Ngồi nghe vị phó chủ tịch của Hội Nhà văn Việt Nam say sưa nói về thơ ca, tôi chợt nhớ đến một câu nói của nhà phê bình Đông La dành cho ông, rằng Nguyễn Quang Thiều sinh ra là để làm thơ và điều đó có lẽ đúng, bởi chính ông cũng đã từng bộc bạch: "Thơ ca là nơi duy nhất để tôi giải phóng tôi và để tôi trú ẩn".
Thơ ca là nơi Nguyễn Quang Thiều tìm lại con người mình.
Cài sẵn con chíp để làm thơ
Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông từng theo học ngoại ngữ, về công tác ở ngành công an rồi đi làm báo nhưng lại rẽ bước đến với thơ ca, đó có phải là do sự thôi thúc của ngòi bút khi những xúc cảm đã chín muồi?
Có những người đến với thơ sớm và bộc lộ năng khiếu trời cho như Trần Đăng Khoa, Phan Thị Vàng Anh hay Vi Thuỳ Linh, lại có người do cuộc đời đưa đẩy sau những trải nhiệm, những va đập đầu đời, những thổn thức trong tình yêu. Tôi đến với thơ chậm và tự nhiên, khi đến một ngày tôi cảm nhận được thơ ca dội vào mình và tôi viết. Tôi biết làm thơ khi yêu một cô gái ở cùng làng và sau những rung cảm, tôi đã viết lên những vần thơ đầu tiên. Tôi viết nhiều thể loại, nhưng thơ mới là thế giới của tôi thực sự. Ở đó tôi hoàn toàn được tự do, tôi có thể trở thành kẻ cực đoan, kẻ tuyệt vọng và bỏ đi tất cả các rào cản khác để tìm lại chính bản thể con người mình.
Để sáng tác cũng cần phải có một chút năng khiếu với thơ ca, những năm tháng tuổi thơ của ông dường như cũng góp phần rất lớn trong việc hình thành nên hồn thơ Nguyễn Quang Thiều?
Lúc nhỏ, tôi rất thích nghe chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam. Khi đó dù đi đâu, làm gì, đến giờ phát thanh Tiếng thơ tôi đều dừng lại hết. Sau đó, tôi cũng chập chững làm thơ nhưng chỉ chép trong sổ tay chứ không có ý định gửi đi đâu. Thêm vào đó, gia đình nhà ngoại tôi cũng có rất nhiều người yêu văn chương. Năm tôi 8 tuổi, trong thư viện của gia đình đã có khoảng hơn 2.000 đầu sách và tôi may mắn được khám phá gia tài đó. Nhưng điều quan trọng, tôi nghĩ là trong mỗi một nhà thơ khi sinh ra đều đã được cài sẵn một con chíp để làm thơ và họ tìm đến với thơ như một điều tất yếu. Tôi không phải là một kẻ phiêu lưu nhưng tôi lại muốn khám phá những điều kỳ bí của đời sống. Tinh thần thơ ca đã nằm ở trong tôi và khi những xúc cảm đã đủ chín thì tôi tìm đến thơ ca để giãi bày.
Trong những tập thơ của ông, hình ảnh người phụ nữ nông thôn Việt Nam luôn hiện lên đẹp nhưng buồn, đó có phải là sự ám ảnh của ký ức tuổi thơ?
Tôi nhớ những năm tháng xa xưa khi những người đàn ông đi tham gia chiến đấu và chúng tôi - những đứa trẻ ở thôn quê chủ yếu sống với các bà, các mẹ. Và chính bà nội tôi là nhà văn đầu tiên của tôi, tôi vẫn nhớ những câu chuyện mang đầy màu sắc bí ẩn và huyền thoại bà kể. Chúng tôi được dạy nhiều thứ từ cách bắt con chấy, khâu miếng áo rách, nấu một món ăn, thậm chí cho đến bây giờ tôi có thể thuyết trình một ngày những món ăn của đồng quê Bắc Bộ kỹ lưỡng và chính xác như nhà ẩm thực học. Sự chăm sóc, che chở, dạy dỗ của những người phụ nữ thôn quê ấy đã tạo nên toàn bộ thế giới tuổi thơ của tôi. Vì vậy, trong thơ tôi tất cả những người đàn bà hiện lên rất đẹp đẽ, ấm áp, lam lũ, bền bỉ, vội vã và đơn độc.
Đặc tính trong thơ ông là bóng tối luôn trùm phủ, nhưng ánh sáng vẫn được hiển lộ như một người trăn trở đi qua bao thăng trầm của thế gian cuối cùng vẫn tìm lại được những ký ức đã đánh mất. Đó có phải là quá trình ông tìm lại mình?
Trong thơ của tôi phần bóng tối rất nhiều, đó không phải là sự chọn lựa một cách ý thức mà là vô thức khi tôi trở lại những ký ức, những ám ảnh của tuổi thơ. Tôi được chứng kiến cảnh đau ốm, đói khát, bệnh tật của những năm tháng chiến tranh và tôi đã quen với những buổi tối mẹ đi công tác xa, chỉ còn mấy anh em nằm tụm nhau trong ngôi nhà bé nhỏ đầy gió đông và đói khát. Tất cả đã in dấu trong tâm thức tôi và khi tôi thả mình vào không gian thơ thì những điều đó thức dậy.
