Tuesday, January 21, 2014

Hai nhân tài Việt Nam


               HAI NHÂN TÀI VIỆT NAM Ở  tk20
                                                                         PHAN HUY ĐƯỜNG


Trần Văn Giàu từng nhận xét : "Năm trăm năm sau cách mạng tháng Tám, dân ta sẽ còn nhớ chỉ tên của một mình cụ Hồ, mình ông Giáp."[1]
Bản thân Trần Văn Giàu cũng có thể sánh vai sát cánh với hai người ấy. Những năm 1940, khi thời cuộc nghiêng ngả, một mình, Trần Văn Giàu phân tích tình hình thế giới, tình hình Việt Nam và tình hình Nam Bộ, vạch ra đường lối đấu tranh, xây dựng lực lượng, lãnh đạo và chỉ đạo quần chúng vùng lên cướp chính quyền. Leclerc, một danh tướng Pháp, theo quân Anh đổ bộ vào Nam Bộ, đành phải đối diện với một thực trạng hoàn toàn mới trong thời đại thực dân : đây là đất nước đã có chủ.
Tài năng ấy, so với chuyện cướp chính quyền tại Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Mình, tám lạng nửa cân.
Nếu Trần Văn Giàu không bị Đảng Cộng Sản Ziao Chỉ trù dập  nếu ông phát huy được tài năng của mình trong suốt chặng đường lịch sử dẫn tới ngày Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất, tên tuổi của ông sánh vai sát cánh với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, thật xứng đáng.


*
Trong lịch sử thế kỷ 20, trên thế giới, không thiếu chính trị gia lỗi lạc, tướng tài. Ai có được hào quang của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp trong lòng người tứ xứ ? Vì sao ?
Trong lịch sử nhân loại, Hồ Chí Minh là người đầu tiên được hàng chục quốc gia tự nguyện thụ quốc tang.
Võ Nguyên Giáp chết, thế giới nhắc tên tuổi và sự nghiệp.
Trận Điện Biên Phủ, so với những trận trong chiến tranh thế giới 1 và 2, không lớn lắm[2]. Nhưng nó ghim vào ký ức của người đời.
Khỏi nói tới cuộc đụng đầu với quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam và oanh tạc miền Bắc : chưa dân tộc nào đã phải chịu đựng và dám kháng cự suốt bấy nhiêu năm một hoả lực như thế mà không gục, lại chiến thắng !
Người đời không quên. Vì sao ?
Vì Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã giúp nhân loại tiến lên nửa bước : mở đường khai tử chủ nghĩa thực dân cũ (1945) và mới (1975) đã từng thống trị nhân loại hàng trăm năm. Ý nghĩa và giá trị đặc thù của hai con người này ở đó.
Ngày nay, bộ mặt thế giới mang dấu ấn của họ. Chủ nghĩa thực dân đã vĩnh viễn chìm vào quá khứ. Chủ nghĩa thực dân kiểu mới chưa chết hẳn, vẫn hoành hành ở Châu Phi và vài nơi khác. Nhưng khả năng tồn tại của nó ngày càng bấp bênh.
Điều trên không có nghĩa là sẽ không xuất hiện một thứ chủ nghĩa khác cho phép một quốc gia khống chế một quốc gia và một dân tộc khác. Cứ coi chính sách bành trướng Đại Hán đối với các nước lân cận và nhiều nước Châu Phi, thậm chí Châu Âu thì thấy. Nhưng nó không thể thực hiện ý đồ của nó theo kiểu thực dân cũ và mới nói trên.
Trong lịch sử nhân loại, chính trị gia lỗi lạc, tướng tài, không hiếm. Đọc lịch sử Trung Quốc, Hy Lạp, La mã, Châu Âu hay Mỹ, thiếu gì ?
Nhưng chính trị gia và tướng tài có khả năng mở đường cho nhân loại bước từ thời đại này qua thời đại khác, có thể đếm trên đầu ngón tay.
Trong đó, ở thế kỷ 20, có hai người Việt.
Họ đã mở đường cho nhân loại tiến lên… nửa bước : độc lập. Bước tiếp, cũng là hoài bão và mục tiêu cuối cùng của họ, tự do và hạnh phúc, họ không thực hiện được. Hai mục tiêu họ đeo đuổi đòi hỏi hai loại tài năng khác nhau, có khi trái ngược nhau. Xin miễn bàn. Quá dài và, hiện nay, không đủ khả năng.
Hai mục đích "độc lập" (trong nghĩa muôn đời) và "tự do, hạnh phúc" (trong nghĩa hiện đại) gắn liền với nhau, dường như tự nhiên, ai cũng hiểu được. Chẳng tự nhiên tí nào. Sự kiện chúng chỉ cùng xuất hiện trong ước mơ của cả loài người ở thế kỷ 19-20 thôi, là tính đặc thù của một thời đại. Thời đại nào ? Thời đại có đủ nhân tố cho phép con người có và bắt đầu thực hiện 2 ước mơ ấy.

*
Lịch sử thực nó vậy : không bao giờ đơn giản dễ hiểu như khi ta cấu một mẩu, nhốt vào vài khái niệm hình thức để suy luận, giải thích, ca ngợi, chửi bới, uýnh nhau, e tutti quanti, cho tới ngày tận thế vẫn… hạ hồi phân giải.
Ở bất cứ đâu, ở bất cứ thời điểm nào, lịch sử "thực" trong đầu ta đều do sự đan chéo của nhiều thời đại mà hình thành. Vì con người, kẻ làm nên lịch sử (Marx), là một con vật văn hoá lạ lùng, có ký ức của muôn đời kết tinh ờ mình, có khả năng phủ định chính mình nên có khả năng tưởng tượng tương lai. Có khả năng làm mình, hôm nay.
Ở thế kỷ 20, tại Việt Nam, lịch sử thực do thời đại phong kiến, thực dân, thực dân kiểu mới và thời đại dân tộc chủ nghĩa đan chéo nhau mà hình thành.
Chủ nghĩa phong kiến Ziao Chỉ, mặt tốt cũng như mặt xấu, còn đang tồn tại trong đầu óc, tình cảm của con người, chi phối hành động của nó, là nhân tố nội tại hình thành xã hội Việt Nam thời ấy. Ngay thời nay, nó vẫn là một nhân tố cấu tạo người Việt. Cứ coi quan lại của chính quyền đua nhau tham nhũng, vét của dân xây Nhà Thờ Tổ thì thấy.
Thực dân, cũ và mới, với những ý thức hệ và hành động của nó, đương nhiên là nhân tố ngoại tại.
Chống lại chủ nghĩa thực dân cũ và mới : chủ nghĩa dân tộc.
Nhưng, bao trùm tất cả, là thời đại tư bản : nó thống trị cả thế giới, những hình thái tồn tại hay tiêu vong của các thời đại trên đều bị nó trực tiếp chi phối. Nó thống trị nhân loại không chỉ về mặt kinh tế : nó là phương thức sản xuất tiến bộ nhất ; luôn cả về mặt văn hoá. Ở đây cần phải ghi rõ : không thể đồng nhất văn hoá tư sản của Tây Âu với chủ nghĩa tư bản. Văn hoá tư sản không do những nhà tư bản ngày đêm đeo duổi lợi nhuận mà hình thành và phát triển, mà do tài năng và tấm lòng của nhiều nhà văn hoá, nghệ thuật và khoa học tạo ra. Hầu hết những người ấy không là nhà tư bản ! Nhưng, đích thực, giai cấp tư bản ở Tây Âu đã dựa vào văn hoá đó để làm cách mạng, nắm chính quyền, xây dựng và củng cố chế độ tư bản, chinh phục thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau.

-Chỉ trong thời đại tư bản, lý tưởng tự do và bình đẳng trong nghĩa hiện đại mới có thể hình thành và càng ngày càng biến thành ước mơ của cả nhân loại : phương thức sản xuất tư bản đòi hỏi người lao động tự do và trao đổi bình đẳng.
-Chỉ trong thời đại tư bản, khoa học mới phát triển nhanh chưa từng thấy : phương thức sản xuất tư bản không ngừng đòi hỏi phát triển và ứng dụng khoa học vào sản xuất, tổ chức, quản lý, kinh doanh và… chinh chiến.
-Chỉ trong thời đại tư bản, lý tưởng hoà bình mới trở thành khát khao phổ biến lớn nhất của nhân loại : những chiến tranh khốc liệt nó gây ra trong thế kỷ 20 đâu phải chuyện đùa chữ nghĩa.

