinh nhật cây xương rồng, vì quý trọng tình cảm của ông, tôi mang bài viết in ở phần “bạt”.
Ngược lại, bạn văn mời viết lời giới thiệu cho tác phẩm sắp in, tôi tối kị. Tôi chỉ viết, khi tác phẩm đã xuất bản, hoặc cho những người thật thâm tình thôi. Lí do, năm 1998, lần đầu tiên trong đời tôi được nhờ đến. Nhà văn TXA – bạn người Việt đầu tiên của tôi ở Sài Gòn, nhờ viết lời tựa cho tiểu thuyết sắp in, tôi viết, rồi nhà xuất bản… cất! Từ đó tôi dặn lòng là sẽ KHÔNG bao giờ tái phạm nữa, dù mỗi năm, tôi nhận đến không dưới mươi lời mời. Thế rồi, do nghệ sĩ tính khó trị, hứng lên, tôi lại viết. Hồ Trung Tú nằm trong trường hợp nổi hứng hốt nhiên đó.
Năm nay tôi vừa tái phạm: Viết lời giới thiệu 7 trang cho một cuốn tiểu thuyết đang rất rình rang trên văn đàn. Mô phật! nhà xuất bản đã không cắt bỏ chữ nào.
5. “Hồ sơ Hồ Trung Tú” gồm thư từ trao đổi qua lại giữa tôi và HTT và bạn trẻ cùng các bài viết và cả “phản hồi” của độc giả Inrasara.com ngay từ khởi sự cho đến khi anh hứa sửa chữa đoạn thượng dẫn trong một phản hồi. Tất cả gồm 50 trang A4, tôi lưu hồ sơ làm tư liệu… lịch sử, chứ không phổ biến. Tôi còn gửi nó cho một bạn thơ duy nhất, cất giữ và nhắn chỉ đọc riêng.
Nay thì mọi việc đã ổn. Tôi xin quyết toán nợ nần tại đây.
Heleh… Thuk siam!
Sài Gòn, 4-5-2013
____________________
(*) Xem thêm: “Tổng kết 4 sự cố văn hóa Chăm & những ứng xử cuộc người”
Câu chuyên kéo dài qua nhiều giai đoạn.
Tôi và HTT chưa gặp mặt hay thân quen. Tháng 5-2009, người nhà của HTT gửi bản thảo cho tôi và nhắn [nếu hứng] Inrasara viết giới thiệu. Tác phẩm có đoạn kết ở cuối sách (in đậm): Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất…”. Tôi thấy đây là công trình tốt, nên nhận giới thiệu. Còn đoạn kết “sai” và “mâu thuẫn” (chữ tôi dùng trong thư gửi HTT, 25-4-2009), tôi đề nghị tác giả chỉnh sửa. Tác giả hứa sẽ xem lại. Tháng 2-2011, Có 500 năm như thế ra đời. “Lời giới thiệu” bị bỏ hẳn, chỉ chừa một đoạn ngắn in ở bìa 4.
Ngày 11-2-2011, tôi đăng “Lời giới thiệu” lên Inrasara.com. 2 tháng, có khoảng 70 “phản hồi”. Đa số cho rằng cuốn sách giá trị, rất đáng đọc dù đoạn kết “hỏng”, “không ổn”. 2 ý kiến kết án HTT toan “cướp” di sản dân tộc Chăm. 1 ý kiến cho là Inrasara “đồng lõa” với HTT khi ca tụng tác phẩm. Sau khi nhận phản hồi từ độc giả, HTT vẫn một mực cho mình đúng. Riêng tôi, sau bức thư riêng nêu chỗ “sai”, “mâu thuẫn” chủ yếu giúp tác giả chỉnh sửa trước khi in; và dù HTT không “nghe” lời, nhưng tôi không phê phán anh sau đó mà chỉ giúp anh nhận rõ sự việc đồng thời chỉ ra cho bạn đọc thấy đó chỉ là “hỏng hóc” ở cách diễn đạt.
[Đến hôm nay mà còn bàn Mỹ Sơn là di sản của Chăm hay Việt thì không khác gì chuyện trâu đực đẻ con trong truyện cổ Chăm. Ví có ai nổi hứng viết cuốn sách chứng minh làng Caklaing là của dân tộc nào đó chứ không phải Chăm, hỏi dân Caklaing có ai thèm cãi không?].
- Kết quả: rốt cùng, ở phản hồi, HTT vẫn “nghe” ra là nó “lủng củng” và hứa sẽ “chính sửa”.
Monday, May 6, 2013
Tư liệu
Kết thúc Hồ sơ Hồ Trung Tú
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment