Thursday, February 27, 2014

Marcel Aymé

Marcel Aymé 

NGƯỜI ĐI XUYÊN TƯỜNG

Nguyên tác Le Passe muraille
Dịch giả: Phùng văn Tửu

Ở Môngmactơrơ, trên tầng ba nhà số 75 bis phố Orsăng, có một người kỳ diệu tên là Đuytiơn có tài năng đặc biệt đi xuyên qua được những bức tường chẳng khó khăn gì. Chàng mang một chiếc kính kẹp mũi, có một chòm râu cằm nho nhỏ và là viên chức hạng ba ở Bộ Trước bạ. Về mùa đông, chàng đi đến sở bằng ô tô buýt và vào mùa đẹp trời, chàng cuốc bộ, đầu đội chiếc mũ nỉ cứng.
Đuytiơn vừa bước vào tuổi bốn mươi ba thì chàng phát hiện ra khả năng của mình. Một buổi tối, chợt xảy ra mất điện khi chàng đang ở gian trước của căn phòng độc thân nhỏ bé của mình, chàng mò mẫm một lúc trong bóng tối, và khi điện sáng lại, thấy mình đương ở đầu thang gác của tầng ba. Vì cửa ra vào phòng khóa trái bên trong, sự việc xảy ra khiến chàng suy nghĩ, và bất chấp những lời quở trách của lý trí, chàng quyết định trở vào phòng như đã từ trong đó đi ra, bằng cách xuyên qua tường. Năng lực kỳ lạ ấy, dường như chẳng đáp ứng nguyện vọng nào của chàng, không khỏi làm cho chàng phiền lòng đôi chút, và hôm sau thứ bẩy, tranh thủ tuần lễ Anh(1), chàng đi gặp một thầy thuốc khu phố để trình bày trường hợp của mình. Bác sĩ cố tin là chàng nói thật, và sau khi xem xét, phát hiện ra nguyên nhân căn bệnh ở thành co thắt của tuyến giáp trạng bị cứng xoắn. Ông quy định cho chàng phải lao lực thật mệt nhoài ra và uống mỗi năm hai viên nhộng bột Piret hóa trị bốn, làm bằng hỗn hợp bột gạo và hooc-môn của con nhân mã.
Uống xong viên đầu tiên, Đuytiơn cất thuốc vào trong ngăn kéo và không nghĩ đến nó nữa. Còn như lao lực thật mệt nhoài ra thì hoạt động viên chức của chàng được quy định theo lệ thường chẳng thích hợp với một sự quá độ nào, và những giờ nhàn rỗi, dùng vào việc đọc báo và sưu tập tem, cũng chẳng buộc chàng phải tiêu phí năng lượng quá đáng. Sau một năm, chàng vẫn giữ nguyên vẹn năng lực đi xuyên qua những bức tường, nhưng không sử dụng nó bao giờ, trừ trường hợp vô ý, vì chàng ít tò mò chuyện lạ và khó bị trí tưởng tượng lôi cuốn. Chàng cũng chẳng hề nảy ra ý nghĩ vào nhà bằng cách nào khác ngoài lối cửa và sau khi đã vặn chìa khóa mở cửa đúng quy cách. Có lẽ chàng sẽ sống trong những tập quán êm đềm ấy cho đến già và chẳng ngứa ngáy mang tài ra thử nghiệm nếu không đột xuất xảy ra một biến cố bất thường làm đảo lộn cuộc sống của chàng. Ông Murông, phó phòng của chàng, điều đi chức vụ khác, được thay thế bằng một ông tên là Lêquyê nói năng cộc lốc và ria mép lởm chởm. Ngay từ hôm đầu tiên, viên phó phòng mới đã tỏ ra hết sức không ưa Đuytiơn, mang chiếc kính kẹp mũi có dây xà tích và một chòm râu cằm đen, và cố tình coi chàng như một vật cũ kỹ khó chịu và hơi bẩn thỉu. Nhưng điều nghiêm trọng nhất là y chủ trương đưa vào trong sự vụ những cải cách có một tầm lớn lao và cốt ý phá rối sự yên ổn của nhân viên thuộc hạ. Từ hai mươi năm nay, Đuytiơn bắt đầu những bức thư của chàng bằng thể thức sau đây: " Căn cứ vào bức thư đáng kính của ngài đề ngày... tháng này và, để ghi nhớ, vào sự trao đổi thư từ trước nữa của chúng ta, tôi hân hạnh báo để ngài biết…" Ông Lêquyê muốn thay bằng một thể thức khác có dáng dấp Mỹ hơn: "Để trả lời thư của ngài đề ngày..., tôi báo tin cho ngài biết…" Đuytiơn không thể nào tập cho quen với những kiểu cách thư từ ấy. Chàng miễn cưỡng quay trở lại cách thức truyền thống, với một sự cố chấp máy móc, vì thế mà chuốc lấy mối ác cảm ngày càng tăng của viên phó phòng. Không khí của Bộ Trước bạ hầu như trở nên nặng nề đối với chàng. Buổi sáng, chàng đến sở làm với nỗi lo ngại, và buổi tối, nằm trong giường, nhiều khi chàng nghĩ ngợi đến một khắc đồng hồ rồi mới ngủ được.
