Mamonides, nhà thần
học và đại sử gia Do Thái đã chứng minh một cách thỏa đáng rằng nền Phương
Thuật của xứ Chaldée, khoa Huyền môn của Moise và của những đạo gia cổ xưa, đều
hoàn toàn căn cứ trên một sự hiểu biết rộng rãi tham bác về nhiều ngành khoa
học tự nhiên...
Mamonides, nhà thần học và đại sử gia Do Thái đã chứng minh
một cách thỏa đáng rằng nền Phương Thuật của xứ Chaldée, khoa Huyền môn của
Moise và của những đạo gia cổ xưa, đều hoàn toàn căn cứ trên một sự hiểu biết
rộng rãi tham bác về nhiều ngành khoa học tự nhiên, ngày nay đã bị lãng quên và
biệt tích. Những đạo gia thời cổ đã từng hiểu biết tường tận về tất cả những
đặc tính và khả năng của các loài khoáng vật, thảo mộc và thú cầm, thông hiểu
tinh vi các khoa vật lý và hóa học bí truyền cùng các khoa tâm lý cũng như Sinh
lý học. Không ai còn lạ gì nghe nói các vị ấy, vốn đã từng được thụ huấn trong
những thánh điện ẩn tàng của những đền thờ cổ, có thể làm được những việc nhiệm
mầu mà thậm chí vào thời buổi khoa học tiến bộ ngày nay, người ta coi như những
phép lạ.
Những bậc thánh nhân sở đắc được khoa Huyền môn này thật rất
hiếm. Các ngài không thể vượt quá cái giới hạn của những gì dành cho người thế
gian được biết, và không một ai chí đến các ngài, có thể vượt qua lằn mức đã
vạch sẵn do bàn tay mầu nhiệm của đấng Thiêng liêng. Người du khách đã từng gặp
các bậc siêu nhân ấy trên bờ con sông Hằng linh thiêng, trong những ngôi đền cổ
hoang tàn ở thành Thèbes, hoặc trong những thánh điện vắng lặng thâm u ở Luxor
trên xứ cổ Ai Cập. Trong những nơi đền miếu cổ kính thâm nghiêm này, với những
phù hiệu bí mật dị kỳ hấp dẫn sự chú ý của người du khách mà không ai đã từng
thấu hiểu ý nghĩa diệu huyền, người ta cũng thường chạm trán và gặp gỡ các
bậc siêu nhân ấy nhưng ít khi nhận biết được các ngài là ai. Những thiên hồi ký
lịch sử cũng đã ghi chép sự xuất hiện của các ngài trong những cung điện lộng
lẫy huy hoàng của các bậc vương giả, quí tộc Âu châu hồi thế kỷ trước. Người ta
cũng lại gặp các ngài trên những vùng đồng cát hoang vu của bãi sa mạc Sahara,
hoặc trong những hang động Elephanta của xứ Ấn Độ. Các ngài có thể hiện diện ở
khắp nơi, nhưng chỉ để lộ tung tích đối với những người nào dành trọn cuộc đời
xả thân cầu Đạo và không bỏ cuộc nửa chừng.
Có xứ nào trên thế giới xưa nay chưa từng thực hành khoa
Phương Thuật? Có thời đại nào mà khoa ấy đã hoàn toàn bị lãng quên?
Trong những tài liệu cổ xưa nhất mà chúng tôi đang nắm giữ
là pho kinh Vệ đà và bộ Cổ Luật Manou của Ấn Độ, chúng tôi thấy có những nghi
thức về huyền thuật tế lễ (ceremonial magic) đã từng được người Bà la môn chấp
nhận và thực hành. Trong thời đại này, các xứ Tây Tạng, Nhật Bổn và Trung Hoa
cũng đang truyền dạy những bí pháp được lưu truyền từ người Chaldée cổ xưa. Các
đạo gia những xứ kể trên còn chứng minh cụ thể những điều họ truyền dạy: sự tu
trì, tinh luyện thể chất lẫn tinh thần, và sự thực hành vài phép khắc kỷ, sẽ
giúp cho hành giả phát triển khả năng tuệ giác của Linh hồn. Nhờ kiểm chế được
cái tinh thần bất diệt của chính mình, hành giả sở đắc được những quyền năng
nhiệm mầu đối với những vong linh thấp kém.
