Xin đừng trách các nhà văn ta
(Thư của nhà văn Nguyễn Hiếu gửi nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức).
Lời Bà Đầm xòe: Nhân có bài đối thoại của nhà phê bình
danh tiếng Nguyễn Hoàng Đức với nhà văn Nguyễn Hiếu ( đăng trên blog
Badamxoe) mà nhà văn Nguyễn Hiếu liện hạ bút tung ra một “chưởng” mạnh,
quyết liệt chỉ rõ nguyên nhân do đâu, từ đâu mà sinh ra những tàn tệ,
yếu kém của văn học Việt Nam trong 70 năm cộng sản cai trị. Xin trích
một câu trong bài viết:
“Một phần, sau hơn một nửa thế kỉ quản lý văn chường theo định hứơng “phục vụ chính trị” đã
làm cho mỗi nhà văn Việt Nam tự xây cho mình một chuồng vàng nhỏ bé
nhốt mình tránh xa những điều cấm kị cộng thêm với một tổ chức quản lý
văn chương nghiệt ngã và quá thạo trong việc định hướng các nhà văn nên
nền văn chương nứơc ta chỉ đẻ ra những tác phẩm cổ động, hô hào, hoặc
những tác phẩm nhàn nhạt trữ tình.”.
Một bản tổng kết nền văn học nước Việt
trong gần 70 năm qua chuẩn xác không chê vào đâu được. Kinh mời bạn đọc
đừng bỏ qua bài viết này.
1.
Mặc dù trên thế giới và ngay cả ở quê
hương của nhà văn sự kiện Mạc Ngôn được nhận giải Nô ben cũng theo thói
thường ồn lên hai dòng dư luận trái chiều. Người khen thì khen hết lời.
Người chê thì cũng tìm đủ mọi ngôn từ để chê. Riêng tôi với tư cách là
một nhà văn cùng thế hệ (Mạc Ngôn sinh năm 1955 nếu tính chênh nhau một
thập kỉ vào một trang lứa) thì có thể nói lấy làm mừng cho tay nhà văn
họ Mạc này và mừng cho nước Trung Hoa thêm một lần được vinh danh thông
qua tên tuổi một nhà văn ở giải thưởng danh giá nhất hoàn cầu. Nhìn
người rồi lại quay lại ngó ta. Tai văng vẳng lời các vị quyền chức mựơn
lời của nhân dân thỉnh thoảng lại ra rả trên diễn đàn ra điều quan tâm
đến văn chương:
“Sao chúng ta chưa có những tác phẩm lớn xứng với giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, của đất nước ?”
Nghĩ đến niềm vinh dự của Trung Hoa chói
ngời qua tên tuổi Mạc Ngôn. Tôi tìm đến sự tự ngẫm của một nhà văn để
rụt rè trả lời câu hỏi kia và thêm vào đó một nghi vấn:
“ Vậy nền văn chương xứ ta đã có tác phẩm lớn chưa ?”.
Thành công khi tạo ra trong đầu mỗi nhà sáng tác một nhà kiểm duyệt, một cảnh sát văn hoá.
Sự kiện non sông ta dành được độc lập tự
do vào mùa thu 1945 sau hàng thế kỉ dưới ách ngoại bang đã làm cho mỗi
nhà văn chân chính cũng là mỗi một công dân Việt nam đều vô cùng phấn
khởi, hít thở không khí tự do và niềm vui độc lập. Người cầm bút đang tự
tung tự tác trong sự mô ta hiện thực cuộc sống như nó vốn có bỗng đột
nhiên được định hướng viết vì “mục tiêu chung”. Những Nguyễn Công
Hoan, Ngô tất Tố, Nam Cao, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Tuân .. chợt thấy ngỡ
ngàng khi được xếp trong đội ngũ có tổ chức, viết theo tôn chỉ
“văn nghệ phục vụ chính trị”……Nhưng ở
“cái buổi ban đầu dân quốc ấy”
niềm vui của người dân được tự do trong mỗi nhà văn đã lấn át mọi sự cấn cá để cho ra những tác phẩm tâm huyết mà lúng búng
“không biết đã đúng ý chưa”.
