Năm 1989, một sinh viên
cũ từ xứ sở bị đô hộ xưa trở lại thăm “mẫu quốc” đã được hiệu trưởng trường Đại
học Tổng hợp Paris 7, một trong nhũng trường uy tín nhất của nước Pháp, khẩn
khoản: “Nhân dịp giáo sư sang đây, ban giám hiệu chúng tôi xin dành trọn một
ngày để kính mời giáo sư giới thiệu phương pháp và kinh nghiệm học tập của giáo
sư với toàn trường chúng tôi”, bởi vì “Đã sáu mươi năm qua, trên đất Pháp này
chưa có sinh viên Pháp hay sinh viên quốc tế nào phá được kỷ lục: đạt hai bằng
tiến sĩ quốc gia Pháp ở tuổi 22.”
Người cựu sinh viên ấy
tên là Nguyễn Mạnh Tường.
Ông sinh năm 1909 ở phố
Hàng Đào, Hà Nội. Theo học tại trường Albert Sarraut, năm 16 tuổi ông đỗ tú tài
rồi sang Pháp du học từ năm 1927. Năm 1932 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ
luật “Cá nhân trong đô thị cổ Việt Nam” tại Đại học Montpellier. Một
tháng sau tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn chương “Việt Nam trong
văn chương Pháp”.
Khi ông về nước, hai
viên mật thám Pháp, trong đó có Louis Marty, gặp và gợi ý đưa ông vào làm thượng
thư trong triều Bảo Đại. Bị gây khó khăn do từ chối lời mời này, ông chỉ ở nhà
ba tháng rồi lại trở lại Pháp. Ông đã bỏ ra năm năm trời đi tham quan và nghiên
cứu các nước châu Âu: Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập… để viết bốn
cuốn sách bằng tiếng Pháp:Nền tảng Pháp, Kinh nghiệm Địa
Trung Hải, Kinh nghiệm và
nước mắt tuổi trẻ, Du lịch và cảm
xúc (kịch).
Trở về Việt Nam năm
1936, Nguyễn Mạnh Tường dạy học ở trường Trung học Bảo hộ (Lycée du
Protectorat), hay còn gọi là trường Bưởi (từ 1945 đổi tên thành trường Trung
học Chu Văn An).
Do bất mãn với chính
sách kỳ thị của Pháp, ông bỏ trường về mở văn phòng luật sư tại hai biệt thự số
1 và số 2 Mai Xuân Thưởng. (Những biệt thự này về sau đã được gia đình ông hiến
tất cả cho Nhà nước để rồi gần đây được sử dụng làm trụ sở cơ quan tiếp dân của
Thanh tra Chính phủ).
Ngay từ năm 1936, khi
trở về Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tường đã dành thời gian học tiếng Trung, tham gia
phác hoạ văn phạm Việt Nam với nhóm Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ, và hợp tác làm tự
điển với Khai trí Tiến Đức.
Ông đã góp vào kho tàng
tri thức Việt Nam 18 tác phẩm quý gồm 14 cuốn viết bằng tiếng Pháp và 4 tác
phẩm tiếng Việt, như:
·
Văn phạm Việt Nam (cùng Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, 1941)
·
Việt Nam Tự điển (Hội Khai trí Tiến Đức)
·
Construction de l’Orient (1937)
·
Sourires et Larmes d’une Jeunesse (1937)
·
Pierres de France (1940)
·
Apprentissage de la Méditerranée (1940)
·
Le Voyage et le Sentiment (1940)
·
Một cuộc hành trình (1955)
·
Un Excommunité – Hà Nội: 1954-1991: Procès d’un intellectuel(Quê Mẹ, Paris 1992)
·
Lý luận giáo dục châu Âu: Từ Érasme tới Rousseau thế kỷ XVI, XVII,
XVIII ( NXB Khoa học Xã hội,
1994)
·
Aikhylos(Eschyle) và bi kịch cổ đại Hi Lạp (NXB Giáo dục 1996)
·
Virgile – nhà thơ vĩ đại của thời kỳ La Mã cổ đại (NXB Khoa học Xã hội, 1996)
Ngay sau Cách mạng tháng
Tám thành công, ông được mời dạy văn chương Tây phương tại trường Đại học Văn
khoa do ông Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng.
Năm 1946 Hồ Chủ tịch cử
Nguyễn Hữu Đang đến trịnh trọng mời ông để giao một nhiệm vụ quan trọng.