Phát ngán về cái ý chí thụt lùi làm phương hại đến kết quả các cải cách của mình, ông Lêquyê đã tống Đuytiơn vào trong xó xỉnh tối lờ mờ, giáp với văn phòng của ông. Lối ra vào nơi ấy là một cái cửa vừa thấp vừa hẹp trông ra hành lang và vẫn còn mang dòng chữ in hoa: Kho đồ phế thải. Đuytiơn đành lòng chấp nhận điều nhục nhã chưa từng có này, nhưng khi về nhà, đọc báo thấy có chuyện đẫm máu vặt vãnh nào đấy, chàng bất giác mơ tưởng ông Lêquyê là nạn nhân.
Một hôm, viên phó phòng xộc vào trong buồng kho, vung một lá thư và bắt đầu rống lên:
- Ông hãy mở đầu lại cho tôi cái giẻ lau này! Ông hãy mở đầu lại cho tôi cái giẻ lau gớm guốc này, nó làm ô danh phòng của tôi!
Đuytiơn muốn phân bua, nhưng ông Lêquyê, giọng oang oang, cho chàng là loài gián hủ lậu, và trước khi bỏ đi, y vò nát bức thư đương cầm trong tay ném vào mặt chàng. Đuytiơn là người khiêm tốn, nhưng kiêu hãnh. Còn lại một mình trong buồng kho, chàng bồn chồn đôi chút, và đột nhiên cảm thấy mình lóe ra một ý hay. Rời ghế. Chàng đi vào trong bức tường ngăn cách bàn giấy của chàng với bàn giấy của viên phó phòng, nhưng chàng đi vào đó một cách thận trọng, sao cho chỉ cái đầu của chàng nhô ra phía bên kia. Ông Lêquyê đương ngồi ở bàn làm việc, chuyển dịch một dấu phẩy trong văn bản của một viên chức đưa trình ông duyệt, bằng ngọn bút vẫn đương tức bực, thì nghe thấy có tiếng ho trong phòng. Ngước mắt lên, ông hãi hùng không sao tả xiết phát hiện thấy cái đầu của Đuytiơn, dán vào tường như kiểu một chiến lợi phẩm săn bắn. Và cái đầu ấy sống động. Qua chiếc kính kẹp mũi có dây xà tích, nó phóng vào ông một cái nhìn căm hờn. Đã thế, cái đầu còn lên tiếng.
-Thưa ông, nó nói, ông là một tên khốn nạn, một kẻ lỗ mãng và một tay vô lại.
Há hốc mồm ra vì khủng khiếp, ông Lêquyê không sao rời được mắt khỏi bóng ma hiện hình đó. Thế rồi, bứt mình khỏi ghế bành, ông nhẩy phốc ra hành lang và chạy đến tận buồng kho. Đuytiơn, quản bút cầm tay, đương ngồi ở chỗ thường ngày của chàng với một dáng điệu lặng lẽ và chuyên cần. Viên phó phòng nhìn chàng hồi lâu, rồi sau khi lắp bắp vài lời, quay trở về văn phòng của mình. Ông vừa ngồi xuống thì cái đầu lại xuất hiện trên tường.
-Thưa ông, ông là một tên khốn nạn, một kẻ lỗ mãng và một tay vô lại.