Có thể vì cái lẽ đó nên giai đoạn 9 năm
trường kì kháng chiến ( từ 1945 đến 1954 ) ngoài việc các nhà văn cao
tay nghề và đầy nhiệt tâm của ta chỉ cho ra những tác phẩm nặng màu ghi
chép theo kiểu mì ăn liền thì đã bắt đầu phân chia ra những mảng riêng
biệt với những vết rạn nứt lờ mờ. Cuộc chiến tranh vệ quốc thành công,
hoà bình về. Nếu trong khói lửa
“máu gắn ngưòi ta lại” thì hoà bình về
“lợi chia ngưòi ta ra”.
Các nhà văn, nhà thơ vốn mang trong mình tố chất tự do để nhìn nhận cuộc đời, từ đó sinh ra những tác phẩm mô tả
“cuộc sống như nó vốn có”.
Những bộc lộ yếu tố văn nhân tự do tự tại
trong cuộc sống thường trực nơi sâu thẳm mỗi cá nhân kẻ cầm bút cùng
những mô tả yêu cầu này lập tức bị qui ghép thành những ngôn từ đao to
búa lớn đủ sức giết chết bản ngã vốn thơ mộng nhưng cũng cực kì yếu đuối
mang chất nghệ sĩ của nhà văn, nhà thơ..các nhà sáng tác. Những đòi hỏi
cá nhân rất cần thiết cho ngưòi cầm bút bị gắn cho những tính từ mang
tính đấu tranh giai cấp nâng lên thành chủ nghĩa kiểu như
“chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản. Ngược lại lợi ích của giai cấp công nông”.
Tôi không tin dư luận cho rằng vì sự đố
kị, ghen ghét của một vài ông làm thơ có chức sắc đã gây ra sự biến
khủng khiếp đối với văn nghệ sĩ hồi đó nhưng lịch sử văn chương nứơc ta
đã ghi nhận một cuộc thanh trừng, tiễu phạt trong văn nghệ nhằm vào
những nhà văn nghệ sĩ hàng đầu của nứơc ta hồi đó và cả sau này ( những
ngưòi đã có đóng góp mang dấu lịch sử cho dân tộc và đất nứơc, làm sáng
danh nền văn nghệ Việt nam). Sự trừng phạt này diễn ra tàn khốc không
kém
“cải cách ruộng đất”.
Văn nghệ sĩ bị ghép vào danh sách một tổ chức mang một cái tên rất đẹp trong ngôn từ đó là bè lũ
“nhân văn giai phẩm”( NVGP).
Hàng loạt văn nghệ sĩ bị kỉ luật, bị tù đầy, bị rút phép thông công trong sáng tác. Những Văn Cao của
“suối mơ”,”thiên thai” và của cả
“Chiến sĩ Việt nam”,
”Bắc sơn”,
”tiến quân ca”( quốc ca Việt nam)..,
Những Nguyễn Bính với những câu lục bát
làm vẻ vang thi ca Việt Nam. Những Nguyễn Tuân ngang tàng với những
thiên bút kí làm xiếc trong ngôn từ cũng dừng bút khiến nền văn nghệ
Việt Nam mất đi bao tác phẩm vô giá. Văn nghệ sĩ vốn quen một khoảng
trời tự do cá nhân bao la vốn là cảm xúc cho sự sáng tạo bắt đầu biết
rùng mình ngơ ngác xem viết thế nào cho phải đạo.
Cụm từ “NVGP”
đẹp là thế bắt đầu chuyển nghĩa trở thành
nỗi ám ảnh ác mộng lâu dài đối với văn nghệ sĩ đến độ đủ sức làm cụt
hết mầm sáng tác trong họ. Những văn nghệ sĩ hàng đầu cỡ Văn Cao, Hoàng
Cầm, Phùng Quán, Trần Dần … tịt ngấm sáng tác hàng vài thập kỉ . Những
cây bút mới ra đời chớm viết một chút về hiện thực xã hội như Vũ Bão với
“sắp cưới” , hay Nguyễn huy Tưởng với tuỳ bút
“một ngày chủ nhật” nói về suy tư
thoáng đòi hỏi chút tự do cá nhân cũng ngay lập tức nếm đòn tuyên giáo
vì bị cho rằng sai lệch khiến họ khốn đốn. Ông vua ca khúc về tình yêu
và mùa thu Đoàn Chuẩn hình như không bị gép vào bè lũ NVGP nhưng sau ca
khúc trứ danh
“gửi người em gái” viết năm 1956
cũng vĩnh viễn dừng bút vì e ngại bóng gió. Còn Chế Lan Viên một trong
những người được xếp vào loại thông minh bậc nhất Hội Nhà văn Việt Nam
như ông tự đánh giá khi tôi vinh dự được hầu chuyện ông vào năm 1972
nghĩa là gần 15 năm sau sự cố NVGP còn ghi bên lề bản thảo bài thơ
“đến khi nào em cởi lá nguỵ trang” của tôi một câu đầy ám ảnh
“nếu không tự đề phòng, anh sẽ rơi vào tư tưởng nhân văn đấy”…
Chính sự biến NVGP đã là lời nhắc nhở ban đầu đầy khắc nghiệt đối với văn nghệ sĩ nước ta về sự “phải đạo”.