Cả ba điều trên Marx, người hiểu sâu sắc nhất phương thức sản xuất tư bản, đã giải thích rõ ràng. Xin miễn lải nhải thêm.

*
Ngày nay thế nào ?
1/ Dưới hình thái này nọ, hầu hết nhân loại đã bước vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc đã trở thành cường quốc tư bản thứ 2, với một chế độ chính trị toàn trị và một ý thức hệ… hè hè.
Ziao Chỉ Quận đã biến thành tư bản rừng, phi luật lệ, phi văn hoá, phi khoa học, phi đạo đức, nhưng đích thực tư bản, tuy ở cấp vặt. E tutti quanti.
2/ Chủ nghĩa dân tộc vẫn cực thịnh, nhưng bất lực về mặt kinh tế, cứ coi kết quả của những cuộc vùng dậy ở các nước Ả Rập vừa qua thì thấy. Không có con đường nào khác ngoài con đường tư bản.
3/ Chủ nghĩa tư bản không còn "đối thủ". Những anh tư bản gộc, Tây Tàu Anh Mỹ Nga Nhật Đức Brazil Ấn Độ, e tutti quanti, cạnh tranh lẫn nhau, khi cần thì bắt tay nhau. Cần nữa thì đánh nhau, tốt nhất một cách gián tiếp.
4/ Hơn 20 năm qua, nó phát huy ngày càng triệt để và khôn khéo lôgích vận động đặc thù của nó, mau chóng dồn cả nhân loại vào hai thị trường vốn là nôi sinh nở, phát triển và bành trướng của nó : thị trường sức lao động và thị trường hàng hoá. Hàng hoá Tây Âu sản xuất với sức lao động rẻ ở Trung Quốc đã khiến các anh tư bản Tây Âu kiếm lời nhảy vọt. Anh tư bản và nhà nước Trung Quốc dĩ nhiên hưởng lây không ít. Bàn dân Trung Quốc lại có công ăn việc làm, dù tồi tệ còn hơn chết đói. Hàng hoá của anh tư bản Trung Quốc tràn ngập thị trường Tây Âu cũng làm giàu anh tư bản chuyên xuất nhập cảng và phân phối hàng hoá ở Tây Âu, cứ vào Supermarket PhuLăngXa thì thấy. Song song, nạn thất nghiệp và lao động bấp bênh cũng lan tràn trong xã hội Tây Âu, không sao cưỡng được. Hiện tượng này sẽ kéo dài dài. Cho rằng "Giờ thì Trung Quốc đã chạm điểm Lewis – nói thẳng ra, Trung Quốc đã cạn nguồn lao động thặng dư nông thôn"...[3] thì sức lao động rẻ tiền của nó ở thành thị, từ lao động thủ công tới lao động tri thức, vẫn cho phép nó giữ vai trò nó chiếm được trong nền kinh tế tư bản toàn cầu hoá 20 năm qua. Thế thôi. Tóm lại, tuy có cạnh tranh, các anh "tư bản toàn cầu" có chung quyền lợi. Ở PhuLăngXa đã có nhiều hãng tư bản không nhỏ, tên Tây, chủ Tàu. Từ bán nước hoa (Marionnaud) đến… sản xuất xúc xích (Cochonou) ! Mấy ngày qua, đọc báo PhuLăngXa nghe tin có một anh tư bản Tàu đang thương lượng mua 30% cổ phiếu của hãng sản xuất ôtô để trở thành ông chủ chính của hãng Peugeot…
5/ Tóm lại, thời đại này là thời đại cực thịnh của chủ nghĩa tư bản. Không thích, không muốn, cũng thế thôi.
Trong hình thái tư bản toàn cầu hoá, quyền lợi của các anh tư bản gộc không còn gắn bó với quyền lợi của các quốc gia nữa. Quyền lực kinh tế và chính trị của họ cũng đã vượt lên trên quyền lực Nhà Nước ở nhiều quốc gia. Cứ coi chủ quyền của các nước trong Liên Minh Châu Âu càng ngày càng bị gặm mòn thì thấy. Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản toàn cấu hoá và chủ nghĩa dân tộc sẽ càng ngày càng tăng, không thể khác được.