Ông kể: “Cụ Hồ nói: Ta sẽ ký với
Pháp một tạm ước, nhưng lại muốn đạt được cao hơn một tạm ước. Sẽ có hội nghị,
lúc đầu ở Việt Nam (Đà Lạt), sau ở Pháp. Nhờ ngài xây dựng cho lập trường Việt
Nam để đi đấu tranh. Tôi từ chối, nói còn có nhiều người giỏi hơn tôi. Cụ Hồ
khẩn khoản:
Tôi đã hỏi nhiều anh em, họ đều bảo chỉ có ngài làm được, xin ngài
về suy nghĩ và giúp cho Chính phủ. (Hồi này cụ Hồ cứ gọi tôi là ngài!) Đi Đà
Lạt là đoàn liên hiệp các đảng phái. Trưởng đoàn là Nguyễn Tường Tam. Phó là Võ
Nguyên Giáp. Không thuộc đảng phái nào thì có Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên
và tôi. Lúc tiễn đoàn lên đường, cụ Hồ nói to: Xin chúc anh em đi thành công,
đặc biệt tôi có lời khuyên: Nội bộ đoàn kết, phải đấu tranh găng nhưng
không được gãy”.[1]
Một “sự cố” ở Hội nghị
này cũng đã được ghi lại như sau: “Kết thúc Hội nghị, D’Argenlieu có tổ chức tiệc
trà tiễn đoàn. Một sĩ quan hầu cận Pháp đến nói: Thủy sư Đô đốc muốn gặp riêng
ngài. Tôi nói: Tôi chưa hân hạnh được quen biết ngài Thủy sư Đô đốc. Có anh em
nói: Nó mời thì anh cứ đi. Tôi đi xuyên qua phòng họp, đông khoảng một trăm
người, đến gặp nó, chỉ toàn nói chuyện xã giao vớ vẩn. Thế mà khi về Hà Nội, có
dư luận nói: Tường là tay trong của Pháp, Tường phản quốc”. Hoàng Xuân Hãn
tức mình, đến gặp Võ Nguyên Giáp, dư luận mới được dập tắt.”[2]
Sau Hội nghị Đà Lạt ông
còn được cử đi dự Hội nghị Bảo vệ Hòa bình châu Á-Thái Bình Dương ở Bắc Kinh
năm 1952 và Đại hội Hòa bình Thế giới ở Wien năm 1953.
Toàn quốc kháng chiến
bùng nổ, Nguyễn Mạnh Tường tản cư và vào dạy dự bị đại học tại phố Đu Thanh
Hóa. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông kể niềm hân hoan, tự hào khi trở về
Thủ đô: “Ngày 10 tháng 10 năm 1954 đúng 10 giờ sáng, lực lượng kháng chiến
trọng thể tiến vào Thủ đô. Dẫn đầu là đoàn quân với những lá cờ tung bay với
tiếng trống liên hồi. Những cán bộ đứng trên những chiếc xe tải vẫy tay chào
đồng bào đứng đầy hai bên đường đang hô to những tiếng vui mừng, phất phất
những lá cờ nhỏ. Tất cả hai bên nhà phố đều trang trí và niềm vui không tả trên
ánh mắt của từng người dân. Từng chặp, đoàn quân phải ngừng lại để nhận những
vòng hoa của từng đoàn thiếu nữ mang tặng. Sự nồng nhiệt của dân chúng đã lên
đến cao độ, thật chân thành và nồng hậu. Kể cả những người mà con tim còn đang
nhịp nhẹ những tiếc nuối với người chủ hôm qua, tất cả đều chuẩn bị đầy đủ cho
một cuộc găp gỡ dễ thương bằng sự rộng rãi và lịch sự, họ vỗ tay hoan hô những
người đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ: chiến công của họ khơi động lại
niềm hãnh diện của người dân Việt và phục hồi lại danh tiếng cho nước nhà.”[3]
Ông hồ hởi nhận lãnh
nhiều trách nhiệm vinh dự: Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Phó Chủ tịch Hội
Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Luật sư đoàn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư
phạm, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên BCH
Hội Hữu nghị Việt–Pháp và Hội Hữu nghị Việt-Xô, thành viên của Uỷ ban Bảo vệ
Hoà bình Thế giới, chủ tịch sáng lập Câu lạc bộ Đoàn kết Trí thức…
Năm 1956, trong cương vị
Chủ tịch Luật sư đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, luật sư Nguyễn Mạnh
Tường được giao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn Việt Nam tại Hội nghị Luật gia Dân chủ
Thế giới tổ chức ở Bruxelles, Bỉ. Nhiệm vụ của đoàn Việt Nam là làm sao được
Hội nghị đưa ra nghị quyết ủng hộ công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của
ta.
