Friday, January 17, 2014

I DON’T LIKE MONDAYS"


GIỮA LÀN RANH CUỘC SỐNG VÀ, SỰ CHẾT


Không hiểu bởi ai, từ khi nào, lý do nào mà tôi thường mở bài ca buồn ấy, qua giọng hát của Toris Amos, vào nửa đêm như lúc này. Tôi im mình nghe nó, tôi nghiêng mình nằm trong nó, tôi chìm mình suy tư vì nó bất chấp thời gian, bất chấp ngày tháng dù cho cái tên của nó rất mặc định về thời gian cụ thể: I don’t like Mondays (Tôi không thích ngày thứ Hai).

“Hãy nói vì sao lý do lại là ‘Tôi không thích ngày thứ Hai’?” (Tell me why ‘I don’t like Mondays’?), câu hỏi ấy xoáy vào tôi, nhức, nhói. Giọng hát trễ nải đến buồn nản của Toris Amos càng làm cho câu hỏi kia như những mũi đinh bắn về phía tôi, giữa thái dương, lúc đang lặng ngồi đây với hình dung Tori đang trước mắt mình, bên cây piano, hát những lời ca ứa máu. Bài hát không phải là sáng tác của Tori Amos nhưng dường như bà mới là người hát nó với đỉnh điểm cảm xúc nhất. Bản thu âm đơn giản với chỉ giọng ca rỉ rả của Tori đã khiến người ta phải quên đi Boomtown Rats, nhóm nhạc đã lần đầu tiên hát lên câu “I don’t like Mondays” từ năm 1979. Tori có chứng kiến câu chuyện của ca khúc ấy như chính Bob Geldof (thủ lĩnh của Boomtown Rats) không? Không chắc. Nhưng bà thể hiện nó vượt qua tầm vóc của Boomtown Rats. Nhóm nhạc của Geldof đã mang tới một I don’t like Mondays trong trạng huống của người khách quan kể chuyện mà thôi. Còn Tori Amos thì khác. Bà như sống trong câu chuyện đó, với những dằn vặt khôn nguôi của nó, những dằn vặt giữa lằn ranh cuộc sống và, sự chết.


29/01/1979, ở San Diego, California, cô gái 16 tuổi có tên Brenda Ann Spencer đã tạo nên một bi kịch chấn động bậc nhất nước Mỹ khi cô ngồi một mình trong căn nhà vắng và chờ đợi trường trung học cơ sở Cleveland ở phía đối diện nhà mình mở cửa để đơn giản là xả một loạt đạn từ khẩu súng máy bán tự động Ruger 10/22 cỡ nòng 22. Những loạt đạn lạnh lùng, điên dại ấy đã cướp đi mạng sống của 2 người lớn (trong đó có hiệu trưởng Burton Wragg) và khiến 8 học sinh cùng một cảnh sát trọng thương. Ở phiên tòa xét xử, Brenda đã giải thích lý do cô xả súng giết người chỉ vì ‘tôi không thích ngày thứ Hai. Nó là nguyên cớ để có những ngày kế tiếp trong tuần’. Giết người chỉ vì ghét ngày thứ Hai thôi ư?

Có lẽ sự hỗn loạn của loài người cũng chỉ đến mức độ đó là cùng. Không ai lý giải nổi, không ai hiểu nổi, không ai có thể đưa ra nổi một giải thuyết khả dĩ nào. Và cho đến tận hôm nay, câu hỏi về động cơ của Brenda vẫn còn vẹn nguyên như thế, vẫn còn là thách thức như thể tất cả chúng ta băn khoăn với chính Thánh Kinh rằng ‘Tại sao Chúa lại tạo ra thế giới trong Bảy ngày và tại sao người chỉ chọ riêng cho mình và loài người một ngày để ngơi nghỉ?’. 

Chân dung cô gái 16 tuổi xả súng ở trường học Brenda Ann Spencer

"Cái chip sillicon trong đầu cô bé đã trở nên quá tải. Và sẽ chẳng đứa trẻ nào vào học hôm nay bởi cô bé sẽ để mọi người được nghỉ ở nhà. Cha đâu biết đã xảy ra chuyện gì.Ông vẫn nghĩ con gái mình là cục vàng bé nhỏ. Ông cũng không biết nguyên nhân chi nữa. Vì thực ra, cũng đâu cần một nguyên nhân nào để biện minh đâu”. Bài hát đã bắt đầu như thế. Một câu chuyện đã bắt đầu đầy khó hiểu như thế. Rồi kế theo đó, câu hát ‘chẳng có nguyên nhân nào cả’ cứ được lặp đi lặp lại như thể chính nó mới là nguyên nhân của sự việc. Chỉ một lần duy nhất, duy nhất, và cũng là lần cuối cùng, câu hát đó được đi kèm với chính một bổ đề cho chính nó “Chúng ta cần lý do nào để chết đây?”.

