Wednesday, January 15, 2014

Tượng Đài Ngôn Ngữ Việt,


Nhớ lại tự lực văn đoàn 
Tưởng Niệm 50 Năm Ngày Nhà Văn Nhất Linh Cất Cánh Bay Xa

WESTMINSTER (VB) — Cuộc triển lãm và hội thảo về Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn tại hội trường Nhật Báo Người Việt đã hoàn mãn hôm Chủ Nhật 7-7-2013.
Liên tục hai ngày Thứ Bảy 6-7 và Chủ Nhật 7-7-2013 đã mang tới quá nhiều thông tin, trong đó có những chi tiết lần đầu được trình bày bởi thế hệ hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn, đã gây sự chú ý từ  những người quan tâm tới văn học.
Dự kiến, theo lời nhà văn Phạm Phú Minh, Trưởng Ban Tổ Chức, sẽ có ấn bản DVD quay phim 2 ngày triển lãm và hội thảo này cho những người muốn giữ làm tài liệu.
Theo lời nhà thơ Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả, cuộc triển lãm và hội thảo 80 năm Tự Lực Văn Đoàn thành lập và 50 năm ngày nhà văn Nhất Linh tự hủy thân là một cơ hội rất hiếm hoi, vì cơ duyên này rất hiếm và thời gian cũng không còn nhiều đối với một số nhân vật liên hệ.
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, 90 tuổi, là con rể nhà thơ Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu đã kể về những kỷ niệm với nhà thơ trào phúng độc đáo này, từ kỷ niệm về Làng Láng và về cách cụ Tú Mỡ đặt tên 8 người con qua thơ:

Năm trai, ba gái, tám tên,
Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vỹ, Cường.
Phu nhân của  nhà văn Doãn Quốc Sỹ tên Thảo, là người con thứ 3 của nhà thơ Tú Mỡ.
Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai và là đại diện gia đình Nhất Linh, đã kể lại với chủ đề “Đi Tìm Nhất Linh,” trong đó cho thấy tháng 7 là con số định mệnh của cụ Nhất Linh.
Đúng 60 năm trước, Nhất Linh viết rằng, “Có ích nhất trong đời tôi là thành lập Tự Lực Văn Đoàn,” theo lời kể của Nguyễn Tường Thiết.
Và đúng 50 năm trước, vào ngày 7-7-1963, Nhất Linh tự hủy mình. Như thế là thọ 58 tuổi, 1906-1963, tròn sự nghiệp 40 năm.
Nguyễn Tường Thiết kể rằng, Nhất Linh làm thơ từ năm 10 tuổi, 16 tuổi có thơ đăng báo của Nguyễn Văn Vĩnh, 18 tuổi học Trường Thuốc, viết báo Nam Phong, 19 tuổi lấy vợ, 20 tuổi viết “Người Quay Tơ,” 21 tuổi vào Sài Gòn dự tang lễ cụ Phan Chu Trinh, bị mật thám truy bức phải trốn sang Cam Bốt, rồi đi Tây học, 24 tuổi về nước với bằng Cử Nhân Khoa Học và vào dạy ở Trường Thăng Long, nơi đây quen Khái Hưng và rủ nhau làm báo, viết văn – năm 27 tuổi lập Tự Lực Văn Đoàn, nghĩa là tròn 80 năm.
Khi Nhất Linh cưới vợ, đã nói minh bạch với vợ rằng “em có nhiệm vụ ở nhà, còn anh có nhiệm vụ với xã hội…”
Nguyễn Tường Thiết nói, nếu cụ Nhất Linh muốn làm giàu thời đó thì văn bằng Cử Nhân Khoa Học có nhiều cơ hội, chứ còn làm báo thì lương lại quá thấp.
Nguyễn Tường Thiết nói, Nhất Linh là nghệ sĩ, suốt đời vì Chân Thiện Mỹ, và mới năm ngoái công ty Sothebys có đấu giá một họa phẩm, tả cảnh một phiên chợ, của Nhất Linh, ký tên là Tam… vì lúc đó, cụ chưa ký tên Đông Sơn (khi vẽ minh họa cho báo) và cũng chưa ký tên Nhất Linh vì đó là tấm tranh đầu tay.
