Wednesday, January 15, 2014

Gửi người yêu và tin [thư số 10]

TỪ HUY 
Gửi em,
Anh đang tìm cách tự chữa cho mình, nhưng anh biết là không thể. Có lẽ anh chỉ làm được một việc duy nhất: nhìn lại cuộc đời anh trong ánh sáng của sự thật, đập vỡ bức tường kiên cố do anh xây lên bằng vôi vữa dối trá và gạch đá ảo tưởng, để mở một lối vào cái mình tăm tối của anh. Nhưng anh không chắc sẽ làm được điều đó. Cái gì là sự thật đây? Anh đã sống quá lâu trong thứ ánh sáng nhân tạo và lừa mị, giờ đây muốn đến được với mặt trời chân lý, quả thật không dễ dàng. Anh hầu như đã mất khả năng phân biệt ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Anh lấy nhân tạo làm tự nhiên và tự nhiên làm nhân tạo. Đèn nê-ông đối với anh tỏa ánh sáng của mặt trời rực rỡ, và mặt trời là cái đèn pin với luồng sáng hạn chế, yếu ớt, chỉ soi được cái vùng xung quanh cổ tay anh mà thôi.

Trên khắp cơ thể anh, không còn một tế bào nào sạch nữa, không còn một tế bào nào trung thực nữa. Tất cả đều nhiễm virus giả dối, nhiễm nặng. Tất cả mọi tế bào đều mang trong nó virus giả dối. Đến mức anh có thể nói lời yêu với bất kỳ phụ nữ nào anh ngủ cùng. Khi đến nhà nghỉ cùng với một gái mại dâm, người ta không nhất thiết phải nói ra từ yêu, ai cũng hiểu rằng đấy đơn thuần chỉ để giải quyết nhu cầu sinh lý. Nhưng anh có thể nói lời yêu với mọi cô gái bán dâm. Vì như thế anh có thể làm cho các cô cảm động mà yêu anh chăng? Anh biết các cô gái bán dâm là những người muốn được yêu nhất trên đời này, họ thừa các tiếp xúc thể xác và thiếu tình yêu. Một biểu lộ tình cảm nhỏ nhoi cũng khiến họ cảm động. Con người bị coi rẻ đến tột bậc lại sẽ dễ dàng cảm động khi có ai đó có một cử chỉ quan tâm đến họ. Anh hiểu điều này rất rõ. Anh đã từng phát khóc trước một vài biểu hiện tôn trọng của người nào đó, vào cái thời kỳ anh cho rằng bị rớt xuống đáy cùng của xã hội. Con người càng bị coi rẻ càng muốn được yêu mến, càng muốn được trải nghiệm cảm giác được người khác yêu mến.
Nhưng còn anh, khi đã có đủ mọi thứ, sao anh phải phung phí lời yêu dối trá như vậy? Anh cần được yêu, càng được nhiều người yêu càng tốt? Một vài cử chỉ, một vài lời nói, nhất là chút xíu lợi ích nào đó, anh không tiếc, anh muốn có được sự biết ơn và lòng yêu mến của rất nhiều người.
Anh chơi trò mua bán quá lâu rồi. Mua người khác và để cho người khác mua mình. Quy luật của trò chơi quyền lực ở đây đấy. Mua bằng tiền và khoác lên tiền lớp lụa tình cảm. Tình yêu mến trong trường hợp này, như em đã nhận thấy, chỉ là cái vỏ bọc, tấm màn che dấu đằng sau nó sự lợi dụng lẫn nhau, liên minh về lợi ích dấu dưới lớp mặt nạ yêu mến đó.
Càng nhiều tình cảm mua được càng ít tình cảm thật. Và càng thiếu tình cảm đích thực anh càng khao khát nó, anh lấy số lượng biểu hiện thay thế cho tình cảm đích thực.
Anh tự bán mình, anh bán anh, từng ngày từng ngày. Anh mua người khác và bán mình. Mua và bán là mặt phải và mặt trái của một tờ giấy. Khi mua cũng là lúc người ta bán. Người ta tự bán mình trong khi mua người khác, và người ta để cho người khác mua mình. Ròng rã như vậy suốt bao năm rồi. Bây giờ anh mới hiểu vì sao vợ cũ của anh nói rằng cô có cảm giác phải làm điếm khi ngủ với anh.