Chỉ riêng trong ngày hôm ấy, cái đầu dễ sợ xuất hiện hai mươi ba lần trên tường, và những ngày tiếp theo, với cùng nhịp độ như vậy, Đuytiơn, được phần nào dễ chịu với cái trò chơi ấy, không còn thỏa mãn nữa với việc chửi rủa viên phó phòng. Chàng thốt ra những lời dọa nạt bí ẩn, chẳng hạn kêu lên bằng một giọng rầu rĩ, điểm theo những tiếng cười thật sự ma quái:
- Garu!Garu! Con ma garu!(cười) Ớn lạnh buốt da!Garu, lu-ga-ru!(cười)(2).
Nghe thấy thế, viên phó phòng khốn khổ tái mét thêm một chút, ngột ngạt thêm một chút, tóc dựng đứng trên đầu và sau lưng vã mồ hôi lạnh khủng khiếp. Ngày đầu tiên, ông gầy đi một ki-lô(3). Trong tuần lễ tiếp theo, không kể người sút đi trông thấy, ông còn sinh thói quen ăn canh bằng phuôc-set và chào cảnh sát theo kiểu nhà binh. Đầu tuần lễ thứ hai, một chiếc xe cứu thương đến tìm ông tại nhà và đưa ông vào bệnh viện.
Đuytiơn, được giải thoát khỏi sự hà khắc của ông Lêquyê, lại có thể trở về với những công thức yêu dấu của mình: " Căn cứ vào bức thư đáng kính của ngài đề ngày mấy tháng này…" Tuy thế, chàng không thỏa mãn. Một cái gì đó thôi thúc trong con người chàng, một nhu cầu mới, gay gắt, nó chính là nhu cầu muốn đi xuyên qua tường. Chắc chắn chàng có thể làm điều đó thoải mái, chẳng hạn ở nhà chàng, và dĩ nhiên chàng đã thực hiện. Nhưng người có được những tài năng xuất sắc không thể nào bằng lòng mãi với việc đem chúng ra thi thố trên một vật tầm thường. Vả lại, đi xuyên qua tường không thể tạo thành một mục đích tự thân. Đó là xuất phát của một cuộc phiêu lưu, phải có tiếp tục, có khai triển và, tóm lại, có thưởng công. Đuytiơn hiểu rõ như thế lắm. Chàng cảm thấy ở chàng có một nhu cầu, một niềm ước vọng tăng dần mãi lên muốn tự thực hiện mình và tự vượt mình, và phảng phất một nỗi khắc khoải mơ hồ giống như có tiếng gọi phía sau tường. Khốn thay, chàng thiếu một mục đích. Chàng đọc báo để tìm gợi ý, đặc biệt những mục chính trị và thể thao, theo chàng có vẻ đó là những hoạt động danh giá, nhưng cuối cùng hiểu rõ chúng chẳng mở ra triển vọng gì cho những người đi xuyên qua tường, chàng liền hướng tới những mục tin vặt tỏ ra thuộc loại khơi gợi tốt nhất.
Vụ trộm đầu tiên Đuytiơn nhúng tay vào xảy ra trong một ngân hàng tín dụng lớn ở bên hữu ngạn(4). Sau khi đi xuyên qua khoảng mười hai lần tường và vách ngăn, chàng thâm nhập vào những két sắt khác nhau, nhét đầy các giấy bạc vào túi, và trước khi tháo lui, dùng phấn đỏ ghi biệt hiệu Garu-Garu, với một chữ ký tắt rất đẹp hôm sau được tất cả các báo đăng lại. Sau một tuần lễ, cái tên Garu-Garu ấy trở nên hết sức lừng danh. Thiện cảm của công chúng hoàn toàn hướng về phía gã ăn trộm kỳ tài trêu ngươi cảnh sát đến thế là cùng. Mỗi đêm chàng lại nổi danh bằng một chiến công mới gây thiệt hại cho một nhà ngân hàng, hoặc một hiệu vàng bạc hoặc một tư gia giàu có. Ở Pa-ri cũng như ở các tỉnh, chẳng có người phụ nữ nào hơi mộng mơ một chút mà lại không nhiệt thành mong muốn cả thể xác lẫn tâm hồn thuộc về Garu-Garu dễ sợ. Sau vụ lấy cắp viên kim cương danh tiếng của Buyêđigala(5) và vụ trộm ở Ngân hàng thành phố xảy ra trong cùng một tuần, lòng hâm mộ của quần chúng đạt tới độ cuồng nhiệt. Bộ trưởng bộ Nội vụ phải từ chức, kéo theo bộ trưởng bộ Trước bạ cùng rớt theo. Trong khi đó, Đuytiơn, trở thành một trong những người giàu có nhất Pa-ri, vẫn luôn luôn đúng giờ giấc ở phòng làm việc và người ta đề nghị tặng chàng huy chương. Buổi sáng, ở bộ Trước bạ, niềm thích thú của chàng là được nghe các bạn đồng nghiệp bình luận về các chiến công của mình đêm qua. “Anh chàng Garu-Garu ấy, họ nói, là một người phi thường, một siêu nhân, một thiên tài”. Nghe thấy những lời ngợi khen như thế, Đuytiơn đỏ dừ vì ngượng, và đằng sau chiếc kính kẹp mũi có dây xà tích, ánh mắt của chàng long lanh trìu mến và biết ơn. Một hôm, bầu không khí thiện cảm ấy khiến chàng tin cậy đến mức nghĩ rằng không thể giữ điều bí mật lâu hơn nữa. Với một chút rụt rè còn sót lại, chàng nhìn các bạn đồng nghiệp quây quần chung quanh tờ báo tường thuật vụ trộm ở Ngân hàng Pháp quốc, và tuyên bố bằng một giọng khiêm tốn: “Các ông biết chứ, Garu-Garu chính là tôi”. Một chuỗi cười hô hố và không dứt chào đón điều thổ lộ của Đuytiơn, người ta nhạo báng tặng chàng biệt hiệu Garu-Garu. Buổi chiều, vào giờ tan tầm ở bộ, chàng là đối tượng đùa cợt của bè bạn mãi không thôi và thấy cuộc sống hình như kém tươi đẹp.
Mấy ngày sau, Garu-Garu để cho một toán cảnh sát đi tuần đêm tóm được trong một hiệu kim hoàn ở phố LaPe. Chàng đã ký tên lên quầy thu tiền vừa hát một bài ca chuốc rượu vừa dùng một bình rượu lớn bằng vàng khối đập phá hàng loạt tủ kính. Chàng rất có thể dễ dàng đi xuyên vào trong tường và thế thoát tay bọn tuần đêm, nhưng hiển nhiên là chàng muốn bị bắt và có lẽ mục đích duy nhất là muốn làm cho các đồng nghiệp của chàng phải chưng hửng, vì chàng đã khổ nhục bởi họ không chịu tin mình. Quả thật, bọn họ ngạc nhiên hết sức khi các báo chí ngày hôm sau đăng trang nhất ảnh của Đuytiơn. Họ tiếc cay tiếc đắng đã hiểu lầm ông bạn thiên tài của họ và tỏ lòng tôn kính chàng bằng cách để mọc chòm râu cằm nho nhỏ. Một vài người bị nỗi ân hận và lòng thán phục lôi cuốn, còn toan đánh thó ví tiền hoặc chiếc đồng hồ gia dụng của bè bạn và người quen biết.
Chắc hẳn người ta sẽ đánh giá việc chàng để cho cảnh sát bắt cốt làm cho mấy bạn đồng nghiệp kinh ngạc là hết sức nông nổi, không xứng đáng với một con người phi thường, nhưng động cơ minh bạch của ý chí có vai trò gì mấy đâu trong một quyết định như thế. Từ bỏ tự do, Đuytiơn tưởng là để thỏa ước vọng trả thù ngạo nghễ, nhưng thực ra chỉ là trượt trên cái dốc số mệnh của chàng mà thôi. Đối với một người đi xuyên qua tường, nếu không ít nhất một lần nếm mùi tù ngục, thì tài ba cũng chẳng được thi thố là bao. Khi Đuytiơn bước vào nhà tù Xăngtê, chàng có cảm giác được số phận nuông chiều. Bề dầy của những bức tường là một điều khoái trá thực sự đối với chàng. Ngay sau hôm chàng bị tống giam, những tên cai ngục sửng sốt phát hiện thấy tù nhân đã đóng cái đinh trên tường xà lim và treo vào đấy chiếc đồng hồ bằng vàng vốn là của giám đốc trại giam. Chàng không thể hoặc không muốn tiết lộ cái đồ vật ấy lọt vào tay chàng như thế nào. Chiếc đồng hồ được trả lại cho chủ của nó và hôm sau lại thấy ở đầu giường Garu-Garu cùng với tập một Ba người ngự lâm pháo thủ mượn ở tủ sách của viên giám đốc. Nhân viên nhà tù Xăngtê mệt lử. Các lính canh ngục còn than phiền là bị những cú đá vào đít mà không giải thích được chúng xuất phát từ đâu. Hình như tường không có tai nữa mà có chân. Garu-Garu bị giam được một tuần thì giám đốc nhà tù Xăngtê một buổi sáng bước vào phòng làm việc thấy trên bàn lá thư sau đây:
“Thưa ngài giám đốc. Căn cứ vào cuộc trò chuyện của chúng ta ngày 17 tháng này và, để ghi nhớ, vào những điều chỉ bảo tổng quát của ngài ngày 15 tháng Năm năm ngoái, tôi hân hạnh báo để ngài biết tôi vừa đọc xong tập hai Ba người ngự lâm pháo thủ và tôi dự định vượt ngục đêm nay khoảng từ mười một giờ hai mươi nhăm đến mười một giờ ba mươi nhăm. Tôi xin ngài, thưa ngài giám đốc, vui lòng chấp nhận biểu hiện lòng kính trọng sâu xa của tôi. Garu-Garu”.