Sự biến NVGP là tác nhân quan trọng khiến trong mỗi văn nghệ sĩ nứơc ta
dần dần hình thành bào thai một biên tập viên hà khắc, một gã cảnh sát
luôn nắm tay, day óc khi cầm bút sáng tác. Chưa hết. Sau làn roi mang
tên NVGP đã bộc lộ toàn bộ sức mạnh kỉ luật, đủ sức đe Văn nghệ sĩ Việt
Nam vào hàng ngũ, kỉ cương. Sự ngoan ngoãn của họ đã thành thường trực
song cái máu tự do cố hữu thỉnh thoảng vẫn chồi lên và lập tức bị trừng
phạt.
“Cây táo ông Lành”, chỉ là một bài
kí bình thường như trăm bài kí khác có chống ai đâu mà chỉ vì phạm huý
một vị quan văn nghệ mà Hoàng Cát khốn khổ. Hai ca khúc
“Tâm tình ngưòi thuỷ thủ” và ca khúc về thợ mỏ tôi không nhớ tên ( tôi chỉ nhớ một đoạn ca từ
“anh hái cành hoa thơm từ trên đỉnh núi cao về tặng em yêu ướp hương trên mái đầu”)
của Hoàng Vân viết khoảng 1959, 1960 cho thợ mỏ, cho thuỷ thủ vận tải
biển, nhưng chỉ vì trong lời hát có những câu ca lóng lánh, mang chút cá
nhân dễ bị gán tính từ mà ngưòi ta cho là xấu
“tiểu tư sản”( hay có người con gái với đôi môi hồng như san hô cũng không thể nào làm anh xa được em yêu) mà cũng bị cấm tiệt không được phổ biến sau hết cảnh cáo này sang cảnh cáo khác.
Đấy là chuyện ngưòi còn chuyện của tôi:
Năm 1988 nghĩa là sau hơn 30 năm sự biến NVGP tôi viết truyện ngắn “chuyện quan trọng của bà Cả Đào” (đứng ở hệ qui chiếu thời sự thì TN này thực hiện rất đúng tinh thần NQ 4 vừa qua là phê bình và tự phê bình).
TN này do nhà thơ Phạm Tiến Duật biên tập. Ông viết cho tôi thẻo giấy
nhờ Trần Thị Thắng đưa cho tôi ghi rõ mấy dòng mà nay tôi thuộc lòng:
“Hiếu ơi vì khuôn khổ tờ báo mình cắt của Hiếu mấy dòng. Khi nào in sách Hiếu lấy lại cho khỏi phí”.
Mấy dòng đó là “ngày xưa trong làng có một lý trưởng ngày nay bao nhiêu thường vụ là từng nấy lý trưởng”.
