Wednesday, November 13, 2013

José Saramago




José Saramago sinh ngày 16.11.1922 tại Azinhaga, Bồ Đào Nha. Ông là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Bồ Đào Nha thế kỷ 20. Năm 1998, ông được trao Giải Nobel văn chương.


 Mù loà

Đèn vàng bật lên. Hai chiếc xe phía trước phóng nhanh trước khi đèn đỏ xuất hiện. Dấu hiệu hình người màu xanh cho khách bộ hành qua đường sáng lên. Những người đứng đợi bắt đầu băng qua đường, dẫm lên các vạch sơn trắng trên mặt nhựa đen chẳng khác gì con ngựa vằn, người ta gọi nó như vậy. Người lái xe nôn nóng đặt một chân lên bộ ly hợp, để xe họ sẵn sàng, tiến tới, thụt lùi, như những con ngựa bồn chồn có thể cảm thấy ngọn roi sắp quật xuống. Khách bộ hành vừa mới qua đường xong nhưng dấu hiệu cho phép xe chạy sẽ bị hoãn vài giây, một số người cho rằng sự trì hoãn này, tuy hiển nhiên rất không đáng kể, chỉ cần nhân cho hàng ngàn ngọn đèn lưu thông hiện có trong thành phố và nhân cho ba màu đèn lần lượt thay đổi cũng tạo ra một trong những nguyên nhân trầm trọng nhất của nạn kẹt xe hay ách tắc cổ chai, nếu dùng chữ thời sự hơn.

Rốt cuộc đèn xanh cũng bật lên, xe cộ nhanh nhẹn vượt qua, nhưng rõ ràng không phải tất cả đều vượt khỏi lằn mức nhanh bằng nhau. Chiếc xe ở đầu dòng xe giữa đã ngừng, chắc phải có trục trặc máy móc thế nào, cái chân ga lỏng, cần số hóc, giàn nhún có vấn đề, kẹt thắng, mạch điện hỏng, trừ phi anh ta chỉ hết xăng, chuyện như vậy không phải xảy ra lần đầu. Nhóm bộ hành kế tiếp tập trung ở lối qua đường thấy người tài xế chiếc xe đứng yên đang vẫy cánh tay sau kính xe, trong khi đoàn xe phía sau điên cuồng bấm còi. Một số tài xế đã ra khỏi xe của họ, sẵn sàng đẩy chiếc xe mắc kẹt tới chỗ nó không làm cản lối lưu thông, họ đập dữ dội vào kính xe đóng kín, người đàn ông bên trong quay đầu về phía họ, thoạt tiên về một bên rồi bên kia, rõ ràng ông ta đang la hét điều gì, xem chuyển động của miệng ông hình như ông ta đang lặp lại mấy chữ, không phải một chữ mà là hai, hoá ra đúng như thế khi có người rốt cuộc xoay xở mở được cánh cửa, Tôi mù.

