Wednesday, January 15, 2014

MISSION MODERNITY

Chân Phương

MISSION MODERNITY (Sứ Mệnh Tính Hiện Đại) là cuộc triển lãm nghệ thuật do bảo tàng Wallraf- Richard tổ chức ở Köln (từ tháng 8 đến cuối tháng 12-2012). Đối với hội họa thế giới và những ai gắn bó với các môn nghệ thuật tạo hình từ thời hiện đại, đây là sự tưởng niệm long trọng dành cho cuộc triển lãm hội họa quốc tế Sonderbund đã diễn ra một trăm năm trước cũng tại thành phố này. Sự kiện mỹ thuật có một không hai ấy đã đánh dấu sự bùng nổ sáng tạo và tiếng vang vượt quốc gia của các nghệ sĩ hiện đại châu Âu, đặc biệt là các gương mặt Paris.
Bảo tàng Wallraf-Richard ở thành phố cổ kính Cologne nước Đức.


Ta biết rằng nhóm Họa Sĩ Độc Lập (Les Indépendants) thành hình ở Pháp từ 1884 với Redon, Seurat, Signac… và nhanh chóng thành mũi nhọn tiên phong quay lưng với hội họa trường qui Paris mỗi năm một lần ra mắt các sáng tác tân kỳ của nhóm này và bạn hữu. Sau đó là hai triển lãm vang dội; Salon mùa thu 1903 giới thiệu nhiều tranh của Gauguin vừa mất ở Tahiti, và Salon mùa thu 1905 với sự ra mắt phái Dã Thú (Fauvisme) của Matisse, Derain, Vlaminck, Marquet…bên cạnh họa sĩ tự học Henri Rousseau và tài năng mới từ Nga là Wassily Kandinsky. Đến Salon năm 1911 của nhóm Indépendants thì hội họa Lập Thể (Cubisme) lại gây chấn động Paris với các thử nghiệm của Fernand Léger, Albert Gleizes, Jean Metzinger, Delaunay…; cùng với sự tán tụng cỗ vũ của nhà thơ Apollinaire. Tháng 2 năm 1912, xuất hiện họa phái Vị Lai Ý (Futurismo) với cuộc trưng bày tác phẩm tại Paris để tranh giành uy thế tiên phong với các đồng nghiệp ở Pháp. Như ngọn lửa cháy lan , hội họa hiện đại vượt các biên giới quốc gia châu Âu để truyền sức sống mới cho các họa sĩ Nga, Đức, Áo, Bắc Âu…

Sonderbund xuất phát từ cụm Sonderbund Westdeutscher Kunstfreunde und Künstler (Tập hợp Ly Khai các Nghệ Sĩ và Giới Yêu Mỹ Thuật Tây Đức) thành lập vào tháng 8-1909 ở Düsseldorf dưới sự tài trợ của nhà sáng lập kiêm chủ ngân hàng Karl Osthaus. Tương tự nhóm nghệ sĩ độc lập Les Indépendants ở Pháp, tập hợp này qui tụ nhiều họa sĩ tiên phong ở Đức với Bắc Âu…và tổ chức thường niên các cuộc trưng bày tranh tượng hiện đại. Sau hai triển lãm quốc tế năm 1910 và 1911 ở Düsseldorf, lần thứ ba diễn ra ở thành phố xưa Köln (Cologne) năm 1912 gây tiếng vang sâu rộng vì sự tham gia đông đảo của nhiều nhà danh họa với chất lượng phong phú của sáng tác.

Nhắc đến Sonderbund, lịch sử nghệ thuật Đức không thể quên công trạng của Wassily Kandinsky người nước Nga đã bỏ ngành luật học lúc ba mươi tuổi lưu lạc sang Đức, Pháp , Bắc Phi để theo môn hội họa và học hỏi các bậc thầy tiên phong, nhất là Paris. Tháng 5-1901 tại München (Munich), ông sáng lập nhómPhalanx – một tập hợp họa sĩ độc lập ở Đức – và bắt đầu giới thiệu qua nhiều lần triển lãm các họa phái Tượng Trưng, Ấn Tượng và Hậu-Ấn Tượng, đặc biệt chú ý đến Claude Monet.
Kandinsky trước một bức COMPOSITION, mở đầu chủ nghĩa trừu tượng trong hội họa.