Nguyễn Tường Thiết kết thúc bằng dẫn một câu của Andre Gide được Nhất Linh ghi lại trong truyện “Hai Vẻ Đẹp,” rằng “nên tự hiểu rằng đời người luôn luôn có thể đẹp đẽ hơn. Đời anh và đời mọi người.”
Tất cả trong hội trường hôm Chủ Nhật đã được nhà văn Đỗ Quý Toàn mời đứng lên trang nghiêm tưởng niệm tròn 50 năm nhà văn Nhất Linh tự hủy mình. Nhà văn Đỗ Quý Toàn nói: “Hôm nay ngày giỗ Nhất Linh, chúng ta tưởng niệm cụ, và ước mơ các thế hệ trẻ sẽ nuôi dưỡng mãi tinh thần Nhất Linh.”
Cũng cần nhắc rằng, vào ngày 7-7-1963, Nhất Linh đã tự hủy mình sau khi để  lại bản di chúc bất tử: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do”.
Kế tiếp Giáo sư Minh Thu, đại diện gia đình Hoàng Đạo (tên thật Nguyễn Tường Long), kể về những kỷ niệm với cha, một nhà văn mà mẹ của Giáo sư kể là tính có vẻ lạnh lùng. Nhưng Hoàng Đạo đã chơi trò chơi với các con, như ném giấy, đánh ping-pong, vật lộn. GS Minh Thu kể là vẫn còn nhớ thời đi với ba ra biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) còn hình chụp đứng nơi Hòn Trống Mái. Hoàng Đạo mê kiếm hiệp Tàu. GS Minh Thu kể là khi thuê sách Phong Thần về, “ba tôi cầm nay đọc trước, nói rằng con (lúc đó GS MInh Thu 10 tuổi) chưa nên đọc vì ba phảỉ đọc trước đã.” Hoàng Đạo đã từng bị Pháp bắt, đưa đi lưu đày cùng với Nguyễn GiaTrí, Khái Hưng… ở Vụ Bản, Hòa Bình.
Rồi Nhật dội bom Hà Nội, Hoàng Đạo lấy xe chở cả nhà đi sơ tán. Hình ảnh cuối mà GS MInh Thu nhớ về cha là khi Hoàng Đạo nói là sẽ đi họp về hòa giải để liên minh chống Pháp. Nhưng chuyện thất bại, Hoàng Đạo trốn sang Trung Quốc. Rồi có tin Hoàng Đạo chết trên một chuyến tàu từ Hồng Kông tới Quảng Châu, một cái chết đầy nghi vấn, chưa có giảỉ đáp.
Kế tiếp, Bác sĩ Nguyễn Tường Giang, con trai của Thạch Lam, kể rằng ông mới sinh 3 ngày thì Thạch Lam chết vì bệnh lao. Do vậy, BS Giang kể kỷ niệm dựa vào bài viết của chị là bà Nguyễn Tường Nhung. Thạch Lam mất vì bênh lao phổi, làm việc quá sức, vì phảỉ phụ trách nhà in, vừa viết báo, vừa viết truyện.
Thạch Lam có người phu xe thường trực, nhưng nhiều khi tự ý đi bộ vì thấy thương người phu xe mệt nhọc. Thạch Lam là nhà văn nghèo, từ trần để lại vợ và 3 con, may nhờ bà mẹ của Thạch Lam đưa cả nhà lên Cẩm Giàng, rồi chạy loạn lên Yên Thế…
Tiếp theo, Giáo sư Kawaguchi Kenichi nói về đề tài “Tự Lực Văn Đoàn và Văn Học Hiện Đại VN.”  GS Kawaguchi đã về hưu, nguyên dạy Đại học Ngoại ngữ Tokyo, đã dịch nhiều tác phẩm Việt Nam sang tiếng Nhật (trong đó có Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, và một tuyển tập truyện ngắn của Thạch Lam).
