Saturday, May 11, 2013

Taras Shevchenko

- Nhà thơ, Hoạ sĩ, Nhà dân chủ cách mạng






Taras Shevchenko (1814-1861) Mỗi dân tộc đều có một nhà thơ lớn nhất của mình được người dân yêu mến và kính trọng. Khí phách của mỗi dân tộc thông qua nhà thơ lớn của mình thể hiện rõ rệt nhất khi nhà thơ được thừa nhận là người đại diện xứng đáng của họ.
Ở Việt Nam có Nguyễn Du, nước Nga có A.S. Pushkin, ở Ukraina có Taras Shevchenko – những nhà thơ lớn xứng đáng được nhân dân mỗi nước coi là nhà thơ lớn nhất của dân tộc mình.
 Taras Shevchenko là niềm tự hào của nhân dân Ukraina. Chính vì vậy mà người dân Ukraina đã trìu mến gọi nhà thơ là Ca sĩ nhân dân của đất nước mình.

Nói đến một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn là nói đến một trái tim lớn biết đập cùng nhịp với thời đại, biết đau cùng với nỗi đau của đất nước, của đồng bào, đồng thời cũng biết rộn ràng reo ca khi đất nước nở hoa. Taras Shevchenko là một trong những nhà thơ như thế.

Thời đại Shevchenko sống là thời đại của chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng nửa đầu thế kỷ 19 với chế độ nông nô hà khắc mà chính nhà thơ cũng là một nạn nhân. Nhà thơ đã chứng kiến những cảnh đời bất công đầy rẫy trong xã hội của Đế chế Nga nên từ trong dòng sữa của người mẹ nông nô nhà thơ đã lớn dần lên trong không khí cách mạng phản kháng chế độ chuyên chế và đòi xoá bỏ chế độ nông nô. Cuộc đời của Taras Shevchenko trải nếm biết bao điều khổ nhục. Taras xuất thân là nông nô. Anh, chị em ruột nhà thơ cũng là những người nông nô – tư hữu của bọn chúa đất. Trong 47 năm sống dưới chế độ nông nô hà khắc thì 24 năm đầu nhà thơ đã phải cam chịu thân phận kẻ nô lệ bị ràng buộc trong tay tên chúa đất Pavel Engelgardt. Biết được tài năng có nhiều hứa hẹn về hội hoạ của Shevchenko, các hoạ sĩ có tên tuổi thời đó đã đứng ra giúp đỡ Shevchenko vào học ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật Saint - Peterburg. Nhưng trước hết phải giải thoát Sevchenko khỏi thân phận người nông nô. Hoạ sĩ danh tiếng Briunlov dạy ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật và nhà thơ Zhukovskij đã bàn cách kiếm đủ số tiền lớn quá sức tưởng tượng đối với thời bấy giờ - 2500 rúp – để chuộc tự do cho Shevchenko


                                               ***
Đối với nhân dân Taras Shevchenko là Người hát rong vĩ đại (Ca sĩ nhân dân), nhưng nhà thơ mang nặng “mối hận thù với chế độ nông nô và với tất cả mọi con đẻ của nó”. Shevchenko là người đầu tiên ỏ Ukraina đã hoạt động chính trị ỏ nửa đầu thế kỷ 19, và sau đó trở thành nhân vật quốc tế.

Shevchenko có quan hệ chặt chẽ với những người đại diện cho nền văn hóa và văn học Ukraina, đồng thời cũng có quan hệ gần gũi với danh hoạ Briunlov của nước Nga, đọc và trăn trở với văn thơ Pushkin, Gogol và đặc biệt ngưỡng mộ các chiến sĩ Tháng Chạp tham gia cuộc khởi nghĩa lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng vào tháng Chạp năm 1825. Shevchenko là người cùng chí hướng và bạn thân thiết với Trernưshevskij và Dobroliubov. Nhân cách chính trị của Shevchenko đã hình thành và uy tín của nhà thơ cũng được nâng cao bởi hai nền văn hoá Ukraina và Nga.
Nói lên tâm tư và nỗi niềm của người dân lao động bị chà đạp nhân phẩm, bị đè nén áp bức, Shevchenko đã trở thành nhà thơ đích thực của nhân dân. Nhà thơ không thi vị hoá cuộc sống của quần chúng nhân dân mà tiếp thu và khám phá ý nghĩa quan trọng của việc miêu tả chân thật sự thật cay đắng của cuộc đời dưới triều đại bạo tàn Nicolai Đệ nhất. Điều trước tiên mà nhà thơ hằng tâm niệm là phải lăn lộn với cuộc sống, cùng ăn cùng ở với nhân dân. Shevchenko viết: “Muốn hiểu con người cần phải sống với họ. Muốn miêu tả họ thì chính anh phải trở thành con người chứ không phải là kẻ phung phí giấy mực”. Nhà thơ đã hành động theo lời tâm niệm đó, trở thành người đầu tiên trong số các nhà văn Ukraina nắm vững phương pháp hiện thực phê phán. Trường ca Nghĩa quân (1841) xuất bản sau đó được nhà thơ sáng tác theo phương hướng này.