Đến tháng 9-1909, Kandinsky và các bạn lại khai trương Hội Các Nghệ Sĩ Mới ở Munich (NKVM, Neue Künstlervereinigung München) và tổ chức triển lãm hội họa hiện đại với sự tài trợ của Thannhauser, một tay kinh doanh mỹ thuật thức thời. Cùng người bạn tâm đắc mới quen là họa sĩ thần bí Franz Marc, họ chuẩn bị niên giám Kỵ Mã Xanh (Almanach der Blaue Reiter) với sự hợp tác của nhạc sĩ cách mạng Arnold Schönberg. Trong những ngày tháng đó, ông cũng viết xuống các ý tưởng và ghi chú về nghệ thuật sẽ được tập hợp xuất bản cuối năm 1911 với cái tên Über das Geistige in der Kunst (Bàn về tâm linh trong nghệ thuật), một luận thuyết gây ảnh hưởng sâu đậm trong giới mỹ thuật tiên phong. Cùng thời gian ấy, Kandinsky và Marc rời nhóm NKVM để lập họa phái mới Blaue Reiter với tôn chỉ liên kết sáng tạo với đời sống tâm linh chống trả chủ nghĩa vật chất thấp hèn.

Quan trọng không kém là tập hợp nghệ sĩ Die Brücke (Cây Cầu) ở Dresden do Ludwig Kirchner và Fritz Bleyl sáng lập với nhóm bạn năm 1905. Dù họ có chủ đích kết hợp nghệ thuật với ý thức xã hội, nhóm này cũng chống lại văn minh vật chất-cơ khí và quay về các giá trị mộc mạc nguyên thủy của văn minh bộ lạc. Cả hai họa phái đều tôn sùng Nietzsche và cảm quan sơ khai trong mỹ thuật tiên phong Paris, tiêu biểu là Henri Rousseau, Van Gogh với Gauguin. Sau khi đã tiếp thu ảnh hưởng avant-garde của Paris và truyền thống tạo hình bản địa, Cây Cầuvới Kỵ Mã Xanh sẽ trở thành hai mũi nhọn chủ lực – đại diện cho mỹ thuật hiện đại Đức trong cuộc triển lãm lịch sử năm 1912 tại Cologne.
Tấm ảnh chụp mặt tiền nơi triển lãm Sonderbund ở Cologne năm 1912. Đây là một gian hàng của Hội chợ Quốc Tế Bruxelles năm 1910 đã được mua đem về Đức tháo ráp lại vì nhu cầu không gian ngoại lệ của cuộc triển lãm này.Với 577 bức tranh và 57 tác phẩm điêu khắc của 173 nghệ sĩ hiện đại Âu châu,Sonderbund 1912 là một biến cố văn hóa trọng đại, đồng thời chính thức công nhận tầm quốc tế của mỹ thuật tiên phong phương Tây vào đầu thế kỷ 20. Pháp góp mặt với Cézanne, Gauguin, Matisse, Picasso, Van Gogh, Henri Rousseau. Đại diện cho Đức là Franz Marc, Macke, Kirchner, Kandinsky…; với hai danh họa Áo là Schiele và Kokoschka. Thụy Sĩ có Giacometti ; Hòa Lan có Mondrian. Nhưng hai đỉnh cao của cuộc triển lãm là Van Gogh với 125 họa phẩm bên cạnh 36 bức tranh của Edvard Munch - cặp đôi này được giới họa sĩ Đức nâng lên hàng tổ sư của chủ nghĩa Biểu Hiện trong hội họa hiện đại. Óc thiên vị chủng tộc Bắc Âu của các họa sĩ Đức đồng tổ chức triển lãm là lý do giải thích vì sao Van Gogh ( gốc Hòa Lan) và Edvard Munch (gốc Na Uy) được ngưỡng vọng đặt trên ngôi cao; mặc dù chất mộc mạc hồn nhiên của Henri Rousseau cũng như chất sơ khai bí ẩn của Paul Gauguin đã để lại dấu ấn sâu đậm trong giới tạo hình ở Munich, Dresden và Berlin lúc ấy.




