Saturday, November 16, 2013

Nguyễn Thanh Mừng

Nguyễn Lương Ngọc ( thứ hai bên phải )

  Nguyễn Lương Ngọc , sự sống hát lời lửa nước.

Một trong những sự kiện năm 2006 đang xôn xao văn đàn là sự ra đời của tập Nguyễn Lương Ngọc – Thơ và Người ( Nxb Hội Nhà văn) do nhóm bạn bè của tác giả vừa mới tập họp di cảo công bố. “Ngày Nguyễn Lương Ngọc trút hơi thở cuối cùng cũng là ngày anh bắt đầu một cuộc sống khác, cuộc sống trong ký ức bạn bè và những người yêu thơ. Với cuộc sống thứ hai này, chắc chắn anh là người hạnh phúc. Bằng tập sách này, chúng tôi chỉ muốn một lần nữa nghiêng mình tưởng niệm người bạn thơ tài hoa nhưng bạc mệnh”, nhà văn Tạ Duy Anh, chủ xướng của công trình này đã nói vậy. Một người bạn khác, nhà thơ Dương Kiều Minh đã nhận định: “Anh để lại cuộc cách tân thơ ca đầy hứa hẹn với triển vọng của một sức bật mãnh liệt và vạm vỡ, đã gây nên sự chấn động trong giới văn chương và bạn bè”.

Thật xúc động, hồi đầu hè vừa mới từ xứ Đoài mây trắng về nhà, tôi đã thấy quyển Nguyễn Lương Ngọc – Thơ và Người trên bàn do nhà thơ Giáng Vân gửi tặng. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Lương Ngọc là vào năm 1992, tại Quy Nhơn. Tất nhiên, người làm thơ  “áo vải chân không “ đến với nhau buổi sơ giao thường khi không chút khó khăn nào, nhưng ở đây có thêm sự chu đáo cẩn thận của bậc lão thành Trinh Đường, bằng một lá thư tay giới thiệu với tôi. Nguyễn Lương Ngọc ở chơi một thời gian, thăm nhà nhà thơ Yến Lan, thăm mộ Hàn Mặc Tư, phong cảnh Quy Hòa và chúng tôi cùng lên Pleiku dự lễ kỷ niệm 15 năm tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Sau đó, 1993, Nguyễn Lương Ngọc (cùng nhà văn Hòa Vang) đã trở lại Quy Nhơn trong chuyến xuyên Việt tưng bừng. Lần này thì thời gian lưu trú đất võ lâu hơn nhiều, còn lang thang lên dự lễ hội văn hóa thể thao ở huyện miền núi Vân Canh. Nguyễn Lương Ngọc có thật nhiều kỷ niệm với bạn bè văn nghệ Bình Định, với những chuyến xe gió bụi, những cuộc bơi thuyền, các danh lam thắng tích, quán cóc ven đường và nhiều nhất là những đêm rượu trắng ổi xanh, đầm đìa thơ phú… Thoáng chốc, đã mười lăm năm rồi, cái thời phương tiện chủ yếu là xe đạp cà tàng nhưng những cuộc dã ngoại miên man lại tỉ lệ nghịch với vận tốc của nó. Nhưng không ai kịp nghĩ nhiều về việc đó mà chỉ nghĩ thật hoành tráng, thật tinh tế, thật linh diệu đến Thơ. Với một người  có tài năng, kiến văn, lại rất tâm thành và nhiệt huyết với công cuộc cách tân nghệ thuật đến mức cực đoan như Nguyễn Lương Ngọc thì nhiều khi mọi vướng bận trần thế khác nào có sá chi. Đó là chỗ anh khác người. Nhà thơ Giáng Vân, một người bạn rất tri âm từ thời công tác ở công trình Thủy điện Sông Đà với Nguyễn Lương Ngọc, bảo rằng: “Đọc lại thơ Ngọc, cũng như trước đây đọc lại thơ Trần Vũ Mai, tất nhiên đó là hai con người, hai tâm hồn, hai tư chất thơ khác nhau, nhưng có gì đó thật tương đồng. Phải chăng, chính là những câu thơ đầy cảm giác, đầy tính dự báo, đi thẳng vào bản chất của đời sống hỗn loạn, đầy bất trắc quanh ta. Những câu thơ bóp thắt tim ta vì sự tuyệt vọng, vì sự khốn cùng của cái đẹp trước đời sống dung tục”.
           
