Sunday, January 26, 2014

Cám dỗ cuối cùng của Chúa"


TRẦN HUYỀN TRÂN
Có lẽ, Cám dỗ cuối cùng của Chúa là cuốn tiểu thuyết nói về khoái lạc trần tục của Jesus một cách táo bạo nhất?
Jesus trong tiểu thuyết "Cám dỗ cuối cùng của Chúa"
Nikos Kazantzakis (1883 - 1957) - nhà văn Hy Lạp đã biến người đàn bà tội lỗi trong Kinh thánh thành một người tình say mê của Đức Jesus. Đó là Magdalene - nàng là mối tình đầu tiên và là vợ của Jesus. Nàng hiện diện trong tác phẩm như một nỗi đau và niềm đam mê cuộc sống trần tục. Cuốn tiểu thuyết gây phẫn nộ đối với công chúng mộ đạo, chính là những tình tiết trong mối quan hệ giữa Jesus và người đàn bà tội lỗi này.

Tuy nhiên, xin được phép biện hộ cho Nikos Kazantzakis: tiểu thuyết chỉ là sự giả định. Một giả định về sự tồn tại của Jesus ở cõi trần tục. Mặt khác, trong lời giới thiệu cuốn tiểu thuyết, tác giả đã nói về chủ đích sáng tạo của mình: “Tôi tin chắc rằng tất cả những người tự do khi đọc cuốn sách này, sẽ tràn ngập tình yêu thương hơn bao giờ hết, tình yêu mến Chúa”(1). Đó là bằng cớ để sau này, bộ phim về tiểu thuyết: Cám dỗ cuối cùng của Chúa đã vượt qua vụ kiện tụng tại Viện Tòa án tối cao của Mỹ và đến được với công chúng.

Magdalene - người đàn bà tội lỗi trong Kinh thánh

Như chúng ta biết, trong Tân ước, Mary Magdalene là một người phụ nữ mà Chúa Jesus rất yêu quý. Người đời thường gọi nàng bằng những tên khác nhau như: Marie - Magdeleine, Marie de Magdala. Nàng có mặt bên Jesus trong những sự kiện quan trọng: lúc Chúa bị đóng đinh trên thập giá ở đồi Gol- gotha cho đến khi phục sinh và trao lại nàng những lời răn dạy tin cẩn. Theo Tân ước, các môn đồ của Jesus chép lại, Magdalene là một người con gái tội lỗi, ở thị trấn Magdala. Nàng có mái tóc rất dài và dĩ nhiên là xinh đẹp, quyến rũ. Magdalene đã bị thiên hạ nguyền rủa vì tội cám dỗ đàn ông. Được Jesus cứu chuộc tội lỗi, Magdalene hoàn lương. Nàng đi theo Jesus trong suốt cuộc hành trình thuyết giảng đức tin. Một vài chi tiết trong Tân ước cho thấy sự gần gũi giữa người phụ nữ tội lỗi này với Đức Jesus. Rằng, Magdalene từng lấy nước mắt mà tưới ướt chân Jesus, lấy mái tóc lau rồi hôn lên chân Người(xem Tân ướcTin mừng theo thánh Lu-ca, tr. 1748)(2).

Rõ ràng, Tân ước đã hé lộ tình cảm sâu sắc của Magdalene đối với Đức Jesus - dù đó là thứ tình cảm tôn kính, ngưỡng mộ và mang ơn. Tuy nhiên, Tân ước không nói rõ Magdalene quan hệ với Jesus như thế nào? Chỉ biết, các tín đồ có phần ghen tị với những ân sủng mà Chúa ban tặng nàng. Điều này đã được các danh họa thể hiện qua các tác phẩm nổi tiếng. Sau này, nàng được người đời tôn thờ như một Thánh nữ.

Có thể nói, đây là người đàn bà gây nhiều tranh cãi nhất đối với hậu thế, cả phái chính thống lẫn phi chính thống. Chính những giả định mập mờ của dư luận về nhân vật này, đã tạo một khoảng trống cho tiểu thuyết mặc sức tưởng tượng.