Năm 2009, nhân kỷ niệm
100 năm sinh của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần
Thanh Đạm, thầy dạy của nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng ngày nay, đã viết về thầy
giáo cũ của mình như sau: “Nhớ lại hình ảnh thầy Tường, tôi thường cảm kích nghĩ rằng chỉ
riêng sự có mặt của Thầy trong hàng ngũ những nhà trí thức yêu nước đi kháng
chiến theo cụ Hồ ngày ấy đã là một sự cổ vũ lớn đối với thế hệ thanh niên chúng
tôi. Chỉ riêng điều đó đã là một cống hiến vô giá của Thầy đối với đất nước,
xứng đáng với sự hàm ơn và tưởng nhớ của các thế hệ sau này, cần được vinh danh
mãi mãi trong lịch sử văn hóa và giáo dục của dân tộc ta.”[4]
*
Thế mà! Bỗng đâu…, ông “đã là kẻ lữ hành trong
chuyến đi qua sa mạc kéo dài từ năm 1958 đến năm 1990, hơn ba mươi năm dài đằng
đẵng. Chìm trong vùng cát sa mạc của tuyệt vọng làm cạn khô giòng nước mắt, tôi
đã lê tấm thân bị tra tấn bởi thiếu thốn cô đơn, với quả tim
rướm máu bởi nỗi buồn của chua cay và vị đắng của mật. Không một
tia sáng của niềm vui trong đêm đen của địa ngục trần gian mà tôi đang bị quét
đi trong nỗi cô đơn.”
“tôi không bị ném vào tù hay
bị còng tay. Tôi không bị bắt đưa ra bất cứ toà án hình sự hay chính trị nào.
Tôi không bị bắt đày đi xa nhà hay xa gia đình. Nhưng cả xã hội và mọi người
đều biết: để tránh phải chịu những phiền phức, những ai muốn tiếp xúc với tôi,
dù bất cứ chuyện gì, đều không dám. Nhà tôi như đang chứa một người đang bị
bệnh dịch, không nên đến gần. Ra đường, mọi người thấy tôi từ xa đã quay ra ngõ
khác để tránh đụng mặt, nếu người nào đó, vì vô tình vô ý hay vì can đảm đến gõ
cửa gặp tôi, ngay sau khi vừa rời khỏi nhà là đã có công an mời về cơ quan để
tra tấn họ với những câu hỏi về họ là ai, về gia đình và tầng lớp xã hội và đặc
biệt là có quan hệ gì đến tên tội phạm là tôi đây.”
Không chỉ bị đầy đọa về
mặt tinh thần, về vật chất thì: “Cả mấy tháng qua, buộc phải mua thực phẩm và
những thứ nhu yếu trên chợ đen vì tôi không còn được phát tem phiếu kể từ khi
tôi bị loại, mặc dù với tất cả dành dụm có được, số tiền dự trữ ngày càng thu
hẹp. Ngay từ lúc đầu, với viễn tượng những ngày khó khăn trước mắt, với dự trữ
ít oi, chúng tôi bắt đầu một giai đoạn hạn chế, tiết kiệm. Trước tiên, loại bỏ
ngay buổi ăn sáng, một thói quen xa hoa của những người tư sản. Tiếp đến, cá
thịt từ từ biến mất trong những buổi ăn trưa và tối. Khẩu phần cơm và rau mỗi
ngày một ít đi. Và đến lúc mỗi ngày chúng tôi chỉ có một bát cháo để ăn.”
“Nghĩ đến chuyện vay mượn
bạn bè là điều vô ích vì chính bản thân họ cũng đang cùng số phận, đang trong
cảnh chỉ đủ cầm hơi khỏi bị chết đói. Vợ tôi đã nghĩ đến chuyện bán thuốc lá
bên lề đường để kiếm sống, nhưng làm sao có được mớ vốn ban đầu và có chút tiền
để bôi trơn móng vuốt làm khó của những tên công an hay cán bộ thuế, để chúng
để yên cho chúng tôi khó khăn kiếm sống? Tìm ở đâu những nguồn hàng mà chỉ qua
con đường buôn lậu mới có được? Món duy nhất mà vợ tôi không phải bán là cái
máy may để mua gạo cho gia đình, mà dùng nó để may đồ mang ra chợ bán. Nếu bà
còn trẻ bà có thể đạp xe về nhà quê mua rau cải lên bán ở những nơi đông người
qua lại. Nhưng tất cả những dự tính dễ thương nhỏ nhoi đó đều không thể thực
hiện đã làm cho vợ tôi khóc trong sầu khổ vì không thể làm một chút gì đề mua
gạo cho gia đình.”
“Tôi muốn dạy tiếng Pháp
tại nhà. Nhưng vừa mới bắt đầu là đã có một đám công an, chắc chắn là đã được
bọn gián điệp và điểm chỉ quanh tôi báo động cho họ, xuất hiện và bảo cho tôi
là dưới chế độ cộng sản không có gì là tư nhân mà được cho phép, dù chỉ là việc
dạy học của những ông thầy tận tuỵ. Phải làm gì đây? Tôi không thể ra đạp cyclo
như một số đồng nghiệp trẻ đang làm, không phải vì chuyện thiên hạ xầm xì mà
chỉ vì tôi đã không còn ở tuổi để làm chuyện đó: hoặc người ta không dám gọi
tôi, hoặc nếu có, số tiền công còm cõi của một hai chuyến đi không đủ để mua
thuốc cho tôi lại sức với cái thân thể đã tiều tuỵ lắm rồi. Tự nhủ là không có
nghề gì là đáng khinh, tôi xoay ra sửa chữa xe đạp bên vệ đường như những sĩ
quan cao cấp già của bộ đội về hưu đang làm. Những kiến thức về văn chương và
ngôn ngữ trở nên vô dụng trước những chiếc xe đạp hư cần sửa chữa như một quan
hoạn đứng trước người đàn bà không mảnh vải che thân.”
