Ngày 4. CP mệt, dậy muộn. Tôi mò sách của chàng. Nhà chất
sách mọi nơi, kể cả lối cầu thang lên tầng trên.
Thế là có một buổi sáng thảnh thơi, đọc Simon Leys, tiểu luận trong The Hall of Uselessness
( Vô Dụng Đường) và The Burning Forest ( Rừng cháy). Leys chuyên về văn hóa
phương đông, đặc biệt Trung Quốc. Nói thật, ông Tây (người Bỉ thì phải) này hiểu
Tầu chẳng kém gì Ta (xưa có cố GS Trần Đình Hượu, nay có Trần Quốc Vượng ở
Hà Nội). Thậm chí có những điều ông Leys
này sâu sát đến độ khá kinh ngạc. Lòng lại nhủ lòng, mình dốt quá, phải học
thôi, nhất là lúc này ông hàng xóm phương Bắc chắc sẽ ruổi người đi xuống
phương Nam, đẩy thuyền bè ra biển Đông, áp dụng chính sách ‘’ mềm’’ đàng sau có
lực cứng như thép bọc thiết giáp và chiến hạm. A, cái địa chính trị rắc rối từ
muôn đời của cái nước ta đa sự, thật nhức đầu.
Chợt nhớ lời cô em ‘’ trách’’: ‘’ Quê hương như chùm khế ngọt.
Huynh cứ như đứa trẻ ấm ức vì không được ăn khế, kêu oai oải! Bao giờ viết lách
được cái chi thơm thơm, mát mát, ngon
ngon...thì muội sẽ vỗ tay cho!’’. Quê
hương ơi, cắn vào chua lè, kẻ thất phu này lại bất lực, giời ạ! Làm sao mà cảm
được cái mát mát, cái ngòn ngọt, cái thơm thơm đây hả cô em!
Trưa, rủ CP ra bãi biển, ngắm trời đất bất chợt khi nắng lúc
mưa. Rồi ăn chiều ở quán Barefoot 's Bob, đón gió trở mùa và ngắm biển
buổi đầu thu. Tối, thấy cô đơn lạ. Nhưng
lại thanh thản, lòng chỉ gợn một chút
luyến thương vu vơ, không ai, không gì...Bãi biển trưa nay lại hiện ra, mơ hồ, hư
thực...
Bờ xa nước
rút
Ghềnh đá trơ lòng
Người đi xa hút
Trời xa mênh mông
Xoa tay bật hát
Dăm lời viển vông
Viển vông thật, nhưng cứ gửi cho gió cuốn đi, ai nhận được
thì nhận.
Bất cứ ai, xá gì!
Từ các quán nhậu nhìn ra bãi vắng Nantasket Beach. |
Ngày 5, chiều NTK mở
tiệc. Trưa, CP chở tôi đến nhà Nguyển Bá Chung (NBC), nơi
ND tạm cư. Gặp lại phu nhân là chị Chấn
(C), người đàn bà phúc hậu nhất... những nơi có cộng đồng người Việt. Gặp lại
ông NBC, cũng tử tế nhất...với những nhà văn, nhà báo Việt Nam sang Mỹ
thăm thú (viết ‘’thú’’ thì xin chớ hiểu lầm Mỹ là xứ sở của những loài thú dưới cấp người biết uống
coca, xem baseball và ăn chip ). NBC
nghe đâu đau, nhưng nay nhìn rất khoẻ, và vẫn say mê chăm chú nhìn màn ảnh
Internet. Chị C chẳng thay đổi một tẹo nào, so với NBC thì ngày một trẻ ra ( hè hè, NBC tóc nay bạc phơ chớ có giận, chàng là người
biết chị C có nhuộm tóc bằng thuốc hiện
đại hay không!). ND vắng mặt, đang giúp
2 đứa con dọn nhà. Chàng này quả số vất
vả, đi ½ vòng trái đất, muốn nhưng gần què, đâu khuân vác gì được. Thôi, có mặt
vì ngoài tình phụ tử còn có sự đoàn kết của vô sản quốc tế. Cố
nhé, đoàn kết lại nghe không!
Chiều D về. Chúng tôi
trực chỉ nhà NTK, được báo trước là sẽ
có Trần Doãn Nho (TDN) và Trần Thu Miên (TTM), một giáo sư ở Boston
College. Rất vui, chuyện nháo nhào, nào là tính ẩn dụ trong văn học với TDN,
nào là ...quên mất rồi, với những ai ai
mà không nhớ vì uống nào trắng, nào đỏ...và nhậu ễnh bụng món gỏi cá kiếm (
sword- fish) tuyệt vời của chị Mai , phu
nhân ông bạn cung thê cực tốt là
NTK. Chị Mai cũng như chị Chấn, trẻ mãi không già, cứ như thách thức thiên nhiên.
