Thursday, February 27, 2014

VIỆT KIỀU TẠI MỸ





KÝ SỰ HOA KỲ 1: NGƯỜI VIỆT VÀ HOA KỲ




 Hồ Hải 


Bao giờ cũng vậy, một sự việc luôn có 2 mặt của nó, như tái ông thất mã. Sau 30/4/1975, nếu nhìn ở mặt tiêu cực thì đây là lần di dân lớn nhất và nhục nhã nhất lịch sử nước Việt, khi người Việt cai trị dân mình, mà dân mình phải bỏ tổ quốc ra đi. Nhưng nếu nhìn ở mặt tích cực, thì đây là lần mà người Việt chứng tỏ với thế giới, dân tộc ta có mặt trên toàn cầu. Trong cuộc chơi đó, có nhiều nỗi vui, và niềm đau. Đó là những bất cập của cuộc đời.



Sau 1 tuần bươn trải ở 3 thành phố lớn: Los Angeles, San Diego và Las Vegas như con thoi, tôi xin trải lòng với các thế hệ tương lai trong loạt bài ký sự Hoa Kỳ, hòng có cái nhìn thực tế và chuẩn bị hành trang khi các bạn trẻ muốn trở thành công dân toàn cầu, và có một tương lai tốt, dù sống ở bất cứ nơi đâu trên quả đất này.



Thành công và thất bại

Tất cả những người tha phương cầu thực, cầu danh vọng ở Hoa Kỳ mà tôi gặp trực tiếp tâm sự, hoặc gián tiếp qua điện thoại đều có một mẫu số chung là: thành công dù ở bất cứ lứa tuổi nào đều hội nhập tốt với đất nước này. Những ai thất bại hay còn long đong đều có một mẫu số chung là khó hoặc không thể hội nhập vì còn mang trong đầu tư duy sĩ diện, cái tôi quá lớn do văn hóa làng xã, tiểu nong gắn chặt trong tâm thức của họ.



Có những kỹ sư, bác sỹ biết bỏ cái tôi, hoặc học lại từ đầu để làm việc, hoặc học một bằng cấp thấp hơn để làm việc. Tất cả họ đều có gia đình hạnh phúc, công ăn việc làm đảm bảo đời sống tốt và một tương lai tốt đẹp cho thế hệ thứ hai.



Song những trí thức nửa mùa, vì quá quan trọng quá khứ một thời, họ không chịu từ bỏ vinh quang của quá khứ, họ lặn ngụp với cuộc sống hằng ngày chật vật, dù có sự chở che của dòng họ, gia đình, thì bản thân họ đầy bất trắc, nhưng thế hệ thứ hai của họ cũng đầy vinh quang.



Dù thành công, hay thất bại thì có một điều chắc chắn với những người Việt Nam ở Hoa Kỳ đều có một kết quả chung là, thế hệ thứ hai đều thành đạt ngoài mong muốn. Có hàng chục đến hàng trăm trẻ ngày nào ở Việt Nam đã từng khó khổ mà tôi biết được, không biết có thể bước vào đại học lớn của Việt Nam hay không, thì bây giờ, các cháu hiển nhiên lấy học bổng toàn phần ở Harvard hay Stanford một cách đàng hoàng, và tương lai một vài năm tới là bác sỹ, dược sỹ rất đỉnh đạt đường hoàng.



Tôi vô cùng xúc động khi tiếp xúc với một bà mẹ phải đi làm tiếp viên quán phở suốt 10 năm liền, để nuôi 5 đứa con ăn học, và ngày nay chúng đã thành bác sỹ, kỹ sư, mà ước mớ đó, người Mẹ tần tảo này, dù ngày xưa ở Việt Nam chị ta thuộc tầng lớp giàu có, vẫn không mơ được con mình sẽ vào đại học! chị tâm sự với tôi trong nước mắt của sung sướng và hạnh phúc rằng: “Giờ chị chết cũng mãn nguyện Hải ơi!”. Chị em cùng khóc trong hạnh phúc, dù hạnh phúc đó được trả giá bằng khổ cực ở xứ người.



Tùy hoàn cảnh, tùy tầng lớp lúc ra đi, và tùy tư thế, tâm thế khi đến Hoa Kỳ mà mỗi gia đình có một mức độ thành công khác nhau. Đặc biệt, thế hệ 1.5 ra đi nếu, không còn đường lùi và biết dẹp bỏ quá khứ giàu sang, danh vọng thì hầu hết thành công, có nhà cửa, vợ con đuề huề. Nhưng nếu, không biết dẹp bỏ quá khứ vinh quang thì tổ ấm gia đình hầu như tan vỡ.



