|
Nhà thơ Trúc Cương |
Nguyễn Quang Lập kể
.... Sáng sau mình đang uống
nước chè đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trúc Cương từ NXB đi ra kéo áo
mình, nói đi ăn sáng với tao, có hàng bún ốc tao quen, bán cho Trúc
Cương rất rẻ, chỉ một nghìn một bát. Hai anh em đi bộ tới hàng bún gánh
bên kia đường. Hi hi tưởng quen thân thế nào, vừa thấy mặt anh bà hàng
bún đã lườm, nói chú Cương còn ba nghìn chưa trả nha. Anh cười hiền
lành, nói rồi, ăn xong trả hết có gì đâu.
Thời này đói lắm, người
ta hay ăn bún ốc bún riêu vì rẻ nhưng chủ yếu được ăn rau miễn phí,
tha hồ nhét rau cho đầy bụng. Nói tha hồ vậy thôi chứ mình bốc rau bỏ
bát nhiều quá người ta cũng xót ruột. Thấy anh Trúc Cương bốc rau lắm
quá, bà chủ lườm lên lườm xuống, nói chú Cương ăn bún hay ăn rau? Anh
cười hiền lành, nói ăn rau bà ạ, nhà thơ bây giờ vào trong ăn chữ ra
ngoài ăn rau. Bà yên tâm đi, ăn một nhúm rau trả bà một cục vàng, may
túi ba gang mang đi mà đựng bà nha. Vừa nói anh vừa thò tay bốc rau. Bà
chủ chụp lấy tay anh rảy rảy cho rau tuột khỏi tay anh. Người ngồi cạnh
nhìn anh cười khinh khỉnh, nói nước mình toàn dân đánh bạc với cả nhà
thơ, đói là phải.
Xong bữa mình cằn nhằn
Trúc Cương, nói đói thì ăn thêm bát nữa, có nhúm rau anh làm ồn chuyện,
ngượng chết được. Anh khoác vai mình mặt mày nghiêm trọng, nói chú mày
biết không, tao đang trắc nghiệm sự xấu hổ. Mình cười, nói giống Bùi
Giáng trắc nghiệm cái sự điên, phải không? Anh gật đầu lia lịa, nói đúng
đúng đúng.
Hai năm sau dự đại hội
nhà văn lần thứ tư, ngày đầu không thấy anh đâu, mình cố tìm mà không
thấy. Sang ngày thứ hai, trên diễn đàn anh L. đang phát biểu cái gì đó
chung quanh đề tài xây dựng nền văn học nươc nhà tiên tiến, hiện đại
đậm đà bản sắc dân tộc… ôi chà vân vân. Anh L. nói rất hăng, nhìn phong
thái, lời ăn tiếng nói y hệt ông bộ trưởng không phải thằng đầu nậu
sách, mình cứ bấm bụng cười. Trúc Cương bỗng đâu xuất hiện, xiêu vẹo đi
lên mấy hàng ghế đầu tay cầm micro tay chỉ anh L., nói tôi có ý kiến
thằng nào làm tổng thư kí cũng được hết, trừ thằng mặt mẹt kia, đ. mẹ
tôi nói xong. Mọi người cười ầm ầm, vỗ tay rần rần.
Đến đoạn bầu cử, mấy trăm
người được đề cử, duy nhất Trúc Cương tự ứng cử, chẳng ma nào đề cử
anh. Bầu lần thứ nhất anh được 2 phiếu, chắc là phiếu của anh và phiếu
Tạ Vũ. Tưởng anh rút, nhưng không, anh cứ để nguyên vậy cho bầu lần hai,
kết quả lần hai Trúc Cương vẫn hai phiếu. Mình ôm vai anh cười rũ, nói
Trúc Cương ơi là Trúc Cương. Anh tỉnh bơ rất nghiêm túc, nói mày ngu
lắm, tao đang trắc nghiệm cái sự trơ.