Còn có những sự mua bán anh không thể nào nói ra, dù chỉ nói riêng với em, dù chỉ nói với bản thân mình. Anh không thể, anh chưa đủ can đảm tới mức đó. Những vụ mua bán không còn ở trong phạm vi cá nhân, trong phạm vi tổ chức hẹp hay trong phạm vi quốc gia. Những vụ mua bán mà hậu họa khôn lường và khủng khiếp, ai cũng nhìn thấy rõ hậu họa, nhưng rồi chúng vẫn được tiến hành.
Không, anh không thể nói về những vụ mua bán đó.
Giờ đây anh sợ ”tình yêu mến”. Anh phải đặt mấy chữ đó trong ngoặc kép, dĩ nhiên, anh thừa biết đó không phải tình yêu mến thực sự. Người ta dùng nó để dung thứ cho tội lỗi của người khác và của chính mình. Một sự thỏa thuận rằng người này sẽ im lặng để người kia làm bậy. Người này sẽ ủng hộ người kia làm bậy và đổi lại cũng sẽ được người kia ủng hộ và im lặng trong bất kỳ trường hợp nào. Sự bảo vệ lẫn nhau, bảo vệ thanh danh của cả người này và người kia. Tình yêu mến như vậy là một cái áo chung khoác cho tất cả mọi người trong một tổ chức. Họ đồng lòng bảo vệ lợi ích của tổ chức và lợi ích của mỗi thành viên trong tổ chức đó.
Cái áo khoác mỹ miều ấy choàng lên mọi quan hệ mua bán. Than ôi, chính cái ”tình yêu mến” đó đã giết chết xứ sở này. Một trong những cái mụn lở loét của cái cơ thể bẩn thỉu và đầy ung nhọt. Cái mụn lở loét hôi thối ấy được bọc kín trong lớp vải đẹp đẽ của “tình yêu mến”. Điều này giải thích tại sao người ta có thể tự thỏa mãn, tự hài lòng, bất chấp các vấn nạn mỗi lúc một trầm trọng hơn.
Hình như lúc này anh hiểu tại sao có nạn đại hồng thủy trong kinh thánh, tại sao thành Sodom lại bị Chúa thiêu trụi. Con người băng hoại đến một mức nào đó sẽ không cứu chữa được nữa. Con người của anh đây, anh muốn lắm mà biết rằng không cách nào chữa khỏi. Huống hồ cả một xã hội như thế, chữa trị sao đây?
Cái nhà ông viết luận văn thuê ấy nói đúng: sự nghiệp của anh đúng là tiêu thật. Anh có vô số chức vụ, thuộc loại cao cấp, anh có danh giáo sư, anh có gần như đủ hết mọi thứ mà một người làm nghề anh ao ước, nhưng không có sự nghiệp. Sự nghiệp của một người cầm bút, mà anh mong muốn thuở ban đầu, đã chết cùng với sự thành đạt của anh trên các nấc thang xã hội. Anh có sách mà không có công trình. Anh chỉ còn nói lảm nhảm và viết lảm nhảm. Lúc đầu anh viết những bài báo, những cuốn sách, nói theo kiểu dân gian là bỏ hàng tấn muối vào đấy cũng không hết nhạt nhẽo. Chẳng có một ý tưởng nào của riêng anh, chẳng có sự mạnh mẽ của tư tưởng và chẳng có nhiệt huyết của tình cảm. Nhờ những cuốn sách nhạt nhẽo đó anh được phong phó giáo sư, rồi giáo sư. Còn sau đó, em biết đấy, đỉnh cao đậu ở Trí thức ca. Anh đã làm hại bao nhiêu thế hệ sinh viên, làm hại bao nhiêu người. Anh đã sản xuất ra những cái loa, để rồi dùng chúng phổ biến bài hát ru thê thảm của mình, làm suy yếu hàng bao nhiêu thế hệ.
Chẳng có cuốn sách nào của anh là sản phẩm trí tuệ của riêng anh hết. Chúng chỉ đơn thuần xào đi xáo lại. Những sản phẩm ăn cắp văn, ăn cắp ý tưởng. Chỉ có điều anh xào xáo giỏi nên người ta không phát hiện ra anh đạo văn. Xào xáo có gì khó đâu. Ví dụ, trong nguyên bản, người ta viết: ”A mạnh hơn B”, anh chỉ cần sửa thành “B yếu hơn A”, thế cũng xong. Đề tài người khác là “Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội”, anh sẽ sửa thành “Lộ trình kiến tạo chủ nghĩa xã hội”, nghe vừa mới vừa có vẻ học thuật. So với chán vạn những GS bê nguyên từng đoạn văn của người ta vào công trình, anh như thế cũng tử tế chán.