GS Kawaguchi nói vì thời lượng ngắn, nên chỉ tập trung vào ba nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng và Thạch Lam. Phần kết luận, GS Kawaguchi nói: “Tự Lực Văn Đoàn là nhóm văn học chính thống đã có những đóng góp rất quan trọng trong quá trình hình thành văn học hiện đại VN.”


Hàng trên, từ trái: Tưởng niệm 50 năm Nhất Linh tự hủy mình; Hội trường đông người. Hàng dươi, từ trái: BS Trần Ngọc Ninh, Phạm Phú Minh; GS Kawaguchi, Đặng Thơ Thơ, Đỗ Quý Toàn.

Tiếp theo, Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc — nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam. — nêu ra chủ đề đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn.
Theo ông, so với tất cả các văn đoàn trước kia (từ Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú thời vua Lê Thánh Tông, tới Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích, tới Tùng Vân Thi Xã của Tùng Thiện Vương) Tự Lực Văn Đoàn sôi nổi nhất, tích cực nhất, thành công nhất, quan trọng nhất, có công nhất trong việc hình thành văn học VN, chịu nhiều oan khiên nhất trong nửa sau thế kỷ 20.
Theo GS Nguyễn Hưng Quốc, Tự Lực Văn Đoàn là nhóm quan trọng nhất trong lịch sử cả ngàn năm văn học VN nói chung, và có 5 điểm chính:
- hình thành thế hệ nhà văn, nhà thơ Tây học, sống được bằng viết văn và làm thơ và do vậy liên tục thay đổi phong cách, bút pháp.
- Hoàn thiện được thể văn tiểu thuyết.
- Thúc đẩy phong trào Thơ Mới, qua Thế Lữ, Xuân Diệu… có tài năng, có lý luận.
- Cổ xúy chủ nghĩa cá nhân, đề cao tự do cá nhân, bình đẳng giữa người với người.
- Có công với văn xuôi VN, làm cho giản dị, trong sáng và tiếng Việt thành ngôn ngữ nghệ thuật.
GS Nguyễn Hưng Quốc cũng nói, dù vậy, vẫn có một số nhà lý luận phê bình — như Trường Chinh, Vương Trí Nhàn — đã nhìn về Tự Lực Văn Đoàn một cách bất công.
Những diễn giả buổi chiều Chủ Nhật cũng nêu lên nhiều vấn đề quan tâm, độc đáo.
GS Trần Huy Bích nói về ảnh hưởng Tự Lực Văn Đoàn đối với Phong Trào Thơ Mới, cung cấp cho Thơ Mới nhiều nhà lý luận, và đồng thời là nhiều thi sĩ Thơ Mới xuất sắc như Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu… và rồi qua các giaỉ thưởng văn học đã trao cho các nhà thơ như Tế Hạnh, Anh Thơ, Nguyễn Bính….
TranDoanNho
Nhà văn Trần Doãn Nho
Trong khi đó, nhà văn Trần Doãn Nho phân tích về văn phong Tự Lực Văn Đoàn, nói rằng qua đây văn chương VN đã được Việt Nam hóa hoàn toàn. Theo Trần Doãn Nho, “Chúng ta không thoát nổi Tự Lực Văn Đoàn,” khi ông đọc nhiều đoạn văn điển hình từ các nhà văn này. Cuối cùng, Trần Doãn Nho nói rằng, “Hôm nay 7-7-2013, tròn 50 năm, và Nhất Linh là một nỗi nhớ xa xôi…”
Nhà văn Trần Mộng Tú nói về tình yêu trong tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn, mà theo bà đó là cuộc cách mạng trong văn học VN: phụ nữ bức phá ra khỏi Tam Tòng, đòi tự do luyến ái, bình đẳng, vượt qua hàng rào giai cấp, nói thẳng về cảm xúc của người đàn bà góa muốn bày tỏ tinh yêu và đi thêm bước nữa, tôn trọng cả những cô gái điếm… Bà nói, đó là những điểm chưa từng được nói trước thời Tự Lực Văn Đoàn.