Magdalene mối tình đau khổ, đam mê của Jesus trong Cám dỗ cuối cùng của Chúa

Magdalene đã bước vào tác phẩm của Nikos Kazantzakis như một người tình đam mê - cả trong đời thực lẫn giấc mơ. Tác giả đã hợp nhất Magdalene vào Eva - người đàn bà đầu tiên giúp loài người ý thức được bản thể của giới tính và niềm hoan lạc trần tục. Jesus và Magdalene đã trải qua tình yêu say mê, vụng dại của tuổi ấu thơ. Ngay khi còn là một đứa trẻ, qua Magdalene, Jesus đã cảm nhận được giới tính đàn ông - điều mà trong Kinh thánh không hề nói đến. Hai mươi tuổi, Jesus quyết định cưới Magdalene làm vợ, nhưng bị Chúa ngăn cản. Magdalene bước vào con đường làm điếm để trả thù sự bội ước của Jesus. Nàng chôn vùi thân xác trong vũng bùn nhơ nhuốc ở thị trấn Magdala. Sau này, trong giấc mơ của Jesus trên thập giá, nàng trở thành vợ, mỹ mãn trong niềm hoan lạc tột cùng…

Hình tượng người đàn bà - gái điếm này hiện diện từ đầu đến cuối tác phẩm, song hành với cuộc đời Jesus. Nàng hiện thân cho niềm đam mê thân xác và những cám dỗ của lạc thú. Từ tuổi ấu thơ, Magdalene đã xuất hiện như một định mệnh trong cuộc đời của Jesus. Cả hai đã phạm phải “trò chơi ăn trái cấm”, bằng việc áp đôi bàn chân trần vào nhau để cảm nhận sự ấm áp của thân xác. Với sự kiện nếm trải tính dục tuổi ấu thơ này, Magdalene đã trở thành nỗi ám ảnh đớn đau trong suốt cuộc hành trình tìm kiếm đức tin của Jesus. Ngay cả khi quyết định lựa chọn con đường Thiên Chúa, Magdelene vẫn ngự trị trong trái tim của Ngài “Anh thấy nàng bằng ngàn cái hôn thầm kín… trước mặt anh. Giấu trong ngực nàng là mặt trời và mặt trăng… ngày và đêm lên xuống sau áo nịt trong suốt của nàng” (3, tr. 82). Có thể nói, khó khăn và đớn đau nhất của Jesus trong cuộc vật lộn giữa bản thể và tâm linh chính là Magdalene. Còn Magdalenle? Nàng dập vùi thân xác trong cay đắng để kiếm tìm sự ngọt ngào của tình yêu, nhưng vô vọng. Mãi mãi Jesus vẫn là nỗi đau và niềm khao khát của nàng…

Nếu như văn học có một quyền hạn đặc biệt, thì đó chính là giúp người đọc thỏa mãn những ước muốn bị tuyệt vọng trong thực tại. Bằng thủ pháp kỳ ảo, thông qua giấc mơ trên thập tự, Magdalene và Jesus được hạnh phúc bên nhau. Trong nỗi đau đớn bị hành xác, quỷ satan đã bày ra trước mắt Jesus một thiên đường ở trần tục đầy hoa thơm, mật ngọt. Magdalene xuất hiện với vòng hoa chanh thơm ngát, quyến rũ như một con bò cái ú mọng, trinh nguyên. Jesus đã không cưỡng được niềm ham muốn khoái lạc: “Magdalene, Magdalene yêu dấu, ôi, bao nhiêu năm ta đợi chờ giờ phút này! Ai đã nhảy vào giữa chúng ta và không cho ta tự do? - Chúa?. Jesus ôm nàng, ngửa mặt nàng ra sau và hôn lên miệng nàng… Họ nằm xuống dưới một cây chanh… Hoa chanh rơi trên hai thân hình lõa thể. Một con rắn mở đôi mắt tròn bất động nhìn họ… Magdalene ôm chặt người đàn ông, ghì sát thân thể ấy vào thân thể nàng” (3, tr. 552 - 553). Có thể nói, hiếm có cuốn tiểu thuyết nào lại viết về khoái lạc trần tục của Jesus một cách táo bạo như vậy.

Giọt máu của Jesus hay là trí tưởng tượng của Nikos Kazantzakis về một dòng họ Christ trong đời sống thế tục?

