Tuesday, January 21, 2014

Những ký ức ẩn khuất

Nghệ sỹ Bopha Xarigia Lê Huy Hoàng:

Trong giới nghệ sỹ sắp đặt và trình diễn, Bopha Xarigia Lê Huy Hoàng là một nhân vật đặc biệt không chỉ bởi anh là một người Việt lai Campuchia mà còn bởi cá tính nghệ thuật rất riêng không lẫn vào đâu được. Hoàng khá... lành và hiền.



Hoàng bảo ngại va chạm, sợ to tiếng, làm cái gì thuộc thể loại mạnh mẽ là Hoàng chịu thua. Thế nhưng trong tác phẩm của mình, có nhiều tác phẩm của Hoàng thoạt trông thì nhẹ nhàng, vậy mà nó có sức mạnh của sự ẩn dụ rất lớn.


Ảnh: Dino Trung



HẠT GIỐNG ĐỎ
Lê Huy Hoàng sinh ra ở Hà Nội, nhưng bố anh là người Campuchia, gốc gác thế nào thì Hoàng lại không được rõ, chỉ biết ông bố sang Việt Nam theo phong trào Cách mạng Đông Dương. Mẹ của Hoàng làm nghề dạy học, khi bà lấy ông, bà cũng không biết ông là người Campuchia. Ông được lệnh trở về Campuchia khi cậu em út của Hoàng mới được một ngày tuổi và cậu đã vĩnh viễn chẳng bao giờ biết mặt bố bởi ông đã hy sinh tại Campuchia. Mãi đến năm 1982, khi thư báo về bố đã mất, cả gia đình Hoàng mới tắt hy vọng ngóng trông bố.

Perfomance "Kỷ luật đỏ", Hoàng lấy thắt lưng tự đánh vào tay mình, trình diễn tại Nhà Sàn Đức.
Ảnh: Trần Nam


Bopha Xarigia Lê Huy Hoàng theo nghiệp bố đi học sĩ quan rồi sang Phnom Penh học trường văn hóa quân đội. Hơn 6 năm sống trong môi trường quân đội đã tạo cho Hoàng một kỷ luật nghiêm ngặt và một cuộc sống trong khuôn khổ. Hay nói đúng hơn, Hoàng cùng các bạn đang được đào tạo thành hạt giống đỏ để sau này làm việc phục vụ nhà nước.

Tới khi trở về Hà Nội, Hoàng bắt đầu thi vào trường đại học Mỹ Thuật Yết Kiêu Hà Nội, mất 4 năm mới thi đỗ, khi đó Hoàng 32 tuổi. Thử hỏi tại sao lại thế, trong khi anh đang theo con đường quân đội có tương lai thì lại bỏ ngoặt 360 độ để trở thành một người theo con đường nghệ thuật? Hoàng Bopha bảo: Vì anh cảm thấy mình phù hợp hơn với môi trường nghệ thuật.

Vậy là quân đội đã mất đi một quân nhân, còn giới nghệ sỹ Hà Nội lại kết nạp thêm một thành viên yêu nghệ thuật và đến với nó như một sự giải thoát.

ĂN MÒN KÝ ỨC
Hoàng đã từng cần mẫn đi dạy học, rồi không kiếm được tiền thì đi học thêm Cao học, rồi lại được vợ... nuôi. Hoàng bảo nhiều khi cũng buồn vì không kiếm được tiền lo cho gia đình, nhưng đã cố hết sức rồi.

Hoàng cũng không thuộc dạng người thích rượu bia hay la cà gì cả, dường như anh chỉ thích khoảng trời riêng của mình, hoặc hay rề rà nghe chuyện của những người già trải nghiệm, bảo sao mà bạn bè thường gọi anh là Hoàng... già.

Tác phẩm “Rain” của Hoàng Bopha -
Photo: Dino Trung


Tác phẩm sắp đặt "Scarf" (Khăn quàng) tại Nhà sàn Đức, Hoàng đã làm bằng cả tâm hồn mình. Ở Campuchia, chiếc khăn rằn Karma luôn gắn với đời sống con người nên Hoàng đã lấy biểu tượng đó để làm nên tác phẩm "Scarf" với chất liệu đường thốt nốt của Campuchia, đường trắng của Việt Nam, và bã café, tạo nên một chiếc khăn có ba màu (vàng, trắng, đen) trải dài khắp sàn nhà. Ở Campuchia, cây thốt nốt cũng là một loại cây mang tính biểu tượng. Hoàng bảo trong người anh có hai dòng máu, anh muốn lấy hai loại đường ngọt ngào của Việt Nam và Campuchia làm biểu tượng cho hai dòng máu đó, còn bã café đen kia, chính là những góc khuất trong cuộc đời anh những khi đau khổ hoặc chung chiêng trong cuộc sống. Ba màu sắc đó được hòa trộn vào nhau, rồi sau một thời gian, chúng tan chảy, cái khăn rằn kia cũng đang tan chảy như sự vô thường của cuộc sống không ngừng chảy trôi.