Cuối cùng, bà cảm xúc nói, với giọng nghẹn ngào, rằng đúng ngày này 50 năm trước, Nhất  Linh, con chim đầu đàn của Tự Lực Văn Đoàn, đã tự chọn cái chết im lặng, bí thống và cất cánh bay thật xa.
Nhà văn Đặng Thơ Thơ, trong nhóm chủ biên Da Màu và là cháu ngoại của Hoàng Đaọ, nói về chủ đề “Nhìn Lại Hoàng Đạo,” nói về một Hoàng Đạo lý thuyết gia, nhà văn, nhà cách mạng, và phân tích về tính hậu hiện đaị trong 3 tác phẩm: Trước Vành Móng Ngựa, Hậu Tây Du, Những Cuộc Phỏng Vấn Không Tiền Khoáng Hậu. Theo bà, văn Hoàng Đạo đã đi xa cả nhiều thập niên đối với phong trao hậu hiện đại: tính phần mảnh, liên văn bản, giễu nhại…

Hàng trên, từ trái: GS Kawaguchi, Trần Mộng Tú, Đặng Thơ Thơ, Phạm Thảo Nguyên. Hành dưới, từ trái: Trần Huy Bích, Nguyễn Hưng Quốc, Trần Doãn Nho, Ngự Thuyết.

Kế tiếp, nhà văn Ngự Thuyết nói về Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, nói đây là một trong vài đỉnh cao nhất của văn học VN.
Cuối cùng trong ngày là nhà văn Phạm Thảo Nguyên (con dâu Thế Lữ), kể rằng Tự Lực Văn Đoàn đã hy sinh, sống chật vật nhiều năm mới có đủ tiền mua máy in. Như trường hợp, Nhất Linh khi dạy học ở Thăng Long mang về nhà mỗi tháng 200 đồng, nhưng khi làm báo thì chỉ mang về nhà có 20 đồng, nghĩa là chỉ 1/10. Các nhà văn, nhà thơ khác cũng thế, vì lòng yêu nước và yêu văn học mà họ làm việc.
Khi mua được máy in, số báo Ngày Nay 208 đã ra câu đối và mời độc giả đối: Ngày nay Ngày Nay in nhà in nhà (nghĩa là, bây giờ báo Ngày Nay không còn in ở ngoàì nữa).. Nhưng rồi chỉ in có 16 số báo là bị Tây rút giấy phép. Nghĩa là, 401 số báo Ngày Nay, chỉ có 16 số in ở nhà in nhà.
Bà kể, họ không nuôi nổi gia đình bằng nghề báo, họ sống thanh bạch. Còn trường hợp Hoàng Đạo không đưa được đồng xu nào về nhà, quán xuyến đều là bà Hoàng Đạo gánh vác. Còn bà Thế Lữ hành nghề bà lang chưã bệnh, làm thuốc.
Nhất Linh là nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ, chiến sĩ… nhưng tự hàò nhất là hàn sĩ.
Trong một bữa cơm, gia đình có lúc buồn phiền vì nghèo — lúc đó, cụ bà Nhất Linh buôn cau — nhà văn Nhất Linh đứng lên, nói: “Mình phải hãnh diện vì nhà mình nghèo chứ.”
Trước đó, hôm Thứ Bảy, Đỗ Quý Toàn đã nói về “Phong trào Nhà Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn.”
Theo ông: “Hội Ánh Sáng của báo Ngày nay và Tự Lực Văn Đoàn đã gây nên một phong trào văn hóa xã hội ở nước ta vào cuối thập niên 1930.”
Cũng hôm Thứ Bảy, Giáo Sư Trần Khánh Triệu nói về kỷ niệm với cha nuôi là nhà văn Khái Hưng, cũng như không khí trong tòa soạn, nơi các tụ họp Tự Lực Văn Đoàn, với các họa sĩ Nguyễn Gia Trí và Tô Ngọc Vân, với các nhà thơ như Tú Mỡ và Huy Cận…
Cũng hôm Thứ Bảy, Nhạc Trưởng Lê Văn Khoa nói về những ca khúc đầu tiên của âm nhạc VN, trong đó có sự xuất hiện của Tự Lực Văn Đoàn với nhạc sĩ Nguyên Xuân Khoát, Thẩm Oánh… Nhạc Trưởng Lê Văn Khoa cũng mời hai ca sĩ lên hát minh họa một số ca khúc ngắn.
