Đêm rằm tháng Giêng năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bài thơ Nguyên Tiêu, 55 năm sau, vào năm 2003, Hội nhà văn Việt Nam lấy ngày rằm tháng Giêng làm ngày Thơ Việt Nam và biến đêm rằm thành đêm thơ nguyên tiêu cùng hàng loạt các hoạt động văn nghệ có tính định hướng, do sự chỉ đạo của Chủ tịch hội nhà văn Việt Nam. Và trên hết là dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam. Đêm nguyên tiêu cũng là thời điểm tuyên bố hội viên mới kết nạp ở các chi hội cùng những màn phô trương văn chương nhằm chứng minh năng lực tồn tại của hội viên.
Suy nghĩ của những thi sĩ nhà nước
Một thi sĩ trực thuộc hội văn học nghệ thuật Bình Phước chia sẻ: “Quê mùa lắm, không có rầm rộ đâu. Hình ảnh thế thôi chứ đi dự chán lắm, vì thành phần tham dự bây giờ chủ yếu là mấy ông già hưu trí nên chất lượng chán lắm. Nó trang trí nhiều, treo phông, treo màn cũng đẹp nhưng đi dự chán lắm, toàn thơ hưu trí nên chán lắm, những người làm thơ đàng hoàng đã ít rồi mà họ không đi dự nữa nên chán lắm, toàn mấy người đứt dây không à, mệt lắm, nói chung không có gì đáng quan tâm. Mình nghĩ ở chỗ khác cũng vậy, nhìn bề ngoài vậy thôi chứ chất lượng không có, người làm thơ đàng hoàng họ không đi, toàn mấy đám chập dật đọc thơ. Ngoài Văn Miếu không biết chứ ở tỉnh lấy người đâu ra, Sài Gòn làm gì có ai đâu, toàn mấy thằng điên điên…”
Một nhà văn khác, chia sẻ thêm với chúng tôi rằng việc trở thành hội viên hội nhà văn không phải là đơn giản, phải vừa hồng lại vừa chuyên, hoặc ít nhất không chuyên thì cũng phải hồng, không hồng thì cũng phải chuyên, nghĩa là nếu không có năng lực, không biết làm những bài thơ hay, viết những truyện hay thì e rằng rất khó vào hội nhà văn dù chỉ ở cấp tỉnh. Nhưng nếu làm thơ hay mà có đầu óc phản động, nghĩa là báng bổ chế độ Cộng sản xã hội chủ nghĩa thì không thể nào lọt được vào hội, không thể trở thành hội viên.
Giải thích về khái niệm phản động, ông nhà thơ này nói ngay rằng đảng Cộng sản chính là dân tộc vì đảng đã lãnh đạo đất nước đi đến bến bờ tương lai tươi sáng, đảng đã cho nhân dân mùa xuân và đảng đã cho các văn nghệ sĩ mùa hạ nóng bỏng nhiệt huyết khát vọng để sáng tác. Đảng cũng luôn nhắc nhở các văn nghệ sĩ đừng bao giờ xa rời hiện thực, bởi hiện thực luôn là cái cây đơm bông, cho trái ngọt và tiếp tục đẻ ra những cái cây khác.
Mà muốn cho trái ngọt, muốn đẻ được những cái cây khác thì cần phải có đất, nước, phân, tro. Ai đã mang đất, nước, phân, tro và các thứ liên quan đến cho văn nghệ sĩ? Ai đã làm cho các nhà văn trở nên nổi danh và ai đã giúp cho cái bao tử nhà văn, nhà thơ có cái lấp đầy để còn ngồi sáng tạo? Thì còn ai nữa ngoài đảng và bác Hồ kính yêu?! Chính vì thế, một nhà văn lớn, có tâm huyết với văn chương phải là một nhà văn của đảng, do đảng đào tạo và cưu mang.
Một nhà văn khác, trực thuộc Hội nhà văn Việt Nam, chia sẻ thêm với chúng tôi rằng một tác phẩm lớn không thể xa rời thực thể lớn, mà thực thể nào lớn hơn nhà nước? Và cái gì làm nên nhà nước này? Đương nhiên là đảng. Chính vì thế mà một nhà văn có lương tâm thì phải yêu đảng, vì đảng chính là dân tộc. Một nhà văn tài năng thì phải được đảng ghi nhận tài năng và cưu mang, lăng xê vào hội. Thử nghĩ, nếu không có những khoản tiền do đảng rót xuống thì lấy đâu ra để xuất bản những tác phẩm lớn?
Nói đến đây, ông này hút liên tục hai điếu thuốc, mắt nhìn liu phiu đắc ý. Nhưng khi nghe chúng tôi hỏi vậy đâu là tác phẩm lớn của văn chương Việt Nam thì ông này ngắc ngứ, không trả lời được. Suy nghĩ một hồi, ông lấy ví dụ như Truyện Kiều của Nguyễn Du. Chúng tôi chỉ biết nín cười và hỏi thêm thế liệu Nguyễn Du có phải là một đảng viên Cộng sản hoặc là một hội viên nhà văn Việt Nam hay không? Ông này nghiêm mặt nói rằng tất cả các tác phẩm lớn đều có tính đảng.
