Friday, February 7, 2014

Từ Van Eyck tới Dalí

Nguyễn Đình Đăng

1) Con chiên thần bí
Nước Bỉ có hai thành phố cổ tuyệt vời là Bruges và Ghent. Bruges là thủ phủ của Tây Flanders, còn Ghent là thủ phủ của Đông Flanders. Flanders ngày nay là phần nói tiếng Hà Lan thuộc miền bắc nước Bỉ, phía trên thủ đô Brussels. Còn từ t.k. IX tới cuối t.k. XVIII, Flanders là một địa hạt gồm Tây và Đông Flanders dính với một phần nhỏ lãnh thổ Pháp và Hà Lan ngày nay. Tên “Flanders” có xuất xứ từ tiếng cổ có nghĩa là “vùng đất ngập nước” vì xứ này nằm dưới mực nước biển. Phiên âm Hán–Việt của “Flanders” là “Phật-lan-đức” (佛蘭德).
Bruges được nâng cấp lên thành phố từ t.k. XII. Khu trung tâm lịch sử của Bruges ngày nay như một bảo tàng ngoài trời, được UNESCO xếp vào di sản thế giới. Ghent cách Bruges chừng nửa giờ đi tàu. Vào t.k. XIII Ghent là thành phố lớn thứ hai tại châu Âu sau Paris, có 65 ngàn dân, to hơn cả Cologne và Moskva thời đó.

Đối với những người yêu hội họa, Bruges và Ghent còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bruges là nơi Jan Van Eyck (hay Johannes de Eyck) (1390 – 1441) từng sống 15 năm cuối đời. Giáo đường Saint Bavo tại Ghent là nơi ông đã để lại bộ tranh thờ 20 bức, trên 12 khung (trong đó có 8 khung hai mặt – mỗi mặt một bức) mang tên “Con chiên thần bí” (The mystic lamb), được vẽ trên ván gỗ, tuyệt tác sơn dầu mọi thời đại. Là một người vẽ sơn dầu mang lòng ngưỡng mộ sâu sắc trước các bậc thầy cổ điển, tôi coi việc tới Ghent để nhìn thấy tận mắt Con chiên thần bí” tựa như một cuộc hành hương tới Thánh Địa vậy.
Lampgod_open
Hubert và Jan Van Eyck
Bộ tranh thờ “Con chiên thần bí” (mở) (1432)
sơn dầu trên ván gỗ.
Phần màu xám bên trái là bức bị lấy cắp năm 1934.
Lam Godsretabel; Ghent Altarpiece or The Adoration of the Lamb; Der Genter Altar; Le polytyque de l'Agneau Mystique
Hubert và Jan Van Eyck
Bộ tranh thờ “Con chiên thần bí” (đóng) (1432).
(Thánh John là bức đơn sắc thứ nhất từ trái hàng dưới cùng)
sơn dầu trên ván gỗ
Jan Van Eyck không phải là người phát minh ra sơn dầu. Ông cũng không phải là người châu Âu đầu tiên vẽ sơn dầu. Nhưng chỉ sau khi Jan Van Eyck tìm ra thứ dung dịch thần diệu gồm dầu lanh pha với nhựa cây và dung môi để vẽ nên những kiệt tác khiến cả châu Âu kinh ngạc, sơn dầu mới trở thành chất liệu hội hoạ vô địch thống trị toàn thế giới.
Sử gia đương thời người Genova Bartolomeo Facio (1400 – 1457) từng coi Jan Van Eyck là một trong 4 hoạ sĩ kiệt xuất nhất đầu t.k. XV, bên cạnh Rogier van der Weyden, Gentile da Fabriano và Pisanello. Sau khi trở thành hoạ sĩ cung đình của quận công Philip Hảo tâm xứ Burgundy, Jan Van Eyck tới sống tại Bruges vào năm 1426 và mất tại đây năm 1441, thọ 51 tuổi. Ông được quận công Philip trả lương rất hậu, ngoài ra còn được hưởng nhiều bổng lộc. Có lần, vì không trả lương cho Van Eyck, giám đốc kho bạc Burgundy đã bị quận công Philip quở mắng bởi ông sợ Van Eyck sẽ bỏ đi và ông sẽ không tìm được ai ngang tầm Van Eyck nữa.
Bộ tranh thờ “Con chiên thần bí” do Joos Vijd đặt hàng. Ông này là một đại gia nổi tiếng, giữ vai trò tương đương thị trưởng thành phố Ghent thời đó. Ông đặt bộ tranh để trang trí điện thờ mới do ông bỏ tiền xây trong giáo đường Saint John (nay là Saint Bavo) mà hai vợ chồng ông là những người bảo trợ. Hợp đồng được ký với anh của Jan Van Eyck là Hubert vào khoảng năm 1420, nhưng 6 năm sau Hubert qua đời. Jan Van Eyck tiếp tục công việc, hoàn thành phần lớn việc vẽ bộ tranh nói trên, và kết thúc vào năm 1432. Trên khung của 4 bức ở hàng dưới, mặt đóng, có ghi 4 câu thơ tiếng Latin được dịch nghĩa như sau: “Hubert Van Eyck, hoạ sĩ kiệt xuất không ai sánh kịp, đã khởi công tác phẩm này. Jan Van Eyck, em ông, hoạ sĩ giỏi chỉ sau ông anh, đã hoàn thành tác phẩm theo yêu cầu của Joos Vijd vào ngày 6 tháng 5 năm 1432. Bằng những lời này, ông ta chuyển giao những gì đã hoàn thành cho quý vị gìn giữ.”
