Friday, November 22, 2013

100 năm « Đi tìm thời gian đã mất »

Marcel Proust năm 1900
Marcel Proust năm 1900
(wikipedia)

Thanh Hà
Thế giới kỷ niệm rầm rộ bộ tiểu thuyết « À la Recherche du temps perdu - Đi tìm thời gian đã mất » tròn 100 tuổi. Ngày 14/11/1913, nhà văn Marcel Proust đã cho công bố tập đầu tiên « Du côté de chez Swann – Bên phía nhà Swann ». Proust được xem là một trong ba nhà văn đã khởi xướng cuộc cách mạng tiểu thuyết trong thế kỷ XX. Trong tất cả các cuộc bình chọn, « À la recherche du temps perdu » luôn được coi là một trong 10 tác phẩm suất sắc nhất mọi thời đại.

Không chỉ là một trong những văn hào vĩ đại của Pháp, Marcel Proust (1871-1922) còn được coi là một trong những người cầm bút có ảnh hưởng lớn nhất đối với nhiều thế hệ nhà văn sinh ra vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sách của ông đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và đã ngấm vào lòng độc giả toàn năm châu. Bộ tiểu thuyết gồm 7 tập nổi tiếng của Proust, « À la recherche du temps perdu - Đi tìm thời gian đã mất » làm say mê độc giả từ Nhật Bản đến Mehicô, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Achentina.
Chỉ riêng tại khu vực Trung Cận Đông, tác phẩm của Proust đã được dịch ra nhiều phiên bản Ả Rập khác nhau. Syria đang trong khói lửa, năm nay cũng vừa cho in lại tác phẩm này của nhà văn người Pháp.
Đương nhiên, nhiều thế hệ độc giả Việt Nam gắn bó với văn chương đã từng « dứt không ra » với những « À l'ombre des jeunes filles en fleurs – Dưới bóng những cô gái đương hoa » hay « Le temps retrouvé - Thời gian tìm thấy lại »
2013, thế giới vinh danh Proust : Từ Chicago đến Stockholm, từ Luân Đôn đến Seoul hay từ Roma đến Damas, đã có rất nhiều các cuộc hội thảo để cùng nhìn lại sự nghiệp của Marcel Proust. Bởi vì sách của ông đã từng được biết bao nhiêu thế hệ các nhà nghiên cứu, giới phê bình mang ra mổ sẻ, trên bục giảng đường hay tại các cuộc hội thảo. Như nhà văn Pháp Eugène Nicole, một người đang giảng dậy tại Hoa Kỳ đã ghi nhận : Thế giới ngày nay cần đến Proust, cần có được một tác phẩm như « À la recherche du temps perdu ». Bởi vì « Proust đã đưa nhân loại vào một thế giới tuyệt vời ».
Ấy thế mà cách nay đúng 100 năm, chẳng một nhà xuất bản nào đoái hoài đến Marcel Proust. Tất cả các nhà in lớn trên đất Pháp thời bấy giờ đều đóng chặt cửa khi ông tìm đến họ. Cuối cùng, Proust phải tự bỏ tiền túi ra để cho in sách của mình.
Nhưng rồi chỉ trong một thời gian ngắn, văn phong của ông đã chinh phục được lòng người. Sau Đệ Nhất Thế Chiến, khi đất nước hòa bình, tập thứ nhì của « Đi tim thời gian đã mất » mang tên « À l'ombre des jeunes filles en fleurs » được cho ra mắt công chúng và tác phẩm này đã đoạt giải thưởng văn học Pháp – Prix Goncourt năm 1919.
Đó là hồi thứ nhất của huyền thoại Marcel Proust
Nhân kỷ niệm 100 năm « Đi tìm thời gian đã mất », tại Pháp các nhà xuất bản thi nhau in lại các tác phẩm của Proust, hoặc phát hành sách mới nói về những đóng góp to lớn của ông cho nền văn học của thế kỷ XX. Qua những chuyện tình đổ vỡ của các nhân vật, qua những đoạn tả tình, tả cảnh về một cuộc sống xa hoa và phù phiếm ở vào đầu thể kỷ trước, Marcel Proust đã ngược thời gian để trở về với những hương vị của tuổi thơ. Đó chỉ là vị thơm một cái bánh, của một mùi hoa hay cảm giác ngọt ngào của nụ hôn nhẹ phớt trên đôi má …
Nhưng tất cả những thứ đó là những cảm giác phổ quát mà con người, bất luận tuổi tác hay màu da, đều đã cảm nhận thấy … Cũng chính những dư âm của tuổi thơ đó, mà như lời một nhà triết học Pháp đã nói, chúng « giúp cho con người trở nên tốt hơn ». Có lẽ vì thế mà trong một ngàn năm nữa độc giả của Marcel Proust vẫn sẽ bị ông mê hoặc.
Một nhà báo người Ý, bà Lorenza Foschini, vừa cho ấn hành một cuốn sách rất cảm động nói về tác giả của « Le temps retrouvé » : « Chiếc áo choàng của Proust ». Trong đó, tác giả kể lại rằng thiếu chút nữa thì những bản thảo của Marcel Proust đã bị cho vào sọt rác như một phần lớn những đồ vật lỉnh kỉnh trong căn phòng nhỏ bé của ông.
Trong vô số những vật dụng hàng ngày từng gắn bó với suốt cuộc đời của Proust, có một chiếc áo choàng ông luôn khoác trên người, kể cả khi ngồi viết văn hay tiếp khách … trên giường ngủ.
Ai cũng biết, sinh thời, Marcel Proust bị bệnh suyễn kinh niên. Vào những năm cuối đời, sức khỏe ông lại càng suy sụp. Đôi khi cả tháng trời, Proust không bước chân ra khỏi phòng ngủ của mình. Ông ngồi trên giường và sáng tác. Thế nhưng, trong mắt nhà báo Lorenza Foschini, thì chiếc áo choàng đó là biểu tượng của sự cô đơn triền miên đã bao phủ lên một thiên tài.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trưởng giả, là một người có nhiều kiến thức, hiểu sâu biết rộng, say mê với văn học và nghệ thuật của thế giới, nhưng Proust lại rất cô đơn. Gia đình không bao giờ chấp nhận Proust là một người đồng tính. Proust không thể nào chia sẻ được những ẩn ức của mình với người chung quanh. Cả cuộc đời, ông mang mặc cảm tội lỗi vì biết rằng bố mẹ đã thất vọng nhiều về mình : Khác với người em trai, kém ông hai tuổi, Marcel Proust không lập gia đình và không có con nối dõi.
Ngày 18/11/1922, Marcel Proust qua đời sau một cơn bạo bệnh, thọ 51 tuổi. Ông về an nghỉ bên cạnh người mẹ yêu tại nghĩa trang nổi tiếng của Paris, Père- Lachaise.
tags: Pháp - Văn hóa - Văn học