Anh đã từng đưa một anh chàng bị đánh nặng về tội đạo văn lên làm trưởng khoa. Nguyên tắc chọn lãnh đạo đấy, càng nhiều tì vết càng dễ nắm và dễ điều khiển, đồng thời càng tì vết càng chai lì với những chỉ trích của xã hội. Không có khả năng chai lì trước các chỉ trích không làm lãnh đạo được. Ngay từ khi mới khỏi bệnh anh đã hiểu rằng lương thiện và trung thực sẽ không được cất nhắc. Những người lương thiện và trung thực chỉ gây rắc rối mà thôi. Bộ máy cần có những người biết ”làm ăn” và biết “để yên cho người khác làm ăn”. Mà “biết làm ăn” trong giáo dục đại học bao hàm luôn cả biết đạo văn. Đào tạo như thế này, chỉ cho phép sản xuất ra loa thôi, buộc phải tụng niệm mãi một bài kinh ấy thôi, tụng niệm từ thế hệ này qua thế hệ khác, tụng niệm bằng cách đọc chép, thầy đọc cho trò chép lại (mà đọc có khi còn chưa chắc đã chính xác), không được phép suy nghĩ, đến cách tư duy còn không biết, đầu óc làm sao có thể sản sinh ra được ý tưởng mới? Lấy đâu ra ý tưởng mới, không đạo văn sao có công trình, sao có công bố, sao có thể được phong PGS, GS? Đến cả đạo văn mà còn không biết làm thì chẳng làm được gì hết.
Đạo văn, một tất yếu lịch sử. Đạo văn, hệ quả tất yếu của nền giáo dục này. Bản thân việc đọc chép chính là một hình thức đạo văn chứ còn gì nữa. Làm gì có chủ thể giáo dục. Nói “lấy học sinh làm chủ thể” là nói cho vui, bôi ra thành chương trình để các ông giáo học pháp hợp thức hóa tiền của nhà nước vào túi mình. Chứ thực tế, thầy không phải chủ thể mà trò cũng không phải chủ thể. Chỉ có một chủ thể duy nhất: ông Bộ Giáo dục. Và chủ thể duy nhất này là hiện thân của đường lối chính sách chung của đảng và nhà nước. Có thể nói nếu bên công giáo có tam vị nhất thể, ở đây có nhị vị nhất thể vậy. Đảng và Bộ tuy hai mà một, tuy một mà hai. Thế nên trong từ điển sau cách mạng xuất hiện từ mới: “đảng bộ”. Đảng đi liền với bộ, mà Bộ là hiện thân của đảng. Bộ nào cũng thế, chứ chẳng riêng gì Bộ Giáo dục.
Cái chủ thể của ông Bộ ấy áp lên toàn bộ nền giáo dục từ ngoài bắc vào trong nam. Quá trình giáo dục chỉ còn là việc truyền bá cái chủ thể duy nhất ấy mà thôi, truyền bá một cách hùng hổ qua quá trình đọc chép.
Đọc chép, một tất yếu lịch sử. Đôi khi thầy cô cũng ra câu hỏi cho có vẻ thảo luận, nhưng kết luận đã được hướng về một phương duy nhất, đã định sẵn, học sinh nào phát biểu ra ngoài cái hướng ấy sẽ bị nhận điểm không, bị thầy cô phản bác. Có thế thôi. Thảo luận trên lớp chẳng qua cũng chỉ cho có cái hình thức dân chủ. Nó hoàn toàn y chang việc lấy góp ý sửa đổi hiến pháp vậy. Lấy ý kiến cứ phải lấy, không lấy thì biết tiêu tiền bằng cách nào, chứ lấy xong rồi quốc hội cứ giữ nguyên ý mình, đố dân làm gì được. Ở lớp học có khác gì đâu, học sinh phát biểu cứ phát biểu, kết luận đã được thầy cô chuẩn bị sẵn rồi. Thảo luận chỉ là màn dân chủ trá hình cho việc đọc chép diễn ra một cách suôn sẻ hơn tí chút. Đã tham gia vào quá trình đọc chép đó còn có thể làm gì khác ngoài đạo văn. Đạo văn hợp pháp, đạo văn được cho phép, được bảo lãnh. Đạo văn ư, có gì đâu mà phải ngượng, có gì đâu mà phải xấu hổ.