IMG_0160
Tượng đài tưởng niệm Hubert và Jan Van Eyck cạnh giáo đường Saint Bavo tại Ghent
Như được Chúa Trời phù hộ, bộ tranh khổng lồ này, sau 6 thế kỷ, trải qua nhiều rủi ro, vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay, chỉ trừ một bức “Các quan tòa công minh” bị lấy cắp năm 1934, không tìm lại được. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, bộ tranh bị Đức Quốc Xã chiếm đoạt, cất trong một mỏ muối ở Áo. Trước khi bại trận, Hitler ra lệnh phá hủy mọi thứ có thể rơi vào tay quân Đồng Minh. Quân đội Đức Quốc Xã đã dùng 500 kg thuốc nổ định phá tan mỏ muối chứa bộ tranh, nhưng kỳ lạ thay, chỉ có đường hầm vào mỏ bị sập. Bộ tranh được cứu thoát.
Vụ trộm bức “Các quan tòa công minh” xảy ra như sau.
Sáng sớm ngày thứ Tư 11 tháng 4 năm 1934 người thủ từ của giáo đường Saint Bavo rụng rời khi nhìn thấy trên cánh trái, nơi vốn là chỗ của hai bức “Thánh John Tẩy Giả” (John the Baptist) ở mặt ngoài (mặt đóng) và “Các quan toà công minh” ở mặt trong (mặt mở), một khoảng trống toang hoác. Mỗi bức tranh bị mất có kích thước 149 cm chiều cao, 55.5 cm chiều rộng và dày khoảng 0.5 cm (không kể các thanh gỗ chèn ván phía sau).
Ngày 1 tháng 5 năm đó giáo chủ thành phố Ghent nhận được một bức thư viết rằng 2 bức tranh hiện ở một nơi mà ngoài một người ra, không ai có thể biết. Người viết bức thư đòi 1 triệu francs tiền chuộc theo hình thức y sẽ trả lại bức “Thánh John Tẩy Giả” trước, và sau khi nhận 1 triệu francs, sẽ trả nốt bức “Các quan tòa công minh”. Kẻ viết thư đe doạ sẽ phá hủy 2 bức tranh nếu giáo chủ làm khác yêu cầu của y. Trong vòng 5 tháng, cho tới ngày 1 tháng 10 năm đó giáo chủ nhận được tất cả 13 lá thư từ người này. Bức “Thánh John Tẩy Giả” sau đó đã được trả lại, nhưng tên trộm chỉ nhận được 25,000 francs. Trong bức thư cuối cùng, y tuyên bố cắt đứt mọi liên lạc và sẽ mang theo bí mật của bức “Các quan tòa công minh” xuống mồ.
Ngày 25 tháng 11 năm 1934, tại một cuộc họp ở trường dòng Thánh Mary thuộc Dendermonde (cách Ghent gần 40 km), diễn giả Arsene Goedertier bị tai biến mạch máu não. Trong khi hấp hối, người này đã thú nhận y chính là người duy nhất biết bức tranh “Các quan tòa công minh” ở đâu. Arsene Goedertier từng làm thủ từ và nhạc công đại phong cầm cho tu viện Saint Gertrude ở Wetteren (cách Ghent khoảng 20 km). Y thường lui tới giáo đường Saint Bavo. Về cuối đời y là một người giàu có, có công ty riêng. Y còn là một hoạ sĩ. Một chân dung y vẽ cảnh sát trưởng thành phố Wetteren năm 1913 hiện vẫn được bày tại tòa thị chính Wetteren. Sau khi y chết, người ta đến nhà y và tìm được hồ sơ và bản nháp các bức thư y đã gửi cho giáo chủ thành phố Ghent. Nhưng người ta không bao giờ tìm thấy bức tranh “Các quan tòa công minh” nữa.
Ngày nay thế chỗ bức tranh bị mất là bản sao năm 1945 của Jef Van der Verken (1872 – 1964) – hoạ sĩ chuyên chép tranh Van Eyck.
Screen Shot 2014-02-03 at 4.20.14 PM
Jef Van der Verken
Bản sao năm 1945 bức “Các quan tòa công minh”.