Chị cứ ‘’xanh’’ mãi thế thì đám liền anh đầu bạc chúng tôi chắc sẽ thở hắt ra mất!
Khôi hát, dùng clavier, có phối âm, rất điệu nghệ. Và CP
cũng cất tiếng hát, bài của chính chàng
soạn nhạc phổ thơ. Ối giời, cảm phục, thậm
chí kinh ngạc rồi tới kinh hãi. Kinh ngạc
vì thơ hay nhạc nhuyễn, kinh hãi là cái giọng chàng lên cao xuống thấp,
đâu đó dăm ba lần bước hụt, chỉ sợ chàng
té lộn mèo thì mất zzzui thôi. Không, chàng không té lần nào, dẫu rượu có vào
và lời ra theo một chu trình âm tiết được nghiên cứu đàng hoàng. Đến lượt mình, tôi chẳng biết làm chi thì NTK lôi ra tập lưu niệm trong đó tôi có làm một
bài thơ cách đây hơn mười năm. Tôi đọc. Thơ tôi trước sau vẫn cứ thế, cô em Tha
La xóm đạo ơi, vẫn cứ đầy chất chua axít, không thơm ngon mát tam tinh bổ cẩu...Hélas!
Chàng ND lại đáp ân tình chủ
nhà và khách tham dự bằng cách đọc Nhìn từ xa ...Tổ Quốc. Bạn thứ lỗi, cho tôi
nhại và nói theo:
Ai?
Không ai!
Vết bầm hốc
hoác không còn chút máu tươi
màu đỏ chỉ
còn là màu ngọn cờ không gió
Thế mà có kẻ
bảo nó đang bay
Vâng
nó đang bay
xuống vực cuộn theo thứ lịch sử kích thước vừa bằng miệng giếng
Ếch ộp...bốn
phía thì thào
Chao ôi, hiền muội xóm đạo Tha La, huynh đây lại
ăn khế chua mất rồi. Chua đến độ lè lưỡi thất thanh kêu Stop.
Chao ôi, nói kiểu nàng Francoise Sagan thời hiện sinh bên
Pháp hơn 40 năm qua, những ngày zzui qua
mau. Bắt chước, và cực đoan hơn, những
giờ ( =1/24 ngày) vui qua còn mau
hơn. Khuya rồi, phải về. Và cố lên anh em ta ơi, theo đúng lời ông nhà văn lừng
danh Phan Khôi, mai mà ‘’nắng được thì cứ nắng’’ nhé.
Không, hôm sau, ngày 6, trời mưa và lành lạnh. NBC, ND
và tôi kéo nhau đi ăn phở Lê ở Harvard
Square, sau sẽ đến hẹn lại lên với NTK, CP ở hầm rượu ngay dưới. Đợi một lát, ND lại đi giúp con dọn đồ. K và CP lục đục tới, chuyện vãn trong một chiều mưa
chẳng mấy chi hào hứng. Tối, tôi về nhà NBC, để có thêm một chút thời gian với ND. Chị C lôi ra một
tập lưu niệm, bảo viết vài chữ làm kỷ niệm.
Tôi ngẫm mình , hạ bút
hai câu:
Thoắt
trông, tóc đã bạc rồi
Nhìn ra, một thoáng
mây trời trôi xa...
Quả không vui. Nhưng tại sao tôi không la làng: ‘’ Nắng không được thì hát lên đánh thức
mặt trời dậy !’’ hở tôi ơi?
Hôm sau, NBC đi vào U
Mass sớm. ND và tôi ra Harvard Square gặp
CP, rồi cả ba đi ăn trưa ở Dorchester,
vùng đông người Việt cư trú. ND phải có
mặt ở U Mas, chúng tôi ăn vội vàng để kịp giờ hẹn của chàng. Lập cập thế nào
CP đâm xe vào lề đường, trong khi qua
khung kính tôi nhìn ND khập khiễng bước
vào chiếc cầu thang điện chạy lên tầng trên đại học. Xe đâm lề như thế nên tôi
chưa kịp buồn, động tác tự động là xuống xem lốp có bị sịt không. Thế cũng may!
Khỏi bâng khuâng một thoáng.
Chúng tôi về Tiểu Bồng Lai đảo.
Mệt nhoài, tôi chưa ăn chiều đã ngủ thiếp đi.