*
Trăng tròn, trăng phải khuyết.
Ngày nay, khát khao hoà bình, tự do, dân chủ và hạnh phúc vẫn là một lý tưởng, không chỉ của những dân tộc lệ thuộc, thua kém, nghèo nàn. Ngay cả với bàn dân PhuLăngXa cũng thế, chí it đối với một số không nhỏ người càng ngày càng đông. Những khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị, niềm tin và ý thức hệ liên miên từ 30 năm qua cũng cho thấy.
a/ Hoà bình. Sau hai thế chiến, bàn dân PhuLăngXa đã được hưởng gần 70 năm hoà bình. Chẳng mấy ai ham chiến tranh. Nhưng chính phủ Pháp vẫn cứ phải – và muốn – tham chiến đây đó, tuy nho nhỏ thôi.
b/ Tự do. Ở đâu tự do hơn ở xứ PhuLăngXa này ? Nhưng là tự do của kẻ lệ thuộc, bắt buộc phải bán sức lao động mới có quyền sống, và phải bán trong hoàn cảnh bình đẳng theo pháp luật này : tôi nắm hết phương tiện sản xuất, kinh doanh, e tutti quanti ; anh hai bàn tay trắng, không lấy đâu ra bữa ăn cho ngày mai ; anh muốn làm việc cho tôi với giá này không ? Anh cứ tự do chọn lựa. Trên cơ sở ấy, có một ông chủ đã từng hứa hẹn với người làm thuê : tôi đảm bảo công ăn việc làm của anh với điều kiện anh xách vợ con qua Roumanie, lao động ăn lương trong điều kiện xã hội và thị trường lao động ở Roumanie… Tùy cách đếm, khoảng 10-15% bàn dân PhuLăng ở tuổi lao động đang thụ hưởng hình thái của tự do kiểu ấy : tự do thất nghiệp, tự do sống bám vào trợ cấp xã hội ngày càng eo hẹp, rất nhục đối với đa số, hay tự do… ăn mày, ăn cắp, cướp giựt… hoặc tự do tự tử.
c/ Dân chủ. Niềm tin này của bàn dân PhuLăngXa đã và đang suy thoái trầm trong : một người một lá phiếu ! Nhưng bầu cho Tả (Đảng Xã Hội) hay Hữu (Đảng UMP), cũng thế thôi : 30 năm qua, lời mỵ dân thì khác nhau, càng ngày càng sáo, càng ngày càng ngập lụt dưới một đống "khái niệm" (concept !) mới  rỗng tuyếc, nhưng khi nắm chính quyền, chính sách như nhau với những hậu quả y hệt. Dân chủ giữa những con người bất lực.
d/ Hạnh phúc. Phức tạp lắm. Nhưng chỉ cần ăn no, mặc ấm, có mái nhà che mưa nắng gió tuyết, con cái được học hành, quá đủ rồi. Thế mà cũng vẫn là giấc mơ dường như bất khả thi với nhiều người, trong thời đại nhân loại thừa khả năng nuôi chính mình và, từ từ, cùng khá lên.
Những giấc mơ của nhân loại hôm nay do chủ nghĩa tư bản vay mượn của văn hoá tư sản khơi ra. Chính nó cũng đã tạo ra những điều kiện vật chất để thực hiện chúng ở một mức tối thiểu nào đó. Và chính nó đang ngăn cản chúng trở thành hiện thực đối với đại đa số. Món đó gọi là mâu thuẫn nội tại của phương thức sản xuất tư bản.

Một hình thái xã hội không bao giờ biến mất trước khi phát triển hết tất cả lực lượng sản xuất mà nó có khả năng chứa đựng. Không bao giờ những quan hệ sản xuất mới, cao cấp hơn, thay thế nó trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ sản xuất mới ấy đã nhú mầm ngay trong lòng xã hội cũ. Chính vì thế nhân loại chẳng bao giờ đặt ra những vấn đề ngoài những vấn đề mà nó có khả năng giải quyết, vì, xét cho kỹ, bản thân vấn đề chỉ xuất hiện khi những điều kiện vật chất để giải quyết nó đã có, hay, chí ít, đang hình thành.[4]
                            Marx, Phê phán kinh tế chính trị học.