Thời gian tôi gặp gỡ Nguyễn Lương Ngọc không thể nói là nhiều nhưng ấn tượng thì rất mạnh. Đó là một con người dị tướng và dị biệt ngay trong cách hành xử thông thường. Đang bước chậm rãi nói chuyện bình thường với tôi, anh có thể chuyển trạng thái, quỳ xuống trước mộ Hàn Mặc Tử khóc một cách đột ngột và bộc bạch với linh hồn Hàn những câu thân tình như một đứa em trước người anh trai lâu ngày gặp lại. Bây giờ khi đọc một cách hệ thống những bài thơ của anh viết cho những linh hồn mà anh yêu mến và kính trọng như Maiakopski ( Nhà thơ), như Nguyễn Sáng ( Bao giờ), như Hoàng Trung Thông ( Gió khô), như Trần Vũ Mai ( Với một nhà thơ vừa tắt), như Tô Hà ( Không khóc nữa), hoặc ngay cả như vua Tự Đức ( Dư âm)… tôi vẫn cứ tưởng tượng cái thái độ bột phát, quyết liệt của Nguyễn Lương Ngọc trước khi giãi bày một tình cảm với cõi vô biên trong đời sống sáng tạo. Vâng, tôi hiểu, với anh là sự chân thật đến tận đáy, một đòi hỏi không khoan nhượng khi mình muốn tuyệt đối thành kính với những tín niệm nghệ thuật và đời sống của chính mình. Những bài thơ anh viết trực tiếp cho chính mình vẫn là kiểu tư duy: “ Những chấn song lồng ngực bần bật run – Trước nỗi kiên trì kinh hồn – Chưa kẻ yêu tự do nào đạt đến “(Độc thoại với trái tim) nhằm đi đến cách tiếp cận với những tiên cảm: “Ai bắt anh chăm chút cho cái chết ngày mai - từ gói kẹo cho con hôm nay ( Viết cho mình).
           
Tôi đọc Nguyễn Lương Ngọc – Thơ và Người trong tâm thế của người quen biết cũ, song hành với thơ là những kỷ niệm ngày xưa dưới những tàn trứng cá, những ngả đường phong rêu từ độ Bình Định còn những ngôi nhà bạn thơ trầm mặc đêm đêm bên ngọn đèn dầu và những bài thơ chép tay trên chiếu rượu với nét chữ ngoằn nghoèo. Ai còn giữ những “tang chứng” ấy của những câu, những bài thơ một thời trẻ trung và tâm huyết, đam mê đến tận cùng. Một chiếc vỏ bao thuốc lá, một mảnh các-tông hẩm, hoặc một mảng tường vôi cũ ố vàng… trong cơn say, rút bút ra, có khi không bút thì một mẩu than đen, tất cả đều làm chiếc nôi đón đỡ những cơn thần hứng của Nguyễn Lương Ngọc cùng những thi sĩ vui và ngông. Họ có thể  đồng cảm hay thiếu đồng cảm với Nguyễn Lương Ngọc ở mặt này mặt khác, nhưng riêng lòng yêu thơ thì có thừa. Đêm chủ nhật mới đây, tôi vui chân lên thị trấn Bình Định rồi ra tận Đập Đá, kiểu ngẫu hứng “giang hồ vặt” với vài ba anh em văn nghệ An Nhơn. Có người đã có trong tay Nguyễn Lương Ngọc – Thơ và Người và họ nồng nhiệt kể lại những kỷ niệm đầy mầu sắc về Nguyễn Lương Ngọc.

Đi vào thế giới thơ Nguyễn Lương Ngọc là đi vào những hiểu biết khám phá và sáng tạo không mệt mỏi của một người con của nước và của lửa. Anh là một thi sĩ dũng mãnh và kiêu bạc, ròng ròng mồ hôi nước mắt dồn cả tinh lực thần khí vào cuộc cách tân thơ ca. Tôi tin sẽ có nhiều công trình giải mã và đánh giá đúng mức những đóng góp của anh vào thơ Việt hiện đại. Tôi đọc suốt các tập thơ và những bài bình luận nghệ thuật, thấy nhiều điều mới lạ quẫy cựa, nói theo ngôn ngữ Nguyễn Lương Ngọc là sự sống hát lời lửa nước. Hát hồn nhiên như chân dung anh tự họa trong Đồng hồ vĩnh cửu: “ Thắp đèn, bật quạt, vén màn ngồi viết. Tôi thấy một sân khấu, mình vừa là tác giả, diễn viên cương, vừa là người xem, vừa là chính tác phẩm và cuộc đời đang sinh ra nó. Cánh màn gió lất phất, nó đã lất phất, đang lất phất và sẽ lất phất, nói thế nào cũng đúng, cũng chính xác, vậy bỏ thì đi, nó lất phất…

Tôi chọn trong phần Lời trong lời ba bài thơ Nguyễn Lương Ngọc viết như những kỷ niệm nước lửa với Bình Định. Thắp một nén nhang cho linh hồn nhà thơ tài hoa bạc mệnh đã từng lặng lẽ đi lặng lẽ hát lặng lẽ gào thét trên những dặm dài đất nước, một nhà thơ luôn “có một tiếng gọi bí mật nào đó thôi thúc”, “không cam chịu rằng không ai nghe thấy mình” ( Giáng Vân- Nhớ Nguyễn Lương Ngọc).