Nhưng có đôi chút khác biệt giữa việc đạo văn để lấy điểm trong lớp học và đạo văn để công bố thành công trình. Đạo văn để lấy điểm trong lớp học cho phép người học có được cái bằng, còn đạo văn để công bố cho phép người ta trở thành tác giả, trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Chỉ có chút khác biệt đó thôi. Những người biết và dám đạo văn để công bố mới thực đáng mặt làm lãnh đạo. Chẳng có gì khó hiểu khi thỉnh thoảng báo chí lại đưa tin hiệu trưởng trường nọ, hiệu trưởng trường kia đạo văn.
Đạo văn cũng giống như tham nhũng ấy mà. Đạo văn chính là tham nhũng ý tưởng. Không đẻ ra được ý tưởng thì phải tham nhũng của người khác, phải lấy ý tưởng của người khác làm của mình. Chứ còn biết làm sao? Tham nhũng tiền bạc, tài chính cũng có cùng một cơ chế ấy thôi. Không sản xuất ra được gì, không đủ năng lực làm ra tiền, mà lại phải sống, xây nhà, mua ô tô, cho con cái du học, nuôi bồ xinh đẹp, nên phải tham nhũng, phải lấy tiền của nhà nước và của người khác làm của mình. Chứ còn biết làm sao? Tham nhũng dĩ nhiên là một tất yếu lịch sử, hệ quả tất yếu của nền chính trị muôn vị nhất thể này. Muốn làm lãnh đạo không thể không biết tham nhũng. Muốn làm lãnh đạo giáo dục phải biết kết hợp hai trong một: tham nhũng và đạo văn.
Khi anh không còn làm chuyên môn được, khi anh biết rằng các bài viết của anh, các cuốn sách của anh chỉ để làm cái loa tuyên truyền cho những chủ trương vừa hài hước vừa phản động, kìm hãm sự phát triển, anh lại càng cần những lời tán dương, tâng bốc. Những lời tụng ca đó giúp anh quên đi cái tồi tệ của ngòi bút và con người anh. Người ta phải có lý do để khen mình, để ngưỡng mộ mình chứ, nên chẳng có gì mà băn khoăn. Lâu lâu nếu không được trực tiếp nghe ai tán tụng, anh lại tìm cách nào đó, tổ chức một bữa tiệc, gọi mọi người đi nhậu, viết một bài đầy những lời hoa mỹ kêu gọi chấn hưng văn hóa và giáo dục… Tác dụng ngay lập tức và rõ rệt, xung quanh anh lại tràn đầy những lời chúc mừng dễ chịu.
Rất nhanh anh nhận ra rằng nếu anh cứ nói những lời tốt đẹp mang tính công thức, chung chung, dạng như các châm ngôn, anh sẽ được tất cả mọi bên kính trọng. Cho dù anh làm gì, làm như thế nào trong thực tế, miễn là anh có thể viết những diễn ngôn đẹp, với các ngôn từ kêu vang, anh sẽ thu phục được lòng người. Cả bên thống trị lẫn bên bị trị. Cả phe độc tài lẫn phe dân chủ. Những diễn ngôn mà em cấp cho cái tính từ “long lanh” ấy.
Bằng những diễn ngôn long lanh đó anh kêu gọi người khác làm những việc anh không làm. Anh chẳng cần cảm thấy xấu hổ gì cả. Khắp nơi, ai ai cũng kêu gọi người khác làm cái điều mà họ không làm. Ai ai cũng chờ đợi người khác làm cái điều mà họ không làm. Và những người được kêu gọi đều hiểu, đều biết rằng người kêu gọi chẳng hề thực hiện điều mình kêu gọi. Do vậy, họ nghe rồi để đó. Trong thực tế, họ làm theo những gì mà người kia làm, và bỏ quên những gì mà người kia kêu gọi. Giống như các bài học trong nhà trường, những bài học tuyệt hay và tuyệt đẹp, nhưng thi xong học trò quên hết, để lại hết trong sân trường, họ sẽ quên các bài học để nhanh chóng bắt chước hành động thực của các thầy cô. Thế hệ này qua thế hệ khác, người ta tiếp tục viết và phát biểu những diễn ngôn tuyệt đẹp, và người ta cũng tiếp tục thực hiện những chuyện bẩn thỉu. Phủ khắp sách vở báo chí là những diễn ngôn chứa những điều hay ho tốt đẹp. Và phủ khắp đất nước là hậu quả thê thảm của những hành động tồi tệ và xấu xa. Người ta vẫn không ngừng sản xuất những diễn ngôn đẹp đẽ. Anh là một trong những người rất giỏi sản xuất các diễn ngôn thuộc loại này. Anh luôn chói sáng trên các mặt báo và mặt TV nhờ những phát biểu kiểu đó. Anh đã khai thác tối đa các lợi ích của chúng. Và anh càng tỏa sáng, càng được ngưỡng mộ, thực tế càng đen tối hơn. Nhưng anh chẳng quan tâm đến thực tế, anh chỉ cần sống với các diễn ngôn là đủ. Diễn ngôn mang lại cho anh danh tiếng và tiền bạc, còn thực tế, nó như vậy, làm sao cải tạo được, tốt nhất anh đừng đụng đến thực tế.