Tiếng Hú – tranh Edvard MUNCH

Quán cà phê đêm – Tranh Van Gogh

Các sử gia mỹ thuật của thế kỷ 20 đã nhìn Sonderbund 1912 như năm khai sinh của trường phái Biểu Hiện Đức ( German Expressionism), sau phái Biểu Hiện Pháp mà nhóm Dã Thú là đại biểu xuất sắc. Như bức tranh Tiếng Hú của Munch, nghệ thuật có lúc cất tiếng gào la của con người khủng hoảng, mất gốc tâm linh vì lối sống vật chất và nhịp sản xuất của công ngiệp đô thị. Tâm hồn bị tha hóa cần tìm chỗ nghỉ chân và một khoảng lặng như không gian trong bức Quán Đêmcủa Van Gogh để cầu nguyện hoặc trầm tư. Mở đầu tuyên ngôn của nhóm Kỵ Mã Xanh, Kandinsky và Marc cũng nói lên ý thức của nghệ sĩ trong một kỷ nguyên sa sút niềm tin tôn giáo: ” Ta đang đứng trước ngưỡng của một trong những thời kỳ vĩ đại nhất mà nhân loại từng trải nghiệm – thời đại của Tâm Linh.” Bên cạnh Van Gogh hay Munch còn sự hiện diện của Rousseau , Gauguin và những kẻ kế thừa chủ nghĩa lãng mạn – tượng trưng Đức-Anh-Nga-Pháp như bản thân Kandinsky và các bạn họa sĩ của ông. Có thể mở thêm ở đây một dấu ngoặc chú giải; sau hơn một thế kỷ nở rộ tài năng văn học ở Âu châu, luồng điện sáng tạo đã lan truyền sang các cộng đồng nghệ sĩ tạo hình và sẽ không dừng lại ở phương Tây. Hội họa hiện đại, chẳng hạn chủ nghĩa lập thể hay siêu thực sau đó, sẽ phát huy mỹ học mới khắp nơi trên thế giới.

Henri ROUSSEAU – Giấc Mơ .



Paul GAUGUIN – Chúa cầu nguyện trong vườn

Cũng như lịch sử khoa học hay lịch sử tư tưởng, mỹ thuật là một vận động với đời sống riêng và những qui luật phát triển nội tại, mặc dù không tránh khỏi ảnh hưởng của các nền văn hóa cùng thời. Đến cuối thế kỷ 19 ở châu Âu, tập quán và ước lệ trong nghệ thuật tạo hình phải tháo lui trước sự cách tân thử nghiệm của nhiều họa sĩ tiên phong. Chống lại văn minh vật chất càng ngày càng thống trị đám đông, giới nghệ sĩ tìm đường thoát bằng những lối tâm linh hay quay về các miền sơ khai ngoài lịch sử. Qua thập niên đầu của thế kỷ 20, thế giới tạo hình đã trải qua một cuộc cách mạng căn bản; hình tướng (figuratif) đối thoại với phi-hình tướng (non-figuratif) để khai phá bờ cõi của ý niệm và trừu tượng, tiếp giáp với độ sâu nội tâm nhiều huyền bí.

Sonderbund 1912 là điểm hội tụ của những điều vừa trình bày. Ý nghĩa lịch sử-văn hóa của nó đã được thời gian kiểm nghiệm. Đến năm 2012 với MISSION MODERNITY, viện bảo tàng Wallraf- Richard tuyển lại 120 kiệt tác của cuộc triển lãm trăm năm trước đây để tôn vinh sự cất cánh của hội họa Âu châu. Chỉ một năm sau, ngọn đuốc sáng tạo sẽ vượt Đại tây dương để thắp sáng nền nghệ thuật Hoa Kỳ – đó là triển lãm hội họa quốc tế Armory Show 1913 lần đầu diễn ra tại New York do sáng kiến và tài tổ chức của Walt Kuhn, một họa sĩ Mỹ đã may mắn được nhìn ngắm các bức tranh tân kỳ của Sonderbund vào ngày chót!

CHÂN PHƯƠNG