Saturday, November 9, 2013

Đọc cho vui

 Những cuộc tình vĩ đại kết thúc ở trại thương điên.

Có vẻ như bộ phim của Baz Luhrmann đã biến “The Great Gatsby” của Scott Fitzgerald thành một thiên diễm tình thực sự về tình yêu vĩ đại của một gã đàn ông giàu có, đẹp mã lại si tình – những phẩm chất mà bất cứ người phụ nữ nào trên thế gian này, ở bất cứ thời đại nào cũng đều mơ ước (nhất là khi phải sống cạnh một gã chồng/nhân tình thô lỗ lại bất tài nào đó). Và điều đó càng làm tăng thêm nỗi căm ghét đối với Daisy, con “bánh bèo vô dụng” phù phiếm nông cạn hời hợt vô tâm lại còn quá đẹp – cũng như làm giảm đi sự “vĩ đại” của cuốn tiểu thuyết – một tác phẩm phản chiếu xuất sắc về những ảo ảnh phù du của một “Giấc mơ Mỹ” – nỗi ám ảnh vẫn còn nguyên vẹn đối với người Mỹ suốt gần một thế kỷ từ khi tác phẩm này ra đời.


the great gatsby

1. Scott Fitzgerald: “I can repeat the past. Of course I can… of course I can…”

Có lẽ để hiểu Gatsby có thực sự vĩ đại trong tình yêu? Và Daisy chỉ là một con bitch ngu ngốc không?, phải đọc kỹ cuốn tiểu thuyết của Scott cũng như tìm hiểu về 2 nguyên mẫu ngoài đời – không chính ai khác là cuộc tình sóng gió giữa Scott và nàng thơ – đồng thời là định mệnh bi kịch của ông – nói chính xác hơn là cả hai – Zelda, người được coi là một trong ba icon của thế kỷ 20, bên cạnh Marilyn Monroe và công nương Diana.
Ngay từ lời đề từ của cuốn tiểu thuyết “The Great Gatsby” in năm1925, Scott Fitzgerald đã viết: “Một lần nữa tặng Zelda”. Tại sao lại “Một lần nữa?” – có thể là Scott đã từng dành một lời đề tặng Zelda cho một hoặc hai cuốn tiểu thuyết trước đó (“This Side of Paradise” – cuốn tiểu thuyết đầu tay in năm 1920 & “Beautiful and Damned” – 1922) hoặc cũng có thể là một lời đề tặng “dằn mặt” Zelda – hãy soi vào nhân vật Daisy mà… sửa mình. Đây tất nhiên chỉ là giả thuyết của mình.
Scott phần nào giống với Lev Tolstoy, nhà văn vĩ đại người Nga – ở chỗ người đọc luôn thấy bóng dáng của nhà văn trong hình mẫu nhân vật, từ ngoại hình cho đến tính cách. Ba cuốn tiểu thuyết nói trên, cộng nhiều truyện ngắn của Scott viết trong giai đoạn từ 1919-1925 đều có nhiều chất liệu từ cuộc đời và cuộc tình của ông và Zelda.
Mùa hè năm 1919, cô nàng Zelda lá ngọc cành vàng trong một gia đình gia thế ở Alabama quyết định chia tay với Scott, anh chàng nhà văn trẻ 22 tuổi gốc Ailen nghèo khó sau cuộc tình mặn nồng kéo dài vài năm. Cú sốc tình cảm này khiến Scott chìm trong men rượu rồi sau đó quay trở về quê nhà, quyết định trở thành một nhà văn lớn để chinh phục trái tim của Zelda một lần nữa. Cuốn tiểu thuyết đầu tay “This Side of Paradise” sau một vài lần từ chối thì được một nhà xuất bản đồng ý in – nhưng phải đợi đến mùa xuân năm sau. Scott nhanh chóng công bố tin này cho Zelda để gây ấn tượng với cô. Zelda đồng ý quay trở lại với lời cầu hôn của Scott khi cuốn sách còn chưa xuất bản. Tháng 3. 1920 – 4 ngày sau khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản, họ cưới nhau và đã có những năm tháng thực sự hạnh phúc cùng với sự thăng hoa nghề nghiệp của Scott.