Những ngày tháng làm trình diễn perfomance ấy, bây giờ có bảo làm tiếp, Hoàng cũng từ chối vì không thể làm được nữa. Nghệ thuật trình diễn với Hoàng, là một cái gì đó rất thật, thật từ cảm giác, từ sự va chạm của cơ thể, từ cái đau trong nội tâm đến cái đau của thể xác. Chính vì thế đâu phải lúc nào cũng làm được perfomance.

Ngẫm ra, cái sự thật thà, sống thật, và bình thản của Hoàng cũng có lý của nó. Bởi Hoàng là người thích sống bằng ký ức, và những gì Hoàng đang làm, cũng từ ký ức mà ra. Với Hoàng, tương lai, dĩ nhiên là cũng phải lo lắng suy nghĩ nhưng chút ít thôi chứ nếu biết trước được tương lai như thế nào thì chẳng hóa ra là đời sống nhàm chán đến thế sao? Bởi người ta sẽ chán sống, hoặc quá ham sống khi biết trước tương lai của mình.

Mới đây, trong hoạt động nghệ thuật đồng hành với show thời trang tóc danh tiếng của Davines, triển lãm "Trang sức sống" với sự tham gia của 3 nghệ sỹ Đinh Công Đạt, Lê Huy Hoàng, và Lương Huệ Trinh đã mang lại một sự kết hợp thú vị cho công chúng.

Tác phẩm "Rain" (Mưa) của Hoàng đã mang lại cảm giác choáng ngợp cho người xem. Tác phẩm đã được ẩn sau tấm màn nhung, và khi được mở ra, cảnh tượng tuyệt đẹp với màu xanh của mầm cải với những màn mưa kim cao 9m lấp lánh như pha lê dưới hiệu ứng ánh sáng tạo nên sự gợi cảm đầy ấn tượng.

BỨC TƯỜNG XƯƠNG
Có ai là người không cô đơn? Ai là người chẳng có lúc bế tắc, nhưng cái cô đơn, lại là cái cần cho người nghệ sỹ, cần cho sự sáng tạo mới. Có thể ngày hôm nay chẳng làm được cái gì, ngày mai cũng không làm được cái gì, hàng tuần, hàng tháng như thế...

Lúc mệt mỏi, lúc chẳng muốn gặp ai, chỉ muốn rúc một mình như con cú cô đơn, nhưng cũng có lúc thèm muốn được gặp ai đó để có thể chuyện trò, hoặc ngồi với nhau. Hoàng tự nhận mình là người có giao du rộng nhưng rút cục để tìm được ai để nói chuyện thì lại ít ỏi quá, chỉ vài người, và có khi lại là những người già.
Sống không cay cú, Hoàng học tập theo ông thầy Bàng Sỹ Nguyên (người nổi tiếng có giai thoại về bút hiệu Ngu.yên, tức là ngu thì sống yên hoặc... ngủ yên). Hiểu mình, sống chân như, tự nhiên, và sống thật. Giảm bớt nhu cầu, bớt ham muốn khi mình không thỏa mãn được để bớt đau khổ.

Sắp tới, Hoàng sẽ làm một tác phẩm gắn với lai lịch xuất xứ của mình, với chất liệu bằng "xương" và "máu". Hoàng muốn làm tại "Cánh đồng chết" của Campuchia, nơi xảy ra cuộc tận diệt thảm khốc của Polpot với nhân dân Campuchia một cuộc triển lãm mang tên "Bức tường".

Có thể triển lãm sẽ diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội vào tháng 12 này, đây có lẽ sẽ là một tác phẩm đầy ấn tượng của Lê Huy Hoàng. Anh sẽ sử dụng xương các con vật để tạo nên một bức tường chắn ngang, như biểu tượng của bức tường chiến tranh để tái tạo lại ký ức vẫn đang ám ảnh Hoàng.

Cuối cùng, Hoàng bảo, tác phẩm có thể gồ ghề thế thôi, nhưng nó sẽ đẹp gấp nhiều lần "Rain", bởi vẻ đẹp nhân văn của nó.

Bài: Codet

Anh Hoàng đang trả lời pv của Codet
Vĩnh biệt người anh - nghệ sĩ Lê Huy Hoàng...
Còn nhớ ngày đầu gặp anh ở Campus Nguyễn Khắc Nhu cùng Marcus, anh đi về lặng lẽ thủng thẳng cho một bức sơn mài dang dở, chờ mua được chút lá bạc...
Và rồi anh đã đi vào con đường nghệ thuật một cách quyết liệt, dù tuổi đời không còn trẻ, dù còn nhiều nhọc mệt, với khối ký ức mãi viên tròn nặng đắng...
Mỗi lần gặp anh là cười xoà là sung sướng là ánh mắt ngời sáng... Dù thế nào anh vẫn hạnh phúc bởi sống đời như anh muốn...
Ra đi, thay một thân xác mới khoẻ mạnh hơn.
Nếu có tái sinh, không rõ anh còn chọn con đường nghệ thuật?
Cầu anh ngủ êm giấc thiên thu..