Diễn nôm : phương thức sản xuất tư bản chưa phát triển hết khả năng của nó, chớ mơ tới một phương thức sản xuất nào hơn. Nhưng chính nó sẽ tạo ra những điều kiện vật chất loại trừ nó, thay thế nó bằng một phương thức sản xuất tốt đẹp hơn. Lúc đó, người đời mới bắt đầu đặt vấn đề về nó. Vì những điều kiện vật chất để giải quyết vấn đề, nếu chưa hiện thực đầy đủ thì cũng đang trong quá trình hình thành.
Bốn lý tưởng trên đã trở thành khát khao của một phần đông nhân loại. Tại sao mọi người chưa được hưởng ? That is the question. Vấn đề ở đó.
Phải chăng, hôm nay, những điều kiện vật chất để giải quyết những vấn đề này đã có hay đang nhú mầm, cho phép nhân loại bước qua một thời đại mới ?
Bước đó đòi hỏi nhiều tri thức, trí tuệ, sáng tạo, của cơ man người. Toàn là vấn đề kiến thức và văn hoá.
Trên bước đường đó, sẽ có tên một người Việt không ?
Tôi mong : có. Dân ta đã khổ, đã nhục quá rồi.

PHAN HUY ĐƯỜNG
2013-10-15



[2] Phía quân đội Pháp : chết = 2 293, tù binh = 11 721
http://fr.wikipedia.org/wiki/Bataille_de_Di%C3%AAn_Bi%C3%AAn_Phu#Organisation_du_camp_retranch.C3.A9
[3]Phát triển Kinh tế Trung Quốc đụng tường? Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008.
** phđ :
Cụm từ "nguồn lao động thặng dư nông thôn" vô nghĩa. Trong lịch sử môn kinh tế học lý thuyết, khái niểm thặng dư, plus-value, do Marx tạo ra (Tư Bản Luận), gắn liền với những khái niệm giá trị của hàng hoá, giá trị của sức lao động, giá trị thặng dư, giá trị siêu thặng dư. Định nghĩa mácxít của nó là : giá trị thặng dư = giá trị của hàng hoá - giá trị của sức lao động tạo ra hàng hoá. Nó là nguồn gốc của những hình thái kinh tế – chính trị như : lợi nhuận (của tư bản sản xuất, profit), tiền lời (của tư bản tài chính, intérêt) hay thuế (của nhà nước, impôts et taxe). Tuy là một khái niệm mácxít, dưới một tên chẳng khác gì về nội dung, valeur-ajoutée, nó đã được một công chức tài ba của PhuLăngXa vận dụng và chủ trương thành lập thuế TVA (Taxe sur la Valeur-Ajoutée). Chính trị gia PhuLăngXa chốp ý liền. Cả Châu Âu và thế giới mau chóng bắt chước. Ngày nay, TVA là thuế lớn nhất nuôi dưỡng Nhà Nước PhuLăngXa.
Có thể ông Krugman đặc biệt yêu chữ nghĩa, "khái niệm", dù rỗng tuếch, nên dùng từ "sâu sắc" để nói một ý tầm thường. Câu trên của ông, có thế có nghĩa trong ngôn ngữ thô thiển của tục dân : ở nông thôn Trung Quốc không còn người đang chết đói, muốn mua sức lao động của họ với giá nào cũng được. Cũng có thể. Nhưng điều này thì chắc chắn : ở những thành thị Trung Quốc, từ lao động thủ công tới lao động tri thức bậc cao, có đầy người tài năng ngang hàng với người Mỹ nhưng sẵn sàng bán sức lao động của mình cho hãng Mỹ rẻ hơn mười lần người Mỹ. Thế thôi. LôGích vận động của phương thức sản xuất tư bản sẽ dẫn ông chủ tư bản Mỹ đi tới quyết định nào ? Khỏi cần bàn.
[4] 4 "Une formation sociale ne disparaît jamais avant que soient développées toutes les forces productives qu'elle est assez large pour contenir, jamais des rapports de production nouveaux et supérieurs ne s'y substituent avant que les conditions d'existence matérielles de ces rapports soient écloses dans le sein même de la vieille société. C'est pourquoi l'humanité ne se pose jamais que des problèmes qu'elle peut résoudre, car, à y regarder de plus près, il se trouvera toujours, que le problème lui-même ne surgit que là où les conditions matérielles pour le résoudre existent déjà ou du moins sont en voie de devenir."
http://www.marxists.org/francais/marx/works/1859/01/km18590100b.htm

nguồn : ăn mày văn chương (amvc.fr)