Khi có ai đó muốn làm điều gì đó, ngay lập tức anh ngăn lại: “Thôi quên đi, chẳng làm được gì đâu”. Anh luôn lặp lại mệnh đề đó khi cần: “Chúng ta chẳng làm được gì đâu”. Bằng cách đó đưa sự chấp nhận và phục tùng lên thành nguyên lý. Anh nâng sự bất lực lên thành nguyên lý và bắt người khác phải bất lực.
Không, anh nói dối đấy. Thực ra, khi nói như vậy anh đang tiếp tục tự lừa dối mình, và lừa dối em nữa. Anh không đụng đến thực tế, không phải vì không thể cải tạo nổi nó, mà vì, chủ yếu là vì, thực tế đó giúp anh trục lợi. Siêu thu nhập của anh được đảm bảo nếu thực tế tiếp tục được duy trì như thế. Thay đổi nó đi, quyền lợi của anh cũng sẽ mất đi ít nhiều, mất đi rất nhiều. Sự thực là như vậy đó em. Anh sẽ không làm gì để thay đổi thực tế, trái lại cố tận dụng tình thế làm lợi cho bản thân. Nhưng nếu có những thay đổi mà không ảnh hưởng gì đến anh, thậm chí còn có lợi, thì anh chẳng hẹp hòi gì mà không ủng hộ.
Thực ra anh không hề quan tâm đến cải cách, đến phát triển, đến đạo đức… Anh phải nhắc đến cho có vẻ cấp tiến, chứ những thứ đó thật vô tích sự đối với anh. Khi anh đã mặc cái áo sơ mi giá 12 triệu đồng, rửa mặt trong cái lavabo giá 60 triệu đồng, đã tắm trong cái bồn giá 100 triệu đồng, ngủ trên cái giường giá 200 triệu đồng, đi cái xe ô tô giá 4 tỷ đồng, ở trong ngôi nhà 12 tỷ đồng…, cứ thế kéo dài danh sách, thì có ai lên giọng đạo đức anh chỉ còn thấy buồn cười. Đạo đức chỉ dành cho những kẻ đói ăn. Chỉ có những kẻ không có tiền mới phải lấy đạo đức ra hãnh diện. Thỉnh thoảng đọc trên tờ ”Luồng sáng” thấy một con mẹ nhà quê giảng giải về đạo đức, anh biết ngay con mẹ ấy gặp khó khăn về tài chính. Có thể không phải nhà quê, nhưng cứ hễ ai ra giọng đạo đức là lập tức trở thành nhà quê. Đầu anh thò ra phía trên cái áo sơ mi giá 12 triệu, và những ý nghĩ trong cái đầu ấy như thế đấy. Em có tin nổi không? Anh đã nghĩ như vậy. Sao em còn có thể yêu anh?