Tôi không giấu giếm gì trong thơ ca kể cả những cơn hoảng loạn, những nỗi sợ hãi hay lòng tin bất diệt về một ai đó. Khi tôi làm thơ là lúc tôi được tự do nhất, lúc đó thế gian không có đường biên nào hết, không ai đe doạ hay níu giữ được tôi mà chỉ có sự nhỏ bé hay hữu hạn trong con người tôi mới trở thành cái kìm hãm tôi.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chụp cùng Ban lãnh đạo hội Nhà văn Á - Phi nhiệm kỳ 2012 - 2015.
Nói thơ tôi Tây hoá là sai lầm
Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn nói rằng, thơ Nguyễn Quang Thiều là bảo tàng lưu giữ những linh hồn Việt và tinh thần Việt, nhưng lại có một số ý kiến cho rằng thơ ông đã bị Tây hoá. Ông nghĩ sao về điều này?
Có những ý kiến khen chê khác nhau về thơ tôi, đó là điều hoàn toàn bình thường nhưng nếu nói thơ tôi Tây hoá là sai lầm. Bởi tôi viết với toàn bộ chất liệu là đời sống nông thôn Việt và những câu chuyện của người việt, cùng với ngôn ngữ mẹ đẻ rất giản dị trong sáng. Và tôi đang nói những vấn đề của chính tôi với đời sống của dân tộc này, mảnh đất này thì Tây hoá ở chỗ nào. Có thể họ gọi thơ tôi Tây hoá ở chỗ trong thơ tôi có những biểu tượng khác, cách nói khác, hay do tôi không viết lục bát nhưng nó chỉ là một yếu tố nhỏ để định danh cho tính truyền thống chứ không phải yếu tố quyết định. Thực ra thơ ca ta ảnh hưởng rất nhiều các trường phái từ nước ngoài tạo thành đường luật, thơ chữ hán, thơ mới. Vậy thì ý kiến đó là cực đoan và tôi sẵn sàng tranh luận.
Dường như sự cách tân độc đáo và mới mẻ trong thơ của ông có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến nhận định này?
Quan điểm thơ ca của tôi là làm sống lại những cái đã chết và làm mới những cái đã cũ. Tôi không xây dựng lên một thế giới mới mà tôi chỉ làm sống lại tất cả những vẻ đẹp của đời sống này. Vũ trụ vẫn y nguyên chỉ có chúng ta khác đi, khi chúng ta vô cảm thì thế gian trở nên vô cảm và thơ ca là thứ làm sống lại mọi cảm xúc. Tôi nhớ năm 6 tuổi tôi bị bệnh mộng du. Trong cơn mộng du tôi hành động lại những việc ban ngày tôi đã làm, nhiều khi tôi không thể lý giải được rằng đôi mắt nào đã mở ra trong lúc tôi đi. Đó là điều in sâu trong ký ức tôi, nơi cất giấu bí mật của tuổi thơ. Cho đến nay tôi vẫn còn mộng du trong chính những bài thơ của mình, chỉ khi câu thơ kết thúc tôi mới nhận ra được điều đó.
Dù đã 30 năm sáng tác nhưng đến giờ đọc thơ của ông, người đọc vẫn có thể nhận ra sự say đắm, đam mê, da diết đến tận cùng mọi cảm xúc. Có bao giờ ông nghĩ sẽ ngừng viết?
Tôi chỉ bỏ thơ khi tôi không còn khả năng để viết, cho đến bây giờ tôi vẫn đam mê thơ ca như năm 18 tuổi. Dù con người già nua, râu bạc, tóc rụng, nhưng khi làm thơ tôi vẫn tràn đầy sinh lực như một đứa trẻ mải miết chạy trên những cánh đồng bất tận của châu thổ để tìm tòi, khám phá. Sứ mệnh của thơ ca là có thể nó không cứu rỗi được triệu người nhưng chỉ cần cứu rỗi tâm hồn một cô bé ở một làng quê nào đó là đủ.
Ông có nghĩ rằng các nhà thơ trẻ hiện nay dường như có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển?
Thế hệ các nhà thơ trẻ xuất hiện mang đến một giọng nói mới cho thi ca nhưng đừng đòi hỏi tất cả họ phải là đại diện của nền thơ ca việt nam mà chỉ cần hai ba người tiêu biểu là đủ. Những người trẻ sống trong đời sống công nghiệp hậu hiện đại, bị bao vây trong đời sống đô thị và không gian đẹp xung quanh họ phần nào bị huỷ hoại. Vì thế không gian văn hoá để họ trở về ít đi nhưng họ lại có thuận lợi là có nhiều phương tiện để công bố tác phẩm của mình và tiếp xúc các nền thơ khác.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Loan Thanh