“Cuối cùng tôi cũng phải
hiểu ra là mình không nên đắm mình trong cái ảo tưởng về số phận của những cuốn
sách không bán được của tôi. Tôi đành phải cân ký bán cho những người thu mua
giấy vụn về bán lại cho nhà máy làm bột giấy. Những cuốn sách được mang lên
trên cái cân hiệu Roberval. Tôi được trả tiền theo số cân đo được. Tim tôi đập
loạn lên mỗi khi tôi phải chất những cuốn sách vào cái giỏ sau của chiếc xe đạp
để đem đi bán giấy vụn. Không, nó không phải là giấy, nó là những thịt da của
tôi đang bị xé ra từng mảnh. Khi những người mua ném chúng vào góc nhà, tôi
phải quay mặt đi nơi khác cố giấu giọt nước mắt đang trào ra! Không có người
cha nào còn dám nhìn con mình đang bị ném vào lửa bởi bọn đao phủ! Cái tra tấn
đó cứ tái hiện mỗi lần đi bán sách làm giấy vụn, tôi như bị một mũi tên bắn
xuyên qua tim mình. Nhiều lần, tôi phải nhờ vợ hay con tôi làm chuyện đó vì
tránh cho tôi phải chịu nỗi đau.”[5]
*
Vì đâu? Và từ lúc nào người
trí thức lỗi lạc từng được Chủ tịch nước Hồ Chí Minh cung kính gọi bằng “ngài”
và khẩn khoản: “Việc này chỉ có ngài làm được, xin ngài giúp cho Chính phủ”,
bỗng rơi xuống điạ ngục ngay giữa trần gian?
Ngày 30 tháng 10 năm
1956, sau khi nghe ông Trường Chinh thay mặt Đảng CSVN đọc bản kiểm điểm về sai
lầm của Cải cách Ruộng đất trước Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ
Quốc Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Tường không nén nổi xúc động: “Tôi phấn khởi được nghe
bản phê bình của Đảng Lao động do ông Trường Chinh đọc trước Hội nghị. Nhưng
tôi cũng phải thú rằng lòng phấn khởi của tôi một phần bị giảm đi, vì tôi nhớ
lại kết quả tai hại của các sai lầm đã phạm trong công cuộc Cải cách Ruộng đất.
Tôi xin phép các vị được kính cẩn nghiêng mình trước kỷ niệm những người vô tội
đã chết oan, không phải vì bàn tay của địch mà chính của ta. Trong cuộc kháng
chiến anh dũng của ta, những đồng bào đã hi sinh, có thể nói, được chết với
trong lòng chan chứa nỗi vui sướng vì chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc
khỏi nanh vuốt của địch. Họ chết bởi địch, cho ta. Đó là cái chết tích cực, cái
chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc ghi nhớ muôn thuở. Trái lại, những
người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải cách Ruộng đất này, lúc tắt thở,
cay đắng đau xót vì chết với một ô danh.”[6]
Thế rồi, sự “xúc động
thái quá” đó, trớ trêu thay đã biến ngày ấy thành định mệnh đời ông khi ông dám
chân thành đứng giữa hội trường trình bầy bản báo cáo: “Qua những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất – Xây dựng quan điểm lãnh đạo”.
Ông chân thành căn
vặn: ”Ta muốn gì? Tìm kẻ thù của nông dân, của cách mạng để tiêu diệt
nó. Nhưng đồng thời nếu ta biết lo xa, nhìn xa, ta cũng không quên rằng công lý
của cách mạng, muốn bảo toàn được uy tín và thắng lợi của cách mạng, phải biết
đánh đúng địch. Khi đưa ra khẩu hiệu ‘Thà chết 10 người oan còn hơn để sót một
địch’ thì khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng
là đằng khác nữa. Muốn chứng minh điều này ta chỉ cần nhìn thực tế: kết quả sai
lầm ta đã phạm khi thực hiện khẩu hiệu này rất tổn thiệt cho uy tín của cách
mạng và cho bản thân bao nhiêu chiến sĩ cách mạng. Nếu không phải đó là phản
lại cách mạng thì là gì? Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn: Thà 10 địch sót
còn hơn một người bị kết án oan.”
Ông quy kết: “Sở dĩ ta không để ý đến
giải pháp pháp lý là vì ba lý do: 1. Quan điểm ta – địch, thù-bạn của ta rất mơ
hồ; 2. Ta bất chấp pháp luật, lấy chính trị lấn át pháp lý; 3. Ta bất chấp
chuyên môn.”
