Saturday, November 16, 2013

Nguyễn Hồng Nhung




Vẻ đẹp của tiếng Việt trong thơ Chân Phương

Khi giải lao công việc, lúc tự giải trí cho bản thân, tôi đôi lúc bắt gặp mình cứ tìm thơ Chân Phương để đọc.
Có một cái gì đó quyến rũ từ giọng thơ này - cái gì vậy ? -
Tôi đọc thật chăm chú, gắng tìm hiểu, gắng cảm nhận và suy nghĩ.


Vẫn chưa tìm ra.
Vẫn thích thú đọc.
Một hôm nhận ra dấu ấn cảm giác đọc thơ anh, qua so sánh cảm giác nghe một bản nhạc ưa thích. Thêm một thú vị cảm nhận.
Nhưng vẫn chưa hết băn khoăn.
Cái gì vậy ? -trong giọng thơ này- một riêng biệt hấp dẫn ?

Đến hôm nay, tôi nghĩ, tôi đã chợt nhận ra :

Đấy là vẻ đẹp của tiếng Việt trong thơ Chân Phương.

Đúng thế, nghệ thuật dùng tiếng Việt của anh đã tạo nên vẻ hấp dẫn đặc biệt cho thơ anh, đây là một thứ tiếng Việt được chọn lọc, giống như một khung vải công phu cho một bức tranh cầu kỳ sắp ra đời, một bình sứ trắng muốt, sẵn sàng tôn vinh vẻ đẹp của hoa hồng mùa xuân hay cúc vàng ngát mùa thu, một sắp đặt thứ tự hai mươi tư chữ cái, cho đứa con tinh thần sắp hiện chân dung.

Tiếng Việt trong thơ Chân Phương là chất liệu đã ra công từ tay một nghệ sĩ có nghề, biết rằng linh hồn của sự vật không thoát khỏi hình hài bên ngoài của hình thức chứa đựng nó, trái lại, tăng thêm nỗi tò mò, sự thích thú cảm nhận khi nhận ra, và nỗi thưởng thức cùng nhịp của người viết và người đọc, khi cùng chung một cung bậc tâm hồn.

Tôi đọc : "Lý lịch của lời" : những triết lý đời người, cách nhìn sự vật, sự diễn giải về cái thông thái, về tri thức nhân loại… ta nhận ra ngay trong nội dung câu thơ.
Ban đầu tò mò muốn biết, tôi lần theo những lý giải về những nội dung này, để xem xem Chân Phương hy vọng gì sau những diễn giải, biết đâu tìm ra khúc mắc hoặc quằn quại linh hồn nào đó của nhà thơ sau mọi chân lý.

Thật bất ngờ, tôi tìm thấy hy vọng khi làm thơ của anh : dùng tiếng Việt giải nghĩa kiến thức mình, linh hồn mình, một cách rất…thơ.
Rất thơ vì ngôn ngữ Việt của anh rất ngắn gọn, giàu hình ảnh, đa ý nghĩa, gợi hình, gợi cảm, tóm lại rất khác với một giọng văn xuôi.
Rất thơ vì anh hay dùng những hình ảnh so sánh độc đáo, dùng lối ví von bất ngờ nhưng rất tự nhiên, thể hiện thói quen chìm ngập vào suy nghĩ của cảm xúc, và trình độ đọc cao cấp, dày dặn, để biết gọi tên sự vật chính xác như là nó.

Chân Phương cho người ta cảm giác, anh không thể không biến hóa tiếng Việt như anh muốn, trong các bài thơ, khi tiếng Việt trong anh, đã trở thành một mảng tri thức nhuần nhuyễn trong mức độ văn hóa của riêng anh.

Đến đây thì tôi biết một trong những bí quyết của thơ là gì : lôi cuốn người đọc bằng những từ ngữ thật súc tích, nhưng vẫn đủ ý, đủ nghĩa, và mang hoàn toàn dấu ấn của cá nhân người viết. Sự lối cuốn của thơ, phụ thuộc vào dấu ấn cá nhân ấy.