Còn gần đây, năm 2009 khi tôi viết kịch bản
“Thầy Chu”. Không ít đoàn kịch định dựng kịch bản này rồi lại thôi chỉ vì lý do nhậy cảm
bởi trong đó có hai nhân vật lịch sử người Trung Quốc đã thao túng và
bầy nhiều mưu kế độc ác làm hư hỏng vua Trần Dục Tôn. Đó là gã thầy
thuốc Trâu Canh và thầy tuồng Lý Nguyên Cát. Truyện vừa “sự biến”
tôi viết về vụ bắn bẩy ngưòi cộng sản ở gảnh đỉnh Chèm làng tôi. Khi in
NXB đưa vào Tuyển tập của tôi cũng đề nghị cắt các đoạn viết về tướng
tầu Tưởng là Tiêu văn và Lư Hán cùng vì lý do nhậy cảm. Lịch sử còn bị
uốn cong, cắt xén như thế trách chi …
Trong gíáo trình được giảng dậy trên bục
trường đại học các nhà lý luận văn học nước ta xếp các sáng tác thời
trứơc Cách mạng 1945 của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô tất Tố,
Nam Cao… vào cái gọi là dòng văn học
hiện thực phê phán và cho đến nay tôi vẫn nhớ lời giảng sang sảng của các thầy rằng
“dòng văn học đó hay thì hay thật
nhưng vẫn bế tắc vì chỉ thuần tuý mô tả, phản ánh hiện thực xã hội mà
chưa chỉ ra hứơng đi, hứơng phát triển của nhân vật”. Còn dòng văn học được duy danh với cái tên đầy chất chính trị là dòng văn học hiện thực XHCN với
các tên tuổi tiêu biểu của Liên Xô như Goóc Ki, Pha Đê ép, Mai cốp x ki
, Ôxtrôp xki …mà các nhà văn Việt Nam buộc phải noi theo mới xây dựng
cho nhà văn có một thế giới quan biện chứng đủ sức chỉ ra sự phát triển
đúng đắn của nhân vật hướng về tương lai. Lý luận và tôn chỉ của tổ chức
quản lý văn nghệ như thế nên
“đống rác cũ “ của Nguyễn Công Hoan mới bị đánh tơi tả vì chỉ phản ảnh thuần tuý hiện thực. Hoàng Tiến , tác giả
“sương tan” mới bị đánh đến “tan xương” vì không viết theo phương châm sáng tác của phương pháp hiện thực XHCN.
Trong một lần tình cờ trò chuyện với vị
được xếp là nhà phê bình lý luận hàng đầu nứơc ta nhưng chỉ để lại những
bài phê bình a dua, nông choèn theo kiểu giới thiệu sách. Ông này được
mời vào ban thẩm định cuối cùng cho danh sách nhà văn ứng cử viên giải
thưởng văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước. Trong lúc
vui chuyện nhà phê bình này tiết lộ một tiêu chí để tuyển lựa. Ấy là
những vị nào có tác phẩm viết về cải cách ruộng đất thì hay dở thế nào
không biết cứ dứt khoát gạt ra (mặc dù sinh thời Hồ chủ tịch đã chân
thành nhận ra sai lầm khi làm CCRĐ và kỉ luật TBT Trường Chinh để nhận
lỗi trước nhân dân. Vậy mà gần 60 năm người ta vẫn đánh dấu đen cho nhà
văn khi viết về sự kiện khủng khiếp này) … Không biết sự thật câu nói
này đến đâu, nhưng giả dụ đó là một tiêu chí thì thêm một lần nữa lơ
lửng trên nền văn chương, nghệ thuật nứơc ta vẫn có ngọn roi sẵn sàng
trừng phạt những nhà văn thuần tuý chỉ biết văn chương quên đi nhiệm vụ
được xem là cao cả – phục vụ chính trị. Rất may hiện nay trong hơn nghìn
nhà văn có thẻ môn bài hội viên HNV cùng vài nghìn những cây bút chưa
có môn bài thì có đến 99,9 % các vị đều đang sáng tác với sự chỉ đạo vô
hình của một biên tập viên, một viên cảnh sát hà khắc đang thường trực
chính trong ngưòi mình và sẵn sàng cắt đi mọi câu chữ dễ gây ra những
hậu quả không lợi cho tác giả chỉ vì cảm hứng văn chương .Viết văn, làm
thơ trong vòng kiềm toả như thế liệu có thể sáng tạo ra những tác phẩm
lớn xứng đáng với dân tộc, với đất nước, thời đại được không ?
Ngưòi ta chỉ chấp nhận và giới
thiệu ra nứơc ngoài những tác phẩm làng nhàng, an toàn mà gạt đi, tạo ra
một mạng lưới vô hình để dìm đi những tác phẩm hay phản ánh đúng bản
chất xã hội nói về khát vọng của dân tộc.
Trong cuộc họp báo mừng giải thưởng Nô ben Mạc Ngôn nói một câu rất hay và rất đúng cắt nghĩa vì sao ông được giải Nô ben:
“ban thẩm định giải có lẽ bị lay động
vì tác phẩm của tôi nói lên đời sống, văn hoá độc đáo của Trung Quốc và
nếp sống của dân tộc”.
Đã từ lâu theo dõi giải văn học Nô ben
nói riêng và các giải văn chương quốc tế nói chung tôi nhận ra một điều.