Quy Nhơn, 28.6.06
                                                                                                                                                                   

Trích thơ Nguyễn Lương Ngọc

Thỉnh cầu


Anh sáng của tuyết kiên nhẫn ẩn trên những
tháp cổ lấp lánh nơi chiếc cong một thanh nữ
Chăm đưa vào tay tôi
Trong ngọn lửa rừng rực hút người xoay múa,
một vòng tròn phập phồng mồ hôi ròng ròng và
tiếng hát khản nghẹt vang xa trên nền cồng minh tuyết ơi
ánh sáng cao thượng của em  không lẻ loi
không lẻ loi hàm răng đương ngọc
nụ cười vang tiếng của nước mắt
Đừng để ai một mình
Em bên lửa, lửa bên em
Cả hai cùng phóng lên lời thỉnh cầu
của mùa xuân vĩnh hằng trong ngực
sự sống hát lời lửa nước
và chiếc cong tròn là lõi của lòng người
cuồn cuộn
cũng là lõi, núm chiêng, đầu vú, sữa từ đất tràn trề
Đừng quên, đừng quên
ánh sáng kiêu hãnh của tuyết không thể hiểu lầm
không thể phai mầm
Và dòng tinh lực bài ca vào sinh quản đất đai
tươi đẹp, mỡ màng
ôi, dòng tinh lực nào chẳng kêu
vang ánh sáng  của tuyết
bí mật ngời ngời vằng vặc những cổ tháp,

Cơm mới


Trong nếp gianh Ba Na già làng tung gieo
những hạt cốm mới
và từ bàn tay một cành cổ thụ cốm ùa ngập
miệng từng người
chảy tràn trên tóc từng người
những đứa con của biển, của rừng, của núi, của sông quây quần
trong nếp gianh Ba Na
trong những ché rượu cần
trong thoang thoảng Blơng-khơng(*) văng vẳng
gỗ là nhạc, tay là nhạc, mây là nhạc
cơm mới là nhạc
nhạc của người của đất
hãy cho ta lòng biết ơn
hãy cho ta thành nước
reo trong veo những mầm mạ đẫy đà

Người ơi, Giàng ơi
hãy cho con lòng biết ơn
cho con được gieo trồng mùa màng
ở đất đai của người ân tình của Giàng.

Tiếng yêu


Bình Định của tôi, hoa sen
Quy Nhơn của tôi, trứng cá
vương triều và con trẻ
sóng Quy Hòa chằm bặp nghe trăng

Hàng dương liễu đen đen
Tượng những danh nhân bàng bạc
Bình Định của tôi, mộ một người anh thi nhân,
mộ một người em tình nhân, mai người có chờ tôi
trong tiếng nước
ấy là bờ đến, bến đi
Một bông lan vẫn thơm sắc lạnh xưa
Đường Đập Đá lanh canh vó ngựa
Ba đứa trẻ thiếu cha, mẹ vạc trong yêu con
mà hay gắt
đánh con rồi ôm con ngựa chật
một bông lan vẫn thơm sắc cô linh

Những bông sen trắng đỏ những mùa lên
lặm lụi tìm đường tới người qua bùn khô
đánh thức hương nước ngủ
tháp mộ tiếng thần linh
với mặt trời nhìn nhau ấp ủ
chuông khuya lẫn tiếng lợn hộc và trống điểm binh
My Lăng đâu Tràng Thi đâu ống quyển và gươm roi,
rậm rịch chân voi, mặt nạ và phấn  son thoa những
tổ yến mỏng manh
lời lời máu huyết
Người anh mù ngồi thiền thấy quanh mình sáng rực
Diễu qua đôi tròng ký ức của ngày mai.

Bình Định của tôi Quy Nhơn của tôi
ánh tuyết ấm tôi mang mối tình đầu thơ dại
mong hái cho nhau và ăn trong lòng tay
ngọt ngọt diu diu trứng cá
hay là em hay là tôi chả rõ
Ta là ai sóng mặn nói sao
hãy nghe, hãy lắng, hãy uống và im lặng
nhìn trái dừa trên cao kia
người ta gọi vầng trăng
anh, ơi anh
thổ trong đêm trắng xanh
bao nhiêu là tinh vân
xa xa, bóng lướt gần gần
Ôi, tình mẹ hiền

Nguyễn Lương Ngọc