Ai mà tin nổi. Chỉ thoạt nhìn, mắt người đàn ông dường như tốt, tròng đen nom rạng rỡ, sáng sủa, màng mắt trắng đặc như bằng sứ. Đôi mắt mở lớn, làn da nhăn trên khuôn mặt, hàng lông mày bỗng dưng nhíu lại, tất cả chứng tỏ ông ta đang khổ sở đến quẫn trí, ai cũng có thể thấy vậy. Bằng một cử động nhanh, điều vừa trông thấy vụt biến mất đằng sau nắm tay siết chặt của người đàn ông, như thể ông ta vẫn cố giữ trong đầu hình ảnh bắt được cuối cùng là bóng đèn tròn đỏ ở cột đèn lưu thông. Tôi mù, tôi mù, ông tuyệt vọng lặp lại khi họ giúp ông ra khỏi xe, và những giọt nước mắt dâng lên khiến cặp mắt mà ông nói rằng mù càng sáng hơn. Một bà nói, Chuyện này thường xảy ra rồi sẽ hết, ông sẽ thấy lại, đôi khi là thần kinh. Đèn đã đổi lần nữa, một số khách qua đường tò mò vây quanh nhóm người, và các tài xế tận phía xa không biết việc gì xảy ra, đã phản đối điều mà họ nghĩ là một vụ tai nạn bình thường, một cái đèn pha bị vỡ, một tấm cản bị xước, chẳng có gì biện minh cho sự cố này, Gọi cảnh sát, họ hét lên rồi đẩy chiếc xe hỏng khốn khổ đó tránh lối. Người đàn ông mù van nài, Làm ơn có ai đưa tôi về nhà. Người đàn bà lúc nãy cho rằng đây là một ca thần kinh bây giờ đưa ý kiến nên gọi xe cứu thương để chở người đàn ông khốn khổ tới bệnh viện, nhưng người đàn ông mù từ chối, không cần, ông ta chỉ muốn có người đi cùng ông tới lối vào toà nhà ông sống. Gần đây thôi, các ông bà giúp tôi thế là nhất. Còn chiếc xe thì sao, có người hỏi. Một giọng khác trả lời, Chìa khoá nằm trong ổ, lái chiếc xe lên lề đường. Không cần, một giọng thứ ba xen vào, tôi sẽ chịu trách nhiệm chiếc xe và đưa ông này về nhà. Có tiếng thì thầm tán đồng. Người đàn ông mù cảm thấy có ai nắm cánh tay mình, Đi, đi với tôi, cũng giọng nói đó bảo ông. Họ dìu ông vào ghế hành khách phía trước, rồi thắt dây an toàn. Tôi không thấy, tôi không thấy, ông ta vừa lẩm bẩm vừa khóc. Ông sống ở đâu, người đàn ông hỏi ông. Qua cửa kính xe, những khuôn mặt háo hức theo dõi, thèm khát một vài thông tin. Người đàn ông mù khoa tay lên mắt, Không thấy gì, như thể tôi bị vướng trong sương mù hay ngã vào biển sữa. Nhưng mù đâu có như vậy, anh chàng kia nói, họ nói mù thì đen, Ồ, tôi thấy mọi thứ đều trắng, Cái bà nhỏ nhắn đó có thể đúng, có thể là vấn đề thần kinh, thần kinh rắc rối lắm, Chẳng cần nói tôi cũng biết là thảm hoạ, ừ thảm hoạ, Xin ông bảo cho tôi biết ông sống ở đâu, cùng lúc đó máy xe nổ. Ấp úng, như thể thiếu thị lực đã làm suy yếu trí nhớ, người đàn ông mù cho địa chỉ, rồi ông nói, Tôi cảm ơn ông không hết lời, và người kia đáp, Nào bây giờ đừng nghĩ tới nữa, hôm nay đến lượt ông, ngày mai sẽ đến lượt tôi, mình chẳng bao giờ biết cái gì đang chờ phía trước, Ông nói đúng, ai mà nghĩ rằng lúc tôi rời nhà sáng nay, một việc ghê gớm như thế này lại xảy ra. Ông ngạc nhiên khi họ vẫn đứng yên., Tại sao mình không di chuyển, ông hỏi, Đèn còn đỏ, người kia đáp. Từ nay ông sẽ không còn biết khi nào đèn đỏ.

