Wednesday, January 29, 2014

Lời bạt một tập thơ



Bìa RXTN - Thơ ATPA
CHÂN PHƯƠNG
Dù chưa từng gặp nhau, Âu thị Phục An thân thiết với tôi như một người bạn cũ nhờ các sáng tác trên mạng của chị mà tôi thường đọc lại. Gần đây, chị gửi tôi đọc bản thảo thi tập mới, Rụng xuống Trăm Năm, gồm 70 bài dưới nhiều thể thơ.

Từ cổ điển qua tiền chiến, cho đến một số bài mang không khí thơ miền Nam 65-75 với âm hưởng Nguyên Sa, Bùi Giáng, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư…, nhà thơ của chúng ta chứng tỏ năng lực đọc và hòa nhập các dòng thơ Việt trước kia cũng như hiện đại. Đọc một mạch tập thơ của chị, tôi có cảm giác đây là một thi tuyển chọn các bài thơ chị đã viết từ thuở sinh viên cho đến hôm nay. Bằng chứng là nhiều bài nơi phần đầu tập thơ rất điêu luyện nhưng qui ước, chẳng hạn
Cỏ đã xanh rêu, bờ cỏ mục Chân hoang dẫm đã gãy phiêu bồng Ngựa cũng mòn chân về vọng động Bốn mùa gõ nhịp khuấy hư không ( Đường mơ)
vỡ ra những phiến sầu lặng lẽ gió mùa nằng nặng mấy sầu tư … luân hồi luân chuyển mờ con mắt ai hẹn chờ ta giữa bể dâu (Có khi)
hoặc những câu lục bát, ngũ ngôn sau đây,
trắng tay xóa hết cuộc cờ phất phơ chiếc bóng bên bờ tử sinh (Cõng)
Ừ yêu đã hết thì thôi Chảy bao giọt máu luân hồi giữa tim (Thì thôi)
leo dốc lên triền núi hái một nụ tình không ấp vào lòng sương khói nở một đóa mêmh mông (Tìm suối nguồn)
Tàn chưa ngọn đèn đêm Vàng phai chưa góc phố Con tim về ở trọ Trên ngực buồn hoang vu (Về chơi góc phố)
Rõ ràng ảnh hưởng từ thi ca truyền thống, từ ca dao qua tiền chiến, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong hồn thơ Âu thị Phục An. Dù có lúc với nỗi niềm chân thật và khả năng tự chế ngôn từ, chị đã tặng người đọc nhiều câu, nhiều đoạn vần điệu xuất thần:
Khi không trời đổ cơn mưa Ngày chưa kịp hết chiều chưa kịp tàn … Chân ai qua vội phố phường Mưa che mờ lối người thương sao tìm … Bỗng dưng trời đổ cơn mưa Tình chưa kịp cạn buồn chưa kịp buồn. (Trời còn đổ mưa)
trời ơi lại mưa một ngàn năm nữa trời mãi rưng rưng khóc vời đôi lứa … chiều qua lối cũ mộ chàng chênh vênh cỏ vàng hoang phế mưa gì buồn tênh! (Mưa gì mưa mãi)
Đây còn góc phố Biệt nhau năm xưa Ngọn đèn đứng ngó Nụ hôn bơ phờ … Ái ân đã dứt Một mùa xuân phai Người không còn nữa Tháng năm quá dài (Biệt nhau cuối phố)
Nhưng tôi chú ý với nhiều thích thú khi đọc một loạt bài có khẩu khí thời đại – hậu 1975 (tôi đã tuyển và giới thiệu một số bài tương tự đã đăng trên mạng trong Khát Vọng được làm người qua thơ Âu thị Phục An, ĂMVC, tháng 5-2011) – ở đây cảm xúc, suy nghiệm giao thoa với ngôn từ đã sinh ra các nét độc đáo của nhà thơ. Theo tôi, chấn động trong miền Nam từ tháng 4-1975 đã khiến tâm hồn cùng thi pháp nhà thơ đột biến. (Đây gần như một qui luật tâm lý -lịch sử; chẳng hạn Thế Chiến Một đã biến đổi bút pháp của Wilfred Owen, Siegfried Sassoon, Apollinaire …, Thế Chiến Hai với kinh nghiệm sống sót qua bạo lực độc tài các thứ đã “lột xác” nhiều nhà thơ Âu châu như Rosewicz, Pilinszky, Celan, Pagis, Holan…) . Không thể du dương duy mỹ, nhà thơ nhập thế và đưa vai cùng chịu thập giá với đồng bào trên hành trình khổ nạn. Tiếng nói bị đọa đày gian truân thử thách trở nên thô sần, gân guốc, có lúc ngổ ngáo, phũ phàng hoặc khôi hài đen. Em yên tâm ngủ trên miếng đất không quy hoạch (Đừng đá vào giấc mơ em). Vòng ôm khít khao lần cuối cũng buông thôi/ Không thể dính vào nhau mãi như keo dán chuột (Tất cả đều bỏ đi). Tôi nhớ hôn qua hàng kẽm gai/ Tôi nhớ siết ghì trong lô cốt/ Bùn đỏ nát nhàu dưới chân nhón…(Nhiều năm vẫn nhớ hàng rào kẽm gai trên dốc đồi). Hai cái kim cứ nhích tới/ xua ngày trôi qua…/ áo đen góa phụ xếp lại…/ cài hoa mai lên tóc/ giả bộ đón xuân (Đi một vòng quay lại đầu năm). Tình nhân bỏ đi/ nắng quay quắt nóng/ cơn hừng hực vàng quái con đường/ 38 độ… (Gõ cửa). Người đàn bà cần nhiều bông băng cho lổ thủng lâu năm/ Máu vẫn rỉ suốt cuộc chơi/ Mép bàn tay không đủ chèn vết đứt…/ Người đàn bà ôm ngực cúi ho/ Nuốt máu đỏ/ Tan cùng băng giá (Trên ngọn tháng Giêng)…
Còn nhiều câu, nhiều bài như thế trong toàn bộ sáng tác của ÂTPA khiến cho người đọc nhức nhối và giới nghiên cứu văn học không thể lãnh đạm quay đi. Chẳng còn phải nghi ngờ, cùng với nhiều tiếng thơ nữ giới VN như Dư thị Hoàn, Tuyết Nga, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Nguyễn thị Thanh Bình, Lưu Diệu Vân… nhà thơ của chúng ta đang tạo ra ngôn từ và khí hậu mới cho thơ Việt hôm nay.
Sẽ không công bằng nếu chúng ta chỉ quan tâm đến chùm thơ thế sự đặc sắc của chị mà quên đi nhiều bài thơ tình tuyệt diệu bên cạnh những bài thơ triết thâm trầm, như Nguyệt, Thanh Minh, Đêm rằm ra đời, Trái Mộng đong đưa… Từng là sinh viên môn triết, ngòi bút tài hoa ấy đồng thời cũng là một chủ thể tri thức điềm tỉnh với nụ cười độ lượng giữa cõi nhân sinh:
Cái kèn rống lên giọt trầm bi “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”
…Tay kèn nẩy lên hồi cuối Nấm mộ dính đầy cát và bụi
Những đôi giầy tây giậm giậm, bước đi. (Cuối Cùng)
Nhà phê bình bất nhã thường oang oang át giọng nhà thơ, quên mất điều căn bản trong đạo lý văn chương – hãy để cho những bài thơ nói lên thông điệp của chính nhà thơ. Tôi xin dừng bút, mời các bạn đọc tự mình bước vào cõi thơ Âu thị Phục An, từ các sáng tác trên mạng cho đến thi tập RỤNG XUỐNG TRĂM NĂM vừa ra mắt.