Cuốn tiểu thuyết in sau đó 2 năm “Beautiful and Damned” cũng vẫn được nhiều người coi là nhà văn lấy chất liệu từ cuộc tình giữa ông và Zelda. Điều này khiến Scott thực sự khó chịu: “You know these new novels make me tired. My God! Everywhere I go some silly girl asks me if I’ve read ‘This Side of Paradise.’ Are our girls really like that? If it’s true to life, which I don’t believe, the next generation is going to the dogs. I’m sick of all this shoddy realism.”
Dù Scott nói một cách gay gắt vậy, giới phê bình và bạn đọc suốt cả thế kỷ sau vẫn luôn tìm cách “đối chiếu” cuộc tình giữa Scott và Zelda với các cuốn tiểu thuyết và cả truyện ngắn của ông, bởi những “tương đồng” đầy thú vị.
Có lẽ do sự vết thương lòng từ sự cự tuyệt tình yêu của Zelda và sau đó giành lại được tình yêu của cô bằng sự thành công của mình – trở thành một nỗi ám ảnh lớn trong các tác phẩm sau đó của Scott, ít nhất là trong truyện ngắn “The Sensible Thing” viết năm 1924 và tiểu thuyết “The Great Gatsby” in một năm sau đó.
Về “The Sensible Thing”, bản tiếng Việt dịch nhan đề khá hay “Vĩnh biệt xốn xang”, mình đã từng viết trong một status trước đây. Copy lại cho đỡ mất công:
“Vĩnh biệt xốn xang” có cũng có cái tứ như Gatsby, kiểu một anh vì nghèo mà cô người yêu chê không muốn kết hôn. Sau anh này bỏ đi làm giàu, rồi trở về gặp lại cô ấy. Cô gái vẫn đẹp, vẫn khiến anh ta ngất ngây, nhưng khi anh lướt nhẹ nụ hôn trên môi cô, anh biết rằng, vĩnh viễn sẽ không còn cảm giác như nụ hôn tháng Tư năm ấy. Anh đã đấu tranh bằng mọi giá để giành lại được cô ấy, và anh đã làm được. Nhưng cái giá phải trả đôi khi đắt hơn, làm sao tìm lại được tiếng thì thầm âu yếm trong bóng hoàng hôn hay màn đêm mát mẻ. Thế là đành phải vĩnh biệt những ngày tháng xốn xang, vĩnh biệt mãi mãi. Viết xong rồi, ông Fitzgerald chốt hạ một câu ngậm ngùi: “Trên thế gian này tình yêu thì muôn hình muôn vẻ, nhưng cái tình yêu năm xưa ấy thì không lặp lại bao giờ”.
Không biết ở ngoài đời, khi Scott dành lại được tình yêu của Zelda, ông có trải qua cảm giác xót xa của tình yêu bị đánh mất đó, nhưng nó luôn trở đi trở lại trong tác phẩm của ông. Hay cũng có thể Scott là một nhà văn của “The Lost Generation” nên ông luôn hoài nghi tất cả, kể cả tình yêu của mình.
Trong “The Great Gatsby”, ngay khi gặp lại Daisy sau 5 năm và đứng với cô trên bến thuyền nhà mình để nhìn về cái chấm xanh ảo ảnh ở phía East Egg nhà cô, Gatsby cũng trải qua tâm trạng hoài nghi đó. Đoạn này Scott để Nick dẫn chuyện, trong một đoạn văn phải nói là tuyệt vời:
“Khi ra chỗ hai người chào tạm biệt, tôi thấy cái vẻ kinh ngạc ngẩn ngơ đã lại ở trên mặt Gatsby, như thể ông bỗng thoáng thấy nghi ngờ không biết niềm hạnh phúc hiện tại của mình là thật hay giả. Gần năm năm trời còn gì! Chắc hẳn đã có những lúc ngay trong chiều hôm đó Daisy đã không đúng như ông vẫn mơ tưởng – không phải nó có lỗi gì, mà chỉ là vì ảo mộng của ông sinh động khủng khiếp quá. Nó vượt quá cả Daisy, nó vượt quá mọi thứ. Ông đã quăng mình vào nó với một say đắm đầy sáng tạo, lúc nào cũng trang hoàng thêm thắt, chẳng bỏ sót dù chỉ là một vẩy lông chim sặc sỡ tình cờ vương trên lối ông đi. Thật là không có lửa nào đủ nóng, cũng chẳng tươi mới nào đủ nồng so với những ám ảnh chứa chất trong lòng một kẻ nam nhi”.