Ở phương Tây, chúng tôi nhận thấy Phương Thuật cũng đã có
một dĩ vãng cổ xưa như ở phương Đông. Những thuật sĩ Druides của Anh quốc thời
cổ đã từng thực hành khoa ấy trong những hang động thâm u của xứ họ, và sử gia
Pline cũng đã ghi chép nhiều trang sử về sự minh triết của những nhà lãnh đạo
chủng tộc Thanh Tề (Celtes). Những thuật sĩ Semothees của xứ Gaule đã từng
trình giải các khoa học vật lý cũng như khoa học tâm linh. Họ đã từng giảng dạy
những bí mật của vũ trụ, sự vận hành điều hòa tuần tự của các thiên thể, sự
hình thành quả địa cầu, và trên hết mọi sự, tính chất bất tử của Linh hồn.
Trong những cụm rừng thiêng của xứ họ, các bậc cao đồ thường hội họp vào những
giờ thanh vắng lúc nửa đêm để học về nguồn gốc, lịch trình tiến hóa và tương
lai của con người. Họ không cần đèn lửa hay chất đốt nhân tạo để thắp sáng các
đền thờ, vì ‘đã có chị Hằng trinh bạch tỏa những ánh sáng màu bạc trên đầu họ;
và những giáo sĩ bạch y của họ biết cách giao tiếp với nữ chúa cô đơn của nền
trời xanh thẳm đầy sao’. (Sử gia Pline).
Phương Thuật hay Huyền Thuật (Magie) có một dĩ vãng cổ xưa
cũng như con người. Người ta không thể biết được nó có từ bao giờ, cũng như
không thể định chắc từ bao giờ con người đầu tiên sinh ra trên mặt đất. Vài tác
giả cận đại muốn chứng tỏ rằng Zoroastre là nhà phát minh nền Phương Thuật bởi
vì ngài là nhà sáng lập nên tôn giáo Magi. Nhưng các sử gia thời cổ đều đã
chứng minh một cách quyết định rằng Zoroastre chỉ là một nhà cải tổ nền Phương
Thuật của người Chaldée và cổ Ai Cập.
HUYỀN THUẬT AI CẬP
Không ai còn chất vấn giá trị của Champollion như một nhà Ai
Cập học uyên bác. Ông ta cho biết mọi sự đều chứng tỏ rằng người cổ Ai Cập vốn
có quan niệm độc thần một cách sâu xa. Những kinh sách của giáo chủ Hermès, mà
tính cách cổ xưa đắm chìm trong vực thẳm của thời gian, đã được nhà học giả này
chứng minh là hoàn toàn chính xác trong từng chi tiết nhỏ nhặt. Học giả Đức
Ennermoser cũng nói: “Các sử gia, triết gia, đạo gia Hi Lạp thời cổ như
Hérodote, Thalès, Parménides, Empedocles, Orphée và Pythagore đều đã từng đi
sang Ai Cập và các xứ phương Đông để được thụ huấn và sở đắc các pháp bí truyền
về Phương Thuật và khoa Huyền môn”. Cũng chính tại các xứ đó mà Moise đã đắc
đạo, và đức Jésus đã trải qua thời kỳ niên thiếu của đời ngài.
Thời xưa, đó là những nơi tựu họp những người tầm Đạo của
bốn phương, trước khi đạo viện Alexandrie được thành lập. Ennermoser còn nói
tiếp: “Vì những lý do nào mà những tổ chức Huyền môn đó được ít người biết như
vậy, trải qua hằng bao nhiêu thế hệ thời gian và được lưu truyền trong rất
nhiều dân tộc khác nhau? Đó là do sự im lặng tuyệt đối của người Đạo đồ huyền
môn, dưới sự cam kết phải giữ gìn bí mật. Một nguyên nhân khác có thể là do bởi
sự tàn phá, hủy diệt và thất lạc của tất cả những sách vở về bút tích ghi chép
giáo lý Huyền môn từ những thời kỳ cổ xưa nhất”.
Những tác phẩm của Numa, gồm những bộ sách trứ thuật về
triết học tự nhiên đã được tìm thấy trong ngôi mộ của ông, nhưng lại không được
phép đem ra phổ biến vì người ta không muốn tiết lộ những điều bí mật thầm kín
nhất của nền quốc giáo. Nguyên lão viện và diễn đàn dân chúng đã quyết định
thiêu hủy những pho tác phẩm ấy ở giữa nơi công cộng.