Các giải này mang tầm vóc toàn cầu nhưng họ lại rất quan tâm đến tính
đặc thù dân tộc của tác phẩm được tuyển chọn. Chính tính đặc thù này
được biểu hiện một cách tài năng vượt trội sẽ là tiêu chí để đoạt giải.
Tôi lại nhớ sự kiện hình như năm 2010 thì phải. Một nhà kinh tế ngưòi Mỹ
nổi tiếng thế giới đến nói chuyện ở nứơc ta. Vé vào cửa để dự buổi nói
chuyện này lên đến 500, 600 USA. Trong buổi nói chuyện tôi nghe nói ông
này khuyên Việt Nam ta, đại ý
“nền kinh tế Việt nam muốn phát triển,
nứơc Việt nam muốn được thế giới tôn vinh thì Việt nam với đặc trưng
con ngưòi , tiềm năng và thế mạnh của mình thì nên biến thành nhà bếp
của thế giới”.
Theo thiển nghĩ của tôi, nhà kinh tế lớn
này đã căn cứ vào sự cần cù, khéo léo của ngưòi Việt Nam và tiềm năng
nông nghiệp, lợi thế đất đai biển rừng nước ta để đưa ra lời khuyên chí
lý đó. Nhưng hơn hai mười năm qua với chủ trương để đến năm 2015-2020
Việt Nam ta thành một nước công nghiệp hiện đại nên rừng chúng ta bị
phá, các dòng sông bị ô nhiễm, đất ruộng nông nghiệp bị thu hẹp biến
dạng ra sao. Con người Việt Nam bị mất an toàn như thế nào từ sự ô nhiễm
không khí, nguồn nứơc đến sự mất an toàn thực phẩm. Nòi giống ta đang
bị nguy hại biến thái về sự ô nhiễm toàn phần đó …Nhưng thôi đây là
chuyện của các nhà quản lý vĩ mô đất nứơc này còn chúng ta quay về đề
tài văn học.
Tôi nhớ trong chiến tranh từ báo chí đến
văn chương các nhà quản lý nưóc ta luôn luôn chấp hành chủ trương định
hứơng cho các nhà văn viết một cách hào hùng, cổ động cho việc ra trận.
Biểu dương và tán thưởng những tác phẩm kiểu như
“đường ra trận mùa này đẹp lắm”.”
Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân …”. Những bút kí choang choang hùng hồn kiểu
“cây tre Việt nam “,“đường chúng ta đi”
mà cấm tiệt và dấu nhẹm những tác phẩm dù chỉ nói chạm một chút nỗi đau
sự mất mát và tối kỵ, nói đến những góc khuất trong lòng ngưòi trước sự
hung bạo của chiến tranh. Thế nên người ta mới hùng hồn phê phán bài
thơ
“vòng trắng “, rồi nhẩy vào chê một cách a dua một số phim, tác phẩm nứơc ngoài thời gian đó như phim
“khi đàn sếu bay qua”, tiểu thuyết
“bác sĩ Rivagô”…bởi các tác phẩm
này phản ảnh góc khuất, những mất mát của cuộc chiến. Và để cấm tiệt
những tác phẩm viết về nỗi riêng tư của con ngưòi trong chiến tranh thì
ngưòi ta lại giở lại biện pháp quen thuộc để tẩy chay những tác phẩm
phản ảnh chân thực về chiến tranh là gán cho nó rơi vào
“chủ nghĩa xét lại”.
Bây giờ cuộc chiến đã lùi xa. Thấy sự phê
phán chiến tranh là sự phê phán chung của thế giới nên người ta lại hùa
vào móc những tác phẩm ít nhiều nói về mặt trái của chiến tranh để ca
ngợi và coi đó như một niềm tự hào của nền văn chương èo uột, luôn luôn
bị định hứơng của nứơc ta kiểu như
“nỗi buồn chiến tranh”, “bến không chồng “ …
Biểu dương tác phẩm về chiến tranh trong
giai đoạn mà thực tế xã hội nứơc ta đang cần văn chương phản ảnh sự thật
nóng bỏng nhất cũng là một thủ pháp của đường lối định hướng quen thuộc
trong sự quản lý văn chương quốc doanh ở nứơc ta. Một phần sau hơn một
nửa thế kỉ quản lý văn chường theo định hứơng
“phục vụ chính trị”
đã làm cho mỗi nhà văn Việt Nam tự xây
cho mình một chuồng vàng nhỏ bé nhốt mình tránh xa những điều cấm kị
cộng thêm với một tổ chức quản lý văn chương nghiệt ngã và quá thạo
trong việc định hướng các nhà văn nên nền văn chương nứơc ta chỉ đẻ ra
những tác phẩm cổ động, hô hào, hoặc những tác phẩm nhàn nhạt trữ tình.