Bây giờ mình mới tin Trúc
Cương trắc nghiệm thật, nếu không chẳng ai mất thời giờ làm mấy trò vớ
vẩn đó. Hết đại hội mình đến nxb Văn hóa- dân tộc thăm anh, nhà anh tít
Cầu Giấy xa quá không lên được. Vừa tới hỏi anh đâu ba bốn cô liền xúm
lại, nói anh Lập ơi, anh mau xách cổ Trúc Cương ra khỏi cầu thang cho
tụi em với. Té ra anh say, nằm đâu không nằm cứ nhè cầu thang bộ nằm
vắt ngang. Chị em lên xuống cầu hét ầm anh vẫn không dậy, nói tụi mày
mặc váy bước qua anh đi, để anh nhìn cái, tội. Mình cười to tới lôi cổ
anh dậy, nói anh đang trắc nghiệm cái sự l. à? Anh tỉnh bơ rất nghiêm
túc, nói ừ, l. quan trọng lắm, chúng mày không được xúc phạm l. nghe
chưa.
Anh kéo mình ra quán.
Mình trì lại, nói thôi thôi anh say rồi quán xá làm gì. Anh vẫn lôi đi
cho kì được, nói mày phải cho tao trắc nghiệm nốt cái sự say chứ. Mình
cười, nói trời đất, say đến thế còn trắc nghiệm cái đéo gì nữa. Mặc, anh
cứ lôi vào quán. Được hai ly anh đã say nhừ mềm như bùn, lè nhè líu
lưỡi, nói mày biết tao viết gì không, văn hay thơ? Tao đéo nhớ tao viết
gì nhưng tao thừa nhận tao tài.
Hi hi.
----------
Nguyễn Huy Tháng kể
Trúc Cương là người thật tốt nhịn. Không chỉ nhường nhịn vợ con mà với cả bè bạn. Nhiều trường hợp nếu vào địa vị người khác, chắc sẽ có to tiếng, va chạm nhưng với Trúc Cương thì không, Trúc Cương và Quang Huy cùng tuổi Bính Tý (1936) lại cùng làm
thơ, cùng vào Hội Nhà văn một đợt nên khá
thân nhau. Hồi Quang Huy ở Nhà Văn hóa Trung ương thì Trúc Cương ở Nhà xuất bản Văn hóa. Mỗi khi đi làm về sớm, Trúc Cương thường rẽ qua chỗ Quang Huy
tán gẫu. Hai người thường xưng hô: “tớ tớ, cậu cậu”; “mày mày
tao tao”. Sau này Quang Huy thay Lữ Huy Nguyên lên làm giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa, thì Trúc
Cương thành cán bộ dưới quyền. Nghĩ chỗ thân tình
nên khi gặp nhau, Trúc Cương vẫn hồn nhiên “tao
tao, mày mày” với Quang Huy. Cả khi cơ quan đông người. Một lần sau khi
làm việc xong với Trúc Cương, Quang Huy đành nói thẳng với bạn: - Cậu với tớ là bạn thân ai cũng rõ. Riêng
hai đứa với nhau thì
thế nào cũng xong. Nhưng trước cơ quan hay trước mặt khách cậu cần chú ý, nói năng sao cho tế nhị. Hơi bất ngờ, Trúc Cương mặt ngẩn ra. Rồi không
trình bày, không thanh minh anh lẳng lặng đứng lên rời phòng làm việc của giám đốc. Nhưng cũng từ đấy trong ứng xử anh đã dè dặt hơn.
Có lẽ quá mất thời giờ vào rượu chè, Trúc
Cương làm thơ ít. Một lần Trúc Cương và Trịnh Thanh Sơn gặp nhau ở phố Huế rủ nhau cùng vào chỗ tôi. Ba thằng trà lá
lúc lâu, Sơn nói Cương dạo này có bài
thơ nào? Thế là Cương say sưa đọc, từng câu thơ như đã ngấm vào anh:
Em ở rất gần. Vầng trăng lặng lẽ
Cơn gió đi qua, vạt trời hoa lúa.