Buổi chiều Thứ Bảy, họa Sĩ Ann Phong nhận xét về tính mỹ thuật trong tranh trên báo Phong Hóa-Ngày Nay, về nét thuần Việt, hiển lộ ý trong tranh mà không thua báo quốc tế nào.
Cũng chiều Thứ Bảy, cô sinh viên người Nhật, Aki Tanaka, khoa ngoại ngữ của Đại Học Tokyo, từng sống nhiều năm tại nhiều thành phố ở Việt Nam, giỏi tiếng Việt, say mê đọc Tự Lực Văn Đoàn.
Nhà văn Chân Huyền đã nói với phóng viên VB rằng dịp Triển Lãm và Hội Thảo này hiếm lắm.
Đúng là thế, nhà văn Doãn Quốc Sỹ 90 tuổi rồi. Nhà văn Phan Tấn Hải nói với phóng viên rằng, “Tự Lực Văn Đoàn đã để lại một sự nghiệp khổng lồ: họ đã tự hóa thân vào tiếng Việt và làm mới ngôn ngữ này, và đó là tượng đài bền vững nhất của lịch sử dân tộc.”
Hội Thảo diễn ra sôi nổi với điều hợp của Đinh Quang Anh Thái, Phạm Phú Minh, Đỗ Quý Toàn, Bùi Bích Hà, Ysa Lê…
Tham dự cũng có nhiều nhà nghiên cứu từ Viện Việt Học như BS Trần Ngọc Ninh (cựu Bộ Trưởng Giáo Dục), Nguyễn Minh Lân, Đỗ Lệ Hương, Lê Trung Cang… từ văn giới, báo giới có nhà văn Nhã Ca, Hòa Bình, Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả, Huỳnh Hữu Ủy, Võ Thắng Tiết, Đặng Phú Phong…

Tự Lực Văn Đoàn: 80 năm ảnh hưởng không ngừng
Saturday, July 06, 2013 7:18:19 PM
Hội Thảo Phong Hóa-Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn
Hà Giang & Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER (NV) Hội Thảo về Phong Hóa-Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn bước sang ngày thứ hai, nói về, và cũng để tái khẳng định, vai trò tiên phong của Tự Lực Văn Ðoàn đối với thơ văn Việt Nam. Mở đầu buổi hội thảo, nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai út nhà văn Nhất Linh, ngỏ lời cảm tạ ban tổ chức, tất cả đồng hương đến tham dự buổi hội thảo, được tổ chức đúng vào ngày giỗ của Nhất Linh, mà ông xem như một lễ tưởng niệm trang trọng nhất cho thân phụ.

GS Kawaguchi: “Ðóng góp lớn nhất cho sự thành hình văn học hiện đại Việt Nam là nhóm Tự Lực Văn Ðoàn.” (Hình: Triết Trần/Người Việt)

Rồi tâm tình với cử tọa về hành trình “Ði Tìm Nhất Linh” của mình, nhà văn Nguyễn Tường Thiết mở lời: “Cách đây đúng 60 năm, cũng vào một buổi trưa Chủ Nhật như trưa nay, bố tôi tâm sự với người con trai út của mình rằng công việc tốt đẹp nhất, đóng góp lớn nhất của ông cho đời là việc thành lập Tự Lực Văn Ðoàn.”
Hành trình đi tìm Nhất Linh, với ông, là một hành trình dài và lặng lẽ, vì khi “muốn tìm hiểu thì cha đã không còn trên dương thế.”
Sự kiếm tìm miệt mài, cuối cùng đã đưa đến cho nhà văn Nguyễn Tường Thiết một kết quả hài lòng, tạm trả lời được câu hỏi tại sao một con người đa tài như thân phụ của ông, đã bỏ một cuộc sống có thể sung túc hơn nhiều, gác một bên trách nhiệm gia đình, để chọn hướng đi “canh tân đất nước bằng văn hóa,” theo đuổi vẻ đẹp cao cả của cách mạng, làm cho cuộc đời đẹp lên – đời ông và đời của tất cả bao người khác.