Như người đàn ông mù đã nói, nhà ông gần đó. Nhưng lề đường chật cứng xe cộ, họ không tìm được chỗ đậu nên phải kiếm một chỗ bên đường ngang. Ở đó vỉa hè hẹp, cánh cửa bên hành khách cách bức tường khoảng hơn một gang tay, vì thế để tránh khó nhọc phải chen từ ghế này sang ghế kia vướng víu cái thắng tay và bánh lái, người đàn ông mù phải ra khỏi xe trước khi xe đậu. Bị bỏ rơi giữa đường, cảm thấy mặt đất chao đảo dưới chân, ông cố dằn nỗi hốt hoảng đang dâng lên trong lòng. Ông quơ tay trước mặt một cách lo lắng, như thể đang bơi trong nơi ông đã tả là biển sữa, miệng ông đã há ra để kêu cứu khi vào phút chót ông cảm thấy bàn tay người kia nhẹ nhàng chạm vào cánh tay ông, Bình tĩnh, tôi đây. Họ đi rất chậm, sợ ngã, người đàn ông mù kéo lê chân, nhưng vì thế ông vấp trên vỉa hè mấp mô, Cứ kiên nhẫn, mình gần tới, người kia thì thầm, rồi đi một quãng ngắn nữa, ông ta hỏi, Có ai ở nhà để chăm sóc ông không, người đàn ông mù đáp, Tôi không biết, vợ tôi chắc đi làm chưa về, hôm nay tôi tình cờ rời nhà sớm để rồi bị như thế này. Ông yên tâm, không nghiêm trọng lắm đâu, tôi chưa nghe nói ai bỗng dưng bị mù, Vậy mà cứ nghĩ coi tôi hay khoác lác là tôi chưa từng cần đến kính, Ôi dào để xem. Họ đã đến lối vào toà nhà, hai người đàn bà hàng xóm tò mò nhìn cảnh người láng giềng của họ được dắt tay vào, nhưng hoặc là không ai nghĩ đến chuyện hỏi, Mắt ông bị cái gì à, điều ấy chưa bao giờ xảy ra cho họ, hoặc là ông đã có thể trả lời, Vâng, biển sữa. Khi đã vào trong toà nhà, người đàn ông mù nói, Cám ơn rất nhiều, tôi rất tiếc đã làm phiền đến ông, bây giờ tôi có thể tự xoay xở được, Không cần phải xin lỗi, tôi sẽ lên với ông, để ông ở đây tôi không yên tâm. Họ vào thang máy hẹp hơi khó khăn, Ông sống ở tầng mấy, Tầng ba, ông không thể tưởng tượng tôi biết ơn ông thế nào, Đừng cảm ơn tôi, hôm nay là ông, Vâng, ông nói đúng, ngày mai có thể là ông. Thang máy dừng lại, họ bước ra ngoài đầu thang, Ông có muốn tôi giúp mở cửa không, Cảm ơn, tôi nghĩ tôi có thể tự làm được. Ông lấy trong túi ra một chùm chìa khoá nhỏ, sờ soạng từng cái dọc theo cạnh răng cưa, rồi nói, Phải là chiếc này, rồi sờ soạng tìm lỗ khoá bằng đầu ngón tay trái, ông cố mở cửa. Không phải chiếc này, Để tôi xem, tôi sẽ giúp ông. Cánh cửa mở ra sau lần thử thứ ba. Rồi người đàn ông mù gọi vào nhà, Em có nhà không, không ai trả lời, và ông bình phẩm, Đúng như tôi nói, cô ấy vẫn chưa về. Đưa tay ra, ông dò đường dọc theo hành lang, rồi ông thận trọng quay lại, quay đầu về hướng ông đoán là anh chàng kia ở đó, Làm sao tôi có thể cám ơn ông cho hết, ông nói, Tôi chẳng làm gì mấy, người làm phúc nói, không cần cảm ơn tôi, rồi thêm, Ông có muốn tôi giúp ngồi xuống rồi ở lại cho có bạn đến khi vợ ông về không. Lòng sốt sắng này bỗng khiến người đàn ông mù nghi ngờ, tất nhiên ông sẽ không mời một người hoàn toàn xa lạ vào, hắn rất có thể âm mưu đúng vào lúc này tìm cách trấn áp, trói chặt và nhét giẻ vào miệng người đàn ông mù đáng thương vô phương tự vệ, rồi cướp lấy tất cả những món có giá trị. Không cần, xin đừng bận tâm, ông nói, tôi tự lo liệu được, và khi ông bắt đầu từ từ đóng cửa, ông lặp lại, Không cần, không cần.