Phương Thuật được coi như một khoa học thiêng liêng đưa đến
sự tham dự vào những đặc tính của Thượng Đế. Philo Juddoeus nói rằng: “Phương
Thuật hé mở cho ta thấy sự tác động huyền diệu của thiên nhiên và đưa đến sự
chiêm ngưỡng những quyền năng và đặc tính của Trời”. Trong những thời kỳ về
sau, nó đã bị lạm dụng và hạ thấp đến mức trở thành khoa phù thủy, làm cho nó
bị người đời chán ghét và ghê tởm. Bởi vậy, chúng ta chỉ đề cập tới Phương
Thuật của thời cổ xưa trong những thế hệ xa xăm của quá khứ, khi mà mọi tôn
giáo chân chính đều căn cứ trên sự hiểu biết những quyền năng thần bí ẩn tàng
trong thiên nhiên.
Phương Thuật đã từng xuất hiện trên thế gian cùng với những
chủng tộc đầu tiên của nhân loại.
Moise được truyền thụ sự hiểu biết về Phương Thuật do bà
thái hậu xứ Ai Cập, mẹ của công chúa Thermuthis, đã cứu ông ta thoát khỏi nước
lụt của sông Nile. Hoàng hậu Batria, vợ vua Pharaon, cũng là một nữ đạo đồ
Huyền môn Ai Cập. Chính nhờ bà mà dân Do Thái có được nhà tiên tri và giáo chủ
của họ (tức thánh Moise) ‘vị này được truyền thụ tất cả minh triết của xứ Ai
Cập, và có bản lĩnh siêu việt trong lời nói cũng như việc làm’. Justin Martyr
thuật lại lời dạy của Troque Pompei cho biết rằng Joseph đã sở đắc được sự hiểu
biết rộng rãi về ngành Phương Thuật trong thời gian học đạo với các vị đạo
trưởng Ai Cập.
Cổ nhân đã từng biết rõ về một vài khoa học nhiều hơn cả
những gì mà các nhà bác học thời nay đã khám phá. Tuy họ còn do dự chưa muốn
thú nhận, nhưng có nhiều nhà bác học đã nhìn nhận sự thật đó. Tiến sĩ Todd
Thomson, một nhà khảo cứu về Khoa học Huyền bí tuyên bố rằng: “Trình độ kiến
thức khoa học trong một thời kỳ cổ xưa của xã hội loài người vốn cao hơn là
thời nay sẵn sàng chấp nhận. Những kiến thức đó chỉ giới hạn trong các đền thờ,
được che giấu kỹ đối với người thế gian phàm tục, và chỉ được truyền dạy cho
giới tư tế, tăng lữ”. Bàn về Huyền môn Kabala, nhà bác học Đức, Franz Von
Baader đã tuyên bố rằng; “Không những sự giải thoát tâm linh và minh triết
chúng ta, mà chính khoa học của chúng ta cũng đều xuất xứ từ người Do Thái”.
Nhưng tại sao lại không hoàn chỉnh câu ấy và nói cho độc giả biết từ đâu người
Do Thái đã thu nhập được những kiến thức của họ?
HUYỀN THUẬT DO THÁI
Triết gia Origène của môn phái Alexandrie cho biết rằng
thánh Moise, ngoài ra việc giảng dạy giáo lý công truyền, còn tiết lộ vài điều
bí mật rất quan trọng của giáo lý Huyền môn cho 70 vị trưỡng lão, và dặn dò các
vị này chỉ nên truyền lại cho những người nào họ xét thấy xứng đáng.