Cái tự do của Hoa Kỳ như cái súng trao cho người phụ nữ Việt, mà ở đó, người phụ nữ Việt như một đứa bé chưa biết dùng súng. Họ bóp cò và vết thương gia đình rỉ máu, khi người đàn ông thế hệ 1.5 không sống với thực tế của cuộc đời, mà mãi ôm quá khứ mộng mơ. Nhưng miền đất mà thì giờ được tính bằng tiền bạc này lại không làm chết đi thế hệ thứ 2, mà tạo ra những thế hệ thành công ngoài sức mong đợi, dù thế hệ 1.5 có tan vỡ. Đó là điều khác biệt tốt đẹp cần ghi nhận.



Tình người

Dù ở đâu thì người Việt vẫn vậy. Đây là ghi nhận thấm thía mà tôi đã trải qua trong một tuần ở Hoa Kỳ. Nó làm đọng lại trong tôi những niềm yêu thương quý trọng và nỗi đau của văn hóa duy tình, mà người Việt chưa xóa bỏ được.



Có những người tiếng tăm lừng lẫy trong quá khứ cũng như hiện tại, họ có những lời hứa tốt đẹp, nhưng có cánh và biến mất khi tôi đến Hoa Kỳ, chỉ vì tiếng tăm đó không có thực khi họ đang ở Hoa Kỳ. Họ làm tôi buồn cho thân phận nhược tiểu với cái văn hóa duy tình!



Nhưng ngoài sự chăm lo hết mình của người trong gia đình, còn có những người bạn thầm lặng. Họ không tiếng tăm, họ đến Hoa Kỳ bằng đôi bàn tay trắng. Họ cật lực mưu sinh và họ trụ được ở Hoa Kỳ bằng sức của mình. Họ sống rất tình người ấm áp yêu thương và đùm bọc. Những con người này đã giúp tôi đến nỗi, tôi có một thời khóa biểu lấp đầy trong chỉ 7 ngày cưỡi ngựa xem hoa, nhưng ghi nhận được bản chất của cộng đồng Việt tại Hoa Kỳ. Những Henry Cao ngày nào là sinh viên y khoa bỏ dở ra đi, những Gavin Nguyễn đến đất Mỹ chật vật mưu sinh, những Khiêm Nguyễn cũng tần tảo để hôm nay, tất cả họ có gia đình, nhà cửa đàng hoàng bằng tiềm lực vô biên của chính mình, quả thật đáng yêu và đáng tự hào. Tôi kính trọng và yêu các bạn suốt cuộc đời này, vì các bạn đã làm tôi ấm lòng đến bất ngờ!



Kết

Dù thành công hay thất bại ở thế hệ 1.5, thì thế hệ 2.0 của người Việt đều thành công. Đó là điều đọng lại cho mỗi chúng ta cần suy nghĩ.

Muốn thành công ở Hoa Kỳ dù bất kỳ ai, già, trẻ, trai, gái đều phải vứt bỏ cái văn hóa duy tình, hội nhập với cuộc sống. Không thể ôm quá khứ oai hùng để tính chuyện đội đá vá trời.

Đến thăm UCLA – University of California, Los Angeles – đứng bên bức tường ghi tên những đóng góp cho trường của các thế hệ đã từng học ở đây, tôi mới nhận ra sự thành công của một thể chế xã hội như thế nào? Có 4 mức độ đánh giá sự thành công của một thể chế xã hội.

Ở mức thấp nhất, thì thể chế chỉ có thể ổn định chính trị, mà không lo được dân có cơm ăn, áo mặc. Ở mức trung bình, thể chế chính trị vừa lo được ổn định chính trị và lo cho dân có cơm ăn, áo mặc. Ở mức độ khá, thể chế chính trị lo được ổn định chính trị và người dân không còn lo chuyện cơm ăn, áo mặc, mà còn tính chuyện tiêu khiển ở cuộc đời đầy bất trắc. Hoa Kỳ là quốc gia đã đưa được người dân ở mức cao nhất, chẳng những ổn định chính trị mà còn cho người dân ngoài việc tiêu khiển, ăn chơi, còn làm được việc lớn cho cộng đồng.

Cho nên Hoa Kỳ mới có những Bill Gates, Steve Jobs, v.v… sau khi làm giàu, quay lại giúp trường đại học, giúp thế giới cùng khổ ở Phi Châu. Không chỉ một Bill Gates, mà Hoa Kỳ còn có nhiều những con người như Bill Gates, ít nhiều, và họ đã làm nên những đại học đứng đầu toàn cầu cũng từ sự thành công của thể chế xã hội mà họ đã tạo ra.



Biết đến khi nào đất nước Việt có được những thế hệ biết chăm lo cho cộng đồng bằng một tâm thế và nhân cách đáng kính trọng, là một câu hỏi lớn, mà mỗi chúng ta phải suy nghĩ. Vì chỉ có thế thì nước Việt mới hùng cường.

 Tác giả: B/S Hồ Hải
 21/02/2014
nguồn : gócnhìnalan.com