Giải Booker: Mới mở đã... rối
Denis Larionov…
Nếu như trước kia chỉ những nhà văn thuộc các nước trong khối Thịnh Vượng Chung (Liên hiệp Anh cùng 53 quốc gia và vùng lãnh thổ cựu thuộc địa Anh), Ireland và Zimbabwe, thì từ năm 2014, bất kỳ cuốn sách nào “được viết bằng Anh ngữ và xuất bản ở Anh” đều được xét giải. Có nghĩa: đường đến giải Booker rộng mở cho cả thế giới, đặc biệt cho cả những ngôi sao văn học của Mỹ.
Chuyện mở rộng ranh giới địa lý của giải Booker được cân nhắc đã lâu: ngay từ năm 2011, khả năng đưa các tác giả Mỹ vào dự giải đã được bàn đến, nhưng các nhà tổ chức còn vướng ít ra là hai lẽ. Thứ nhất: bản sắc dân tộc (điều quan trọng biết mấy đối với Booker) sẽ mất. Thứ hai: lượng sách khổng lồ dự giải sẽ làm choáng các vị giám khảo, như vậy tất dẫn tới cách đọc máy móc. Thật khó hình dung nổi rằng một con người trong một thời gian ngắn lại đọc kỹ và thẩm định được vài trăm cuốn sách. Mặt khác, diện xét giải càng rộng, càng tạo lợi thế cho những nhà xuất bản đã có danh tiếng trước các nhà xuất bản đàn em mới bước vào thị trường tiểu thuyết. Đã có tiền lệ: khi đề cử, ưu thế nhất vẫn là những nhà xuất bản trong dăm năm lại đây có sách đưa vào “vòng ngoài”. Theo ý kiến của vị chủ tịch giải John Taylor, thì các nhà xuất bản khác cũng có được mời đấy, nhưng trên thực tế, cơ hội của họ cũng chỉ là muôn một. Có một sự thực đã thấy nhãn tiền: cứ “bên trọng bên khinh”, phải theo “tôn ti trật tự” thì làm sao đạt được sự khách quan khi chấm giải.
Ngoài ra, toàn cầu hóa giải Booker Anh còn ẩn chứa hàng loạt mâu thuẫn: trong tiếp thị và trong chính văn chương. Hoàn toàn khó hiểu cách phối hợp giữa mở rộng địa lý với thu hẹp lượng sách có thể đưa vào vòng ngoài. Từng nền văn học riêng rẽ có chính sách xuất bản tương đối chặt chẽ gặp một điều lệ giải tràn lan thì làm sao bói ra những tác giả tương đối tiêu biểu từ tất cả các giác độ, đặng hình thành nên dòng chủ đạo? Khi ngôn ngữ Anh được tuyên là xuất xứ, thì việc tạo nên một dàn tác giả như thế có quá sức cần thiết? Thay đổi biên giới của giải Booker Anh, liệu nhà tổ chức có thiếu cặn kẽ các khía cạnh của văn học Mỹ, bởi những người Mỹ có thể giật giải này sẽ gặp tình huống rắc rối khi sách của họ được tính là “tác phẩm văn học Anh”. Mà Booker hẳn đã không chịu bó hẹp trong Vương quốc Anh, thì sẽ có lúc phải thoát ly khỏi “cốt cách Anh”. Văn học mà mất cốt cách của quốc gia, của dân tộc thì liệu có đứng chân được nơi người đọc trong nước và ngoài nước? Quyết định mới của nhà tổ chức Booker sẽ bị chi phối bởi nội hàm danh mục vòng ngoài và vòng trong hết sức đa dạng, cơ cấu dân tộc của các tác giả dự giải và phạm vi địa lý của các cốt truyện, nhưng văn hóa – và theo đó là văn học – thiên về không phải tính đại trà, mà là tính cụ thể. Đường nét dân tộc thì không thể lùa vào một trại tập trung, mà càng tô điểm thêm những sắc thái mới cho bản đồ văn học.