Thánh Jérome có nêu danh những người Do Thái của Tiberias
Lydda như là những vị đạo sư duy nhất có thể dạy phương pháp thần bí để diễn
đạt những bí pháp Huyền môn nói trên. Sau cùng, Ennemoser có bày tỏ quan niệm
chắc chắn rằng ‘những tác phẩm của Dionysius Arcopagita thật sự căn cứ trên
huyền môn Kabala của Do Thái’. Xét vì môn phái Gnostics, gồm những người Gia Tô
đầu tiên chỉ là những môn sinh theo môn phái Essenes cổ Ai Cập dưới một cái tên
mới, nên sự kiện trên không có gì đáng ngạc nhiên. Giáo sư Molitor đã tuyên
dương uy tín của huyền môn Kabala như sau:
Ký tự của người Chaldee cổ
“Thời đại vô nghĩa lý và nông cạn trong thần học cũng như
trong các khoa học nay đã qua vì lẽ chủ nghĩa duy lý chỉ để lại có sự trống
rỗng, dường như nay đã đến lúc để cho chúng ta lại lưu ý trực tiếp đến sự mặc
khải huyền bí, nó vốn là cái nguồn sống cho sự giải thoát của mình. Khoa Huyền
môn của xứ cổ Do Thái, vốn chứa đựng tất cả mọi sự bí nhiệm của xứ Do Thái ngày
nay, và có nhiệm vụ xây dựng một nền thần học mới, căn cứ trên những nguyên tắc
minh triết thâm sâu nhất, và đặt một nền tảng chắc chắn cho tất cả mọi khoa học
lý tưởng. Nó sẽ mở một con đường mới đưa vào chốn mê cung tăm tối của những
huyền thoại và bí pháp của những quốc gia cổ sơ . . . Chỉ có những truyền thống
đó mới chứa đựng hệ thống huyền môn của những bậc tiên tri, hệ thống ấy nhà
tiên tri Samuel không có sáng lập mà chỉ phục hồi trở lại. Mục đích của nó
không gì khác hơn là hướng dẫn những môn đồ đi đến minh triết và kiến thức siêu
việt, và khi họ đã được nhận xét là xứng đáng mới đưa họ bước vào cửa đạo huyền
diệu thâm sâu hơn. Những giáo lý Huyền môn này cũng gồm cả ngành Phương Thuật,
ngành này chia làm hai phái: Bạch phái tức là phái thực hành Huyền thuật chân
chính, cao cả, thiêng liêng, và Hắc phái chuyên thực hành khoa phù thủy, ma
thuật, tức Bàn môn Tả đạo. Trong Bạch phái, hành giả cố gắng giao cảm tâm linh
với thế giới bên ngoài để khám phá, học hỏi những điều huyền bí, ẩn tàng
trong thiên nhiên. Trong phần Bạch Thuật này, y thực hành những việc tốt lành
và hữu ích cho thế gian. Còn trong phần Hắc Thuật, tà đạo, hành giả cố gắng
kiểm chế các vong linh và sai khiến âm binh trong cõi trung giới, do bởi quyền
năng đó, y có thể làm mọi điều tà vạy và phản tự nhiên”.
HUYỀN THUẬT ẤN ĐỘ
Tất cả mọi giới đều nhìn nhận rằng tự cổ, phương Đông vốn là
nguồn gốc của mọi ngành học thuật và là nơi phát sinh ra ánh sáng. Riêng về
ngành Phương Thuật, ít người đã nghe nói đến nền Phương Thuật Ấn Độ vì ở xứ này
khoa ấy không được phổ biến rộng rãi như ở các xứ khác của phương Đông. Đối với
người Ấn Độ, khoa ấy xưa nay vẫn là một khoa pháp môn bí truyền, được giữ gìn
còn cẩn mật hơn Huyền Thuật của các giới pháp sư hay tăng lữ Ai Cập. Khoa ấy
được coi như thần thánh đến nỗi nó chỉ được thực hành trong những trường hợp
khẩn cấp vì ích lợi công cộng. Ở Ấn Độ, Phương Thuật được đặt lên cao hơn cả
vấn đề tôn giáo vì nó được coi như là một khoa học thiêng liêng.
Những vị đạo sư Ai Cập, tuy có đạo hạnh tinh thâm, cũng
không thể so sánh với những đạo sĩ khổ hạnh Ấn Độ về mức độ thánh thiện của đời
sống tâm linh cao cả hay về quyền phép thần thông mà họ thâu hoạch được bằng sự
dày công tu luyện. Những người từng biết rõ đời sống của họ còn kính phục họ
hơn cả những nhà thuật sĩ xứ Chaldée. Khước từ tất cả mọi tiện nghi của đời
sống, họ vào ở chốn rừng sâu và sống cuộc đời u tịch cô liêu của nhà tu ẩn dật,
trong khi các vị đạo sư Ai Cập ít nhất cũng còn có đời sống tập thể trong các
đền thờ. Tuy rằng dư luận người đời vẫn khinh miệt tất cả những kẻ thực hành
những môn ảo thuật, bói toán, tiên tri v.v. . . Nhưng họ vẫn đề cao các nhà đạo
sĩ Ấn Độ như những bậc dị nhân nắm giữ những bí mật thâm sâu thần diệu nhất về
thuật chữa bịnh cứu khổ cho người đời.