Trong bức “Các quan tòa công minh“, người cưỡi ngựa bạch đầu tiên, đầu đội mũ lông thú, vận áo dài xanh sẫm, được cho là chân dung của Hubert Van Eyck, còn người thứ tư, đầu đội khăn đen, vận áo đen, cổ đeo tràng hạt, chính là chân dung tự họa của Jan Van Eyck.
brothers
Chân dung Hubert (trái) và Jan (phải) Van Eyck trong bức “Các quan tòa công minh
Chân dung nhà bảo trợ, ông Joos Vijd, người đặt hàng bộ tranh, và vợ ông, bà Elisabeth Borluut, được vẽ trên hai bức ở mặt ngoài, hàng dưới, cạnh “Thánh John Tẩy Giả” và “Thánh John Phúc Âm” (John the Evangelist).
patrons
Chân dung ông Joos Vijd và vợ, bà Elisabeth Borluut
Bộ tranh thờ “Con chiên thần bí” cho thấy tài vẽ kinh ngạc của Jan Van Eyck: Khi nhìn gần thì thấy hiện ra mọi chi tiết chính xác, rõ li ti đến từng con chữ trong các cuốn sách trên tay các nhân vật, từng hạt trai hạt ngọc trên các bộ y phục, nhưng khi nhìn từ khoảng cách xa hơn thì toàn bố cục, hình khối, các mảng sáng tối, hòa sắc vẫn rất cân đối và hài hòa. Riêng trong bức trung tâm, hàng dưới, phần mở, thể hiện cảnh ngưỡng mộ con chiên tượng trưng cho Jesus – con của Chúa Trời, Van Eyck đã vẽ tất cả 40 loại cây cỏ khác nhau, đa số không có xuất xứ từ châu Âu. Các nghiên cứu của tiến sĩ Paul Coremans và các cộng sự của ông năm 1953 cho thấy Van Eyck đã láng rất nhiều lớp màu trong lên lớp lót khi vẽ các bức tranh này. Tuy vẫn kế thừa kỹ thuật tempera của các bậc thầy đi trước, nhưng nghệ thuật cao cường của Jan Van Eyck đã cho thấy tính hơn hẳn của sơn dầu. Trong lịch sử hội hoạ từ trước đó chưa bao giờ người, vật, thiên nhiên lại được thể hiện “giống thật” đến thế. Sau gần 6 thế kỷ, những bí ẩn của nghệ thuật Van Eyck trong bộ tranh này vẫn không ngừng lôi cuốn người xem.
singing
Một trong các thiên thần ca hát (trái) đeo một đồ trang sức bằng ngọc sapphire phản chiếu khung cửa sổ Gothic (phải). Mọi chi tiết trong bộ tranh thờ “Con chiên thần bí” được chiếu bằng nguồn sáng từ cửa sổ đó.
letters
Phần tường sau lưng Thánh Mẫu (trái) có những chữ từ một bảng chữ cái xa lạ đến giờ chưa ai đọc được (phải). Người ta không rõ đó là chữ viết tháu, một thứ mật mã, hay những câu kinh dị giáo.
Tháng 5 năm 2010, quỹ Getty tại Los Angles đã tài trợ 230 ngàn USD để tiến hành khảo cứu khởi đầu cho việc phục chế bộ tranh, nhờ đó lần đầu tiên bộ tranh đã được chụp bằng kỹ thuật số với độ phân giải cao nhất. Các hình này, bao gồm cả ảnh chụp tia X và tia hồng ngoại, tổng cộng khoảng 100 tỉ pixels, được đăng để toàn thế giới có thể tự do xem và tải xuống tại trang web “Closer to Van Eyck: Rediscovering the Ghent Altarpiece“.
Từ tháng 10 năm 2012 bộ tranh được phục chế từng phần trong một dự án 5 năm, trị giá 1.2 triệu Euros, mỗi lần 4 bức. Các bức này được đưa sang bảo tàng Mỹ thuật Ghent, nơi khách tham quan bảo tàng có thể nhìn thấy các chuyên gia phục chế làm việc trước các bức tranh. Các bức khác vẫn được trưng bày tại giáo đường Saint Bavo, sau lớp kính trong suốt cách âm – đạn bắn không thủng. Đây là lần đầu tiên người ta chùi sạch các lớp varnish từ nhiều lần phục chế trước (không dưới 10 lần), nay đã ngả vàng – nâu. Màu sắc rực rỡ của bộ tranh lộ ra như trong thời Jan Van Eyck còn sống. Một chi tiết thú vị là bản sao năm 1945 của bức “Các quan toà công minh” cũng vừa được phục chế năm 2010. Bức tranh 65 năm tuổi đó đã xuống cấp tệ hơn nhiều so với các bức trong bộ tranh gốc được vẽ từ 6 thế kỷ trước! Mới biết hậu thế chỉ copy được hình thức, nhưng cái bí mật khiến các kiệt tác hội họa của Van Eyck trường tồn, sau hàng trăm năm vẫn rực rỡ, thì nay không còn ai biết.
restauration
Phòng phục chế bộ tranh “Con chiên thần bí” tại bảo tàng mỹ thuật Ghent
(hình từ internet)
2) Tuần đêm
Tên Amsterdam vốn có gốc từ Amstelredamme, tức con đê trên sông Amstel. Từ một làng chài trong t.k. XII, Amsterdam đã trở thành trung tâm thương mại và kim cương của thế giới trong thời hoàng kim Hà Lan vào t.k. XVII. Ngày nay phần kênh rạch t.k. XVII của Amsterdam nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO.