Điều này được Nick lặp lại một lần nữa ở cuối tiểu thuyết khi thảm kịch đã xảy ra, cũng tuyệt vời không kém:
“Và khi ngồi đó trầm tư về cái thế giới xưa xa lạ, tôi nghĩ đến niềm xúc động đầy kinh ngạc của Gatsby khi lần đầu ông thấy đốm sáng xanh ở cuối bãi thuyền nhà Daisy. Ông đã vượt qua một chặng đường dài mới tới được bãi cỏ xanh lam này, và giấc mơ của ông chắc đã có vẻ gần đến nỗi thể nào ông cũng sẽ bắt được nó. Ông không biết rằng nó đã ở phía sau lưng ông mất rồi, ở một nơi nào đó phía sau, trong cái mờ mịt mênh mang phía bên kia thành phố, nơi những cánh đồng sẫm tối của nước cộng hòa nhấp nhô trải dài mãi dưới trời đêm.”
Đọc “The Great Gatsby” nhiều lần, mình luôn có cảm giác Nick và Jay Gatsby là sự phân thân của Scott Fitzgerald, bởi sự thấu hiểu của Nick dành cho Gatsby, gần như là “đi guốc trong bụng”, nhất là trong 2 đoạn trích nói trên. Nick là một phiên bản của sự tỉnh táo. Gatsby là phiên bản của những ảo mộng, u mê. Nick nói rằng: “You can’t repeat the past”. Gatsby hỏi lại với sự hoài nghi: “Can’t repeat the past?”. Nick đáp chắc chắn: “No”. Nhưng Gatsby thì vẫn cố để chạy theo cái ảo mộng đó, dù anh ta biết nó không thật: “Why, of course you can… of course you can.”
Quay trở lại với cuộc hôn nhân sóng gió của Scott và Zelda. Scott đã quyết tâm bằng mọi giá để “repeat the past” dù ông luôn hoài nghi nó, và cái giá phải trả không phải là một phát súng gọn gàng cắm vào ngực như bi kịch của Gatsby mà là cái nỗi đau dai dẳng kéo dài trong suốt hơn 20 năm với cuộc hôn nhân địa ngục.
5 năm sau cuộc hôn nhân, Scott và Zelda có một cô con gái và chuyển đến Paris để sống. Lúc đó ông đã in “The Great Gatsby”, dù nhận được nhiều đánh giá tích cực, nhưng cuốn tiểu thuyết không thành công như mong đợi. Quen với lối sống phù phiếm và lối tiêu xài không tiếc tiền của Zelda, cuộc hôn nhân của họ bắt đầu có những dấu hiệu rạn nứt. Scott phải viết truyện ngắn để in trên những tờ báo Mỹ kiếm sống. Những truyện ngắn này như Hemingway đánh giá, phải “hạ giọng” để hợp thời và không xứng với văn tài của Scott.
Trong cuốn hồi ký “Hội hè miên man”, Hemingway dành đến 3 chương để viết về Scott và đó là những chương hay nhất của cuốn hồi ký xuất sắc này. Trong đoạn đầu, Hemingway viết về Scott như mô tả về một “tình nhân”, xuất hiện trong bộ vest sành điệu Brooks Brothers vừa như in, sành ăn và vẻ mặt như tài tử Hollywood:
“Vào lúc ấy Scott đã là một người đàn ông nhưng trông như trai tơ với khuôn mặt phảng phất giữa đẹp trai và xinh xẻo. Anh có mớ tóc gợn sóng rất sáng màu, cái trán cao, đôi mắt phấn khích và thân thiện, còn cái miệng Ailen môi dài mềm mượt ấy cô gái nào có được thì phải gọi là mỹ nhân. Cái cằm anh chỉn chu, hai cái tai xinh xắn và chiếc mũi khiêm nhường đẹp đến mức thanh tú. Tất cả những chi tiết ấy hẳn là chưa đủ để làm nên một khuôn mặt đẹp, nhưng còn phải kể đến nước da, mái tóc rất sáng màu và cái miệng. Cái miệng ấy khiến ta bối rối cho đến khi nào hiểu anh hơn, và đến khi hiểu anh hơn ta sẽ còn bối rối hơn”.