“Tại sao có những hiện
tượng quái gở như vậy? Là vì chính trị chiếm đóng tất cả các khu vực trong nhận
thức của chúng ta làm chúng ta mất cả cái nhân đạo tối thiểu của con người, làm
chúng ta khước từ các chân lý.”[7]
*
Cho đến bây giờ do cần
tạo ra những cái bồ sứt cạp thủng đáy để rót vô tội vạ tài nguyên đất nước, mồ
hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân nhằm vỗ béo bọn tư bản đỏ người ta vẫn
chỉ thị phải củng cố doanh nghiệp nhà nước bằng bất kể giá nào để thể hiện đường
lối XHCN thiêng liêng của Đảng thì cách đây hơn nửa thế kỷ Nguyễn Mạnh Tường đã
chỉ rõ thực tế:
“Nghĩa là giai cấp công
nhân đã phải lao động sản xuất hai năm nay mà không được bồi dưỡng đúng mức.
Lắng nghe dư luận đồng bào Hà Nội thôi, ta được biết rằng có ít ra một doanh
nghiệp quốc gia lãng phí bao nhiêu triệu trong khi dưới chế độ Pháp thuộc, cũng
doanh nghiệp ấy mang lại cho thực dân đế quốc các số lãi khổng lồ.”
“Về Mậu dịch, nửa năm
nay, đồng bào ca thán như thế nào, ta đã biết. Nào chèn ép các nhà kinh doanh
tư nhân, nào lãng phí bao nghìn triệu trong khi thực hiện chính sách, nào tàn
nhẫn với các người bán sức lao động cho mình…”
“Số vốn mà các nhà công
thương mang ra kinh doanh chỉ là một phần ti tiểu, số công nhân làm việc trong
các doanh nghiệp tư nhân không có nghĩa lý gì. Trái lại ta thấy tất cả một
phong trào các nhà tư bản thu hẹp hoạt động của họ, hoặc chuyển hướng bằng cách
đâm ra quay chỉ, bán nước mía, hay dệt vài thước vải vớ vẩn, hoặc đóng cửa ăn
vào vốn để khỏi đụng chạm đến Sở
Lao động vì vấn đề công nhân, với Sở Công thương vì vấn đề đăng ký
và nguyên liệu sản xuất, với Sở Tài chính vì thuế khoá đặc biệt.”[8]
Ngày nay, trước thực
trạng xuống cấp thảm hại của giáo dục và đạo lý xã hội người ta mới càng thấm
thía biết bao cái điều mà vị giáo sư khả kính từng cảm thấy bất an: “Chỉ mới hôm qua, trước
ngày những người cộng sản tràn vào các nơi, truyền thống của cha ông ta là dạy
học trò phải biết kính trọng Thầy mình, thương yêu và kính trọng Thầy còn hơn
cả cha ruột. Cái vinh dự được giao phó là chăm lo đào tạo con người, sao cho
được đơm hoa kết trái, đã là khuôn thước do tâm hồn và cách sống của các Thầy
Cô. Họ có trách nhiệm với chính mình, với các học trò và cả xã hội. Điều đó đã
nuôi dưỡng tâm tánh thuần khiết của Thầy Cô. Những sách dạy của tổ tiên về đạo
đức con người được cả thế giới công nhận nay bị ném vào giàn lửa.”
“Cái khác biệt cơ bản và
sâu sắc giữa xã hội ngày xưa và xã hội ngày nay là mục tiêu của giáo dục đã
thay đổi. Ngày xưa người ta tôn vinh con người và đạo đức. Ngày nay, chủ nghĩa
cộng sản và cái chính trị quốc tế chủ nghĩa của nó thì được ca tụng bằng trời.
Khi cái giá trị chính trị nó đánh bật cái giá trị trí thức và đạo đức, đó là cả
một cuộc cách mạng, những thành viên của Đảng không nghi ngờ điều đó.”[9]
“Văn hoá phương Tây sẽ kết án chủ nghĩa cộng sản là tạo ra những
con người cháy bỏng với những cuồng tín về chính trị, chỉ biết theo chân của
lãnh đạo, nhắm mắt bịt tai với những thực tế của thế giới, ngậm miệng không dám
chỉ trích bất cứ chuyện gì. Thật đáng ngạc nhiên khi nhìn thấy một con người,
được nhào nặn trong lò bánh của cộng sản, đã mất cả con người riêng, còn mất
luôn cả nhân cách của mình, thay vào mình một con người chỉ biết động đậy theo
những tín hiệu từ xa bấm nút bởi người khác. Cổ tích phương Tây kể chuyện một
kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ. Người cộng sản, được đào tạo trong lò văn hoá cộng
sản, đã bán linh hồn cho Đảng.”[10]
“Thói quen luôn cúi đầu
để tỏ vẻ sự tán thành, dùng hai bàn tay luôn để vỗ tay, mồm luôn mở chỉ để nói
câu đồng ý, tất cả chỉ cho thấy sự tê liệt của lý trí, cái chết tiệt của trí
thông minh, chặt bỏ những phản xạ của phê bình.”