Amsterdam là nơi Rembrandt Harmenszoon van Rijn (1606 – 1669) – danh hoạ quan trọng nhất lịch sử hội hoạ Hà Lan, và một trong những hoạ sĩ vĩ đại nhất thế giới – từng sống và vẽ từ năm 25 tuổi tới khi qua đời. Tại ngôi nhà trên Breestraat (Phố Lớn) (nay là Jodenbreestraat tức Phố Lớn Do Thái), nay là bảo tàng “Nhà Rembrandt”, nơi ông sống từ năm 1639 cho tới khi phá sản vào năm 1656, ông đã vẽ kiệt tác “Tuần đêm” vào năm 1642, hiện được trưng bày tại Rijksmuseum ở Amsterdam.
IF
Rijksmuseum
Kể từ khi thành lập năm 1885, Rijksmuseum vừa trải qua một cuộc đại tu lần đầu tiên từ năm 2004 tới 2012, và nay vừa được mở cửa lại. Sân trong của bảo tàng nay được mở thành lối đi xuyên qua hai tòa tháp. Một sân trời dưới mặt đất được xây dựng, dùng làm nơi đón khách, bán vé, nhà hàng, hiệu sách và đồ lưu niệm. Bảo tàng có thêm một gian mới – gian châu Á – bày sưu tập nghệ thuật Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, v.v.
IF
Sân trời dưới mặt đất trong Rijksmuseum sau khi đại tu
Phòng trung tâm tại tầng 2 của bảo tàng này là nơi treo bức “Tuần đêm” của Rembrandt. Toàn bộ bức tranh nặng 170 kg (chưa kể cái khung 167 kg).
night_watch
Rembrandt
Đại đội quận II dưới quyền đại úy Frans Banning Cocq và trung úy Willem van Ruytenburch (thường được gọi là “Tuần đêm“) (1642)
sơn dầu trên canvas, 363 x 437 cm
Bức tranh nổi tiếng nhất này của Rembrandt thực ra có một cái tên gốc dài thòng là “Đại đội quận II dưới quyền đại úy Frans Banning Cocq và trung úy Willem van Ruytenburch”. Bức tranh ta thấy ngày nay đã bị xén cả 4 phía vào năm 1715 khi người ta chuyển bức tranh tới treo tại tòa thị chính Amsterdam để cho vừa với không gian tại đó. Ngày nay việc xén tranh của hoạ sĩ nghe có vẻ man rợ, nhưng vào t.k. XVII – XVIII đó là việc thường được làm. Bản sao thu nhỏ (66.5 x 85.5 cm) vẽ năm 1655 của Gerrit Lundens (1622 – 1686) cho thấy toàn bộ bố cục trước khi bị xén.
766px-Lundens_-_Nachtwache-Kopie-1
Gerrit Lundens
Bản sao bức “Tuần đêm“, 1655
sơn dầu, 66.5 x 85.5 cm, London National Gallery
Tên gọi tắt “Tuần đêm” mà người ta gán cho nó sau này là tên hoàn toàn sai, vì bức tranh không vẽ cảnh ban đêm cũng chẳng phải đội đi tuần. Sở dĩ người ta tưởng đó là cảnh ban đêm vì lớp varnish bảo vệ dày phủ bên trên bị đổi màu theo thời gian, khiến cả bức tranh tối sầm lại. Chỉ cho tới t.k. XX, sau khi lớp varnish cũ được gỡ, người ta mới sửng sốt trước những hoà sắc tuyệt vời của bức tranh này (năm 1940) cũng như hàng loạt tranh khác của Rembrandt. Để cho công bằng, cũng phải nói chính lớp varnish dày cứng này đã cứu bức tranh khỏi bị phá hoại. Ngày 13 tháng 1 năm 1911, khi bức hoạ vẫn còn được phủ bởi lớp varnish dày cứng, một đầu bếp thất nghiệp nổi điên, đã xông vào dùng dao thửa giầy rạch bức tranh, nhưng hắn đã không đâm xuyên qua nổi lớp varnish bảo vệ rắn như thủy tinh.
Sau khi bảo tàng được đại tu, bức “Tuần đêm” được chiếu sáng bằng đèn điôt phát quang (LED = Light Emitting Diode) trắng giống ánh sáng ban ngày, khiến bức tranh bộc lộ hết hoà sắc thực của nó. Việc dùng LED thay đèn rọi halogen trước đây đã giúp nhiệt độ ánh sáng chiếu lên bề mặt tranh được giảm bớt đi 1.8°C và ánh sáng được trải đều. Bảo tàng đã mất 3 tháng chỉ để chỉnh lại hệ thống chiếu sáng cho bức tranh này.
IF
Khách xem bức “Tuần đêm” của Rembrandt tại Rijksmuseum
Bây giờ, khách xem tranh có thể thấy rõ từng chi tiết trên kiệt tác này. Thiên tài của Rembrandt, khiến ông sánh ngang với Titian về hòa sắc, là cách ông láng màu nguyên lên lớp lót impasto và dùng vệt bút để tạo nên các hiệu ứng hòa sắc quang học, khiến các lớp sơn dầu như đang tự phát sáng. Nhưng trên tất cả, là cảm giác về một sự hiện diện của siêu phàm toát ra khỏi bề mặt của sơn dầu, varnish, và canvas. Rembrandt từng nói: “Bức tranh được hoàn thành khi xuất hiện bóng dáng của thần linh.