Nghe tiếng thang máy đi xuống ông thở ra nhẹ nhõm. Bằng một cử chỉ máy móc, quên đi tình trạng của mình, ông kéo cái nắp che lỗ nhìn nhỏ ở cửa rồi ngó ra ngoài. Phía bên kia như có một bức tường trắng. Ông có thể cảm thấy vành sắt chạm vào lông mày, lông mi ông quét lên thấu kính nhỏ tí, nhưng ông không thể thấy gì, sắc trắng khôn dò che phủ mọi thứ. Ông biết ông đang ở nhà mình, ông nhận ra mùi vị, bầu khí quyển, sự im lặng, ông có thể nhận ra những món bàn ghế và vật dụng bằng cách chỉ sờ chúng, lướt nhẹ ngón tay lên chúng, nhưng cùng lúc đó tất cả những vật này như thể đã tan biến vào một chiều kích lạ kỳ, không phương hướng hay điểm quy chiếu, không hướng bắc hay hướng nam, trên hay dưới. Như hầu hết mọi người, thưở nhỏ ông thường chơi giả vờ mù, và sau khi nhắm mắt năm phút, ông đã đi đến kết luận rằng mù loà chắc chắn là một tai hoạ khủng khiếp, có thể vẫn tương đối chịu nổi nếu nạn nhân kém may mắn còn giữ được đủ ký ức, không chỉ về màu sắc, mà cả hình thể và mặt phẳng, bề mặt và hình dáng, tất nhiên giả sử rằng người đó không mù từ lúc sinh ra. Thậm chí ông đã nghĩ rằng bóng đen trong đó người mù sống không gì khác hơn chỉ là thiếu ánh sáng, rằng cái mà chúng ta gọi là mù loà chỉ là cái che phủ diện mạo của con người và đồ vật, chứ chúng vẫn nguyên vẹn phía sau tấm mạng đen của họ. Bây giờ, trái lại, ông đang bị lao vào sắc trắng thật chói chan, thật tuyệt đối, đến nỗi nó nuốt chửng hơn là hấp thụ không chỉ màu sắc, mà cả đồ vật và con người, do đó khiến mọi thứ vô hình gấp bội.

Khi ông di chuyển về hướng phòng khách, mặc dù cẩn thận tiến tới, đưa một bàn tay dò dẫm dọc theo vách tường và không lường trước bất cứ trở ngại nào, ông làm đổ một chiếc lọ hoa vỡ toang xuống sàn. Ông đã quên chiếc lọ ấy, hay có lẽ vợ ông đã đặt nó ở đó khi đi làm với ý định rồi sẽ tìm một chỗ nào thích hợp hơn. Ông cúi xuống đánh giá thiệt hại. Nước đã lan khắp sàn bóng. Ông cố gom hoa, không nghĩ đến cái lọ vỡ, một mảnh sắc dài đâm ngón tay ông, cái đau khiến những giọt nước mắt trẻ con tấm tức trào lên mắt, mù loà với sắc trắng giữa căn nhà mình, căn nhà đang tối dần khi chiều xuống. Vẫn ôm chặt bó hoa và cảm thấy máu đang chảy, ông vặn người lấy khăn tay trong túi rồi cố quấn nó quanh ngón tay. Rồi dò dẫm, loạng choạng, vòng quanh bàn ghế, thận trọng đưa chân để khỏi vấp thảm, ông đến ghế sofa nơi ông và vợ ngồi xem truyền hình. Ông ngồi xuống, đặt hoa lên đùi, rồi cực kỳ cẩn thận mở chiếc khăn tay. Máu dinh dính khiến ông lo ngại, ông nghĩ chắc vì ông không thấy, máu đã biến thành chất sền sệt không màu, thành một thứ khá xa lạ, mặc dù thuộc về ông, nhưng giống như mối đe doạ trực tiếp tự gây ra cho mình. Rất chậm, nhẹ nhàng thăm dò bằng tay kia, ông cố tìm cái mảnh kính sắc như lưỡi dao găm nhỏ tí, rồi kẹp móng tay ngón cái và ngón trỏ lại, ông xoay xở rút hết nó ra. Ông quấn chiếc khăn tay quanh ngón tay bị thương một lần nữa, lần này thật chặt để máu ngưng chảy, rồi mệt mỏi và kiệt sức, ông ngửa người trên sofa. Một phút sau, vì thói buông thả thường thấy của cơ thể, chọn bỏ cuộc trong những khoảnh khắc thống khổ và tuyệt vọng, khi tất cả hệ thần kinh nếu được luận lý hướng dẫn đáng lẽ sẽ cảnh giác và căng thẳng, một thứ mệt mỏi lan khắp người ông, một thứ thờ thẫn hơn là mệt nhọc thật, nhưng cũng nặng nề. Ông lập tức mơ rằng ông đang giả vờ mù, ông mơ rằng ông mãi