Cũng lý thú, khi nhìn nhận việc mở rộng biên giới của Booker Anh trên nền giải Booker Quốc tế tồn tại từ năm 2005. Giải này trao cho bất kỳ tác giả nào có văn bản để người biết Anh ngữ đọc được – nguyên tác hay là bản dịch thì không quan trọng. Có thể hiểu, giải thưởng đó cũng nhằm vào những cuốn tiểu thuyết có quyền uy trên văn đàn quốc tế, và giải đã từng trao cho những cỡ nhà văn như Ismail Kadare (Albania) và Philip Roth (Mỹ). Năm nay, nó thuộc về nữ văn sĩ Mỹ Lydia Davis trong khi sáng tạo của bà không hề nằm trong dự tính văn chương của Booker Anh vốn lấy tiểu thuyết làm đỉnh cao. Bà này viết toàn truyện cực ngắn về những điều vụn vặt trong cuộc sống, gây được hiệu quả nhờ thủ pháp phác đồ và phi lý. Cho nên, về thực chất, ban giám khảo Booker Quốc tế đã cho phép mình làm mạnh, việc mà Booker Anh cương vị bệ vệ hơn, chính thống hơn đã không thể làm. Về phía tác giả Lydia Davis, nhận giải Booker Quốc tế, bà thắng về mọi nhẽ: vừa ẵm khoản tiền lớn từ nước Anh, vừa giữ được chân mình trong lãnh thổ văn học Mỹ, chứ không sa vào đám sương mù của ngôn ngữ Anh.
Nhà tổ chức phải mất mười tám tháng trời cho các cuộc trao đổi và tư vấn mới đi đến được ý kiến thống nhất: Booker Anh mở rộng biên giới (mở rộng tầm ảnh hưởng chăng?) với luận chứng “Cần phải vượt qua ranh giới, bởi lãnh thổ của ngôn ngữ Anh chính là lãnh thổ của tiểu thuyết Anh”. Nhưng lượng sách ồ ạt đến tay các vị giám khảo đạo mạo “nhất thiết phải đọc các tác phẩm được đưa vào vòng ngoài” trong một thời gian khá ngắn liệu có làm cho giải mất đi tính mạch lạc của mình? Chẳng đã có cả những cuốn nhẹ đồng cân, đọc thấy đơn sơ, chẳng có ích gì cho con tim khối óc (như một số người nhận định về Hilary Mantel - tác giả vừa được Booker Anh lần thứ hai năm ngoái)…
Bất kỳ một giải thưởng văn học nào muốn có giá trị cũng phải nhằm vào đối tượng để mà chinh phục, cũng phải lập một chương trình mạch lạc để mà thực hiện, và cũng phải phác ra khuôn khổ để mà hoạt động. Booker Anh đã có một lịch sử khá dài từ năm 1969, với sự ủng hộ vô song về tài chính và truyền thông, giải có thể công khai ý định trong những phạm trù như ngôn ngữ Anh nói chung và lồng vào khuôn khổ của mình những sắc thái dân tộc khác nhau. Nhưng việc Booker Anh tự tôn quá cỡ khiến người ta e sợ…
Thử nhìn sang giải thưởng văn chương Folio mới thành lập (sẽ trao thưởng lần đầu vào tháng 3.2014), tiêu chí “coi trọng những tác phẩm nội dung sâu sắc và bút pháp thú vị”. Mà sáng lập Folio nhằm đối trọng với Booker đều là những người có tiếng nói trọng lượng, có tên tuổi gắn liền với… chính Booker Anh – những siêu sao văn học thực sự như John Banville (Ireland, nhận Booker 2005) Margaret Atwood (Canada, 2000), John Maxwell Coetzee (Nam Phi, 1983 và 1999), Salman Rushdie (Anh gốc Ấn, 1981). Khi thế giới gặp phải thời buổi đồng tiền thành thước đo tất cả các thứ khác, Folio nêu tôn chỉ: coi trọng chất lượng văn học hơn là tiềm năng thương mại của tác phẩm.
Theo ĐĂNG BẨY