Sunday, November 24, 2013

NICOLO MACHIAVELLI

Machiavelli Principe Cover Page.jpg

 

      ĐỌC  LẠI  MACHIAVELLI

                                                                                                        CHÂN PHƯƠNG

   

  Machiavel (1469-1527) là tác giả kiệt tác IL PRINCIPE - LE PRINCE (QUÂN VƯƠNG) viết vào năm 1513 bàn về thuật lãnh đạo, về các thể chế chính trị và cơ chế quyền lực. Sinh trưởng ở thủ phủ Firenze (Florence) vào thời Phục Hưng Ý, ông từng làm nhà ngoại giao cao cấp của nền cộng hòa Florence và trải nghiệm các căn bệnh của một chính thể phân hóa và sa đọa dưới sự tranh giành quyền thế của các vương quốc láng giềng Pháp, Tây Ban Nha...

Tác phẩm nói trên là nguyện vọng đồng thời là dự án chính trị để khôi phục dân tộc và giải phóng nước Ý khỏi các mưu đồ ngoại xâm. Đề tặng Lorenzo de Médici, kẻ vừa nắm quyền ở Florence  nhờ Tây Ban Nha trợ giúp, Quân Vương là một loại khảo cứu lý thuyết kèm cẩm nang hành động, vừa đào sâu bản chất của quyền lực vừa trình bày các chủ quyền chính trị khác nhau với kế sách chiếm đoạt chúng. Machiavel đặt nhiều kỳ vọng vào gia tộc Médicis, và ông muốn làm quân sư giúp họ phục hồi lại nền cộng hòa và một nhà nước hùng mạnh ở vùng Toscany để tiến tới thống nhất cả nước.

   Khác với những trước tác chính trị cùng thời còn phục tùng đạo lý hay tôn giáo, cuốn sách này nhấn mạnh tính độc lập của chính trị - một lĩnh vực hành động không ăn nhập đến đạo đức mà tùy thuộc các qui luật đặc thù trong các mối quan hệ bất ổn giữa các con người cũng như tính nghịch lý của lịch sử. Bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng phải hiểu rõ các qui luật ấy để trị dân và củng cố nhà nước. Từ cách nhìn thực dụng khách quan ấy, tư tưởng chính trị của Machiavel đã bị phê phán nặng; có nhiều ý kiến kết án ông đã tiếp tay cho các nhà độc tài, biến môn triết học chính trị thành những thủ đoạn tranh đoạt và thao túng quyền hành.  Học thuyết  của ông bị gán cho cái danh từ MACHIAVÉLISME, đồng nghĩa với các mưu mô xảo quyệt để trị dân và nắm giữ quyền bính. Nhà bác học Bertrand Russell đã thẳng thừng tuyên bố rằng Quân Vương là "cẩm nang cho bọn ăn cướp" (manual for gangsters); còn nhà lý thuyết chính trị bảo thủ Leo Strauss bảo với sinh viên rằng Machiavel là "ông thầy dạy điều ác" (teacher of evil). Trái lại, cũng có nhiều ý kiến ca tụng ông.Nhà tư tưởng Pháp Rousseau gọi Quân Vương là "quyển sách cho những người cộng hòa" (livre des républicains); học giả Ý Luigi Russo khen tác giả nó là "người nghệ sĩ của chính trị". Các nhà mác-xít còn hào phóng hơn; Louis Althusser tuyên bố Machiavel đã gây nên một "cuộc cách mạng thực sự trong cách thức tư duy "(véritable révolution dans le mode de penser) trong khi  Antonio Gramsci -kẻ kế thừa lỗi lạc học thuyết của Marx và Lênin- đã từng tham khảo tư tưởng bậc thầy trong những năm bị Mussolini cầm tù  để viết những trang nhận định Note sul Machiavelli (Ghi Chú về Machiavelli),đánh giá cao nội dung cách mạng trong tác phẩm ông. Không thể kể ra hết bao lời khen chê cùng quan điểm trái nghịch nhau ; ngòi bút bình luận chính trị hàng đầu bên Anh là Isaiah Berlin từng lược thuật cuộc tranh luận phức tạp ấy trong bài viết uyên bác The Question of Machiavelli (Vấn đề Machiavelli) (1) đồng thời với cố gắng tổng hợp của triết gia kiêm nhà lý luận chính trị học Pháp Claude Lefort, Le Travail de l'Oeuvre de Machiavel (2) trình bày các diễn giải khác nhau về danh nhân đất Florence.