mãi nhắm và mở mắt, rồi như thể ông đang trở về sau một chuyến đi, trong mỗi lần nhắm mở mắt ông thấy tất cả những hình dáng và màu sắc trên thế gian đang đợi ông, kiên quyết và không biến đổi như ông đã biết. Dù dưới niềm tin làm vững dạ này, ông nhận thấy sự bất ổn lẳng nhẳng mờ đục, có lẽ nó là một giấc mơ dối trá, một giấc mơ từ đó ông sẽ phải trồi lên không sớm thì muộn, mà không biết đúng lúc này thực tế nào đang đợi ông. Nếu một chữ như thế có nghĩa gì để tả tình trạng mệt mỏi chỉ kéo dài vài giây và đã ở trong trạng thái nửa cảnh giác chuẩn bị cho ta thức dậy, ông nghiêm nghị cho rằng cứ ở trong tình trạng bất quyết này là dại dột, ta có nên thức dậy chăng, ta có không nên thức dậy chăng, ta có nên thức dậy chăng, ta có không nên thức dậy chăng, khi một người không còn gì để lựa chọn thì sẽ luôn luôn tới lúc phải liều, Ta làm gì ở đây với bông hoa trên đùi mình và nhắm mắt như thể sợ mở ra, Anh làm gì ở đó, đang ngủ với bông hoa trên đùi anh à, vợ ông hỏi.

Bà không đợi câu trả lời. Bà lập tức gom các mảnh lọ và lau khô sàn, lẩm bẩm suốt với vẻ bực dọc không cố che giấu, Đáng lẽ anh nên tự dọn đống này, thay vì ngồi xuống ngủ như không để ý gì cả. Ông không nói, bảo vệ cặp mắt đằng sau cái nhắm chặt, bỗng dưng ông bị bối rối vì một ý nghĩ, Nếu mình mở mắt và thấy thì sao, ông tự hỏi, nắm chặt lấy hy vọng khắc khoải. Người đàn bà lại gần, nhận thấy cái khăn tay vấy máu, vẻ phật ý của bà biến mất lập tức, Tội nghiệp, làm sao mà xảy ra thế này, bà thương xót vừa hỏi vừa mở dải băng tạm. Khi ấy với tất cả sức lực của mình, ông muốn thấy người vợ đang quỳ nơi chân ông, ngay tại đó, ông biết bà ở đó, rồi đoan chắc rằng ông sẽ không thấy bà, ông mở mắt, À rốt cuộc thì anh đã thức dậy, ông đãng trí của tôi ơi, bà vừa nói vừa mỉm cười. Một thoáng im lặng, rồi ông nói, Anh mù, anh không thấy. Người đàn bà mất kiên nhẫn, Đừng đùa vớ vẩn, có những chuyện mình không được đùa, Anh cũng mong là trò đùa, anh mù thật, anh không thấy gì cả, Làm ơn đừng làm em sợ, nhìn em này, em ở đây, đèn sáng, Anh biết em ở đó, anh có thể nghe tiếng em, sờ em, anh có thể đoán là em đã bật đèn, nhưng anh mù. Bà bắt đầu khóc, bấu chặt lấy ông, Không đúng, bảo em là không đúng. Những bông hoa rơi xuống sàn, lên chiếc khăn tay vấy máu, máu lại bắt đầu nhỏ giọt trên ngón tay bị đứt, và như thể muốn nói những lời khác, ông lẩm bẩm, Anh ít lo điều đó nhất, anh thấy mọi vật trắng xoá, và ông mỉm cười buồn bã. Người đàn bà ngồi xuống bên cạnh ông, ôm chặt ông, dịu dàng hôn ông trên trán, trên mặt, nhẹ nhàng trên mắt, Anh sẽ thấy việc này sẽ qua khỏi, anh không đau ốm, không ai bỗng dưng mù, Có lẽ, Kể cho em nghe xảy ra thế nào, anh cảm thấy gì, khi nào, ở đâu, không, khoan đã, đợi, điều đầu tiên mình phải làm là hỏi ý một bác sĩ chuyên khoa mắt, anh có nghĩ ra được ai không, Anh sợ rằng không, cả hai đứa mình đều không đeo kính, Nếu em phải đưa anh tới bệnh viện, Không chắc có dịch vụ cấp cứu nào cho mắt không thấy đường, Anh nói phải, tốt hơn mình nên đi thẳng đến bác sĩ, em sẽ tra cuốn danh bạ điện thoại rồi tìm một bác sĩ đang hành nghề gần nhà. Bà vừa đứng lên, vừa vẫn hỏi ông, Anh có thấy khác gì không, Không, ông đáp, Chú ý này, em sẽ tắt đèn rồi anh nói cho em biết, nào, Chẳng có gì khác, Anh nói thế là nghĩa gì, Chẳng có gì khác, anh chỉ thấy cùng màu trắng, như thể không có ban đêm.