Screen Shot 2014-02-04 at 12.37.18 PM
Impasto của Rembrandt
(trích đoạn từ bức “Tuần đêm“)
Xem “Người đàn bà với con chồn” của Leonardo da Vinci tại lâu đài Wawel ở Krakow tôi ngộ ra sự hoàn hảo. Giờ đây, xem “Tuần đêm” của Rembrandt trong ánh sáng mới tại Rijksmuseum, tôi như ngộ ra chân lý trong hội hoạ.
3) Phố nhỏ
Rijksmuseum còn có một sưu tập tuyệt vời tranh của Johannes Vermeer (1632 – 1675) trong đó có 3 bức nổi tiếng là “Người đàn bà rót sữa” (46 x 41 cm), “Người đàn bà đọc thư” (46.5 x 39 cm) và “Phố nhỏ” (54.3 x 44 cm). Riêng bức “Người đàn bà rót sữa” tôi được nhìn thấy lần  này là lần thứ ba. Lần trước, cách đây vài năm, bức này được Nhật Bản thuê bày tại Trung tâm Mỹ thuật Quốc gia ở Tokyo: Xếp hàng rồng rắn như đi xem xác ướp, mỗi lần xem chưa được 30 giây, muốn xem lần thứ hai lại phải quay ra xếp hàng lại từ đầu, lại còn phải đứng cách hơn 1 m, cấm quay phim chụp ảnh. Lần này, tôi tới Rijksmuseum vào tháng Giêng nên khá vắng. Khách xem lại được đứng rất gần, có thể chụp ảnh (không flash) hoặc quay video thả giàn.
IF
Có thể đứng kề vai sát cánh như thế này với “Người đàn bà rót sữa” của Vermeer tại Rijksmuseum.
Ba kiệt tác trên của Vermeer, và tranh của Vermeer nói chung, đều có kích thước khá nhỏ, gần như tiểu hoạ nếu đem so với các canvas khổng lồ của Rembrandt, ví dụ như bức “Tuần đêm” nói trên. Trong khi Rembrandt lừng danh tại Amsterdam – trung tâm thương mại của châu Âu thời đó, vẽ nhiều và đông học trò, Vermeer chỉ là một hoạ sĩ tỉnh lẻ, tiếng tăm không lan ra ngoài thành phố Delft, vẽ rất ít và không hề có học trò. Tuy cả Rembrandt và Vermeer đều chết trong cảnh nợ nần túng thiếu, Vermeer còn bị rơi vào quên lãng trong suốt 2 thế kỷ, mãi tới t.k. XIX mới được tái phát hiện. Ngày nay Rembrandt và Vermeer là hai danh hoạ được xếp vào hàng vĩ đại nhất thời Hoàng kim trong hội hoạ Hà Lan. 
Tranh của Rembrandt và Vermeer cho người xem một ảo giác kinh ngạc về tả chân và động – cái động bên ngoài, như trong bức “Tuần đêm“, và bên trong, như trong ba bức tranh nói trên của Vermeer. Nếu để ý kỹ, có thể thấy các bậc thầy này không câu nệ chép thực mà họ biến đổi những gì nhìn thấy trong tự nhiên khi vẽ vào tranh của mình.
Ví dụ, bóng đổ từ tay trái của đại úy Frans Banning Cocq in trên áo vàng của trung úy trung úy Willem van Ruytenburch trong bức “Tuẩn đêm” cho thấy nguồn sáng phải từ phía trên bên phải viên đại úy. Thế nhưng theo bóng đổ sau chân phải của ông ta thì nguồn sáng phải ở phía trước bên phải bức tranh.
487px-Jan_Vermeer_van_Delft_025
Johannes Vermeer
Phố nhỏ (khoảng 1660)
sơn dầu, 54.3 x 44 cm
Bức “Phố nhỏ” của Vermeer cũng không ít sự vô lý về kiến trúc. Cửa trước của ngôi nhà gạch đỏ, nơi có người đàn bà ngồi khâu, lại không nằm chính giữa mặt tiền mà hơi lệch sang trái. Cánh cửa sổ màu lục bên trái nếu mở ra sẽ vướng vào lối đi cửa trước. Khung cửa sổ này lại dính sát mép tường bên trái tòa nhà, phía cửa dẫn vào sân trong, nơi có người đàn bà váy xanh. Kiến trúc của ngôi nhà như trong tranh của Vermeer là khá phổ biến trong các đô thị Hà Lan thời bấy giờ, song khó tìm ra ngôi nhà cổ Hà Lan nào lại có những chi tiết kỳ quặc như trong bức “Phố nhỏ“. Lý giải duy nhất là Vermeet đã tự ý thay đổi cảnh vật ông nhìn thấy trong thực tế hoặc trong trí nhớ cho phù hợp với bố cục của ông.

DSCN1308
Nhà cổ ớ Bruges
IF
Nhà ở khu trung tâm lịch sử của Bruges
Rembrandt và Vermeer cũng không nề hà trong việc vay mượn từ các tiền bối và hoạ sĩ đương thời.