Lời cất tiếng
hiện tại chào đời

mặt trời mở
biển núi phân thân

mắt đêm khép
quanh co con đường tối nghĩa” ( Bập bẹ)

„ Bàn tay mù
quờ quạng tìm cảm giác câm

cảm giác câm
chờn vờn trước khung vải trắng

vải trắng bắt đầu mơ mộng” (Bài tập,1)

Đúng thế, thơ Chân Phương cho ta thấy, không chỉ nhận thức bắt đầu chuyển động từ số không, hình thức cũng thế, thơ bắt đầu từ những chữ cái riêng biệt : a,b,c,d,đ… chúng bắt đầu lộn nhào trong óc người đọc ra sao đây ?

Tôi thích sự nhạy cảm khi chọn lọc động từ của Chân Phương, anh tìm ra những động từ rất sát nghĩa, nâng danh từ chỉ sự vật lên mức chính xác tối đa của nó, khi đi kèm với trạng từ hoặc tính từ, cả câu thơ hoặc một đoản thơ lập tức được mở rộng đến vô tận và sinh động, uyển chuyển lạ lùng.

Không thể trích dẫn hết mọi câu thơ của Chân Phương, làm minh họa cho nhận định này, vì mỗi bài thơ của anh là một ý khác nhau của đời sống, và cũng chính vì thế, mang lại sự phong phú vô tận của từ vựng tiếng Việt anh dùng.
Tính chính xác của cách dùng các thể loại từ, mang lại màu sắc tất nhiên của nội dung sự vật, nhịp điệu cần có của chuyển động hình hài sự vật.

Chẳng hạn bài : "Âm bản gốc", từ ngữ anh dùng ở đây đều âm u, lạnh lẽo, nhợt nhòa, đầy âm tính :

„con mắt
là trứng thời gian ung thối
                                         con đường vắng
                                         lũ tượng cụt đầu bất động
con mắt
là phòng thí nghiệm ảo ảnh
                                           những hình bóng
                                           tách đôi     tách đôi
                           bờ bãi giật lùi
con mắt
đạo diễn cuốn phim
                                    THỊ GIÁC KHÔNG NGƯỜI
Rồi chiếu khắp trời
âm bản gốc”

Trong bài thơ ”Độc hành” - Chân Phương tả cái cô độc „đến cực cùng” bằng những từ ngữ bậc trung, không gợi sự dứt khoát, cũng chẳng nhắc đến cái tận cùng, như khi anh triết lý về nhân tình thế thái.
Bởi sự cô độc là trạng thái nằm giữa, là trạng thái lúc có lúc không, được anh đưa vào hình ảnh con người lẻ loi giữa hai khoảng đất trời mông lung, mà câu thơ cuối cùng, bằng một dấu hỏi, xác định sự cô độc này là có thật với người viết :

Tiếng chuông đâu đổ chậm
âm vang rạn nứt lòng,
tôi nằm nghe suối khóc,
em có biết gì không ?”

Tiếng Việt trong thơ Chân Phương, đi kèm với những khám phá trăn trở nhiều dạng của cảm xúc tâm hồn, khiến ta đọc một bài, lại tò mò muốn đọc thêm bài nữa, và không thể dừng lại, nếu chưa đọc tiếp.
Và thích thú giữa chừng, bằng ngôn từ tiếng Việt, nhận ra những đồng cảm chia xẻ của chính mình, với tác giả, khi thấy anh quả thật có trách nhiệm với từng từ lựa chọn, sao cho chính xác bày tỏ nội dung nhất, hình như đây là bản năng của một người viết có trình độ, không chịu dừng lại ở cái tầm tầm, cái dễ dãi, mà cứ thích hành hạ mình, vươn tiếp, đến sự hoàn thiện…