Anh phải nói thật với em, đứng ở những vị trí mà anh đang đảm nhiệm, anh không thể nhân đạo, không thể có trách nhiệm, nếu sự nhân đạo và hành động có trách nhiệm ấy đi ngược lại với lợi ích của tổ chức. Chỉ cần anh tỏ ra có trách nhiệm thôi là cả bộ sậu của anh sẽ phối hợp lại với nhau và hất anh ra ngoài. Vậy anh phải lựa chọn, hoặc là vô trách nhiệm và chia chác lợi ích với cả nhóm, hoặc là có trách nhiệm và tự loại mình ra ngoài. Còn đấu tranh chống tiêu cực thì không thể, anh đã thề trước cờ rằng sẽ không làm gì để hại đến tổ chức. Phê bình nội bộ còn chấp nhận được, chứ đấu tranh công khai không bao giờ được, vì như thế có nghĩa là phản lại tổ chức. Tuy nhiên, để mị dân, anh lại phải công khai kêu gọi đấu tranh chống tiêu cực. Và hễ có người nào chống tiêu cực thật, anh liền sa thải hoặc cho dựng lên các vụ án để bỏ tù. Được phép kêu gọi nhưng cấm làm thật. Sống chết gì cũng phải bảo vệ tổ chức, mà cách bảo vệ tốt nhất là tổ chức luôn giữ vững danh hiệu trong sạch và vững mạnh. Được phép kêu gọi, bởi kêu gọi muốn nói rằng tiêu cực diễn ra ở đâu đó, không liên quan gì đến tổ chức của anh. Không được phép làm thật, vì làm thật chứng tỏ rằng có tiêu cực trong tổ chức của anh. Không, điều đó không thể xảy ra. Tổ chức của anh phải luôn vững mạnh và trong sạch.
Tổ chức của anh luôn trong sạch và vững mạnh. Danh hiệu thi đua năm sau cao hơn năm trước. Anh lại rất giỏi giang. Nhân viên của anh cũng giỏi giang. Vậy sao người ta cứ nói hoài chuyện giáo dục xuống cấp nhỉ? Thật vô lý! Anh có thể đưa ra hàng trăm cái lý để chứng minh rằng mọi thứ đều rất tốt, rất hoàn hảo, rằng thành tích rất đáng kể. Vậy đó em. Với những kẻ có đầy đủ lý lẽ để tự lừa dối bản thân mình, người khác đừng mong có thể thuyết phục được.
Bây giờ có lẽ anh hiểu vì sao em ngừng trả lời anh. Lý lẽ có thể giúp một người mù quáng tỉnh ngộ, nhận ra sự thật. Lý lẽ có thể giúp một người lầm lạc nhận ra sai lầm. Nhưng lý lẽ không thể giúp gì cho những người cố tình mù quáng. Họ đã chuẩn bị sẵn hết các lý để đập lại, hoặc lờ tịt, không thèm đếm xỉa đến lý lẽ.
Bây giờ anh phải nói thế này: những người dân đáng thương, họ bị lừa, và họ tin, rồi họ sẽ tỉnh ngộ. Có thể hơi lâu, nhưng họ sẽ tỉnh ngộ. Còn đám trí thức như anh hiểu rõ mọi thứ nhưng tự nguyện để cho người khác lừa mình, tự lừa dối mình, và đi lừa người khác, rất ít có khả năng tỉnh ngộ. Không phải là không tỉnh, mà không muốn tỉnh, do đó không thể tỉnh được. Bọn anh có đầy đủ phương tiện để tự lừa dối mình và lừa dối người khác. Có một số tỉnh, nhưng cứ nằm lỳ trên giường, không dậy được. Họ cứ thế ở trên giường mà đi tiếp cho đến tận cuối đời.
Một khi đã đứng vào hệ thống, anh sẽ bảo vệ nó đến chết, bất kể nó tồi tệ đến mức nào. Anh được hưởng lợi từ nó. Anh đồng nhất mình với nó, ai nhận xét bất lợi về nó là anh có thể nổi khùng, thậm chí còn cắt đứt quan hệ. Không thể phê phán hệ thống trước mặt anh. Dĩ nhiên, để hợp lý hóa sự trung thành của mình, anh sẽ biện minh cho nó, anh sẽ biến nó từ xấu thành đẹp, từ con giun thành con rồng. Anh chỉ còn nhìn thấy mặt tích cực của nó. Hoặc cao tay hơn, phải biết cách giải thích những gì tiêu cực thành ra tích cực. Do đó cuộc đời lúc nào cũng đẹp tươi. Do đó thật kỳ cục cho những kẻ cứ rầu rĩ suốt ngày, chẳng có lí do gì để rầu rĩ cả. Còn những kẻ cứ kêu gào về các nguy cơ trong tương lai nữa, tương lai đã đến đâu mà lo. Anh chỉ biết anh có đủ các thứ cần thiết. Những kẻ lo cho tương lai ấy, hiện tại của mình còn không lo được mà cứ loay hoay hoài, rách việc.
Anh làm như vậy đó em. Anh nghĩ như vậy đó. Nếu biết anh như thế, em còn yêu anh được không?