Viết về chiến tranh thì chỉ cho phép viết đôi chút mặt trái của nó, còn
truy tận cùng, đến tận nguồn mọi thứ đổ vỡ, đau khổ thì hay đến mấy cũng
xếp xó lại. Kịch tuyệt vời mấy cũng không được dựng. Bản thảo tiểu
thuyết, truyện ngắn hay bao nhiêu cũng thiếu gì lý do từ chối không in.
Còn viết về cụôc sống đương đại thì với một sự đổi mới nửa vời, trong
giới hạn cho phép tàm tạm chấp nhận các tác phẩm có giọng điệu đanh đá
để lật đổ các thần tượng xa vời trong quá khứ kiểu như Nguyễn Huy Thiệp.
Còn lý tưởng nhất là các nhà văn hãy cho ra đời những tác phẩm cấn cá
một chút, thơ thơ một chút, dí dỏm một chút. Còn những tác phẩm đề cập
đến những vấn đề cốt lõi, bản chất của cuộc sống hôm nay với sự phê phán
dữ dội bằng một bút pháp nghệ thuật cao thì hãy đợi đấy. Không phải
ngẫu nhiên đến hơn ba mươi năm nay các tác phẩm hài –phương tiện phê phá
đắc hiệu trong văn học xứ ta mất tăm.
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến thể loại
kịch. Một thể loại văn học khó nhất rất kén người viết vì ở đó cần một
cái nhìn sắc sảo để đi vào cốt lõi của cuộc sống, để trên sân khấu thể
hiện rõ nhất xung đột xã hội, con ngưòi từ đó bật ra những dự báo, thông
điệp. Đáng buồn thay, sau những vở kịch mô tả đích đáng hiện thực đa
dạng, phong phú cùng sự phê bình xã hội mạnh mẽ của Lưu Quang Vũ gắn với
thời kì đầu đổi mới thì giờ đây sân khấu Việt Nam cả hai miền đang ngắc
ngoải. Miền Bắc thì toàn những vở nửa vời (Không nhà hát nào dám dựng
một vở đúng nghĩa là chính kịch vì những kịch bản này chết yểu ngay từ
khi lãnh đạo nhà hát đánh hơi thấy sự dữ dội của nó). Còn kịch Miền Nam
thì đầy dẫy những ma mãnh, đồng tính, moi lại chuyện cũ để phục vụ lớp
khán giả vào rạp cắn hạt hướng dương và quắp chân lên nhau.
Còn sách Việt Nam ra nứơc ngoài thì trừ
một số sách do nứơc ngoài tự tìm, tự dịch còn theo con đường chính thống
thì cũng chỉ đưa ra những tác phẩm có đôi chút chiến tranh, thơ thơ một
tý, gay cấn nhẹ nhàng…
Nhưng cũng cần công nhận bản lĩnh của
không ít nhà văn xứ ta . Bên cạnh tỉ lệ nhỏ vài ba nhà nọ nhà kia có vài
ba chút ngoại ngữ, ngấm ngoại đã vội quên hồn dân tộc chạy theo cách
viết, cách nghĩ nước ngoài để cho ra những tác phẩm hổ lốn còn đa số các
nhà văn thực tài yêu đất nứơc, thương dân tộc với thiên chức của cây
bút chân chính, mặc dù liên tục bị kiềm toả từ chính mình, sự quản lý
thép thông qua sự nhồi nhét những nguyên lý nọ kia, một bộ máy ngầm để
kiểm duyệt nhưng đôi khi giữa sự bịt bùng của vòng kiềm toả gắt gao nền
văn học nứơc ta cùng le lói cho ra những tác phẩm xứng đáng được gọi là
tác phẩm để đời mà nếu được giới thiệu ra nứơc ngoài thì ít nhiều cũng
làm vinh dự cho nền văn chương Việt Nam. Những cuốn tiểu thuyết về nghệ
thuật cũng không thua kém gì thiên hạ đã viết về giai cấp nông dân Việt
Nam bị làm dụng, lợi dụng như thế nào. Về sự cắt nghĩa nguồn gốc một xã
hội Việt Nam đương đại vì sao lại loạn xà ngầu lên thế . Về những làng
quê Việt Nam bị phá bung vì các sự cố lịch sử ra sao … vân vân và vân
vân. Chỉ tiếc nó đã ra đời nhưng vào thời bao cấp tàn khốc ngưòi ta đốt
đi, thiêu huỷ một cách tàn bạo, còn trong thời đổi mới người ta khôn
ngoan dìm đi trong sự im lặng đáng ngờ.