Bài nói chuyện của Nguyễn Tường Thiết chấm dứt trong tràng vỗ tay vang dội, và cử tọa cùng nhau đứng lên trong một phút mặc niệm Nhất Linh.
Hình ảnh của nhà văn Hoàng Ðạo trở nên gần gũi hơn khi mọi người được nghe Giáo Sư Minh Thu, con gái đầu lòng của ông, kể lại những kỷ niệm gia đình với cha mình, một người mà theo bà, bị nhiều người cho là “dè dặt lạnh lùng” nhưng với gia đình rất vui vẻ, thân thiết.
Tương tự như hoàn cảnh của Giáo Sư Trần Khánh Triệu, con nuôi nhà văn Khái Hưng, lần cuối Giáo Sư Minh Thu gặp thân phụ là lần bà chứng kiến dịp cha mẹ mình chuyện trò trước khi nhà văn Hoàng Ðạo lên đường đi lo việc nước.
Bà Minh Thu tâm sự: “Hôm ấy, nhìn vào khuôn mặt ba trong gương, tôi không ngờ là ông không bao giờ trở về nữa. Chuyến tàu Hồng Kông-Quảng Châu đưa ông ra đi với tôi luôn là một điều bí ẩn.”
Phần nói chuyện của Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang, con trai út nhà văn Thạch Lam về bố có lẽ làm mọi người xúc động nhất: “Nói về cha với tôi là một điều thật khó, vì khi ông mất tôi mới có ba ngày tuổi” và “là một đứa trẻ mồ côi, tôi không biết mình thương bố hay không thương bố nữa.”

Cử tọa cảm thương hơn khi Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang tâm sự rằng trước khi ông ra đời, cha ông đã bị lao phổi nặng, và một người xem tử vi đoán rằng nếu mẹ ông hạ sinh con gái thì chồng sẽ khỏi, còn nếu sinh con trai thì phải lo chuyện tang ma vì “đứa con này khắc cả cha lẫn mẹ.

Ông Nguyễn Tường Thiết cảm động về phát biểu của nhà thơ Trần Mộng Tú, nói về thân phụ ông, nhà văn Nhất Linh. (Hình: Triết Trần/Người Việt) 
Vì không có kỷ niệm với cha, Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang đã mượn bài viết “Bố Tôi – Thạch Lam” của chị ruột là bà Tường Nhung để kể vài nét về nhà văn vắn số Thạch Lam, qua đời lúc mới 32 tuổi.
Phần thảo luận bước qua không khí của một giảng đường với bài thuyết trình hoàn toàn bằng tiếng Việt của Giáo Sư Kawaguchi Kenichi. Ông Kawaguchi học tiếng Việt từ năm 1990, giảng viên môn Văn Hóa và Văn Học Việt Nam tại đại học Ngoại Ngữ Tokyo, cũng là người dịch tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, và Nắng Trong Vườn của Thạch Lam, qua Nhật ngữ.
Ðánh giá vai trò của Tự Lực Văn Ðoàn trong Văn Học hiện đại Việt Nam, Giáo Sư Kawaguchi khẳng định: “Những nhà văn đóng góp công lao lớn nhất cho sự thành hình văn học hiện đại Việt Nam là nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, trong đó có thành viên Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Ðạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu.”
Giáo Sư Kawaguchi đánh giá cao lối dựng chuyện rất đặc trưng trong tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của nhà văn Khái Hưng, nhưng cho rằng tiểu thuyết Nửa Chừng Xuân mới là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.
Về nhà văn Nhất Linh, Giáo Sư Kawaguchi cho rằng tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là cuốn “Ðoạn Tuyệt,” qua đó, sự đối lập và xung đột tư tưởng giữa mới và cũ được miêu tả sống động qua hai nhân vật Loan và Dũng.