Đảo Spinnaker Island trong vịnh Hingham. |
Ngày 7, ngày cuối. Sáng tinh mơ, NTK gọi điện bảo TTM nhắn mời chúng tôi vào Boston ăn trưa, nhưng nào còn đâu thời gian! Đành từ chối. Hôm nay, tôi cũng muốn
có những phút trầm lặng chuyện trò với CP. Về đủ thứ chuyện, nhưng rút cục, vẫn
xoay quanh vấn đề văn hóa thời đại này. CP
khơi mở ý của một nền dân chủ mới, Cyber-Democratie - chữ của Pierre
Lévy hiện giảng dậy ở Đại Học UQ-TR gần
nơi tôi cư ngụ. Và những nghịch lý, tỉ dụ như cuốn sách của Giovanni Arrighi, tựa
là Adam Smith in Beijing
( Ed. Verso, 2007).
A. Smith là ông tổ nền kinh tế học tư bản bây giờ tư tưởng thống lĩnh kinh tế Trung Quốc, nơi mang
danh xưng XHCN ‘’ kiểu Tầu’’. Nhưng tội
cho A. Smith, ông nào đâu biện hộ cho một
nền kinh tế tế tư bản hoang dại! Trong phần đầu cuốn sách, chương Một là tiểu luận tên " Marx in Detroit , Smith in Beijing’’.
Chẳng cần nhắc Marx là ai nhưng Detroit,
mới cách đây không lâu còn là thành phố chuyên chế tạo xe hơi của đại tư bản Mỹ
nay đang ‘’ phá sản toàn bộ’’ và từng bước thành một thành phố hoang. Với lao động
rẻ khắp nơi trong thế giới kinh tế ‘’đang lên’’ ( emergent economies), công nhân
Mỹ lưong cao bị cho ‘’ ra rìa’’ cuộc sống, và chưa bao giờ khẩu hiệu vô sản thế giới hãy đoàn kết với
nhau lại mang ý nghĩa thực tiễn đến vậy. Nhưng dẫu có đoàn kết thì làm gì? Vô phương chăng?
Đến chiều, CP đưa tôi vào Boston qua đường biển, bằng những chuyến ferry tổ chức rất tốt. Từ bến Boston, mai tôi có thể lấy Water –Taxi ra phi trường Logan để bay về Canada.
Bến phà Long Wharf nơi các chuyến ferry sáng chiều vào ra Boston. |
Bến cảng Boston nay sang sửa khá đẹp, Hotel và Condo hạng
sang mọc lên như nấm, vòng quanh là một công viên dài 2 cây số mang tên Rose
Kennedy, thân mẫu của cố Tổng Thống J. Kennedy. Chúng tôi cuốc bộ vào phố Tầu,
đi ngang Parker Hotel, nơi ngày xưa ông Hồ Chí Minh từng kiếm ăn như bếp phụ
trước khi làm chính trị chuyên nghiệp, tức là có môn bài của Đệ Tam Quốc Tế
CS. Nghề làm bếp phụ như vậy cũng mở ra
nhiều khả năng đấy chứ! Tôi thông báo cho CP, ở Việt Nam XHCN nay có đạo thờ
Bác Hồ, trụ sở lên cả VTV chính xác là
Điện Hoàng Thiên Long, Từ Liêm, Hà Nội. Nghe đâu Viện Khổng Tử cũng sẽ khai
trương một ngày rất gần đây để thúc đẩy chính sách bốn tốt trên một bàn cờ mà
bên phía ta đã mất hết xe pháo mã với một
con tướng cụt đầu.
Thôi, đi ăn, tôi kêu đói. Thế là chúng tôi vào tiệm Hong Kong
tôi đã từng ăn hơn 10 năm về trước, gọi mằn thắn, sủi cảo, vịt quay... Ăn cơm
Tàu hợp khẩu vị như thế, đừng tưởng là độc lập dễ dàng nhé!
Cổng chính vào Phố Tầu Boston với bốn chữ THIÊN HẠ VI CÔNG của Tôn Dân. |
Cái gì có bắt đầu thì rồi cũng có lúc kết thúc. Nhất là chuyện
rong chơi. Sáng sớm ngày cuối, CP chở
tôi ra ferry. Chàng chụp cho tôi bức ảnh chia tay. Ôi, theo sách quốc văn giáo khoa thư, cái cảnh biệt ly sao mà
buồn vậy. Trời lại mưa sụt sùi. Và bến phà, gió thốc lạnh buốt.
Nam Dao lên phà ở bến Pemberton; rời đảo nhỏ vào Boston và phi trường Logan. |
Chưa đi, tôi đã nhớ những người bạn tôi trên đất Boston này. Cám ơn các bạn đã cho tôi những ngày tuyệt vời.
Các bạn ạ, trời chưa nắng
thì chúng ta hát lên đánh thức cho mặt trời thức giấc.
Nam Dao
20/10/2013