Vài lời kết luận
Xét về mặt bản chất chính thể Trung Quốc
cũng hao hao chính thể Việt Nam – Hai nước hiếm hoi còn lại do đảng Cộng
sản cầm quyền . Tất nhiên những sách hay nhất của Mạc Ngôn các nhà cầm
quyền Trung Quốc cũng không mấy thích thú giống như nhà cầm quyền Liên
xô ngày trứơc cấm phổ biến sách của Pác tê nắc và Jôn nít sưn như thế
nào. Trong thời Đại Cách mạng Văn hoá một thứ nội chiến khủng khiếp
trước đây, mặc dù không ưa gì Đặng Tiểu Bình nhưng ngưòi ta cũng chỉ
hành hạ ông này lên bờ xuống ruộng với mục tiêu cho ông này biết nghe
lời nhưng vẫn để ông này sống vì biết tài năng phục tổ quốc sau sự đổ
nát và tàn phá của Đại cách mạng văn hoá. Trường hợp của Mạc Ngôn cũng
vậy. Mạc Ngôn bị nhà cầm quyền TQ không ưa, vì nó nói đúng tim đen của
họ, nhưng vì biết nhà văn tài năng, nhìn thấy thấu đáo mọi ngóc ngách
của xã hộ Trung Quốc cộng sản mà người ta bằng mọi cách để sách Mạc Ngôn
được xuất bản, phát hành và khẳng định, đặc biệt là đối với người nước
ngoài… và Trung Quốc cộng sản đã cán đích với giải Nô ben danh giá của
thế giới giành cho Mạc Ngôn. Sự kiện này khiến nhà cầm quyền TQ liền một
lúc trúng hai mũi tên. Với sự kiện này nền văn hoá Trung quốc vẫn được
khẳng định là nền văn hoá lớn trên thế giới và nhà cầm quyền Trung Quốc
vẫn được tiếng trân trọng các nhà văn tài năng. Còn ở nứơc ta không biết
bao giờ các nhà văn xứ ta mới có các tác phẩm lớn, và kể cả khi nó đã
có rồi đấy thì bao giờ thế giới mới biết được các tác phẩm lớn một cách
đích thực ấy.
Hiện thực nứơc ta gần một thế kỉ này đã
có đầy đủ mọi tố chất, thăng trầm để làm nền các tác phẩm văn chương
lớn. Tác động làm sao để các nhà văn có tác phẩm lớn ra đời, và các tác
phẩm lớn được giới thiệu ra quốc tế làm vẻ vang dân tộc này lại thuộc
về các nhà cầm quyền chứ không phải các nhà văn. Thưa đông đảo công
chúng, nhân dân .
Hà nội ngày cuội giời
Nguyễn Hiếu
Ghi chú của Bà đầm xoè:
Nhà văn Nguyễn Hiếu đã cho tin 23 cuốn
tiểu thuyết và ở tuổi còn kém 4 năm nữa lên thất thập, ông vẫn đang
viết liền một lúc hai cuốn tiểu thuyết “cuộc đời rất quen”và “Con tàu vô
định”. Nhưng theo BĐX, nhà văn này không chỉ đồ sộ về số lượng tác phẩm
ở nhiều thể loại khác nhau mà chỉ cần dịch mấy cuốn tiểu thuyết như:
“chuyện tình người điên”.
“chân trời vỡ đôi”,
bộ “dòng sông màu máu vẫn chẩy” và nhất là
“con ngố”…
của ông ra tiếng nứơc ngoài thì chí ít
nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức cũng không thể trách cứ dòng văn học mậu
dịch là không có tác phẩm đủ sức sánh với tác phảm văn học nứơc ngoài …
Mà biết đâu, từ lối mở này, nứơc ta chả lại có một Mạc Ngôn hay một Cao Hành Kiện làm rạng danh văn chương nước Việt?
nguồn Bà đầm xòe
No comments:
Post a Comment