Monday, February 3, 2014

Thơ là gì,


  • Đặng Tiến ( 1940 )là một phê bình và tiểu luận gia. sinh tại Đà Nẵng. Năm 1960, vào Sài Gòn học Đại học Văn Khoa – 1963 ra trường, đi dạy tại trường cấp 3 A.Yersin (Đà Lạt).
  • Từ 1966, sang Berne (Thụy Sĩ) làm ngoại giao.
  • Từ 1968, tới Pháp, tiếp tục học tại Đại học Paris và bắt đầu công việc dạy Pháp văn 4 ngày (18 giờ)/tuần cho một trường cấp 3 ở Orléans (cách Paris 100km)
  • Cùng với GS Tạ Trọng Hiệp, thành lập ra Ban Việt học tại ĐH Paris 7, giảng dạy ở đây từ 1969 - 2005, với 4 giờ/1 tuần.
  • Hiện sống tại Orléans Pháp.


  • Bài Thơ là gì? tôi viết tại Pháp vào mùa hè 1973, sau khi hiệp định Paris vừa được ký kết, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Viễn tượng hòa bình và thống nhất đất nước, lúc đó, đã thành hình rõ nét, mang theo hy vọng sẽ có một nền văn học Việt mở rộng, tiếp thu những thành tựu khoa học toàn cầu, bên ngoài sự phân biệt chính trị và ý thức hệ.



    Trong ảo vọng lớn lao ấy, tôi dự kiến viết một loạt bài về thi pháp, khởi đầu là bài Thơ là gì này, đăng trên tạp chí Văn, Sài gòn, để dành làm tư liệu tham khảo về sau, chủ yếu cho sinh viên và độc giả trẻ. Nhưng việc làm dở dang, báo Văn khởi đăng được ba bài, vào cuối năm 1973, thì đổi người tổng biên tập, loạt bài ngưng trệ. Tôi cũng không có cơ hội viết tiếp.

    Do đó, bài này ngoài một số độc giả Văn, ngày nay còn đòi hỏi, thì ít ai biết đến.

    Học giả Phan Ngọc, với tôi là chỗ thân tình, ngày 20.4.1996, có ký tặng tôi cuốn Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, nhà xuất bản Trẻ, 1995, trong đó có bài Thơ là gì, đã đăng trên tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 1-1991, chứng tỏ anh chưa đọc tôi. Vì chưa đọc, anh mới chọn tiêu đề như thế, và mất nhiều công sức tư biện để đến kết luận: «sự thức nhận về ngôn ngữ (thơ) cho đến nay chưa tiến hành triệt để. Ta chỉ nghe nói những lời hoa mỹ về ngôn ngữ này (thơ) mà không thấy một sự đối lập thích đáng (pertinent) giữa thơ và văn xuôi» (tr. 24), điều mà dựa theo Jakobson, tôi đã nêu lên từ hai mươi năm trước, và giới biên khảo trên thế giới, trước đó, đã nói tràn lan.

    Gần đây, người bạn trẻ Ngô Tự Lập đã tranh cãi với Phan Ngọc về câu : « thơ là một tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản » (tr. 23) trong hai tập biên khảo anh mới xuất bản năm nay : Hàn thử biểu tâm hồn, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, nơi trang 98, Văn chương như một quá trình dụng điển, nhà xuất bản Tri Thức, nơi trang 47, anh mới gửi tặng tôi. Anh chưa đọc tôi, nếu đọc thì khi tranh luận, anh sẽ nói một cách khác. Và thậm chí, dường như các anh cũng chưa đọc Nguyễn văn Trung.

    Bạn bè thân thiết, viết cùng một đề tài, mà còn chưa đọc nhau, nói chi người khác. Nói như vậy, hoàn toàn không phải là trách bạn. Hoàn toàn không. Hoàn cảnh đất nước tạo ra tình huống như vậy. Việc biên khảo ở Việt Nam nó như vậy. Phần khác cũng là lỗi tại tôi.

    Vậy để thông tin, tôi cho in lại bài Thơ là gì, mở đầu cho một cuốn sách gồm nhiều bài tản mạn từ nửa thế kỷ nay, viết nhiều nơi, trong nhiều tình huống lịch sử và tâm trạng khác nhau.

    Những bài báo cách xa nhau, cách xa trong nhiều nghĩa, viết không đều tay, khác quan điểm, có khi mâu thuẫn, như những cánh bèo bập bềnh theo vận nước. Những bài hay bài dở, câu được câu chăng, đều là chứng từ, hình ảnh của thân phận làm người trong cơn dâu biển đa đoan. Nhưng câu chữ bao giờ cũng đặt trên một nền chung: niềm tin vào văn học, lẽ phải, tình người, dân tộc và đất nước.

    Trước đây, tôi viết văn như ném cái chai xuống biển. Hôm nay, tôi gửi một cuốn sách đến tận tay ngừời đọc, như một niềm tin và một tấm lòng.

    Của tin gọi một chút này làm ghi.