Ông có thể nghe vợ lật nhanh các trang của cuốn danh bạ điện thoại, vừa sụt sịt để khỏi khóc, vừa thở dài, rồi cuối cùng nói, Đây rồi, hy vọng là ông ta có thể tiếp mình. Bà quay một số, hỏi có phải là phòng khám bệnh, bác sĩ có đó không, bà có thể nói chuyện với bác sĩ chăng, Không, không, bác sĩ không biết tôi, vấn đề cực kỳ khẩn cấp, vâng, xin làm ơn, tôi hiểu, rồi tôi sẽ giải thích hoàn cảnh cho cô, nhưng tôi xin cô chuyển lại những gì tôi phải nói với bác sĩ, sự kiện là chồng tôi bỗng dưng bị mù, vâng, vâng, hoàn toàn bất ngờ, không, không ông ấy không phải là bệnh nhân của bác sĩ, chồng tôi không đeo kính và chưa bao giờ đeo, vâng, thị lực ông ấy rất tốt, giống như tôi, tôi cũng nhìn rất rõ, ồ, cảm ơn cô nhiều, tôi sẽ đợi, tôi sẽ đợi, vâng, bác sĩ, hoàn toàn bất ngờ, anh ấy bảo anh ấy thấy mọi thứ trắng xoá, tôi không biết chuyện gì, tôi không có thời giờ hỏi anh ấy, tôi vừa mới về nhà thì thấy anh ấy trong tình trạng này, bác sĩ có muốn tôi hỏi anh ấy không, ồ, tôi rất biết ơn bác sĩ, chúng tôi sẽ tới ngay, ngay lập tức. Người đàn ông mù đứng lên, Khoan đã, vợ ông nói, để em băng ngón tay này lại trước đã, bà đi khỏi vài giây, trở lại với chai peroxide, chai iodine, bông gòn, một hộp băng. Trong lúc băng vết thương, bà hỏi ông, Anh để xe ở đâu, rồi bất thần chất vấn ông, Nhưng trong tình trạng của anh thì anh không thể lái xe, hay anh đã về tới nhà rồi mới xảy ra, Không, xảy ra trên đường lúc anh ngừng ở đèn đỏ, một người nào đó đưa anh về nhà, chiếc xe để ở đường bên cạnh, Được, mình đi xuống, đợi ở cửa trong lúc em đi tìm xe, anh để chìa khoá ở đâu, Anh không biết, ông ta chưa trả lại cho anh, Ông ta là ai, Người đàn ông đưa anh về nhà, một người đàn ông, Chắc ông ta để đâu đó, em sẽ tìm, Tìm vô ích, ông ta không vào nhà, Nhưng chìa khoá phải ở đâu đó, Có vẻ ông ta quên, vô ý giữ nó, Đến là khổ, Dùng chìa khoá của em, rồi mình sẽ tính sau, Ừ phải, mình đi, nắm tay em. Người đàn ông mù nói, Nếu phải sống như thế này thì anh thà là chết, Anh làm ơn đừng nói vớ vẩn, đã đủ khó khăn rồi, Anh bị mù, chứ không phải em, em không thể tưởng tượng nổi như thế nào, Bác sĩ sẽ tìm ra phương thuốc nào đó, anh sẽ thấy, Anh sẽ thấy.