Hemingway sau đó quả là bối rối thật, khi bị cái tính thất thường, bốc đồng, nghiện rượu và bắt đầu có dấu hiệu mất kiểm soát hành vi của Scott hành cho tới bến, đặc biệt trong cái chương kể về chuyến đi xuống Lyon để lái chiếc xe Renault về Paris.
Về cuộc hôn nhân giữa Scott và Zelda ngay từ thời điểm đó, tức chỉ 6, 7 năm sau cuộc hôn nhân, đã có những dấu hiệu đổ vỡ khó hàn gắn. Zelda đã bắt đầu có những cơn trầm cảm nặng và phải đi điều dưỡng ở bệnh viện tâm thần. Trước đó, bà đã có một cuộc ngoại tình với một tay phi công trẻ đẹp trai người Pháp và đã có một cái thai trong bụng. Scott đã bắt bà cắt đứt với tay phi công và thuê một bà lang để phá cái thai trong bụng. Chính điều này càng khiến Zelda căm thù Scott và dành cho ông những lời lẽ miệt thị. Có một đoạn trong “Hội hè miên man” đọc cười bò, kể một lần Scott thì thú nhận với Hemingway rằng cả đời ông đến lúc ấy mới chỉ ngủ với Zelda và rất đau khổ khi bị Zelda nói rằng cái ấy của Scott không bao giờ làm cho đàn bà sung sướng nổi. Hemingway mới bảo Scott vào toilet để kiểm tra và sau khi trở ra, ông bảo “hàng” của Scott hoàn toàn bình thường. Scott vẫn không tự tin lên chút nào. Hemingway mới bảo thế thì đi bảo tàng Lourve để xem những bức điêu khắc để so sánh. Sau đó hai anh giai đi Lourve để “đối chiếu” thật…
Hemingway lúc đó cũng nhận định rằng Zelda đã có những dấu hiệu của “bệnh điên” và là kẻ tàn phá sự nghiệp của Scott như người đời nhiều năm sau đó vẫn luôn nói vậy khi viết về Zelda. Cuộc hôn nhân địa ngục đó kéo dài từ những năm ở Paris cho đến khi họ trở về Mỹ. Zelda sống ở trại điều dưỡng tâm thần nhiều hơn ở nhà. Scott thì rơi vào nghiện ngập và bế tắc. Sau “The Great Gatsby” ông chỉ viết thêm được 2 tiểu thuyết (“Tender is the Night” in năm 1934, tức 9 năm sau và “The Love of Last Tycoon” in 1 năm sau cái chết đột tử của ông vì bị trụy tim vào năm 1940), vào năm ông 44 tuổi. 8 năm sau, Zelda chết cháy trên tầng cao nhất của một bệnh viện tâm thần do hỏa hoạn, năm bà 44 tuổi.

2. Zelda: “Tôi đã cưới một con búp bê đàn ông”

Phải nhiều năm sau cái chết của cả hai, giới văn chương bắt đầu mới có những cái nhìn khách quan hơn với Zelda, để hiểu tại sao một nhan sắc thanh lịch, một tài năng và một cá tính nổi bật, một “Miss Alabama” lại phải chịu cuộc đời nhiều sóng gió bi kịch như thế trong cuộc hôn nhân được gắn kết bởi tình yêu và thử thách? Không chỉ thế, vài chục năm sau, tự nhiên có cả một phong trào nữ quyền đứng lên để đòi hỏi công bằng cho Zelda.
Trong vòng chỉ 10 năm qua, có 2 cuốn tiểu thuyết nổi bật đứng về phía Zelda khi nhìn nhận lại cuộc đời của cả hai. Năm 2007, nhà văn Pháp Gilles Leroy đã giành được giải Goncourt cho cuốn tiểu thuyết “Alabama Song”. Và tháng 4 năm nay, trước khi bộ phim “The Great Gatsby” ra mắt, một cuốn tiểu thuyết có tên “Z – A Novel of Zelda Fitzgerald”của nhà văn nữ Therese Anne Fowler cũng được xuất bản. Cả hai cuốn tiểu thuyết này đều minh oan cho không chỉ Zelda mà cả nhân vật Daisy – người được coi là nguyên mẫu của bà trong “The Great Gatsby” – rằng họ là nạn nhân của thói độc đoán và ‘bóp méo” của một văn sĩ ngoại hạng và một gã chồng tàn nhẫn.