Đúng. Cuộc đời chúng ta cần lý do để phải sống và chúng ta luôn giữ cho mình một nghị lực phải sống. Chẳng mấy ai nghĩ đến một lý do nào để tìm đến sự chết cả. Và những đứa trẻ, những đôi mắt còn trong veo yêu đời lại càng không bao giờ nghĩ đến sự chết rình rập quanh mình. Vậy mà chỉ vì “không thích ngày thứ Hai” thôi, Brenda đã sẵn sàng muốn ‘bắn gục tất cả trong suốt ngày thứ Hai ấy’. Để rồi, bi kịch được đẩy lên ở phần cuối cùng của câu chuyện, với cách chơi chữ rất thâm sâu chỉ trong hai câu thôi. “And all the playing's stopped in the playground now, she wants to play with the toys a while. And school's out early and soon we'll be learning and the lesson today is how to die”(Mọi trò vui đột nhiên dừng lại ngoài sân chơi bởi cô bé muốn chơi với ‘đồ chơi’ của mình một chốc lát. Và buổi học kết thúc sớm để rất nhanh thôi chúng ta học được bài học hôm nay là chết theo cách nào). 


Chỉ ngần ấy thôi, chữ play (chơi) được nhắc đến 3 lần ở trạng huống ‘trò chơi’ (playing), ‘sân chơi’ (playground) và ‘chơi đồ chơi’ (play with the toy) với những hàm ý khác nhau và đỉnh điểm chính là bài học cho những người không còn chơi nữa, những người lớn, là ‘chết theo cách nào’. Đó là một bi kịch mà xã hội hiện đại đang phải gánh lấy, một bi kịch mà đến tận hôm nay nước Mỹ vẫn còn phải nếm trải với những vụ xả súng học đường bàng hoàng tất cả.

Bài hát cứ lãng đãng nhói vào lòng người nghe về sự phi lý của đời sống này và nó cũng nhói thêm lần nữa với những ai đã là cha, làm mẹ. Chúng ta cho con mình một đời sống có nghĩa là chúng ta cho chúng niềm vui sống, niềm hạnh phúc được tồn tại và hưởng thụ tất cả những quà tặng của cuộc đời này. Nhưng song song đó, có mấy khi ta nghĩ, chính chúng cũng nhận được từ chúng ta những âu lo, căng thẳng, áp lực, nỗi hoảng sợ trước sự hoang dã của cuộc đời và cả sự bất định về thân phận của chính mình. Thử hỏi, mỗi khi chúng ta viết lên dòng ‘Ơn Chúa, lại tới thứ Sáu rồi’ (Thank God it’s Friday-TGIF) trên các trang cá nhân của mình có bao giờ chúng ta nghĩ rằng rồi một mai, con của mình lớn lên, nó cũng căng thẳng với những ngày thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sàu và chỉ mong đến thứ Bảy, Chúa Nhật, những ngày chúng được đào thoát khỏi cuộc sinh tồn như chúng ta đã, đang và vẫn mong được đào thoát như hôm nay?


Đó chính là nỗi ưu tư vĩ đại nhất mà mỗi con người phải đeo mang, phải gánh gồng chồng chất, nỗi ưu tư của chính nghị lực phải sống mà ta đã nói với nhau bấy lâu nay; nỗi ưu tư của những con người bỗng nhiên bàng hoàng nhận ra rằng bắt đầu sự sống cũng đồng nghĩa bắt đầu một hành trình hành hương về sự chết một ngày.

Brenda Ann Spencer đã bị kết án từ 25 năm tới chung thân ở năm 1979 ấy. Sau 4 lần nỗ lực xin ân xá, Brenda vẫn thất bại bất chấp lý do cô đưa ra là như thế nào. Và bây giờ, Brenda đã ở tuổi 51, vẫn nhìn qua ô cửa sổ nhà giam mỗi ngày để tìm câu trả lời cho chính mình “Tại sao tôi lại không thích ngày thứ Hai”. Cả một tuổi trẻ của Brenda đã qua đi vô vị đằng sau chấn song kia và cha mẹ cô giờ này cũng đã ở một cõi rất khác.

Nhưng đâu ai dám nghĩ rằng, khẩu Ruger bán tự động cỡ nòng 22 xưa kia lại chính là món quà Giáng sinh mà cô đã nhận vào Giáng sinh năm 1978 từ cha mình, người đã góp phần cho cô cuộc sống nhưng ngay sau đó đã bắt đầu dạy cô bài học ‘đến với sự chết’ ngay từ những ngày địa ngục mà cô phải nhận dưới chính mái che mà cô buộc phải gọi là nhà...

Saigon January 2014