Họ rời nhà. Bên dưới, trong tiền sảnh, vợ ông bật đèn rồi thì thào vào tai ông, Đợi em ở đây, nếu hàng xóm có đến thì cứ nói chuyện tự nhiên với họ, nói anh đợi em, không ai nhìn anh mà ngờ rằng anh không thấy, vả lại mình không phải kể hết chuyện mình cho thiên hạ, Ừ, nhưng đừng đi lâu. Vợ ông chạy vội đi. Láng giềng không ai ra vào. Người đàn ông mù theo kinh nghiệm biết rằng cầu thang chỉ sáng lên khi ông nghe tiếng công tắc tự động, do đó ông cứ ấn nút mỗi khi im lặng. Ngọn đèn, ngọn đèn này, đã biến thành tiếng động đối với ông. Ông không hiểu tại sao vợ ông đi mãi chưa về tới, con đường gần bên, khoảng tám mươi hay một trăm thước, Nếu trì hoãn lâu hơn nữa, bác sĩ sẽ về, ông tự nhủ. Ông vô tình làm một cử chỉ máy móc, đưa cổ tay trái lên và cúi mắt nhìn đồng hồ. Ông mím môi như thể bất chợt đau đớn, rồi cảm thấy hết sức an ủi rằng lúc này không người láng giềng nào gần đó, vì ngay lúc ấy nếu ai nói với ông, ông sẽ bật khóc. Một chiếc xe ngừng trên đường, Rốt cuộc, ông nghĩ, nhưng khi ấy ông nhận ra không phải tiếng máy xe ông, Đây là máy dầu cặn, chắc là tắc xi, ông vừa nói, vừa ấn nút đèn một lần nữa. Vợ ông trở về, bối rối và bực tức, cái thằng làm phúc của anh, cái đứa tử tế đó, nó lấy xe mình rồi, Không thể được, có thể em chưa tìm kỹ, Chắc chắn là em tìm kỹ, mắt em chẳng có gì kém, lời nói cuối vô tình tuôn ra, Anh bảo em là chiếc xe ở đường bên cạnh, bà tự chữa lời, nó không có đó, trừ phi họ để nó trên đường nào khác, Không, không, anh chắc chắn nó ở đường này, Ồ thế thì nó biến mất, Còn chùm chìa khoá thì sao, Hắn lợi dụng anh bối rối và lo lắng rồi ăn cắp của mình, Vậy mà anh không muốn hắn vào nhà vì sợ hắn có thể ăn cắp món gì, nhưng nếu hắn ở lại với anh đến khi em về, hắn đã không ăn cắp xe của mình được, Đi, tắc xi đang đợi, Anh thề với em là anh chịu đổi một năm sống để thấy thằng đểu cáng này cũng bị mù xem sao. Đừng nói to thế, Và thấy người ta cướp hết mọi thứ của nó, Hắn có thể quay lại, À, thế em nghĩ ngày mai hắn sẽ gõ cửa rồi nói hắn đã lấy cái xe trong một thoáng đãng trí, rồi hắn xin lỗi và hỏi anh có khoẻ hơn không.