Hạt mưa đi qua bóng ngọn cây gầy
Trọn vẹn ngày dài mắt mở thơ ngây.
......
Qua mấy chục năm cuộc đời sông rộng
Chảy hết trung du, chảy suốt đồng bằng
Anh bất chợt thấy mình đứng đợi
Cánh buồm thơ đầy gió tháng giêng
xuân
.....
Trịnh Thanh Sơn sau phút giây
trầm lắng, gật gù : - Thơ ông còn xúc động lắm. Vậy ra rượu chưa uống hết thơ ông.
Bài thơ vừa được Trúc Cương đọc là bài “Vầng trăng lặng lẽ”, sau anh
in thành tập lấy tên bài này làm tựa, in tại Nhà xuất bản Văn học. Sách thơ đã in của Trúc Cương cũng không nhiều. Có cuốn nào anh vẫn đem cho tôi. Ngoài Vầng Trăng Lặng lẽ, Trúc Cương có thêm : Thị trấn biên giới cũng in ở nhà xuất bản văn học (1979) và Cách địa cầu 2 mét ở nhà xuất bản Văn hoá Thông
tin. Trúc Cương viết ít nhưng tất cả những bài thơ được anh công bố đều rất ấn tượng, sâu lắng và tinh tế. Trúc Cương có một bài thơ viết về Tuyên
Quang, tôi cũng nhớ.
Tuyên có gì đâu sao ta lại nhớ
Con sóng ầm ào, gốc phượng khẳng khiu
Chén rượu đắng, dốc nhà thờ nắng
Trắng bờ lau gió thổi rạp chiều
Tuyên có gì đâu sao ta lại nhớ
Một búp chè thơm, một củ sắn lùi
Một bờ đá phía chân trời chớp giật
Suối bên đèo mưa nắng đầy vơi.
Tuyên có gì đâu sao ta lại nhớ
Ngôi sao xanh im
thức ngủ mái rừng
Con hoẵng nhỏ kêu hoài cuối bãi
Tuyên có gì đâu, Tuyên thương nhớ ơi
Không hiểu sao trong các bạn bè tôi lại thường nhớ tới Trúc Cương. Trong tôi luôn hiện về một nhà thơ đôn hậu, tình cảm đầy nhẫn chịu. Và trong
cuộc đời anh ít có giây phút thật sung sướng, bay bổng như chữ ký uốn lượn sau tấm bưu ảnh mà anh đã tặng tôi ngày
nào? Lúc nào cũng thấy anh lầm lũi, tồi tội. Quần áo chẳng mấy khi được phẳng phiu, sạch sẽ. Tôi không
rõ trong ngày cưới, anh ăn vận ra sao. Có
com-lê, cà vạt không? Suốt mấy chục năm quen biết, thân thiết, thì chưa một lần tôi thấy anh chững chạc trong bộ đồ nghi thức. Anh ít
chú ý đến ăn mặc và có lẽ anh cũng không đủ điều kiện. Có ít tiền nào anh
dành cho rượu. Xưa anh mong muốn có tiền để uống rượu mà ít có.
Cuối đời, cậu con trai làm ăn khá giả, xây nhà
to, thuê người giúp việc chăm sóc bố chu đáo thì Trúc Cương đã yếu quá rồi. Khi những chai rượu ngoại khá đắt tiền với Trúc Cương không thiếu thì anh không uống được nữa, thèm lắm anh chỉ ra quán làm
một cốc bia hơi. Nhiều khi không
uống hết.
Trúc Cương mất cũng lặng lẽ. Và có lẽ, đến tận ngày anh đi mãi, hẳn khi đó anh mới ăn bận thực sự chỉnh tề?
|
No comments:
Post a Comment