Giáo Sư Kawaguchi chấm dứt bài thuyết trình bằng cách nhắc lại vai trò quan trọng của Tự Lực Văn Ðoàn trong văn học hiện đại Việt Nam.
Uyên bác nhưng không kém phần dí dỏm, lôi cuốn là phần trình bày của Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc, giáo sư Ðại Học Victoria, tại Melbourne, Australia với đề tài “Ðánh giá lại Tự Lực Văn Ðoàn.”
Ðồng ý với nhận định của Giáo Sư Kawaguchi, Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc khẳng định rằng từ năm 1932 đến năm 1940, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn “gần như đóng vai trò thống trị” trên văn đàn Việt Nam vì năm lý do chính, hay năm đóng góp lớn nhất của Tự Lực Văn Ðoàn cho nền văn học Việt Nam.
Thứ nhất, dưới thời Tự Lực Văn Ðoàn, giới viết văn làm thơ mới bắt đầu kiếm sống được bằng tác phẩm của mình, và nhờ đó có điều kiện ngày càng trau dồi nghề nghiệp, liên tục tạo ra phong cách mới cho ngòi bút.
Tự Lực Văn Ðoàn cũng đã nâng nghệ thuật tiểu thuyết lên thành những gì có giá trị tồn tại bằng cả kỹ thuật lẫn ý tứ.
Việc “quảng bá và đưa thơ mới đến vị trí toàn thắng” là đóng góp thứ ba của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Việc đề cao vai trò cá nhân, tôn trọng tự do cá nhân là đóng góp thứ tư.
Nhưng đóng góp lớn nhất và quan trọng nhất của Tự Lực Văn Ðoàn, theo Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc, là công trình nâng cao trình độ văn xuôi của Việt Nam, một đóng góp mà ông cho là “tất cả những ai cầm bút thời nay đều phải mang nợ.”
Tại sao, vì trước thời Tự Lực Văn Ðoàn, văn xuôi miền Bắc thì “nặng nề với chữ Hán” và văn xuôi miền Nam thì “ngô nghê như kể chuyện.” “Chỉ đến thời Tự Lực Văn Ðoàn mới có lối viết văn trong sáng giản dị, bớt cả nặng nề lẫn ngây ngô.”
Ông kết luận: “Tất cả chúng ta, những người cầm bút, dù thích hay không thích Tự Lực Văn Ðoàn thì cũng đã được nuôi dưỡng bằng dòng sữa của Tự Lực Văn Ðoàn.”
Nói về ảnh hưởng của Tự Lực Văn Ðoàn lên phong trào thơ mới, Giáo Sư Trần Huy Bích đưa ra ba thi sĩ nổi danh là Thế Lữ, Xuân Diệu và Tú Mỡ.
Hậu duệ Tự Lực Văn Ðoàn: Nhà văn nữ Ðặng Thơ Thơ, cháu ngoại nhà văn Hoàng Ðạo, tại buổi thuyết trình. (Hình: Triết Trần/Người Việt) 
Giáo Sư Bích trích dẫn những nhận định của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cũng như Hoài Thanh, cho rằng Thế Lữ là người có công đầu trong thơ mới. Ðể chứng minh điều này, giáo sư Bích đọc lại bài Nhớ Rừng và phân tích nhiều câu thơ thể hiện rõ được ý nghĩa bi hùng của tình trạng sa cơ thất thế nhưng vẫn không mất đi cái uy dũng. “Sự thể hiện đó là cái mới trong thơ mà trước đó không bao giờ thấy.”
Nhà thơ thứ hai là Xuân Diệu, Giáo Sư Bích cũng nhắc lại lời nhận xét của Vũ Ngọc Phan rằng Xuân Diệu đã đem lại cho thi ca Việt Nam nhiều sự mới lạ từ ngôn ngữ, ý ưởng cho đến cách thể hiện khiến tuổi trẻ bước vào nền thơ văn đại chúng.