Ông nhà thơ này giới thiệu thêm rằng năm đêm nguyên tiêu ông được mời đọc thơ đầu tiên, sau mấy hồi trống khai mạc của vị chủ tịch tỉnh. Và tiếp theo sau ông sẽ là nhiều nhà thơ nổi tiếng khác và sau cùng là những nhà thơ trẻ mới được kết nạp vào hội.
Những bữa nhậu và các khoản lệ phí nguyên tiêu
Một nhà văn kiêm nhà thơ, nhà lý luận - phê bình văn học đồng thời là nhà báo, là đại tá quân đội và là chủ tịch của một hội bảo vệ sinh vật cảnh cộng với chủ tịch danh dự của nhiều hội, đoàn khác đã chia sẻ với chúng tôi rằng một nhà văn, nhà thơ thì dù gì cũng cần phải có cảm hứng để viết, mà muốn có cảm hứng thì bụng phải no, lòng phải mãn nguyện, có như vậy phảii có những bữa nhậu mà không cần suy nghĩ về chi phí, phải những bữa ăn ngon để tập trung năng lượng và thời gian mà sáng tác. Muốn như thế, còn cách nào tốt hơn là nỗ lực tham gia hội nhà văn, nhỏ thì cấp phân hội, chi hội ở huyện, tỉnh, lớn thì cấp trung ương.
Bởi vì chỉ vào những khuôn hội như thế thì mới có cơ hội xin kinh phí cho việc in ấn, xuất bản và đảm bảo việc xuất bản hợp lệ, hợp pháp, được xem là chính thống, có thể kí gởi và bán tác phẩm ở các hiệu sách. Đặc biệt, một khi đã có các khoản tài trợ, kinh phí ấn loát nhưng không phải tự bỏ ra, nếu lỡ không bán được sách thì vẫn không bị thua lỗ, không mất gì cả.
Một nhà thơ khác thuộc hội văn học nghệ thuật Quảng Ngãi đã phân bua rằng bất kỳ một sáng tác nào của hội nhà văn đều không bao giờ bị nhà nước soi mói, mà chỉ có kiểm duyệt, cái gì thông qua kiểm duyệt mà vẫn trụ được thì cái đó sẽ được công bố với độc giả. Ngược lại, nếu liên tục nhiều lần bị sai phạm quan điểm, bị kiểm duyệt phản ảnh không tốt thì nguy cơ ra khỏi hội là tích tắc.
Một hội viên hội nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Tham gia những sinh hoạt của hội Trung ương nó khác nhiều lắm, cho nên người ta đua nhau vào hội trung ương là vậy, mặc dù cái hội này nó cũng tả bí lù rồi nhưng vẫn có nhiều người họ chạy tiền chạy bạc họ vào. Nó có đặc quyền đặc lợi chứ. Ví dụ khi về tỉnh hay các lễ hội thì sẽ được đón tiếp, thu xếp chỗ ăn chỗ ở.”
Theo ông này, vấn đề tham gia hay không tham gia hội nhà văn không làm ảnh hưởng đến sáng tác của ông, và ngay từ đầu, ông cũng không chủ động tham gia hội nhà văn. Mọi việc đến với ông như một dòng chảy tự nhiên.
Ông cũng đưa ra quan điểm không phải bất kỳ nhà văn nào tham gia vào hội nhà văn cũng vì mục đích xôi thịt mà đôi khi, đó là một sự trái khoáy vô hình nào đó mang tính thử thách sự kiên nhẫn và sức chịu đựng của một người lỡ mang nghiệp văn chương vào thân.
Ông cho rằng trong hội nhà văn Việt Nam không thiếu nhân tài nhưng bởi chính cái cơ chế xin – cho và kiểm duyệt chụp mũ, đội ngũ kiểm duyệt hiểu biết về đường lối của đảng nhiều hơn là hiểu biết về văn chương, thậm chí có nhiều người không biết gì về văn chương vẫn nằm trong đội ngũ kiểm duyệt. Chính vì thế, họ luôn soi xét tác phẩm theo những cái khuôn có kích cỡ chính trị, và một khi tác phẩm vượt ngoài khuôn đo lường đó thì bị loại bỏ. Lúc này, nhà văn dễ trở thành con rối loay hoay trong một mớ bòng bong chủ trương và luôn bị thôi thúc, giằng co giữa quyền lợi cơm áo với sáng tạo đích thực. Dẫn đến tình trạng năng lực bị mài mòn và không làm được gì.
Đó là một thực trạng vừa đáng buồn vừa đáng nực cười của cái gọi là hội nhà văn Việt Nam. Và những tính chất này hiện khá rõ trong tiếng va chạm ly tách, tiếng đũa gắp mồi nhậu, tiếng cãi nhau sau đêm thơ.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.