Sunday, January 19, 2014

DỊCH MỘT BÀI THƠ ĐƯỜNG


     
       ĐỌC    DỊCH  MỘT  BÀI  THƠ  ĐƯỜNG


                                                              Chân PhươngD






登樂遊原

向晚意不適,
驅車登古原。
夕陽無限好,
只是近黃昏。



 ĐĂNG LẠC DU NGUYÊN     thơ Lý Thương Ẩn (812?-858)

Hướng vãn ý bất thích,
Khu xa đăng cổ nguyên  
Tịch dương vô hạn hảo
Chỉ thị cận hoàng hôn




 LÊN ĐỒI LẠC DU      Chân Phương dịch


Chiều xuống, lòng sầu muộn;  
Giục xe lên bình nguyên.  
Ô! tà dương đẹp tuyệt! 
Lúc sắp lặn vào đêm... 



 LÊN ĐỒI LẠC DU      Nguyễn Lãm Thắng dịch



Chiều về, lòng chẳng được vui 
Đi xe lên tận vùng đồi cổ xưa 
Nắng chiều sáng đẹp ghê chưa? 
Cũng đang là lúc trời vừa hoàng hôn.



 LE PLATEAU LE-YOU      François Cheng dịch

Vers le soir, quand vient la mélancolie
En carrosse sur l’antique plateau
Rayons du couchant infiniment beaux
Trop brefs hélas, si proche de la nuit



 LO-YU HEIGHTS      James J.Y. Liu dịch


Toward evening I feel disconsolate;  
So I drive my carriage up the ancient heights.  
The setting sun has infinite beauty ---
Only, the time is approaching nightfall!



 THE LO-YU TOMBS     Witter Bynner dịch



With twilight shadows in my heart

 I have driven up the Lo-yu tombs

 To see the sun, for all its glory,

 Buried by the incoming night.





  THE LO-YU TOMBS     Robert Payne dịch (hợp tác với một dịch giả Trung Hoa)



Feeling fretful toward evening,

I drove my chariot to the Lo-yu tombs.

How infinitely lovely was the setting sun –

Only it is so near the yellow dusk!







   Nhờ có hơn một bản dịch Anh ngữ, độc giả được dịp tìm hiểu thêm về nghề dịch thơ - vừa linh động vừa phóng khoáng.  W.Bynner phóng dịch bài này, ngay từ tên bài LẠC DU NGUYÊN mà ông dịch là khu mộ (tombs), dù chữ NGUYÊN đa nghĩa có khi cũng được hiểu là mộ phần. Hai học giả kiêm dịch giả gốc Hoa dịch từ này là HEIGHTS(James Liu), là PLATEAU (François Cheng)- tiếng Việt là Bình Nguyên, vùng đất phẳng cao. Câu đầu”Hướng vãn ý bất thích” mà dịch thành “with twilight shadows in my heart” là dịch bay bướm như một nhà thơ. F. Cheng (hàn lâm viện sĩ Pháp) dịch ra “Vers le soir, quand vient la mélancolie (Chiều xuống, lòng sầu muộn); James Liu dịch là “ Toward evening, I feel disconsolate (Chiều về, lòng khó giải khuây) - cách hiểu này rất gần với câu “Feeling fretful toward evening” trong một bản dịch Anh ngữ khác của Robert Payne.

   Dịch thuật là một phép lạ nhỏ; dịch giả ý thức rằng mỗi thể thơ hàm chứa khả tính ngôn ngữ đặc thù . So sánh hai bản dịch sang tiếng Việt vừa đối chiếu với bản gốc, người đọc có thể cảm nhận độ lệch ngữ nghĩa giữa bài ngũ ngôn tứ tuyệt dựa thể luật  của nguyên tác với bài thơ dịch theo điệu lục bát. Thể 6/8 hào phóng ngôn từ cho phép người dịch vừa bám sát nghĩa vừa cải tả nội dung (paraphrase), nhưng phần nào đánh mất tính cô đúc kiệm từ của khổ thơ bốn câu năm chữ. (Không cần phải nói thêm : đây là một đặc tính cốt lõi của thi ngôn Đông Á). Rõ ràng một điều, người VN hiểu tiếng Pháp, tiếng Anh sẽ thấy được lợi thế đồng văn của tiếng Việt khi dịch thơ Trung Hoa. Các dịch giả Anh, Pháp, Đức… dù tài nghệ đến đâu cũng khó chuyển được cái thần của Hán ngôn sang tiếng mẹ của họ. Thêm nhận xét cuối về các bản dịch trên đây; chỉ thấy nhà thơ kiêm hàn lâm viện sĩ F. Cheng là có cố gắng dùng thi luật Pháp (décasyllables:mười âm tiết với cước vận) để dịch bài thơ của Lý Thương Ẩn.



                                                   ***     



   Hoàng hôn là khoảnh khắc tràn đầy thi tính đã được nhiều nhà thơ Đông Tây kim cổ mượn làm tứ thơ. Giới yêu thơ Đường làm sao quên được câu thơ Lý Bạch: Lạc nhật cố nhân tình; hay các bài tuyệt tác Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, Vạn Tuế Lâu của Vương Xương Linh. Mê thơ Pháp ai mà chẳng biết bài Harmonie du Soir của Baudelaire hoặc thi tập Les Chants du Crépuscule của Victor Hugo. Nhà thơ Ý Dino Campana với bài Giardino Autumnale (Vườn Thu) cũng đã viết ra mấy câu xuất thần vào phút tịch dương (tham khảo Chân Phương, http://amvc.free.fr/Damvc/ChanPhuong/LyLuan/BenLeMotBanDich.htm ):
 

   Trở lại với bài thơ của Lý Thương Ẩn. Đây là một trong những bài tứ tuyệt trứ danh, vừa ngợi ca cái đẹp vừa ý thức tính phù du của cái đẹp. Mỹ học của khoảnh khắc là sở trường của nhiều thi nhân Á Đông, đặc biệt thơ Đường hay thơ Thiền Nhật Bản, Cao Ly, Việt Nam...Nó đã ăn sâu vào văn hóa như  truyền thống ngắm hoa anh đào hoặc trăng sơ huyền bên Nhật. Ở đây, có thể dẫn chứng một vài câu của Saigyo (Tây Hành):


ở Yoshino

mỏi bước lữ hành

tôi thiếp đi dưới một gốc cây  

được ngọn gió xuân

gom đắp trên người tấm chăn hoa rụng



**


mặt trăng không tì vết

bỗng bóng tối quét ngang

ngỡ một áng mây bay

té ra là bầy ngỗng



   Những khoảnh khắc đẹp nhưng phù du tương ứng với kiếp người phù thế; mối duyên tình thắm thiết đến đâu cũng phải hạ màn! Mời các bạn đọc lại bài Triệu Thôn Hồng Hạnh  ( Hoa hạnh đỏ thôn Triệu) của Bạch Cư Dị:



Triệu thôn hạnh đỏ từng năm nở,

Hơn chục năm qua vẫn ngắm hoài.

Ông lão bảy ba khôn trở lại;

Năm này thăm hạnh để chia tay!



   Dù yêu thích thi phú hay không, loài người chúng ta sinh ra một lần trên quả đất rồi tuần tự ra đi. Giữa mỗi cá nhân với trần thế diễn ra một cuộc hẹn diễm ảo lâm ly mà nghệ thuật cùng tôn giáo vẫn tiếp tục trầm tư sau khi vầng dương lặn và ánh trăng mọc trên các nghĩa trang:



    MÙA  HẸN        thơ Lê Đạt



Hoa mùa hẹn mimosa ùa nở

Lỡ thề đêm một úa nhớ vàng hoe                                               





                                                                                                     CHÂN  PHƯƠNG

 Tiết Nguyên Tiêu  năm Quí Tỵ


T  
  THAM  KHẢO

- Bynner Witter,The Jade Mountain , Vintage Books, 1972
- Cheng Francois, L’Ecriture poétique chinoise, Seuil,1996
- Liu James, The Poetry of Li Shang-Yin, U.of Chicago Press, 1969
- Payne Robert,ed.,The White Pony, Mentor Books,1960
- Saigyo, Mirror for the Moon,New Directions,1978
-Trần Trọng San, Thơ Đường I,II,Bắc Đẩu,1970,1972