Trong những đạo viện ở Ấn Độ, còn được giữ gìn nhiều tài
liệu ghi chép những trường hợp chữa bịnh một cách nhiệm mầu làm bằng chứng về
những quyền năng và minh triết của họ. Những vị đạo sĩ khổ hạnh ấy phải chăng
là những nhà khai sáng nền Phương Thuật Ấn Độ hay chỉ là những người thừa kế
pháp môn bí truyền được lưu truyền lại cho họ từ những bậc Thánh sư của thời
thái cổ? Những học giả các thế hệ sau này cũng không giải đáp dứt khoát câu hỏi
đó mà chỉ coi nó như là một vấn đề phiếm luận. Một tác giả cận đại nói rằng các
vị đạo sĩ ấy từng lưu tâm đến việc giáo dục các giới hậu sinh và gieo rắc trong
giới thanh niên những lý tưởng tâm linh cao cả.
Những giáo lý của các vị ấy truyền thụ cho đời mà các sử gia
đã từng ghi chép, chứng tỏ rằng các vị ấy rất tinh thông lão luyện về các môn
triết học, đạo lý siêu hình, thiên văn, lý số, y thuật, tôn giáo v.v. . . Các
vị ấy vẫn giữ phong độ cao khiết đối với những bậc đế vương có uy quyền thế lực
to lớn nhất, mà họ không bao giờ hạ mình đến viếng thăm hay cầu xin ân huệ. Nếu
những bậc vua chúa muốn hỏi han ý kiến các nhà đạo sĩ thì nhà vua phải đích
thân tìm đến hoặc cho sứ giả đi mời. Đối với họ, không có một điều bí mật nào
trong các loài khoáng vật hay thảo mộc mà họ không biết rõ. Họ đã khảo sát
tường tận mọi điều huyền bí của thiên nhiên, mọi kiến thức về các ngành học
thuật sinh lý và tâm linh họ đều nắm vững, kết quả của họ là đạt đến sự thông
suốt nền khoa học huyền bí mà ngày nay người ta gọi là Phương Thuật hay Huyền
Thuật (Magie).
Truyền thống cổ xưa nhất của người Do Thái là khoa Huyền môn
Kabala, có thể truy nguyên từng chi tiết đến tận nguồn gốc nguyên thủy của nó ở
khu vực phía Bắc xứ Ấn Độ hay Turkestan, rất lâu trước thời kỳ phân chia rõ rệt
giữa những quốc gia thuộc chủng tộc Aryen và Ả Rập. Theo sử gia Josephus cho
biết, vua Solomon từng được hậu thế tôn sùng vì đắc phép thần thông, đã được truyền
thụ bí pháp từ Ấn Độ do Hiram, vua xứ Ophir, và có lẽ Sheba. Chiếc nhẫn của ông
thường gọi là “ấn của Solomon”, được nổi tiếng trong tất cả mọi huyền thoại của
dân gian về mãnh lực huyền diệu nhiếp phục được nhiều hạng thần linh và ma quỉ
cũng xuất xứ từ nguồn gốc Ấn Độ.
Giáo sĩ Samuel Mateer của Hội Truyền giáo Luân Đôn, viết về
những phù phép phương thuật của những bộ lạc thổ dân vùng Travancore (miền Nam
Ấn Độ) cho biết ông có nắm được một bộ sách viết tay rất cổ về phương thuật và
phù chú bí mật bằng chữ Malayalam, trong đó chỉ cách thức thực hiện nhiều pháp
thuật với nhiều mục đích khác nhau. Ông có chép lại trong quyển sách của ông
vài loại bùa với những hình vẽ và biểu tượng huyền thuật. Trong số đó, chúng
tôi nhận thấy một hình vẽ với lời chỉ dẫn sau đây: “Để trị chứng bịnh tà nhập
và làm cho bịnh nhân hết run rẩy, hãy vẽ hình ảnh này trên một loại cây có mũ
và đóng một cây đinh trên đó. Cơn run rẩy sẽ dứt tuyệt”.
Còn hình ảnh kia chính là hình vẽ “Ấn của vua Solomon”, tức
hai hình tam giác tréo lên nhau của huyền môn Kabala. Vậy hình biểu tượng này
là do người Ấn Độ thâu nhập của huyền môn Do Thái hay là của người Do Thái học
được của người Ấn Độ do di sản truyền lại từ vua Solomon?