Thursday, November 7, 2013

PHIÊU BỒNG BOSTON (2)



 ký  NAM DAO

   Sáng ngày 3, Nguyễn Trọng Khôi  lái xe đưa Nguyễn Duy tới. Chàng nhà thơ này mới bị căng mạch vành tim cách đây đâu 3,4 tháng. Nhìn khoẻ mạnh hơn khi gặp ở SG kỳ về nước đầu 2013, tôi mừng. Đầu bạc, còn gặp là vui rồi. D bảo, sau chuyến phiêu bồng này chắc chẳng còn đi được nữa. Nhớ những chuyến ‘’lên bờ xuống ruộng’’ với D trong khoảng gần 30 năm nay, tôi bất giác mủi lòng, ngậm ngùi tiếc những chuyến dự định đi nhưng chưa lên đường lăn lóc với bạn. Cha mẹ ơi, chống lại được cái kim đồng hồ sao mà khó. Mình đến lúc hết pin, nó thì cứ quay quay hết vòng nọ đến vòng kia, nhìn đến chóng mặt. 

  Ăn trưa. CP mở những chai rượu ngon, rượu trắng trước như khai vị, rồi sau là rượu đỏ. Sành uống, chàng cho lũ chúng tôi ké, và rượu vào ừng ực lời ra ào ào. Sau nói là đến vẽ chân dung ND. Lần này, cả Chagall lẫn Matisse đều biết thân biết phận, không ngó ngoáy gì cả. Thật đỡ tốn giấy, tốn than, tốn chì. Bàn cãi lảm nhảm một lát,  cả bọn lên đường thăm Plymouth, nơi CP  nhận lời làm tour-guide.  Vị hướng dẫn du lịch này rất ‘’văn hoá’’, bắt ngừng nơi có nhà xay lúa của Mordecai Lincoln, cụ tổ 5 đời tổng thống Abraham Lincoln, người  đã kết thúc cuộc nội chiến Nam Bắc của nước Mỹ. Chỉ dăm ba năm sau cuộc chiến, người Nam kẻ Bắc cái đất nước này hòa hợp hòa giải với nhau. Còn trên đất nước Việt Nam anh hùng của ta thì sao? Chưa kịp hỏi nhưng tôi đã kịp nín lời để mọi người khỏi phải nhăn mặt. Cho một ngày vui, ta  không cần đặt ra cho nhau những ‘’vấn nạn’’ loại biết rồi, khổ lắm, nói mãi.



                     Nhà xay lúa của Mordecai Lincoln, tổ 5 đời Tổng Thống Lincoln.
               (Ảnh lưu niệm có Nam Dao, Văn Dương Thành, Chân Phương, Nguyễn Duy)
 

  Chúng tôi đến chiêm ngưỡng tàu Mayflower, mô hình phỏng theo chiếc tàu đầu tiên cặp biển vùng này cách khoảng bốn thế kỷ. Tàu đáp vào một ghềnh đá được lưu giữ như một chứng tích đầu cho cuộc chinh phục Bắc Mỹ của người Âu châu, được khách du lịch bấm máy lách tách chụp hình,  bi bô chuyện bằng tiếng Trung Quốc, chẳng  biết họ nói gì. Theo tuyên truyền của chính quyền Bắc Kinh, xưa họ mới là những  người  khám phá ra châu Mỹ đấy. Nay, nhằm trở thành một cường quốc biển, hẳn họ chẳng  ngại ngần gì khắc chữ lên đá rồi giải đầy từ đảo Điếu Ngư trên Biển Đông cho đến eo biển Malacca,  phong toả một con đường giao thông hàng hải với chiêu bài  sẵn sàng hợp tác để cùng khai thác lòng đại dương có dầu lửa, khí đốt. Biết rồi, khổ lắm…thôi đừng nói nữa!


                Thương thuyền Mayflower (mô hình phục chế theo nguyên mẫu).

 
                        Hòn đá Plymouth Rock, nơi di dân chèo ghe nhỏ cặp vào bờ.

               Du khách đứng ngắm Plymouth Rock. Nguyễn Duy chụp ảnh tảng đá.

Sau khi di dân Pilgrims đáp tầu vào Plymouth,  mười năm sau họ đi đến Boston. Thành phố có từ thời đó, và đầu thế kỷ 20, cảng Boston lớn hơn cả cảng New York, nơi trung chuyển hàng hóa giữa  Mỹ và châu Âu. Chàng dẫn chúng tôi lên đỉnh đồi nhìn ra biển, nơi có bức tượng của một thổ dân da đỏ, kẻ từng là thủ lãnh  chống lại di dân người Âu đến xâm lấn. Hiện nay, hàng năm thổ dân đổ về nơi đây để tưởng niệm. Tưởng niệm gì đây? Có những nền văn minh buộc lụi tàn khi ma xát với những nền văn minh khác. Tôi liên tưởng đến người  da đỏ cưỡi ngựa bắn tên đụng độ với những  đội quân có súng ống trong những phim cao-bồi. Họ chạy vòng vòng và rụng lả tả. Hàng thôi, nhưng sau thì sao? Chỉ còn cái tượng dựng trên đỉnh đồi, nhìn ra biển, và hẳn ngậm ngùi về một quá khứ không mấy xa xăm.



                               Tượng tù trưởng thổ dân Massasoit.

  Trên đường về, xe ngừng ở một công viên trong có bức tượng đá tiền thân của tượng nữ thần Tự Do ở New York - theo lời CP. Tại sao thần Tự Do lại là nữ nhỉ? Chắc các liền chị rộng lượng hơn liền anh, những kẻ lâu lâu ngứa lên lại đi làm anh hùng liệt sĩ đem tự do đổi lấy chiến thắng trong những trận binh đao chăng?

                        Tượng đài Nhớ Công Đức Các Tiền Nhân ở Plymouth.

   Chúng tôi tạt vào một nơi bán đồ biển mua cá; bữa chiều được ND  và VDT chăm chút. Sắp đến giờ phải chia tay, ND  đáp ân tình  bằng  bài thơ Nhìn từ xa…Tổ Quốc. Chàng đứng dậy, đọc:

          …Xứ sở thật thà
          sao lắm thứ điếm
          điếm biệt thự - điếm chợ - điếm vườn
          Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
          điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Vật giá tăng
          vì hạ giá linh hồn
Ai?
          Không ai
Vết bầm đen vò tai…

  Những người bạn  lên đường lúc tối trời. Hoạ sĩ VDT bỏ lại đàng sau hình ảnh mớ tóc đen huyền dài quá đầu gối. Mai nàng quay lại New York, và sau sẽ qui cố hương. Ôi cái cảnh biệt ly sao mà nao lòng! Thôi nhé, lòng nhủ lòng, đừng phải lòng vặt nữa nghe cha!

(còn tiếp)