“con người được đào tạo
bởi nhà cầm quyền chỉ là một công cụ để thi hành những chính sách cầm quyền và
không là gì khác hơn.”
Một cán bộ lãnh đạo Đảng
đã chỉ vào mặt Nguyễn Mạnh Tường mà răn dạy giữa một Hội trường: “Ông không biết những gì
đang chờ đợi ông. Nhà nước cộng sản của chúng tôi chỉ chấp nhận duy nhất một
thái độ sống của người trí thức. Họ phải nằm trong đường lối chính trị của cộng
sản, biểu lộ lòng tin nơi Đảng, trung thành với Đảng, sống và suy nghĩ dưới sự
chỉ đạo và theo cách mà lãnh đạo Đảng đã xếp đặt. Những ai đi chệch xa con
đường này, trở thành kẻ xa lạ dị giáo, sẽ bị trừng phạt như những kẻ phản bội
phản động. Đây là cơ hội chót để ông tự ăn năn hối cải về sự táo tợn và trơ
trẽn của mình. Rán mà biết lấy nhé.”
Ngày nay tham nhũng đã
trở thành quốc nạn vô phương cứu chữa. Cách đây mấy thập niên, Nguyễn Mạnh
Tường đã gay gắt cảnh báo: “những quan chức của Đảng, với những chữ ký sinh ra vàng, đã để cho
mình bị tiêm nhiễm những con vi trùng của tiền của, để tự mình ngày càng chìm
sâu trong vũng lầy của tội ác. Những kẻ thuộc quyền, được khuyến khích bởi sự
bất bị quy trách của xếp mình, trở nên những kẻ đồng lõa, tập họp nhau thành
băng thành nhóm. Thời sẽ đến khi mà Đảng vẫn còn tiếp diễn những ung nhọt như
thế: họ sẽ không còn niềm tin yêu của nhân dân, niềm tin mà họ đã mất cả một
thời gian dài mới có được.”
“Tham nhũng là muôn mặt,
nhưng cái chính là trực tiếp hay gián tiếp ăn cắp tài sản Nhà nước, tham ô, làm
và sử dụng những giấy tờ giả mạo, chiếm đoạt đất công, dùng tài sản công vào
những chuyện riêng tư. Ngoài tính chất muôn mầu muôn vẻ của nạn tham nhũng ta
còn có thể kể thêm là sức sinh sôi của loại dịch bệnh này là rất nhanh. Những
lãnh đạo chóp bu đã làm gương rất xấu và chuyện họ không bị hình phạt nào chỉ
khuyến khích cấp dưới bước chân vào
con đường kiếm chác mà không sợ bị một rủi ro nào. Sớm hay muộn,
sự vô đạo đức sẽ chiếm lĩnh xã hội trên bề mặt cũng như bề sâu. Chưa bao giờ ở
bất cứ nước nào, ngay cả ở các nước tư bản, mà người ta thấy được một cảnh tượng
kinh hoàng, một sự băng hoại vô cùng của đạo đức: toàn bộ guồng máy nhà nước
ngập chìm trong sự mua chuộc. Đối với hàng công nhân viên hạng nhỏ cấp dưới,
mức lương nhỏ bé là lý lẽ để biện minh cho tội tham nhũng của họ khuyến khích
từ gương xấu của cấp trên của họ là những kẻ phạm tội nhưng không chịu bất cứ
trừng phạt nào của pháp luật hay phải ra trước toà thông qua hệ thống kỷ luật
của Đảng và họ tham nhũng để mưu cầu được mau thăng quan tiến chức. Sự vô đạo
đức nó như một cơn thuỷ triều đen chồm lên tràn ngập tất cả mọi cơ phận. Những
lương tâm run sợ bay biến khỏi vùng địa chấn, xa tắp khỏi tầng khí độc mà ngập
trong đó là một nhà nước đang thối rửa và hấp hối, một nhà nước kết cấu bằng
những con người mà quyền hạn là vô chừng và độc đoán đang nắm giữ.”
“cả nước bàng hoàng thất
vọng và kinh hoàng trước tội ác của những đảng viên biến chất, nhiều quan chức
cao cấp của Đảng và của Nhà nước đã hành xử như những băng đảng trộm cướp, đã
nuốt nhiều tỉ đồng của công quỹ để thoả mãn ham muốn đê tiện của mình.”