Rembrandt từng sở hữu khoảng 4 ngàn bức tranh in của các danh hoạ như Albrecht Dürer, Lucas van Leyden, Annibale Carracci, Peter Paul Rubens, Jacques Callot and Jan Lievens. Bằng cách vay mượn hình mẫu, bố cục và motif từ các tiền bối, Rembrandt đã khắc phục các khiếm khuyết của họ để  vượt họ.
Các motif trong tranh của Vermeer cũng không khác gì trong tranh các hoạ sĩ Hà Lan đương thời. Ví dụ bức “Phố nhỏ” nói trên gợi nhớ bức “Sân nhà ở Delft” của Pieter de Hooch (1629 – 1684), trong khi mấy đứa trẻ quỳ chơi trước nhà được mượn từ motif thường thấy trong tranh của Gerard Houckgeest (1600 – 1661).
14hooch-1
Pieter de Hooch
Sân nhà ở Delft (1658)
sơn dầu, 73.5 x 60 cm
National Gallery, London
Screen Shot 2014-02-04 at 4.38.09 PM
Trích đoạn bức tranh “Nội thất giáo đường Nieuwe Kerk ở Delft với mộ William Yên tĩnh” (1650) của Gerard Houckgeest
Nhưng không khí và tinh thần trong tranh Vermeer lại hoàn toàn khác. Vermeer dường như đã bỏ qua mọi chú ý về đặc thù địa phương, dân tộc tính hay bản sắc, thay chúng bằng tính nhân văn, sự phổ quát, và vĩnh cửu hóa tính phù du của khoảnh khắc.
4) Nhà hát – bảo tàng Dalí
IMG_0292
Phố ở Figueres
Cách Barcelona khoảng 140 km về phía đông-bắc, gần biên giới giữa Tây Ban Nha và Pháp có một thị trấn nhỏ tên là Figueres, ngày nay trở thành một điểm du lịch nổi tiếng nhờ có nhà hát - bảo tàng của một trong những hoạ sĩ kỳ dị nhất thế kỷ XX – Salvador Dalí (1904 – 1989). “Kỳ dị” trong trường hợp này là từ được dùng thay cho từ “điên” bởi Dalí từng nói rằng sự khác nhau duy nhất giữa ông và một người điên là ông không điên.
Nhà hát – bảo tàng Dalí là ví dụ đầy đủ nhất của sự “kỳ dị” đó.
DSCN1546
Bên ngoài nhà hát – bảo tàng Dalí tại Figueres
Figueres là nơi chôn rau cắt rốn của Dalí. Nhà hát – bảo tàng Dalí vốn là nhà hát ở Figueres, bị bom trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936 – 1939) giữa phe Cộng hòa và phe nổi dậy do tướng Francisco Franco cầm đầu. Năm 1960 thị trưởng Figueres đồng ý để Dalí biến nhà hát đổ nát này thành bảo tàng Dalí. Lúc đầu Dalí định không phục chế lại nhà hát đổ nát mà chỉ treo ảnh chụp tranh của ông thẳng lên các bức tường đổ. Trong 13 năm cho đến khánh thành nhà hát – bảo tàng vào năm 1974, Dalí trở nên “mềm” hơn. Toà nhà được xây dựng lại, nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc cổ điển của nhà hát Ý. Tuy nhiên Dalí cho trụp lên trên đỉnh tòa nhà một cái vòm vĩ đại lợp kính nhựa methacrylate có khung thép. Vòm kính đơn sơ này không ngăn được sự biến thiên mạnh của nhiệt độ và độ ẩm bên ngoài, khiến nhiều tranh bên trong bị hư hại. Mãi tới năm 1999 – tức 25 năm sau khi nhà hát – bảo tàng khánh thành, Quỹ Gala – Salvador Dalí mới tìm ra cách khắc phục: Họ thay khung thép của vòm kính bằng khung thép không rỉ đủ khỏe để đỡ các tấm kính cách nhiệt hai lớp thay cho kính nhựa.
IF
Sảnh giữa trong nhà hát – bảo tàng Dalí.
Mặt trời chiếu xuyên qua vòm kính phía trên thẳng vào mặt bức tranh lớn bên trái.
Bản thân kiến trúc bảo tàng này lại rất “phản bảo tàng” vì mặt trời chiếu thẳng từ vòm kính xuống mặt tranh, khiến phai màu nhanh chóng là điều không thể tránh khỏi. Dalí chưa bao giờ từng là một kiến trúc sư. Cách duy nhất để tránh bạc màu là thay bản gốc bằng bản sao. Bức tranh “Hiệp sĩ đấu bò tót ảo giác” (400 x 300 cm) là bản sao in trên vải, sau khi Dalí bán bản gốc (vẽ năm 1968 – 1970) cho hai vợ chồng nhà sưu tập giàu có, ông bà Reynolds và Eleanor Morse – chủ nhân của bảo tàng Salvador Dalí tại Florida. Đối với những bức tranh loại này của Dalí, trong đó hiệu quả chủ yếu là các hình ảnh kép hay ý tưởng lạ kiểu đồng hồ chảy, nghệ thuật hội hoạ mà Dalí có tham vọng phục hưng chỉ đóng vai trò thứ yếu. Vì thế xem tranh gốc hay bản sao thì kết quả cũng không khác nhau nhiều. Trong khi đó tranh của Rembrandt hay Vermeer tại Rijksmuseum khác bản chụp, kể cả với độ phân giải cao, một trời một vực. Tương tự như vậy, chiếc xe hơi Cadillac Dalí bày ngoài sân cũng không phải là nguyên bản vì có nhiều bộ phận buộc phải được thay bằng nhựa để khỏi bị rỉ khi gặp trời mưa.