Với Tú Mỡ, Giáo Sư Trần Huy Bích nhắc đến cách thể hiện của nhà thơ qua một thể thơ khác trước mà nhà thơ gọi là “Thất ngôn thập bát cú.” Nhìn chung, Tú Mỡ đã đem nhiều thể văn thơ cũ như Hát Xẩm, Văn Tế, Phú… cho nó một cái hồn mới trong sự thể hiện. Và theo giáo sư Bích, Tự Lực Văn Ðoàn đã dùng hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay chuyển đến cho mọi người những sự đổi mới trong văn chương, cũng là những khai mở vào một cuộc sống mới trong giai đoạn “đánh thức” người dân Việt trước sự độ hộ của người Pháp đang đến thời suy tàn.
Diễn giả kế tiếp là nhà văn Trần Doãn Nho. Với phong thái tự tin nhuốm chút hài hước, ông xin làm thay đổi không khí bằng giọng nói miền Trung sau hơn một chục cuộc thuyết trình từ hôm khai mạc đến giờ toàn là… giọng Bắc. Cả hội trường đều cười ồ thích thú khiến cho câu chuyện của ông về “Văn phong trong Tự Lực Văn Ðoàn” đã thu hút được nhiều tràng vỗ tay tiếp theo.
Ðưa hai nhà văn Nhất Linh và Thạch Lam ra để nhận định “văn phong” của hai nhà văn này, mà theo trích dẫn từ các lời phát biểu của hai nhà văn, thì một người – Nhất Linh – cho rằng văn phong không cần thiết; người kia thì ngược lại. Cuối cùng, sau nhiều trích dẫn những phát biểu của một số nhà văn nổi tiếng trên thế giới về văn phong, ông Trần Doãn Nho kết luận, “Tự Lực Văn Ðoàn đã sáng tạo lối viết mới, trong sáng, đơn giản trong diễn tả sự việc, tâm tình, đã tạo được ảnh hưởng lâu dài, cho đến ngày nay nó vẫn còn phảng phất trong văn chương Việt Nam.”
Hai diễn giả kế tiếp nữa thuộc nữ giới: nhà thơ Trần Mộng Tú và nhà văn trẻ Ðặng Thơ Thơ.
Trần Mộng Tú nhũn nhặn chỉ xin nói về tình yêu trong văn chương Tự Lực Văn Ðoàn. Nhà thơ nhận định “tình yêu trong văn chương Tự Lực Văn Ðoàn là những vấn đề về giai cấp, tự do luyến ái, đem tình yêu vào tôn giáo, v.v… mà trước đó chưa hề được nhắc đến hay đặt ra trong văn chương Việt Nam.”
Nhà văn nữ Ðặng Thơ Thơ thì nói về ông ngoại mình, nhà văn Hoàng Ðạo. Cô nói về sự nghiệp của ông mình mà từ trước đến nay chỉ được nhắc đến như một nhà cải cách xã hội. Thực sự ông là một nhà văn, viết những tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề như trong cuốn “Trước Vành Móng Ngựa” hay trong những phóng sự xã hội trong đó ông nêu ra những tư tưởng cấp tiến soi rọi vào xã hội Việt Nam dưới chủ nghĩa thực dân.
Nhưng các tác phẩm của Hoàng Ðạo hầu hết chưa được xuất bản. Phóng sự “Bùn Lầy Nước Ðọng” của ông được xuất bản năm 1938 nhưng đã bị nhà nước thực dân Pháp thu hồi ngay. Ðặng Thơ Thơ sau cùng kết luận, “Hoàng Ðạo là một nhà văn đích thực qua những phóng sự, biên khảo. Văn chương của ông là những phán đoán thôi thúc người ta phải bàn thảo về bất công xã hội. Văn chương của ông cũng như của Tự Lực Văn Ðoàn là những canh thức báo động cho xã hội.”
Cuộc nói chuyện của hai diễn giả sau cùng là nhà văn Ngự Thuyết và nhà văn nữ Phạm Thảo Nguyên đã khép lại toàn bộ cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Ðoàn, một cuộc hội thảo hùng hậu về số thuyết trình viên, về số người tham dự đông đảo, say mê và ít có ai bỏ về như trong nhiều cuộc hội thảo khác.

Nguồn: Người Việt Cali ; (07/09/2013)