Ông đau đớn nhận ra mục
tiêu Cách mạng tháng Tám bị đánh tráo và kịch liệt lên án sự chuyên quyền, độc
đoán: “Trong cuộc cách mạng tháng Tám, toàn thể nhân dân cùng một lòng
đứng dậy để giành lại tự do và độc lập. Nhân dân đặt niềm tin vào lời nói của
lãnh đạo cộng sản là toàn những người với quá khứ vinh quang đầy hy sinh cho Tổ
quốc. Nhưng sau đó, từng bước, nhân dân bị áp đặt dưới cái gọi là ‘dân chủ nhân
dân’, rồi sau đó là chủ nghĩa xã hội. Chúng ta không còn tôn thờ Khổng Tử,
trong khi vẫn gìn giữ những giá trị của đạo Khổng, chúng ta bị cải đạo sang tôn
giáo Ba ngôi của chủ nghĩa Marx: Marx-Lenin-Stalin, với ba tấm hình được treo
cao để ba ông được nhìn xuống đám thần dân! Từ lúc nào và ở đâu chúng tôi được
hỏi ý về những ước ao và mong muốn của chúng tôi? Chuyện chẳng hề xảy ra. Đảng
là con mắt nhìn mọi chuyện giùm chúng tôi, quyết định cho chúng tôi, rồi ra
lệnh chúng tôi phải tuân theo quan điểm của Đảng mà họ cho rằng sẽ mang đến một
tương lai huy hoàng và hạnh phúc.”
“Đa nguyên là chấp nhận những ý kiến trái ngược, những sự thật
không giống nhau và đó là ý nghĩa thực của một nền dân chủ. Những người cộng
sản không chấp nhận chuyện đó. Họ bám chặt vào độc quyền chính trị, tự cho mình
là kẻ duy nhất nắm mọi thước đo về bản chất của dân chủ. Đa nguyên trở thành
bãi chiến trường nơi mà dân chủ và chủ nghĩa cộng sản tấn công lẫn nhau.”
“Nhà nước chỉ là bàn tay
nối dài của Đảng và con người lãnh đạo Đảng chính là người đang nắm trọn quyền
lực. Nhân dân không là gì hết, tiếng nói của họ đã bị bịt kín. Tất cả những bộ
phận của Nhà nước là gồm những con người của Đảng hay những người toàn tâm toàn
ý với Đảng; tất cả cái giống người này chỉ có cái lưỡi gỗ và cái lưng cong cúi
luồn với chủ. Trong những điều kiện như thế, làm sao có được những tiếng nói dấy
lên để đòi truất phế và thay những kẻ bạo quyền, hay ít ra là để đưa ra những
đề nghị, những ý kiến để làm đứng lại cái xe đang lao mình với tốc độ kinh
hoàng về phía hố sâu của sự xấu? Mọi chuyện được quyết định từ hậu cung của
Đảng, nơi thần bí nhất của thiên cung, bao quanh bởi một vòng thành kín bưng
như Vạn lý Trường thành bên Trung Quốc!”
“Chưa bao giờ trong lịch
sử con người mà lưỡi tầm sét của Thần Zeus – tức cái búa của Thiên Lôi – cùng
với cây gậy thần của Circé lại nằm cả trong tay của một người, làm thành một bộ
máy thống trị và áp bức cực kỳ hoàn hảo, một bộ máy chuyên dùng khủng bố làm
chất nhờn bôi trơn những trục máy!”
Vốn là người cương trực,
ông không chỉ nói khoáng đại giữa Hội nghị mà đã từng giãi bầy trực tiếp vào
tai Chủ tịch nước Hồ Chí Minh trong buổi trò chuyện riêng giữa hai người sau
Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ Thi đua họp ở Việt Bắc mùa xuân năm 1952: “Chế độ chuyên quyền tha
hồ chủ quan, tự do duy ý chí và làm luật lệ lung tung, trái khoa học, trái lẽ
phải, tác động tai hại đến uy tín của chính quyền và đến hạnh phúc của quần
chúng, rất bất bình với bao hành động thiếu đạo đức và ngu dốt. Giải pháp duy
nhất của sự khôn ngoan là mở rộng tai nghe, mở rộng cửa cho người thứ ba, cho
tiếng nói từ ngoài vào, từ nhân dân đưa lên.”
“Cho đến nay Đảng bao
trùm lên trên và nuốt chửng Nhà nước và không ít người nghĩ rằng Đảng lãnh đạo
và cai trị vì lợi ích của Đảng hơn là vì lợi ích của nhân dân.”[11]
Ông nói lên sự thật về
hai tổ chức Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc một cách chua chát: “Hai tổ chức Quốc hội và
Mặt trận khác nhau là ở chỗ Quốc hội gồm có những đại biểu được ‘bầu’ lên từ
mọi vùng lãnh thổ trên toàn quốc, Mặt trận gồm những người được chọn lựa trong
các đoàn thể quần chúng để tiêu biểu cho mọi ngành nghề xã hội hay khuynh hướng
tôn giáo khác nhau. Nhưng cả hai đều gặp nhau trong cùng một thái độ vì Đảng,
trong những lần đưa ra đưa ra ý kiến, đều đồng ý với Đảng trên bất cứ chuyện gì
và bất cứ lúc nào, hoàn toàn không có một ý kiến khác hay ồn ào kháo chuyện.
