Vũ Tuấn Hoàng
'Những nụ cười bị đánh cắp' là lời trong bài hát của một người đàn ông thương tật - cựu binh thời chiến tranh Afganhistan (vì có tấm huy chương màu xanh đeo trước ngực), được chính ông đệm đàn gió, trên chuyến tàu điện ngầm từ ngoại ô vào trung tâm Kharkiv - thành phố công nghiệp lớn thứ hai tại Ukraine.
Tôi đi làm hàng ngày trên tuyến đường này nên thường xuyên gặp ông.
Nhưng bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ vì suốt cả một khoảng thời gian dài như vậy, đâu chỉ có một lần duy nhất, tôi bỏ vào cái túi rách đeo bên vai của ông một đồng 50 kopek, trước những ánh mắt tò mò và lạ lẫm của hành khách trên tàu.
Tôi cứ suy nghĩ mãi về ánh mắt của mọi người nhìn tôi, một người Việt nam tóc đen da vàng và được xem là dân nhập cư không được mấy tôn trọng, mà vẫn chưa tìm ra câu trả lời: Họ nghĩ gì về hành động của tôi lúc đó?
Cách đây vài ngày, tôi thấy ảnh của ông dán ở cửa vào ga tàu điện ngầm và phía dưới là hộp gỗ quyên góp với dòng chữ: “Hãy giúp đỡ vợ con người anh hùng đã ngã xuống trên quảng trường Maidan- Kiev.”
Vậy là người đàn ông đó đã nằm trong danh sách gần một trăm người hy sinh trên Quảng Trường Độc lập.
Chắc hẳn, cách đây 35 năm, khi quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan, các chính trị gia lúc đó cũng gọi ông là người anh hùng đi bảo tổ quốc, bảo vệ sự công bằng và dân chủ.
Hình như, trong mọi cuộc xung đột vũ trang trên thế giới, những người của cả hai phía ngã xuống dưới mũi tên hòn đạn nơi xa trường đều được gọi là “anh hùng” còn những kẻ đứng sau các cuộc chiến tranh đó thì …đút tiền vào túi và chết già trong các dinh thự kín cổng cao tường của mình.
Ukraine và Việt Nam
Đất nước Ukraine và Việt Nam có một số điểm tương đồng, nổi bật nhất là vị trí địa chính trị - nằm ngay sát nách hai siêu cường là Nga: Ukraine cạnh Nga và Việt Nam cạnh Trung Quốc.
Hai ông hàng xóm này luôn luôn sử dụng mọi biện pháp nhằm áp đặt ảnh hưởng của mình lên mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa. Tất nhiên nói “ảnh hưởng” là ngôn ngữ ngoại giao nhưng thực chất là “thống trị và bóc lột”.
Cái “khốn nạn” hơn nữa đối với Ukraine là xuất hiện thêm một ông hàng xóm mới khổng lồ nữa là Liên minh châu Âu.
EU và Nga đều không ngăn được sự đổ máu ở Ukraine
Và tất nhiên, ông này cũng lại muốn “ảnh hưởng” của mình lan sang đất nước sở hữu diện tích đất đen lớn nhất thế giới cùng với vựa lúa mì khổng lồ và cũng là nước xuất khẩu thép và than đá…
Hiện nay, cả Nga và Liên minh châu Âu đều hứa cho Ukraine vay những khoản tiền tỷ với mục đích “chỉ được chơi với tao, không được chơi với thằng kia”.
Tôi vốn dốt nát về kinh tế nhưng biết chắc rằng, trên đời này chẳng ai cho không ai cái gì cả và điều kiện được đặt ra bao giờ cũng có lợi cho kẻ cho vay.
Một bộ phận người dân Ukraine, nhất là vùng miền Tây và không ít các nhà chính trị, khao khát càng gia nhập EU nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Nhưng với các nước sau 7 năm gia nhập EU đã diễn ra một cuộc tư nhân hóa tài sản quốc gia toàn diện để dẫn đến tỷ lệ người thất nghiệp tăng cao, tệ nạn tham nhũng hoành hành và sự lên ngôi của một nhóm tài phiệt.
