Thầy tôi tánh nghiêm ít nói, gần Tết
lại thêm nhăn nhăn thường trực, hay càm ràm Tết
nhứt làm chi mà khổ dữ vầy. Bởi cả
tháng trời ngày nào mẹ tôi cũng cặm cụi hết
món nọ tới món kia. Nào bánh nào mứt, đủ thứ
đủ màu. Mà phải chút đỉnh cho cam, cái thùng thiếc
thời đó mà mỗi thứ vài thùng chất lên như kho
hàng nho nhỏ. Bị nhăn, mẹ chép miệng phân bua Kệ
mà ông, cực chút xíu mà trẻ nhỏ còn dẫn bạn bè,
bước vô bước ra có cái bốc cho vui. Dĩ
nhiên đám
cháu nội ngoại cùng bạn bè có cái để bốc lia thì vui thiệt, nhưng tội mẹ quá chừng. Mà bây giờ nghĩ lại, dám mẹ có bỏ... thuốc độc vào các món chăng, chớ vì sao chẳng bao giờ mẹ nhón thử cái gì, chỉ gò lưng in in dập dập như nhà xuất bản (ờ, thì đây cũng là một kiểu xuất bản). Và sao thời đó chẳng bao giờ nghe các cụ than đau lưng mỏi cổ, cũng là xương thịt cả mà, chắc khác ở cái lòng và ý chí. Nghĩ tới mới thấm thía cái chịu thương chịu khó của các cụ quả là bao la Thái Bình. Thời nay dường như phần lớn gia đình không “ăn Tết” nữa, có tiền thì đi du lịch chẳng cúng kiến gì vì ông bà cõi kia chắc cũng vi hành đây đó, cũng chẳng cần tới lui thù tiếp chúc tụng nhau nữa. Khoẻ re, mà nhạt.
cháu nội ngoại cùng bạn bè có cái để bốc lia thì vui thiệt, nhưng tội mẹ quá chừng. Mà bây giờ nghĩ lại, dám mẹ có bỏ... thuốc độc vào các món chăng, chớ vì sao chẳng bao giờ mẹ nhón thử cái gì, chỉ gò lưng in in dập dập như nhà xuất bản (ờ, thì đây cũng là một kiểu xuất bản). Và sao thời đó chẳng bao giờ nghe các cụ than đau lưng mỏi cổ, cũng là xương thịt cả mà, chắc khác ở cái lòng và ý chí. Nghĩ tới mới thấm thía cái chịu thương chịu khó của các cụ quả là bao la Thái Bình. Thời nay dường như phần lớn gia đình không “ăn Tết” nữa, có tiền thì đi du lịch chẳng cúng kiến gì vì ông bà cõi kia chắc cũng vi hành đây đó, cũng chẳng cần tới lui thù tiếp chúc tụng nhau nữa. Khoẻ re, mà nhạt.
Rồi xa quê, Tết Paris quận 13 nhìn
thiên hạ rộn ràng sắm sửa cũng vui vui, cành
đào chắc là thiệt, gắn hoa vải ny lông, suốt
năm vẫn hồng hào quyết chí không tàn không rụng.
Mai thì dùng Forsythia là hoa trời Tây nở giữa mùa băng
giá, đúng lúc trời Đông nhằm mùa chúc tụng, nho nhỏ
nhiều cánh màu vàng. Chẳng cái nào đúng cái nào nhưng có thứ
na ná đánh lừa ông bà cũng được, tiềm tiệm
thôi chớ vòi cho chính hiệu không có, và ai cũng hoan hỉ
rinh về, với trí tưởng tượng phong phú thì
nhìn gà cũng hoá ra cáo. Lại còn chọn cây phát tài, cây nào đã
chọn tức đoán là phát nhất rồi, vậy mà nhìn
trên tay bà bên cạnh, sao thấy cây của họ vẫn có
vẻ “phát” hơn, lại thả cây mình xuống, chọn
tiếp, cả buổi trợn mắt chọn cho xong vài ba
nhành toàn lá và lá xanh mướt hy vọng, nhưng quanh
năm bắt ghế ngồi rình ngay cửa cũng chẳng
thấy tài nào phát cả, trừ phát mệt. Chỉ một
cây phát tài đó đủ phân vân, về Việt Nam nghe nào
cây May mắn, cây Hạnh phúc, cây Thần kỳ, cây gì gì...
phát khùng luôn. Ngoài khu 13, người Việt sống một
ngày như mọi ngày, sáng xách ô đi tối xách về, vì Tết
ta không được vào danh sách những ngày được
nghỉ. Mình dị đoan: nếu đi làm, chẳng lẽ
suốt năm phải... đi làm hoài sao, thành ra nằm khoèo
nhâm nhi trà mứt cho được may mắn nhàn nhã quanh
năm, và chờ Thần Tài ghé thăm chúc tụng.