Mặc dầu đêm ấy bị canh phòng nghiêm ngặt, Đuytiơn vượt ngục lúc mười một giờ ba mươi. Tin đó đến với công chúng sáng hôm sau làm dấy lên khắp nơi một niềm phấn khởi ghê gớm. Tuy vậy, sau khi thực hiện một vụ trộm mới khiến cho tiếng tăm nổi như cồn, Đuytiơn dường như ít quan tâm đến việc lẩn trốn và lai vãng qua Môngmactơrơ chẳng đề phòng gì. Ba ngày sau khi vượt ngục chàng bị bắt ở phố Côlanh tại tiệm rượu Mơ mộng, lúc gần trưa, khi đương uống rượu vang trắng vắt chanh với các bè bạn.
Bị dẫn trở lại Xăng tê và giam trong ngục tối với ba lần cửa khóa then cài, Garu-Garu trốn thoát ngay tối hôm đó và ngủ tại nhà viên giám đốc, trong phòng dành cho bạn bè. Sáng hôm sau, khoảng chín giờ, chàng bấm chuông gọi u già mang điểm tâm đến và để cho bọn cai ngục hớt hơ hớt hải tóm cổ ngay trên giường, không hề chống cự. Tức giận, viên giám đốc đặt một trạm gác ở trước cửa ngục của chàng và phạt chàng ăn bánh nhạt. Khoảng đến trưa, người tù đi dùng bữa tại một quán ăn ở bên cạnh nhà tù và, sau khi uống cà phê xong, gọi điện thoại cho viên giám đốc.
-Alô! Thưa ngài giám đốc, tôi ngượng ngùng quá, nhưng ban nãy, lúc đi ra, tôi quên mang theo ví tiền của ngài, nên bây giờ chẳng có xu nào ở quán ăn. Ngài vui lòng cử ai đó tới thanh toán tiền ăn cho tôi được chứ?
Viên giám đốc đích thân chạy tới và nổi trận lôi đình đến mức thốt ra những lời đe dọa và chửi rủa. Bị tổn thương đến lòng kiêu hãnh, Đuytiơn vượt ngục đêm hôm sau không trở lại nữa. Lần này, chàng cẩn thận cạo đi chòm râu cằm đen và thay chiếc kính kẹp mũi có dây xà tích bằng cặp kính đồi mồi. Một chiếc mũ cát-ket thể thao và bộ quần áo bằng vải kẻ ô vuông to với chiếc quần chẽn gối hoàn toàn làm cho chàng thay đổi hình dạng. Chàng tới ở trong một gian nhà nhỏ tại đại lộ Giuynô mà ngay từ trước lần bị bắt đầu tiên, chàng đã cho chuyển đến một phần đồ đạc và những vật dụng thân thiết nhất đối với chàng. Tiếng tăm lừng lẫy bắt đầu làm chàng mệt mỏi và từ ngày ở Xăngtê, chàng hơi ngán niềm thích thú đi xuyên qua tường. Những bức tường dầy nhất, đồ sộ nhất nay dường như chỉ là các tấm bình phong đơn giản đối với chàng, và chàng ước mơ xuyên thấu vào tận trung tâm một kim tự tháp khổng lồ nào đấy. Trong khi nghiền ngẫm dự án cuộc hành trình sng Ai-cập, chàng sống những ngày êm đềm nhất, hết sưu tập tem lại xem phim và đi rong chơi la cà qua Môngmactơrơ. Chàng thay hình đổi dạng hoàn toàn đến nỗi, cằm nhẵn nhụi và mắt đeo kính đồi mồi, chàng đi ngay bên cạnh những người bạn thân nhất mà không ai nhận ra. Duy chỉ có họa sĩ Gien Pôn (6), mà không một nét đổi thay nào xẩy ra trên khuôn mặt người dân cư trú lâu năm trong khu phố thoát khỏi mắt ông, cuối cùng đã biết rõ gốc tích thật sự của chàng. Một buổi sáng chạm trán với Đuytiơn ở góc phố Abrơvoa, ông không nhịn được mà đã nói với chàng bằng thứ tiếng lóng sù sì:
-Nè, tớ biết là cậu đã phết nước màu để thuốc bọn cớm- trong ngôn ngữ thông thường đại khái nghĩa là: tớ biết là cậu đã cải trang thành người lịch sự để làm chưng hửng cho bọn nhân viên an ninh.
