Saturday, November 9, 2013

Khi đến cuối con đường

Một buổi chiều, tôi đang lang thang ở sông Hồng, tìm tới bãi tắm của những người tự gọi là "tiên" song người đời thì hay nói họ bị "điên". Tuy nhiên tôi không thể ngờ được rằng, rất gần ngay cạnh những người đang sống theo kiểu “tiên” giữa cuộc đời xô bồ này có hai mảnh số phận, có thể trong mắt người đời họ bị coi là tận cùng của xã hội nhưng họ lại đang sống trong “thiên đường” của chính mình.




Họ sống ở đây, trong căn chòi tạm này...


Cụ ông năm nay đã 78 tuổi – hằng ngày cụ phải đạp xe đi khắp thành phố để nhặt rác về bán lấy tiền đong gạo.


Trong khi đó, cụ bà cũng đã ngoài 70 – sức khỏe yếu nên chỉ ở nhà chăm lo chuyện bếp núc. Tuy nhiên, căn nhà của hai cụ cũng không có quá nhiều diện tích để bà phải quét tước, lau dọn.



Hai cụ gặp và lấy nhau từ năm 1969, cụ ông còn xăm hẳn vào bên tay trái của mình dòng chữ 29/6/1969 để kỉ niệm ngày cưới. Họ vốn là người dân tộc Mường, cả cuộc đời lang bạt, sau rốt cuộc lại nương tựa trong một căn lều tạm ở ven sông Hồng. Hai cụ không con cái, không tài sản và vừa mới phải di dời ra căn nhà nổi này vài tháng trước, sau khi ngôi nhà mà hai ông bà ở nhờ trước đây bị quy hoạch.
 
Trời thương còn giữ lại cho ông sức khỏe để hằng ngày nhặt rác kiếm sống, để chèo chống căn nhà lênh đênh bến nước này.

Giỏi bơi lội, nhưng để đề phòng bất trắc, ông luôn đeo bên người vỏ bình nước để tạo sự an toàn.

Trừ những lúc đi nhặt rác, hai ông bà làm gì cũng không rời nhau. Người già lọ mọ làm thì chậm nhưng nhờ sức khỏe dẻo dai của ông cũng như tình cảm làng xóm, họ cũng dựng được một căn nhà nổi. Dù thành phần dựng nhà chỉ toàn là mảnh xốp, thùng phi, mái thì che chắn bằng đủ mọi vật liệu kể cả băng – rôn cổ động treo ở ngoài đường nhưng đặc biệt sạch sẽ.

"Thuận vợ thuận chồng..."


Sự lo lắng trước những cơn mưa bão nổi lên bất chợt
 
Nhưng mùa mưa bão tới tức là nỗi lo cũng ập về. Nếu hằng ngày cuộc sống với những người khác là vật lộn để mưu sinh thì với hai cụ nỗi lo lớn nhất là ngày mai mình có còn có nhà mà ở hay lại bị con nước dữ cuốn trôi lúc nào không biết. Liệu ngày mai, mình có còn đủ sức khỏe hay đành bất lực buông tay.


Có thể khi còn trẻ, hai ông bà cũng từng có những ước mơ và dự định mà tôi tin chắc không có gì trong số chúng lại giống như hiện thực mà hai người đang đối diện. Không ai biết trong quá khứ họ từng là người như thế nào, tôi thực sự cũng không quan tâm bởi tôi nghĩ rằng: ở thời điểm hiện tại, nếu họ phải trả giá vì những gì đã làm trong quá khứ thì như vậy cũng là đủ rồi. Và ở thời điểm bây giờ, tôi chỉ thấy đây là hai con người mà khi nhìn vào tôi tự thấy mình học được ở họ rất nhiều điều.  Họ đã không dễ dàng buông tay nhau kể cả khi cuộc sống cực kì khó khăn. Họ cũng không đi xin ăn một ngày nào khi vẫn còn đủ sức khỏe để lao động. Và khi nói về nỗi khổ của bản thân, họ vẫn mỉm cười.



Nụ cười hiếm hoi của bà cụ


Hai chú chó con đã làm bạn với ông bà nhiều tháng qua...


.nhưng chúng đã "không còn" khi lần mới nhất chúng tôi tới.

Sống là để trải nghiệm, và khi còn quá trẻ thì bạn chưa thể nói rằng mình đã sống đủ để nhìn thấu mọi chuyện. Bạn còn quá bận bịu trong việc làm sao để tìm thấy hạnh phúc của riêng mình. Và có khi nào, bạn cảm thấy mệt mỏi vì điều đó?!  Rõ ràng bạn đang nỗ lực học, nỗ lực làm việc kiếm tiền, nỗ lực vun đắp tình cảm với người yêu,… nhưng khi còn lại một mình, chưa chắc điều đọng lại với bạn đã là sự bình yên. Bạn còn thấy có quá nhiều thứ mình cần phải đạt được, phải nắm bắt và phải là của mình. Có khi nào những gạch đầu dòng ấy đang đè chết những niềm vui đơn thuần nhất trong bạn?!



Sự lạc quan trong cuộc sống của ông bà đã cho chúng tôi một bài học đáng quý

Chúng tôi muốn và sẽ chia sẻ, giúp đỡ hai ông bà trong khả năng có thể của mình. Đó chỉ đơn thuần là “tình đồng loại”, thứ tình cảm liên kết, giằng díu con người với nhau, chứ không phải hành động “từ thiện” hay “nhân đạo” to tát nào cả. Bằng cách đó, tôi hi vọng sẽ phần nào khiến cuộc sống của họ nhẹ nhàng hơn khi sự già yếu theo tháng năm ập xuống… Freely Team không phải tổ chức từ thiện, chúng tôi chỉ giúp mọi người theo cách riêng mình. Nếu các bạn quan tâm có thể liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ mail: freelyvn@gmail.com



Photo: Minh Đức - Lê Minh - Freely.vn

Biên tập: Freely Team