Mấy năm trước, nhiều
người không còn thân nhân ở Việt Nam nữa, hí hửng
khăn gói về “ăn Tết” quê nhà cho biết, nghe nói vui
lắm, không khí tràn lan trong nhà ngoài ngõ. Mấy ngày cuối
năm hân hoan thiệt, chợ búa chen chân, đường
phố rộn ràng, hàng hoá linh tinh triệu thứ, màu sắc
lộng lẫy khắp nơi đường to hẻm nhỏ,
đủ mọi thứ âm thanh trên trời dưới đất
tưng bừng náo nhiệt. Người người tất
bật tới lui sắm sửa chưng chòng nhà cửa, nào
mai nào cúc nào đào, nói theo ngôn ngữ bây giờ cái gì
cũng siêu, là “siêu thiệt”, không pha chế. Cảnh này ở
nước ngoài làm gì thấy, có rộn ràng cách gì mình
cũng lẫn lộn với dân bản xứ và nhiều sắc
dân khác, đâu có “thuần giống” như tại quê nhà. Cùng
xóm còn giữ tục lệ hay ho là quà cáp cho nhau như bên
kia vào dịp Giáng Sinh, khác cái quà Tết thực tế
hơn, chủ yếu phục vụ bao tử. Được
mời tới nhà giàu ăn tất niên, nhìn mâm ngũ quả
mà lé. Bây giờ đại gia thì nhiều, phú lên rồi phải
làm cho quý, nên mâm linh tinh quả chớ không dừng ở
ngũ, ông bà dám sợ không ăn, vì chỉ thấy con rồng
con phụng vẫy đuôi uốn lượn, lỡ bốc
trái nào tức là gỡ vảy nó, nó bị nhột quất
cho một trận thì chết tươi lần nữa. Vài
năm sau này hành hạ cây cối còn sành điệu hơn,
là chỉ cần một cây mà ghép làm sao bắt nó sinh những
năm loại quả, ông bà càng thấy lạ lùng đố
can đảm dám sờ.
Đấy là giai đoạn chuẩn
bị, dợm cho ba ngày chính. Giao thừa vừa xong thì dân từ
xa về mới bổ ngửa là Tết chẳng có gì để
“ăn” cả, mới công nhận chữ “đói” trong từ
điển là không bịa. Cửa hàng im ỉm, tiệm
ăn cửa đóng then cài, ai ai cũng về quê hoặc
nghỉ ngơi ba ngày dưỡng sức sau một năm
cật lực vật lộn giữa chợ búa, bếp núc
và khách hàng. Thôi thì trong va ly còn chút đỉnh bánh trái gì cứ
tạm an ủi cái bao tử, sớm nhất là mồng bốn
mới có cái “siêu thực”. Saigon mà âm thanh chỉ phong phanh,
đâu được nghe tiếng pháo đi đùng, đâu
nghe tiếng quà rao vặt, xe cộ thi thoảng mới xẹt
ngang, khu chợ Bến Thành vắng vẻ đếm người
qua lại được. Trông rất “ấn tượng”,
nó gợi lại hình ảnh Saigon trước bảy
lăm, lúc Saigon còn xứng danh Hòn ngọc Viễn đông
thanh lịch, êm đềm với trai thanh gái tú, với bầu
không khí nhẹ nhàng ít bụi bặm và không đinh tai nhức
óc, bầu trời trở nên trong trẻo mềm dịu
hơn, âu yếm con người hơn. Nếu chạy xuống
Nguyễn Huệ xem đường hoa hãy còn đó, trai gái
dập dìu, cha mẹ dẫn con tha thẩn chụp hình, tiếc
cái hoa thì không ăn được. Đấy là hồi nẵm,
vài năm sau này nhiều tiệm ăn mở luôn, giá cả
gấp hai ba vì cũng phải trả cho nhân viên như vậy.
Du khách không lo đói nữa.
Riêng “Nha Trang văn minh thân thiện” đã
cho mình nếm “Tết đói” hai lần. Trước đó
thì được ăn mệt nghỉ, nhà nào cũng cúng tất
niên, hoặc tiệc công ty. Được kinh qua món dê luộc
cuốn lá mơ tuyệt vời, kiến thức mở
mang thêm chữ “hộp số” là “bộ đồ nghề”
của anh dê đực, để riêng, kính cẩn hầm
thuốc bắc. Một anh bạn Saigon ra chơi,
được mời luôn, than thở Trời ơi tui
ra đây nghỉ ngơi muốn ăn nhè nhẹ mà cứ ăn
uống nặng nề như vầy tui thấy mệt quá.
Nhưng nếu anh nấn ná thêm vài ngày Tết thì sẽ “nhẹ
tênh” vì chẳng ai đoái hoài nữa. Lần này lại nghe nhà
hàng bên kia đường hứa hẹn mở luôn một
hơi không nghỉ, yên chí rồi làm sao đói được,
thì bương bả chen chân chợ búa nấu nướng
làm chi cho mệt, bởi mấy ngày này kinh quá, thiên hạ tất
tưởi lên đồng, hớt hơ hớt hải mua
mua sắm sắm. Nhưng trưa mồng một khăn
gói ra đường “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương
thực hằng ngày”, mới tá hoả thấy tiệm
nào cũng đề mở cửa mồng bốn. Đoảng
vị thật. Đầu năm bị hớ rồi, theo
tục lệ ông bà là dám quanh năm hớ mãi. Bánh tét của
khách sạn Yasaka thì mồng hai mới nấu. Tiệm phở
khu du khách cũng đóng vì nhân viên phàn nàn không được
về quê ăn Tết, và phải trả lương gấp
hai ba nên số thu không đủ cho chi. Buồn tình, ngồi
mơ màng nhìn ra biển, gió vẫn liu hiu nô đùa với hàng
dừa lêu khêu, dửng dưng như trêu mình, ai bảo có
bao tử làm chi. Nước vấp vào cát mời gọi. Nha
Trang ngoài biển ra thì có cái gì nếu không tiệm ăn quán
nhậu, và dù là nước biển Nha Trang đi nữa,
cũng có nghe ai nói thay được thực phẩm bao giờ.
Lúc đó mới thấm thía câu “Miếng ăn là miếng
tồi tàn”, nhưng người áp huyết thấp cần
cái tồi tàn ấy biết bao nhiêu.
Kinh nghiệm. Đúng là “Hãy tự giúp
mình” trước đã!
Xuân Sương
Paris-NT, Déc. 2013
nguồn : ăn mày văn chương (amvc.fr)
nguồn : ăn mày văn chương (amvc.fr)