Toàn Quốc hội biểu quyết bằng cách đưa tay lên, Mặt trận biểu quyết bằng cách
cúi đầu và buông thõng hai tay. Nhưng cả hai đều biểu hiện một sự nhất trí với
lãnh đạo làm cho mặt lãnh đạo ngửa cao với nụ cười mãn nguyện. Đảng tự cho mình
là người nắm sự thật và hai tổ chức kia chỉ có nhiệm vụ là phổ biến và tuyên
truyền, mỗi tổ chức lo chuyện trong khu vực ảnh hưởng và trong vùng sinh hoạt
của mình. Đó là hai cái nạng giúp Đảng tiến bước.”[12]
(Gần đây Quốc hội mới
rón rén phản biện để Chính phủ tạm dừng kế hoạch xây dựng đường xe lửa cao tốc.
Thực tế, mức độ hệ trọng của việc này rất không đáng kể so với chủ trương cho
Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên; vấn đề xác định biên giới lãnh
thổ, lãnh hải; vấn đề mở đường Hồ Chí Minh; vấn đề chọn đặt nhà máy lọc dầu đầu
tiên ở Dung Quất… mà những hệ quả thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế, chính trị,
xã hội phát sinh từ đấy đáng đưa những người chịu trách nhiệm chính đối với
những sai lầm ấy ra xử tử.)
*
Giãi bầy những tưởng
niệm muộn mẳn đối với người trí thức lỗi lạc khả kính Nguyễn Mạnh Tường, chúng tôi muốn
cùng độc giả soi xét để nêu câu hỏi: Nguyễn Mạnh Tường (và những người như kẻ
viết bài này) đã nói câu gì không đúng? Đã làm việc gì sai pháp luật? Sao người
ta nỡ / dám nhân danh Đảng đầy đọa hãm hại chúng tôi! Trù dập vợ, con chúng
tôi! Uy hiếp, khủng bố bạn bè, thân thích của chúng tôi!
Hãy thắp nhang cung kính
tạ tội và thành khẩn tụng niệm những lời cảnh báo sau đây:
“Thay vì giáng búa rìu
lên đầu người trí thức mà tội lỗi duy nhất của họ là yêu Tổ quốc và dân tộc,
người cộng sản cần phải hiểu rằng kẻ thù của họ chính là họ chứ không ai khác.
Kẻ thù của họ là ai? Là tính chủ quan, một cách quá mức, đã làm cho họ tưởng
mình là thượng đế được phú cho sức mạnh siêu nhân không thể thất bại… Thật điên
khùng khi họ tin rằng họ luôn luôn đúng, ngay cả những khi họ đã sai lầm rõ
ràng!”
“Nếu cứ vướng mãi với
những hành động dại dột, mất trí hay điên khùng, quý vị sẽ đưa dân tộc vào
nghèo đói và đau khổ, tiếp tục làm những chuyện chuyên quyền, phạm luật và vô
nhân đạo thì quý vị sẽ không thể tồn tại dài lâu! Ngay sau khi quý vị chết,
nhân dân sẽ tiếp tục nguyền rủa, đào mồ và quăng cái xác thối của quý vị cho
sài lang và diều hâu cắn xé! Tên tuổi của quý vị sẽ bị ‘tạc ghi’ trong lịch sử
và sẽ bị khinh bỉ trong hàng trăm năm sau.”
Về phía chúng tôi, dẫu
sao chúng tôi cũng sẽ không bao giờ quên lưu giữ cái nhin thể tất và ưu ái của
vị giáo sư bồ tát:
“Dù có ghét hay thương
cộng sản, mình cũng phải công nhận rằng những người lãnh đạo nó đã phải chịu
đoạ đầy vì lòng yêu nước của họ. Những thế hệ kế tiếp và những người nối nghiệp
thì không thể tự hào là có cùng cái hào quang đó. Dẫu vậy, trong số những kẻ kế
thừa vẫn có những người dù ít tài cán nhưng lòng trung chính vẫn đáng để chúng
ta ngả mũ chào. Trong khi đó biết bao nhiêu kẻ khác không những đã chẳng có
chút khả năng nào mà còn vô đạo đức nhưng hết mực núp vào Đảng vì Đảng đã gây
dựng và bảo vệ quyền lợi cá nhân của họ.”
Vấn đề còn lại được nêu
lên là: “Chủ nghĩa anh hùng của các ông có làm cho các ông dám hy sinh Đảng
của quý ông trên bàn thờ của Tổ quốc và Nhân dân? Đất nước và nhân dân Việt Nam
đang chờ câu trả lời của các ông.”[13]