"Các nhà chính trị Ukraine, cả ở hai phía chiến lũy, đã sử dụng máu của người dân để giải quyết các vấn đề của cá nhân mình"
Vấn đề ở đây cần phải hiểu rằng gia nhập EU hay Liên minh Thuế quan Nga, ngoài vấn đề kinh tế, nó làm cho đất nước rạn nứt.
Liên minh châu Âu cũng như Nga đã chẳng làm được gì để ngăn chặn máu chảy ở Ukraine, mà ngược lại còn làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Dán mác 'Cách mạng'
Các nhà chính trị Ukraine, cả ở hai phía chiến lũy, đã sử dụng máu của người dân để giải quyết các vấn đề của cá nhân mình, chứ hoàn toàn không phải vấn đề của người dân lao động.
Máu của những người được gọi là “anh hùng” đã thấm xuống những viên gạch trên Quảng trường Độc lập.
Đó là tội lỗi không chỉ của riêng Tổng thống mà còn của cả nghị viện, của thủ lĩnh các đảng đã để cho lòng thù hận cá nhân và tham vọng quyền lực lấn lướt, át cả trí khôn cũng như lòng vị tha để có thể cùng ngồi lại với nhau.
Theo dõi tận mắt hai sự kiện được dán mác “Cách mạng” năm 2004 và 2014 tại Ukraine, điều khiến tôi kinh ngạc nhất là sự lên ngôi của lòng hận thù giữa những người cùng một dân tộc.
Điều này không khỏi làm tôi trạnh nhớ đến lịch sử xa và không xa của tổ quốc Việt Nam mình. Tại sao những người anh em cùng huyết thống lại có thể xử sự với nhau cạn tàu ráo máng, tán tận lương tâm đến như vậy?
Lòng hận thù đã tràn ngập trên quảng trường Maidan sau ngày 20 tháng Hai.
Lòng hận thù đã tràn ngập trên Quảng trường Maidan sau ngày 20 tháng Hai. Nó bùng lên trong ánh mắt của cảnh sát dã chiến đeo mặt nạ, cầm dùi cui, nó thít lấy cổ của những ai nghe được những tin tức kinh hoàng và lao ra quảng trường tan hoang đang biến thành nấm mồ tập thể"
Nó bùng lên trong ánh mắt của cảnh sát dã chiến đeo mặt nạ, cầm dùi cui, nó xiết lấy trái tim của những người khiêng cáng thương binh, của những người xây dựng chiến lũy, nó thít lấy cổ của những ai nghe được những tin tức kinh hoàng và lao ra quảng trường tan hoang đang biến thành nấm mồ tập thể, nó làm mờ mắt ngay cả những người theo dõi chiến sự qua màn hình vô tuyến…
Cuối cùng còn lại là lòng thù hận đối với cái hệ thống đã biến con người thành thú vật, biến những người bảo vệ pháp luật thành kẻ sát nhân, biến những thanh niên sinh viên ngây thơ thành kẻ giết người bất đắc dĩ, biến những hy vọng thành những cuộn khói đen kịt trên bầu trời thủ đô Kiev, biến đất nước vốn tươi đẹp hiền hòa thành bãi chiến trường, biến tính mạng con người thành trò chơi sấp ngửa trong cạnh bạc chính trị đáng nôn mửa.
Hàng ngày, tôi vẫn đi tàu điện ngầm đến chỗ làm việc, và nhận thấy một điều rằng, khi bước qua bức ảnh của người anh hùng ở cửa ga tàu, khuôn mặt của mọi người chợt nghiêm trang lại, nụ cười trên môi biến mất, cắm cúi bước nhanh.
Một không khí u ám lo âu treo lơ lửng như đang chờ đợi một điều gì đó sắp xảy ra.