   Chào mừng kiệt tác ra đời đúng năm thế kỷ trước, hàng loạt hội thảo, nhiều sách biên khảo và tiểu sử đã ra mắt công chúng. (Tháng 11-2013 này, sứ quán Ý và đại học Georgetown cùng tổ chức triển lãm về thân thế, sự nghiệp, bối cảnh lịch sử- tư tưởng của vị danh nhân thời Phục Hưng tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn). Cho những ai có quan tâm và cũng còn nhiều nghi vấn, đây là cơ hội tốt để đọc lại Machiavel vừa tham chiếu các thông tin học thuật mới nhất về Quân Vương," cuốn sách viết về tư tưởng chính trị được đọc và bình luận nhiều nhất " theo nhận xét của học giả Pháp Emmanuel Roux trong khảo luận mới xuất bản ở Paris, Machiavel, la vie libre ( Machiavel, cuộc đời tự do) (3).


  Để hiểu đúng một bộ óc kiệt xuất, ta không thể tách ông khỏi xã hội và lịch sử cùng thời. Đó là cách tiếp cận của nhà tiểu sử học Corrado Vivanti trong cuốn Tiểu Sử Tri Thức của Machiavelli vừa được dịch sang Anh văn (4). Đặt vào thời đại nhiễu nhương vì nạn sứ quân (condottiere) lộng hành lúc ấy, người đọc hôm nay sẽ thấy chân dung đậm nét của một nhà ái quốc rất mực am tường tình hình chính sự rối loạn của Ý vào cuối t.k.15 và có tham vọng trí tuệ đóng góp vào việc khôi phục và canh tân nền cộng hòa cho đất nước mình.  Ta đừng quên Machiavel cũng là nhà sử học đáng kể với bộ chính sử về các triều vương chúa Florence, kiêm tài thao lược trong cuốn binh pháp của ông: Nghệ Thuật Chiến Tranh (L'Art de la Guerre). Bản thân Gramsci đã bàn nhiều về sự uyên bác sử học tạo nền móng cho tư tưởng chính trị cách mạng vượt thời gian của Machiavel(5). Cũng như Aristốt đã khảo sát cách tổ chức các cộng đồng thành bang Hi lạp để viết cuốn kinh điển về chính trị Politique, Machiavel đã nghiên cứu và so sánh các thể chế chính quyền ở Ý từ thời đế quốc La mã đến thời Phục Hưng để phác họa một mô hình nhà nước thích hợp cho nước Ý lúc ấy. Khác với Quân Vương là một cuốn sách hiến kế đột xuất , quá trình đọc lại trong hàng chục năm lịch sử Roma để hiểu sâu hơn về thể chế cộng hòa la mã  đã kết tinh thành tác phẩm lớn Các Luận Thuyết về sử gia Tite-Live(  bản dịch Pháp là Discours sur la première décade de Tite-Live ) in năm 1531. Cả hai kiệt tác ra đời trong cùng bối cảnh thế sự đều nhắm đến một vấn đề: làm sao thiết lập và duy trì một chế độ pháp trị - nền cộng hòa - nghĩa là một nhà nước tự do dựa trên các luật lệ chung loại trừ những quan hệ áp bức để bảo đảm công lý và công ích? Bài học lớn đúc kết từ lịch sử chính trị la mã đưa đến sự khẳng định cốt lõi về tính ưu việt của thể chế cộng hòa, hơn hẳn các chế độ chuyên quyền hoặc độc tài (6) - chính tư tưởng tâm huyết này khiến các trang viết Machiavel đến năm trăm sau vẫn còn thích hợp. 


   Trước cả Marx và tư tưởng chính trị Anh-Pháp của thế kỷ 18, Machiavel đã nhìn thấy sự đối kháng căn bản giữa hai giai cấp: nhân dân một bên gồm các công dân bình thường và bên kia là các nhóm cầm đầu mọi quyền lực xã hội, chính trị, kinh tế . Các vương triều cũng như các chế độ của thiểu số cai trị (oligarchie) không thể giải quyết vấn đề phổ quát của xung đột giai cấp.  Chỉ có nhà nước cộng hòa mới bảo đảm được sự bình đẳng cho mọi người dân và nền độc lập quốc gia. Machiavel nhắc lại tư tưởng cộng hòa cổ điển của các hiền triết La mã như Cicero dựa vào châm ngôn vox populi,vox Dei (ý dân ý Trời)  để cỗ súy cho tự do công dân, đề cao nghị luận công cộng với thuật ăn nói hùng biện/tu từ  để giải quyết các bài toán của xã hội tránh xung đột bạo lực. Machiavel đã nhìn ra bản chất xung khắc khó tránh của các thể chế chính trị đồng thời cũng là nền móng của tự do vì dân chúng bao giờ cũng đấu tranh chống lại mọi áp bức. Từ đó ông chủ trương một nền cộng hòa nhân dân (stato popolare) dựa trên uy quyền tối cao của quốc hội do dân bầu chọn để tham gia vào việc điều hành nhà nước bên cạnh các vị quyền cao chức trọng. Đây cũng là cơ chế tốt nhất để bảo vệ quyền tự do của người dân:" số đông dân chúng sẽ trừng trị giới quyền thế và tham vọng của bọn nhà giàu. Luôn luôn trao việc quản lý quyền tự do cho những kẻ không có ý muốn xâm phạm nó." (trích Tóm lược tình hình ở Lucques).(7)