Trong các thi phẩm Shevchenko coi mình là nhà thơ của cuộc cách mạng nông dân, nhà thơ kêu gọi phá xiềng gông nô lệ/ lấy màu thù rửa hận/ xây dựng một gia đình mới tự do.

Như vậy là, tiếp nhận những truyền thông của nền văn học Nga, Shevchenko tiếp tục phát triển thi pháp thành một khuynh hướng hiện thực phê phán, và sau này đã trở thành phương pháp sáng tác chủ đạo của nền văn học Nga và Ukraina thế kỷ 19.                       
 
THƠ TARAS SHEVCHENKO
         (Nguyễn Xuân Hòa dịch)
                *
            
           BÀI THƠ BALÁT

Mở đầu Truyện thơ Người hát rong (1840)   

Dòng Đnhiep mênh mang gào rền rĩ
Gió giận dữ chồm lên hàng liễu rủ
Rồi cuộn tung những đợt sóng cồn
Đến chân trời xám ngắt mù sương
Trăng mờ ảo luồn mây u ám
Thoắt ló mặt, thoắt  ẩn mình như trốn
Tựa lá thuyền con giữa biển lênh đênh
Lúc chao mình, lúc cưỡi sóng trườn lên…
Hết eo óc gà thôi gáy sáng
Chỉ còn nghe trong đêm vắng lặng
Tiếng cây rừng kèn kẹt canh khuya
Tiếng con chim đập cánh giữa sương mờ.      

           
            DI CHÚC

       Tôi có mệnh hệ nào
        Thì vùi sâu ba thước đất
        Giữa thảo nguyên bao la
        Của Tổ quốc mến yêu Ukraina…

        Hãy đào mồ chôn tôi
        Trên gò đất
        Cho tôi phóng tầm nhìn ra dòng Đnhiép
        Và lắng nghe tiếng sóng cồn trên sông.

        Trên những cánh đồng
        Khi máu thù loang đỏ lòng sông
        Cuộn trôi đi theo dòng Đnhiép
        Thì lúc ấy,

        Dưới mồ chôn tôi đứng dậy
        Và bay vút lên tận cổng Trời
        Tôi sẽ cầu nguyện đôi lời
        Nhưng Thượng đế là ai tôi nào biết.

        Hãy đào mồ chôn tôi
        Và đứng dậy bạn ơi
        Lấy máu thù rửa hận
        Ta xây đời tự do.

        Từ đây sum họp gia đình lớn
        Trăm họ một nhà sống tự do
        Thầm thì khe khẽ lời êm dịu
        Hãy nói khi nào nhớ tới tôi.
        Perejaslav, 25 tháng Chạp 1845

       
KHÔNG ĐỀ

Đằng đẵng bao ngày trên biển vắng
Nay về neo lại bến Đa-ri-a
Bạn bè vui nhận thư nhà tới
Ấm lòng người đọc, trạnh lòng ta.
Bên bạn ta nằm chuyện chẳng khuây
Biết tìm đâu ở thế gian này
Một lá thư nhà hay bóng mẹ
Giây phút cho lòng bớt đắng cay
- Anh có một mình? - Thế vợ anh?
Còn đàn con nhỏ, mái lều tranh
Chị gái, mẹ hiền, ai còn, mất?
Sao chẳng một dòng gửi tới anh…
           
                KHÔNG ĐỀ
       
Sẵn sàng rồi, buồm đà giương cánh
Đoàn thuyền rời bến ngược Đaria
Dòng sông xanh giữa đôi bờ xanh cói
Xa nhau rồi, hỡi Aran hoang sơ!
Cám ơn nhé, Aran hai năm trọn
Bạn giúp tôi quên mọi nỗi buồn đau
Hãy vui lên, loài người tìm thấy bạn
Biết làm gì với bạn mai sau
Tạm biệt nhé mảnh đất này của bạn
Tôi không oán hờn cũng chẳng ngợi ca
Rồi một ngày nào đó ở nơi xa
Tôi sẽ lại thấy nỗi buồn lữ thứ
Của tháng ngày trải nếm xứ Aran.   
  
           ***

        Tôi sẽ sống ở đời này hay chết
        Trên đất Ukraina, mảnh đất thân thương
        Người đời dù quên hay vẫn nhắc tên
        Đối với tôi, phải rồi, không can hệ
        Phận nô lệ giữa những người xa lạ
        Tôi lớn lên trong nước mắt khổ đau
        Dù thác đi, thân dẫu xuống mồ sâu
        Tôi gói ghém, chết mang theo tất cả
        Dù đời sau không ai còn nhớ nữa
        Lãng quên tôi trong đau khổ buồn thương
        Trên đất Ukraina, mảnh đất vinh quang
        Ukraina ta đó – mà như giữa đất khách quê người,
        Cha thân yêu không nói với con trai
        Rằng tôi đã sống trên đời như nô lệ:
        « Vì Ukraina con nguyện cầu, con nhé! »
        Chỉ một điều nhắc nhủ trong tôi:
        Đất nước Ukraina bị lũ người gian ác 
        Ru ngủ canh dài, chúng ra tay cướp bóc 
        Ôi! Điều này tôi không thể làm ngơ

Nguyễn Xuân Hoà dịch



No comments: