Saturday, January 18, 2014

NHỊ NGUYÊN..



.
.
Mỗi khi thức giấc, bất kể sáng trưa chiều tối, vẫn là những thói quen cố hữu, bạc nhược và thủ cựu, với li cà phê suyễn đặc, hoặc là lôi sách ra đọc, hoặc là lướt web xem tin. Tôi tự ăn những nghĩ suy cô độc. Nghiền nát chúng thành thứ năng lượng thức. Không đối thoại. Không tri diện. Sự cô độc lầm lũi dọc triền tư tưởng nhân gian. Không phán xét. Không dạ thưa. Từ những cái không ấy, lòng mọc ra nhiều cái có. Có cảm thông. Có thấu hiểu. Có lắng nghe. Và từ những cái có nhỏ nhoi ấy, mắt chợt nhìn thấy vài điều. Thấy cô độc. Thấy cô đơn. Thấy giữa các khoảng cách là một sự nhị-nguyên không thỏa hiệp.


Một người bạn cũ, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh từng viết về điều đó khá ấn tượng. Xin chép ra đây:

"Giữa chúng ta là những tiếng nói
trong khoảng cách
Đã có những khoảng cách
trong tiếng nói
của chúng ta

Giữa chúng ta không nghệ thuật
Không đồng hiện
không cấu trúc
không khúc xạ

Giữa chúng ta những nguyên tử
trong nguyên tố
Những nguyên tố hợp thành
bởi nguyên tử

Giữa chúng ta những bến không bờ
Những bờ không bến

Chúng ta nhị nguyên"
Những giá trị khác nhau đồng hiện, không thể cùng là một. Không thể là hết thảy. Góc nghĩ của mỗi người phụ thuộc vào nền tảng sở học của mỗi người. Ai cũng đúng trong nghĩ suy của mỗi người. Nó phản ánh đúng cái họ biết. Nó phản ánh đúng tính cách của họ. Mọ thốt thưa trở nên thừa. Mọi tranh biện trở thành ồn ào không kết quả. Im. Im là trạng thái không phải không phản ứng. Nó là một thái độ phản ứng. Nó cũng đồng hành với giải pháp tối ưu nhất khi đối thoại và đa thoại trở nên bế tắc và nhàm chán.

Chúa phải chết. Không thể không chết nếu muốn con chiên của người hiểu ra mà sống mãi. Sống trong rợ bán tư duy và nương tựa tinh thần. Thập giá đời đóng đinh hết thảy những đại lộ tư tưởng. Trái đất đông lên, không chỉ chật về người, mà nghĩ suy trong đầu con người mỗi ngày càng thêm chật chội. Sự chật chội ứ nghẹn. Như li nước đã đầy. Càng rót càng tràn.

Trở về. Bên ngoài kia có gì thì bên trong cũng có điều tương tự. Miễn trình hiện. Những trình hiện nhị-nguyên-buồn...

Chu Giang Phong, 16.1.2014