-Ồ! Đuytiơn thì thầm, cậu đã nhận ra tớ!
Chàng đâm ra bối rối và quyết định mau mau khởi hành sang Ai Cập. Ngay chiều hôm ấy, chàng phải lòng một giai nhân tóc hung gặp hai lần ở phố Lơpic cách quãng nhau một khắc đồng hồ. Thế là chàng quên luôn bộ sưu tập tem với Ai Cập và những kim tự tháp. Về phía mình, cô nàng tóc hung cũng đã nhìn chàng với nhiều thiện cảm. Chẳng có gì gợi cảm cho các thiếu phụ đời nay bằng những chiếc quần chẽn gối và đôi kính gọng đồi mồi. Cái đó có dáng dấp tài tử xi-nê và làm cho người ta mơ đến những tiệc rượu côc-tay và những đêm Caliphoocni. Rủi thay, Đuytiơn được Gien Pôn cho biết người đẹp đã kết hôn với một gã đàn ông tàn bạo và cả ghen. Ông chồng đa nghi ấy lại sống cuộc đời bê tha phóng đãng, đêm nào cũng để vợ ở nhà từ mười giờ tối đến bốn giờ sáng, nhưng trước khi ra đi, hắn thận trọng nhốt vợ trong buồng, vặn hai vòng chìa, các cửa chớp đều đóng và khóa chặt. Ban ngày, hắn giám sát vợ chặt chẽ, thậm chí theo gót vợ trong các phố xá ở Môngmactơrơ.
- Lúc nào cũng để tai để mắt, thế đấy. Đó là một thằng cha du côn đếch chịu ai xơ múi gì của hắn.
Nhưng lời mách bảo ấy của Gien Pôn chỉ đưa đến kết quả làm cho Đuytiơn sôi lên sùng sục. Hôm sau, gặp người thiếu phụ ở phố Tôlôdê, chàng không ngần ngại theo chân nàng vào một cửa hiệu bơ sữa, và trong lúc nàng đợi đến lượt mua hàng, chàng bảo nàng là chàng yêu nàng, là chàng biết hết: anh chồng vũ phu, cửa ra vào khóa và những cửa chớp, nhưng chàng sẽ vào trong buồng của nàng ngay tối hôm ấy. Cô nàng tóc hung đỏ dừ mặt, bình đựng sữa run lên bần bật trong tay và, đôi mắt rơm rớm thân thương, nàng khẽ thở dài: "Chao ôi! Thưa ông, vào thế nào được".
Buổi tối cái ngày rạng rỡ ấy, khoảng mười giờ, Đuytiơn đứng chực sẵn trong phố Norvanh và giám sát bức tường bao quanh kiên cố, bên trong là một ngôi nhà nhỏ mà chàng chỉ nhìn thấy cái chong chóng báo hướng gió và chiếc ống khói. Một cánh cửa mở ra trong bức tường ấy và một người đàn ông, sau khi khóa cửa cẩn thận, đi xuôi về phía đại lộ Giuynô. Đuytiơn đợi cho tới khi thấy hắn đi khuất hẳn, rất xa, ở chỗ dốc ngoặt, lại còn đếm thêm từ một đến mười. Rồi chàng lao tới, tiến bước đi vào tường và tiếp tục chạy xuyên qua các vật cản, vào tận trong buồng của người đẹp bị cầm cố. Nàng đón tiếp chàng say sưa ngây ngất và họ yêu nhau cho đến một giờ khuya.