Cuốn tiểu thuyết “Z” thì mình chưa đọc, còn “Alabama Song” (viết bằng tiếng Pháp và đã được Nhã Nam in ở VN) là một cuốn tiểu thuyết thực sự xuất sắc, đặc biệt là phong cách kể chuyện. Gilles Leroy qua các tư liệu sưu tập được, đã “vào vai Zelda” dưới dạng một cuốn tiểu thuyết nửa thật nửa hư cấu với thể loại “giả hồi ký”. Cuốn tiểu thuyết qua lời tự thuật của Zelda đã làm sáng rõ cuộc đời của bà, từ một cô gái xinh đẹp, nồng nhiệt của tuổi 20, một biểu tượng chống lại những ràng buộc khuôn phép của nữ giới trở thành một người đàn bà tàn úa trong cuộc hôn nhân với Scott. Từng là một phụ nữ đa năng và tự tin với khả năng múa ballet, viết văn, hội họa…; nhưng suốt cả cuộc đời Zelda sống dưới cái bóng khổng lồ của Scott. “Kẻ thù, tình địch lớn nhất của Daisy là sự nghiệp của Scott”, còn Scott thì trở thành một kẻ ghen tuông bệnh hoạn và ra tay tàn nhẫn để cắt đứt cuộc tình giữa Zelda và tay phi công người Pháp điển trai, đồng thời giết luôn bào thai trong bụng bà. Không chỉ với nỗi căm hận về cách hành xử tàn nhẫn của Scott, Zelda còn tố cáo Scott lấy chất liệu, nhật ký của bà đưa vào tiểu thuyết của ông, thậm chí cả truyện ngắn của bà rồi ký tên ông gửi đăng báo nhưng ngược lại luôn tìm cách để ngăn cản bà viết lách hay lao động nghệ thuật.
Khi cuộc hôn nhân bên bờ vực vào những năm 30, Scott nghiện rượu nặng còn Zelda thì sống trong một trại điều dưỡng tâm thần, nơi bà được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn lưỡng cực. Trong thời gian này, Zelda đã viết và xuất bản cuốn tiểu thuyết bán tự truyện duy nhất: “Save Me the Waltz” (1932) với những chất liệu từ cuộc hôn nhân của họ. Điều này khiến Scott vô cùng tức giận vì chân dung của ông được hiện rõ và đặc biệt ông mất khả năng kiểm soát cuộc đời của Zelda. Trong cuốn tiểu thuyết sau đó, “Tender is the Night”, in năm 1934 Scott trả đũa bằng cách tương tự. Hai cuốn tiểu thuyết này cung cấp hai bức chân dung tương phản về người bạn đời của họ.
Nói về cuộc hôn nhân với Scott, Zelda đã viết một câu ngắn nhưng rất đau: “Tôi đã cưới một con búp bê đàn ông”. Trong cuốn tiểu thuyết “Alabama Song”, Gilles Leroy đã “thay lời” của Zelda để viết những câu dẫn mở đầu rằng: “Có những kẻ ẩn mình để trộm cắp, để giết chóc, để phản bội, để yêu thương, để hưởng thụ. Tôi thì phải ẩn mình để viết. Vừa tròn hai mươi tuổi tôi đã rơi vào vòng chi phối chế ngự của một người đàn ông lớn tuổi hơn tôi đôi chút, người ấy muốn định đoạt cuộc đời tôi và đã tiến hành chuyện đó hết sức bất lương”.
Có những cuộc tình chỉ đẹp khi nó ở thì dang dở.
Như Nick nói với Gatsby: “You can’t repeat the past”.
Như Scott không bằng mọi giá để chinh phục lại trái tim của Zelda bằng sự thành đạt của mình.
Nhưng đồng thời nếu không có kẻ trả giá cả cuộc đời mình bằng tình yêu thì cũng không có những cuốn tiểu thuyết vĩ đại.
(Định viết nốt về Những cuộc tình vĩ đại kết thúc ở trại thương điên or something like that mà dài quá rồi. Tại sao tôi có thể rỗi hơi ngồi viết một mạch 2 bài gần 5000 từ free? ;p)
Le Hong Lam