   Giới học giả chuyên về Machiavel hầu như thống nhất về văn tài, lòng yêu nước và khát vọng tự do công dân - đạo lý chính trị  ông theo đuổi trọn đời. Thêm vào đó là óc thực tế chính trị, gần như vô tâm của ông trước các biện pháp và phương tiện độc hại của giới cầm quyền khi nhất thời phải ra tay vì lý do an ninh sống còn hoặc chống trả đối phương. Machiavel là cha đẻ khái niệm ragion di stato, raison d'état ( cái lý của nhà nước) - nguyên tắc thống soái để cai trị một chính thể. Nôm na là không thể làm chính trị với bàn tay sạch không nhuộm máu. Giáo sư và chính khách Canada là Michael Ignatieff đã nhắc đến triết gia Michael Walzer, người đã mượn từ vở kịch Les Mains Sales của Sartre hai chữ dirty hands khi  bàn về mặc cảm tội phạm của các nhà chính trị  khi phải thi hành những hành động đi ngược với lương tâm. Mặc cảm này không có trong tư tưởng của Machiavel, nhất là khi ông khuyên các vua chúa phải biết trá hình và che đậy ý đồ để thực hiện những việc quốc gia đại sự trong cuốn Quân Vương. Sự rạch ròi này đi kèm với óc phân tích Nhà Nước như một thực thể chính trị độc lập chẳng liên can đến tình cảm chủ quan của bất cứ ai. Thái độ khách quan của Machiavel đặt nền cho môn chính trị học hiện đại. Cai trị là một hoạt động cứng rắn, không thể run tay hay chùn bước trước khó khăn. Nhưng khác với các băng đảng trộm cướp, nhà chính trị không thể xem thường pháp luật. Trong một nước cộng hòa, nhà cầm quyền phải biết lắng nghe ý kiến người dân và sẽ bị lật đổ nếu vi phạm luật pháp quá mức. Machiavel đã cảnh cáo về tai họa chính trị do các nhóm lợi ích tham lam quyền lực và tiền tài khiến cho nhà nước băng hoại thối mục từ gốc rễ(8).Nền cộng hòa la mã cũng như thể chế cộng hòa Florence đã tiêu vong là vì thế. Kết luận bài viết của mình, Olivier Pironet đã  nhắc lại lời Machiavel về bổn phận công dân khi đất nước lâm nạn " người dân phải khảo sát thế lực của điều ác, và tấn công ngay không được chần chờ nếu cảm thấy có thể đánh thắng nó" (9) .  

   

CHÚ THÍCH

Ngoài các nguồn thông tin và tư liệu trên mạng, bài viết này tham khảo hai bài bình luận giá trị trên Le Monde Diplomatique tháng 11-2013 của Olivier Pironet, "Machiavel contre le machiavélisme" và trên The Atlantic tháng 12-2013 của Michael Ignatieff, "Machiavelli was right."  Ngoài ra còn bài khái luận tổng hợp về Machiavel rất đáng đọc trên mạng của Stanford Encyclopedia of Philosophy (Bách khoa Toàn thư về Triết Học của đại học Stanford) .   C.P.

(1) New York Review of Books (vol.17-7; Nov. 4 -1971).
(2) Gallimard, Paris, tái bản năm 1986; ( in lần đầu : 1972).
(3) Emmanuel Roux còn phối hợp các thông tin học thuật trên mạng về cuốn Le Prince; "Machiavelli: A multimedia project" (www.brunel.ac.uk).
(4) Corrado Vivanti (qua bản dịch của Simon Mac Michael); đại học Princeton xuất bản.
(5) Antonio Gramsci , The Prison Notebooks,1971; và The Modern Prince & Other writings,1957, International Publishers,New York. 
(6)(7) dựa theo các ý kiến bình luận của Olivier Pironet.
(8)  đọc Michael Ignatieff ,Machiavelli was right (Machiavelli đã đúng), The Atlantic, th.12-2013.
(9)  xem chú thích (6) và (7).



               Nicolo MACHIAVELLI (1469-1527)