Hôm sau, Đuytiơn nhức đầu như búa bổ. Cái đó chẳng quan trọng và chàng sẽ chẳng vì chuyện cỏn con mà lỡ cuộc hẹn hò. Tuy nhiên, tình cờ phát hiện thấy những viên con nhộng vương vãi dưới đáy một chiếc ngăn kéo, chàng nuốt sáng một viên, chiều một viên. Tối đến, đỡ nhức đầu hơn, alị thêm niềm hứng khởi khiến chàng quên chúng đi. Thiếu phụ đợi chàng với tất cả nỗi sốt ruột mà những ký ức đêm qua đã làm nẩy sinh ở nàng và họ yêu nhau, đêm ấy, đến tận ba giờ sáng. Lúc ra về, khi đi xuyên qua các vách ngăn và tường nhà, Đuytiơn cảm thấy có sự cọ sát bất thường ở hai bên háng và vai. Tuy nhiên chàng thiết nghĩ chẳng cần phải để tâm làm gì. Chỉ đến khi đi xuyên vào trong bức tường bao quanh, chàng mới thấy rõ rệt cảm giác bị cản lại. Chàng như cựa quậy trong một vật thể còn lỏng, nhưng nó trở thành nhão sệt và mỗi lần chàng ráng sức, nó lại dẻo quánh thêm. Khi đã dấn được người hoàn toàn vào trong bề dầy của những bức tường, chàng nhận thấy không tiến lên được nữa và khiếp đảm nhớ đến hai viên thuốc nhộng uống trong ngày. Những viên nhộng ấy, mà chàng tưởng là thuốc cảm, thực ra là bột piret hóa trị bốn của bác sĩ kê thuốc năm trước. Hiệu lực của chất thuốc ấy cộng với hiệu quả của lao lực thái quá bộc lộ ra một cách đột ngột.
Đuytiơn như đông cứng lại ở trong tường. Hiện nay chàng vẫn còn ở đấy, lẫn vào trong đá. Những người hay đi chơi đêm khi xuôi phố Norvanh vào giờ huyên náo của Pari đã lắng xuống, nghe thấy một âm thanh mơ hồ như từ dưới mồ vọng lên mà họ tưởng là tiếng gió thở than thổi ở các ngã ba ngã tư của Gò (7). Đó là Garu-Garu Đuytiơn than vãn cuộc đời vẻ vang đã kết thúc và luyến tiếc mối tình quá ngắn ngủi. Có những đêm đông, họa sĩ Gien Pôn tháo cây đàn ghi-ta xuống, mạo hiểm dấn bước vào chốn hiu quạnh âm vang của phố Norvanh để ca hát an ủi người tù khốn khổ, và những tiếng đàn vút lên từ các ngón tay tê cóng của ông thấm vào tận lòng đá như những giọt sáng trăng.
Chú thích
(1) nghỉ ngày thứ 7 và chủ nhật
(2) Nguyên văn: Garou!garou! Un poil de loup!(rire). Il rôde un frisson à décorner tous les hiboux (rire). Nghĩa là: Ma chó sói!ma chó sói! Một cái lông chó sói! (cười). Một cơn lạnh vật vờ đến làm rụng sừng tất cả những con cú (cười). Tôi dịch thoát để giữ âm điệu.
(3) Nguyên văn: livre (nửa ki-lô)
(4) Hữu ngạn sông Seine
(5) Buyêcđigala(Burdigala) là tên cũ của thành phố Bordeaux, theo chú thích của L.Vindt trong Marcel Aymé: Contes et nouvelles, Tiến bộ., Maxcơva, 1967. Các chú thích trong sách này phần nhiều là dựa vào tài liệu ấy.
(6) Gen Paul là bút danh của họa sĩ hiện đại Pháp Eugène Daul(sinh năm 1895), bạn của Marcel Ayme.
(7) Gò Môngmactơrơ.
Đánh máy: Nguoimesach
Nguồn: Nguoimesach - VNthuquan - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 3 tháng 12 năm 2006 — với Chan Phuong và 47 người khác. (7 ảnh)
Thích ·  ·