Trong tác phẩm, Nikos Kazantzakis đã để Magdalene chết dưới gươm của Saul - khi nàng đang mang thai. Nhân vật Saul - tức là thánh Paul trong Kinh thánh, là người truyền tụng tư tưởng Ki tô giáo, sau khi Jesus qua đời(4). Bằng thủ pháp kỳ ảo, tác giả để giọt máu của Jesus được đầu thai vào Mary. Và cùng với chị em Mary và Marthas, Jesus sinh con đàn cháu đống…

Chúng ta đặt câu hỏi: liệu Nikos Kazantzakis đã đọc Phúc âm theo Mary Magdaleine?(5) Đây là tác phẩm, mà theo các nhà nghiên cứu Kinh thánh, Magdalene đã ghi lại đoạn đời gần gũi của nàng bên Jesus. Tra cứu về sự nghiệp của Nikos Kazantzakis, chúng ta thấy, ông đã từng bỏ ra một thời gian khá lâu để nghiên cứu Phúc âm. Vào năm 1914 ông đã đến rặng núi thánh Mont Athos - nơi tập trung nhiều tu viện lớn của Hy Lạp để tìm hiểu về Jesus và hoàn thành vở kịch Christ. Nikos Kazantzakis lại là người thông thạo nhiều ngoại ngữ, nhất là tiếng Hy Lạp cổ, để có đủ điều kiện thọc sâu vào kho tư liệu trong thâm cung bí sử của các tu viện. Tất nhiên, đó chỉ là sự nghi vấn.

Về phả hệ một Jesus, sau này cũng đã được Dan Brown đề cập trong Mật mã Da Vinci. Rằng, khi Jesus bị đóng đinh trên thập tự thì Magdalene đã mang thai. Để bảo vệ giọt máu của Jesus, nàng đã trốn sang Pháp, dưới cái tên là Gaul và sinh hạ một bé gái là Sarah. Đó là dòng dõi của vua Do Thái, dòng máu hoàng gia. Bởi vậy, tại Pháp bà được người Do Thái che chở và sau này tôn thờ như một Thánh Mẫu. Đặc biệt, vào thế kỷ V, con cháu của Jesus đã hôn phối với dòng giống hoàng gia Pháp và tạo nên mộtCây hệ phả Jesus Chrits nổi tiếng - hoàng gia Merovingien ở Paris. Tòa thánh La mã đã cố tình bưng bít sự thật này. Họ ra sức triệt hạ con cái của Magdalene, vì sợ rằng, bí mật của Jesus sẽ trần trụi dưới ánh sáng. Họ đã lập ra Hội Opus Dei với nhiệm vụ tiêu hủy những tư liệu liên quan đến Jesus. Các cuộc Thập tự chinh cũng không nằm ngoài mục đích triệt hạ người Do Thái - những dấu vết dính dáng đến huyết thống của Jesus(6). Bởi vì, theo Tòa thánh, đó là sự xúc phạm niềm tin về một Đấng cứu thế - người chưa từng ăn nằm với bất kỳ phụ nữ nào ở trần gian. Đó là lập luận của Dan Brown trong cuốn tiểu thuyết trinh thám - từng gây sự chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu thần học ở châu Âu trong mấy năm qua.

Liệu Dan Brown có ảnh hưởng Nikos Kazantzakis trong Cám dỗ cuối cùng của Chúa? Kazantzakis viết 1952, xuất bản 1955 tại Mỹ, chuyển thể thành phim vào năm 1988, bởi đạo diễn Martin Scorsese. Mật mã da Vinci viết 2003 và chuyển thể thành phim 2006 bởi đạo diễn Ron Howard. Hai tác phẩm đều cuốn hút người đọc và gây xôn xao dư luận về Đấng Kitô trong mối quan hệ với Magdalenen - vốn từng bị giáo hội xem là một gái điếm. Ở đây, chúng ta không bàn về biệt tài tiểu thuyết của hai cây bút lừng danh này. Dan Brown viết theo dạng tiểu thuyết trinh thám - lịch sử; Nikos Kazantzakis viết theo dạng tiểu thuyết tâm lý - luận đề. Nhân vật Magdalenne trong Mật mã da Vinci chỉ được khắc họa thông qua sự truy tìm tội phạm - kẻ giết người liên quan đến bí mật một dòng họ. Còn Magdalene của Nikos Kazatzakis là một nhân vật cụ thể, sống động, bằng xương, bằng thịt, với ngoại hình quyến rũ, nội tâm sâu thẳm, đa chiều. Và trên hết, nàng đã sống hết mình với tình yêu và khoái lạc trần tục.

Như vậy, người đàn bà Magdalene từ trong Kinh thánh đã bước vào lãnh địa của văn chương như một nhân vật vừa huyền thoại vừa xác thực lịch sử. Từ một gái điếm trở thành một thánh nữ, Magdalene là đối tượng bàn cãi không bao giờ dứt của công chúng. Người đàn bà này là chứng từ quan trọng nhất để giúp hậu thế soi sáng phần bản thể của Đức Jesus.

Magdalene, nàng có thực, hay chỉ là hư ảo? Đó vẫn là một câu hỏi khó có lời giải đáp.

T.H.T