DSCN1558
Trong sân nhà hát – bảo tàng Dalí
Ông này điên thật rồi,” con trai tôi, có chuyên môn về kiến trúc, sau khi đi một vòng chủ yếu chỉ xem kết cấu và nội thất của tòa nhà hơn là ngắm tranh, quay lại sảnh giữa “phán” một câu như vậy.
Sau năm 1940 Dalí tuyên bố trở thành “cổ điển” và theo đuổi kỹ thuật của các bậc thầy như Vermeer. Tuy nhiên, sự kết hợp tài tình giữa các vệt impasto dày và các lớp láng mỏng, tương phản sáng tối và hòa sắc tạo nên không khí lung linh trong tranh của Vermeer hoàn toàn vắng bóng ở Dalí. Không nhất quán trong kỹ thuật vẽ nhiều lớp, Dalí vẽ nhiều tranh “à la Vermeer” nhưng bằng kỹ thuật vẽ trực tiếp, hay ướt-trên-ướt. Cũng vì lý do này các bức tranh theo phong cách Baroque sáng-tối cũng không đạt hiệu quả 3 chiều mạnh như tranh của Caravaggio, Zurbaran, chứ chưa nói tới Rembrandt.  Một số tranh của Dalí còn bị nứt vì lỗi trong kỹ thuật sơn dầu.
IF
Trích đoạn một bức tranh của Dalí:
Lớp trên khô nhanh hơn lớp dưới, gây nứt.
Một trong những lý do khiến tranh Dalí bị hỏng nhanh còn vì tiếng tăm nổi như cồn của ông khiến tranh của ông được đem đi triển lãm rất nhiều lần. Theo thống kê của Quỹ Gala – Salvador Dalí trong vòng gần 50 năm từ 1925 tới 1974 ông có 124 triển lãm cá nhân và 146 triển lãm nhóm tại châu Âu và Mỹ, tức trung bình cứ khoảng 2 tháng lại triển lãm một lần. Việc vận chuyển liên tục với những biện pháp sơ sài chống va đập và những thay đổi thời tiết khí hậu nhanh chóng ở những nơi diễn ra triển lãm đã gây ra hậu quả tai hại là nhiều tranh của ông đã phải qua phục chế ngay trong khi tác giả của nó còn sống.
Một phần đáng chú ý trong nhà hát – bảo tàng Dalí là các tác phẩm minh họa khoa học thường thức, như các bức tranh tạo hiệu quả hình ảnh 3 chiều, hologram v.v. Để tạo ra ảo giác ảnh nổi cho một bố cục, Dalí đã kỳ công vẽ hai hình ảnh được nhìn từ hai mắt riêng biệt, phải và trái, kèm cả sự thay đổi sắc độ tương ứng (một bên ngả đỏ bên kia ngả xanh), và dựng một hệ thống gương phản chiếu. Khi dí mũi vào sống của hệ thống gương kép, mỗi mắt chỉ nhìn thấy một bố cục tương ứng với hình ảnh được nhìn từ mắt đó. Hai hình ảnh này hòa vào nhau tạo nên ảo giác một hình ảnh 3 chiều. Kỹ thuật này đã được nhà khoa học người Anh Charles Wheatstone phát minh từ năm 1838. Tới những năm 1960 kỹ thuật chụp ảnh 3D trở nên phổ biến. Tuy nhiên, hai hình ảnh được Dalí vẽ bằng tay vào khoảng năm 1975, khi ông đã tuổi cao sức yếu. Có lẽ vì vậy mà chúng không có đủ độ chính xác tới từng chi tiết. Do đó hiệu quả 3 chiều chỉ dừng ở mức nổi như các lớp cắt giấy.
IF
Hệ thống gương phản chiếu hai bức tranh để tạo ảo giác 3D được bày trong nhà hát – bảo tàng Dalí.
IF
Trích đoạn từ bộ tranh kép tạo ảo giác ảnh nổi “Chiếc ghế” của Dalí (1975)
sơn dầu, 400 x 210 cm
Từng coi các bức tranh của mình là các bức ảnh chụp trong mơ được vẽ bằng tay, Dalí thực sự vẽ nhiều tranh từ ảnh chụp. Nhiều bóng đổ sắc nét trên mặt phẳng, trên người vật trong tranh của ông cho thấy chúng được chép lại từ ảnh. Bức chân dung Gala nổi tiếng “Galarina“, bày trong phòng số 4 tại bảo tàng – nhà hát Dalí, là một ví dụ của một tác phẩm được Dalí vẽ từ ảnh.
Galarina
Từ trái: ảnh Man Ray chụp Gala, phác thảo chì từ ảnh, và “Galarina” (1945, 64.1 x 50.2 cm) của Dalí
IMG_0295
Trích đoạn bức “Galarina
Về cuối đời, người từng coi mình là hoạ sĩ vĩ đại nhất thế kỷ XX (vì các hoạ sĩ khác quá kém) thừa nhận mình là hoạ sĩ tồi. Song Dalí chấp nhận như vậy để được kéo dài tuổi thọ trên trái đất bởi cho rằng sẽ chết ngay tuần sau nếu có thể vẽ được như Vermeer. Cho tới năm 69 tuổi, Dalí vẫn còn khẳng định mình sẽ không bao giờ chết.
Dalí qua đời ở tuổi 85, sống lâu gần gấp đôi Vermeer, hơn Jan Van Eyck 34 năm, và hơn Rembrandt 22 năm. Song ông cũng từng công khai nói rằng các bức tranh của ông tuyệt đối không là cái đinh gì nếu đem xếp cạnh tranh của Raphael, Velasquez hay Vermeer.
5) Ai chạy theo vinh quang xuống mồ? (Lord Byron)
Jan Van Eyck được mai táng tại giáo đường Saint Donatian ở Bruges. Năm 1799 giáo đường này đã bị phá hủy khi giáo xứ Bruges bị giải tán sau Cách mạng Pháp. Ngày nay chỗ này là khách sạn Crown Plaza. Rembrandt được mai táng tại giáo đường Westerkerk (Giáo đường phía tây) ở Amsterdam gần khu phố ông từng sống. Johannes Vermeer được mai táng tại Oude Kerk (Giáo đường Cũ) tại Delft. Khi mất cả hai ông đều túng thiếu. Rembrandt được chôn trong một huyệt thuê, không có bia mộ. Đám tang Vermeer diễn ra khi vợ góa của ông nợ ngập đầu tới mức không có tiền cúng cho nhà thờ. Bia mộ của Rembrandt và Vermeer ta thấy ngày nay là bia được làm sau này. Trên bia chỉ ghi tên, ngày sinh và ngày mất của các ông. Gần đây, trên bia mộ mới của Vermeer người ta khắc thêm dòng chữ “hoạ sĩ, hội viên hội Thánh Lucas” (Thánh Lucas là tên chung chỉ hội hoạ sĩ tại các nước châu Âu thời đó).
graves
Từ trái: bia mộ của Rembrandt và Vermeer (cũ và mới)
(hình từ internet)
Còn theo Ian Gibson – tác giả cuốn “Cuộc đời ô nhục của Salvador Dalí“, Dalí về già trở nên “tàn bạo, nhẫn tâm và keo kiệt, đắm mình trong thế giới nhếch nhác, bị một bọn ăn cắp vây quanh“. Sau giai đoạn sáng tạo thời trẻ, Dalí lắp lại chính mình, xào xáo lại các tranh cũ của mình như cái đồng hồ chảy v.v. Cùng với bầu sô Peter Moore, Dalí tung ra thị trường hàng loạt tranh in thạch bản giả, mang chữ ký của mình để bán lấy tiền, đúng như tên nick “Avida Dollars” (Tham dollars) mà lãnh tụ Siêu thực André Breton trước kia từng tặng cho ông, bằng cách hoán vị các chữ cái trong tên “Salvador Dalí”. Năm 1974, khi Dalí cắt đứt mọi hợp đồng làm ăn với Moore, toàn bộ bản quyền đối với các bộ sưu tập của ông đã bị các bầu sô bán trái phép khiến ông bị mất phần lớn tài sản. Trước tình cảnh này, vợ chồng ông bà Reynolds và Eleanor Morse – chủ nhân bảo tàng Salvador Dalí tại Florida – đã đứng ra thành lập tổ chức “Những người bạn của Dalí” và một quỹ để hỗ trợ tài chính cho Dalí.
Nhà hát – bảo tàng Dalí cũng là nhà mồ hay lăng của ông. Dalí được mai táng trong hầm mộ ngay dưới sàn sảnh chính có vòm kính. Bia mộ Dalí khá hoành tráng, trên có ghi: “Salvador Dalí i Doménech Hầu tước Dalí xứ Pubol 1904  1989“. “Hầu tước Dalí xứ Pubol” là tước hiệu Dalí được vua Juan Carlos của Tây Ban Nha phong vào năm 1982.
IF
Hầm mộ Salvador Dalí trong nhà hát – bảo tàng Dalí tại Figueres
Có lẽ nhờ vĩ cuồng và coi “khiêm tốn không phải chuyên ngành” của mình mà Dalí đã là một trong những hoạ sĩ t.k. XX đủ can đảm vạch ra sự nhảm nhí của hội hoạ hiện đại. Cho dù tranh Dalí có “không là cái đinh gì” nếu đem xếp cạnh các kiệt tác của các bậc thầy như Van Eyck, Rembrandt và Vermeer, tham vọng của ông nhằm cứu hội họa khỏi sự suy tàn bằng cách vẽ như và vượt các bậc thầy là một tham vọng đáng ngưỡng mộ bởi mấy ai có đủ bản lĩnh và tài năng để làm được như vậy.
Vả chăng, một khi đã quyết bay lên cung trăng thì cho dù không tới nơi cũng được bay giữa các vì sao.
6.02.2014