Họ im lặng tới khi đến phòng mạch bác sĩ. Bà cố không nghĩ về chiếc xe bị mất cắp, trìu mến bóp tay chồng, trong khi ông cúi thấp đầu để tài xế không thấy mắt ông qua kính chiếu hậu, ông cứ tự hỏi làm sao một thảm kịch khủng khiếp như thế có thể xảy ra cho ông, Tại sao lại là mình. Ông có thể nghe tiếng ồn trên đường phố, tiếng huyên náo lạ kì mỗi khi chiếc tắc xi ngừng, việc này thường xảy ra lúc chúng ta ngủ và tiếng động bên ngoài xâm nhập vào tấm mạng vô thức mà chúng ta đang quấn như tấm vải trắng trải giường. Như trong tấm vải trắng trải giường. Ông lắc đầu thở dài, vợ ông dịu dàng vuốt má ông, cách bà nói, Bình tĩnh, em đây, và ông dựa đầu lên vai bà, bất chấp người tài xế nghĩ gì, Nếu anh ở trong hoàn cảnh của tôi và không lái xe được nữa, ông nghĩ một cách trẻ con, rồi quên sự ngớ ngẩn của nhận xét đó, ông tự khen mình giữa nỗi tuyệt vọng ông vẫn có thể suy nghĩ hợp lý. Khi ra khỏi tắc xi, được vợ kín đáo giúp đỡ, ông dường như bình tĩnh, nhưng khi vào phòng mạch nơi ông sắp biết số phận mình, ông hỏi vợ bằng một giọng thì thào run rẩy, Anh sẽ ra sao khi ra khỏi chỗ này, rồi ông lắc đầu như thể đã từ bỏ mọi hy vọng.

Vợ ông thông báo cho thư ký tiếp khách, Tôi là người gọi điện nửa giờ trước cho chồng tôi, thư ký đưa họ vào một buồng nhỏ nơi các bệnh nhân khác đang đợi. Có một ông cụ đeo băng đen trên một mắt, một đứa bé có vẻ lé mắt đi theo một phụ nữ chắc là mẹ, một cô gái đeo kính đen, hai người khác không có đặc điểm nổi bật rõ ràng nào, nhưng không ai mù, người mù không đi khám bác sĩ mắt. Người đàn bà giúp chồng tới một ghế trống, và bà đứng bên cạnh chồng vì các ghế khác đã có người ngồi, Mình phải đợi, bà thì thầm vào tai ông. Ông nhận ra tại sao, ông đã nghe tiếng nói của những người trong phòng đợi, bây giờ ông lại có lo lắng khác, nghĩ rằng đợi bác sĩ khám càng lâu, bệnh mù của ông càng nặng đến mức không thể chữa. Ông cựa quậy trong ghế, bồn chồn, ông định giải bày lo lắng của mình với vợ, nhưng ngay khi ấy cánh cửa mở ra và người thư ký nói, Mời hai ông bà đi lối này, rồi quay sang các bệnh nhân khác, Lệnh của bác sĩ, ông này là trường hợp khẩn cấp. Mẹ của cậu bé mắt lé phản đối rằng đến lượt của bà là lượt của bà, bà là người đầu tiên và đợi đã hơn một giờ. Các bệnh nhân khác thấp giọng ủng hộ bà, nhưng không ai, kể cả bà ta, nghĩ là nên tiếp tục than phiền, nhỡ bác sĩ khó chịu và trả đũa sự xấc láo của họ bằng cách bắt họ đợi lâu hơn nữa như đã xảy ra. Ông cụ già đeo băng một mắt hào hiệp nói, Để cái ông tội nghiệp khám trước, ông ấy trong tình trạng tệ hơn mình nhiều. Người đàn ông mù không nghe ông ta, họ đã vào phòng khám của bác sĩ, và người vợ nói, Cảm ơn lòng tốt của bác sĩ, chồng tôi, nói thế xong bà ngừng, vì bà thật không biết chuyện gì đã xảy ra, bà chỉ biết chồng bà mù và xe của họ bị mất cắp. Bác sĩ nói, Xin mời ngồi, và tự ông đến giúp bệnh nhận ngồi xuống ghế, rồi đụng vào tay bệnh nhân, ông nói trực tiếp với người bệnh, Nào, bây giờ kể cho tôi nghe chuyện gì. Người đàn ông mù giải thích rằng ông đang ở trong xe mình, đợi hết đèn đỏ, khi ấy bỗng nhiên ông không thấy gì nữa, vài người chạy đến giúp ông, một bà cụ, phán đoán theo giọng của bà ta, nói có thể là một ca thần kinh, rồi một ông giúp đưa ông về nhà vì ông không thể xoay xở một mình, Tôi thấy mọi thứ trắng xoá, bác sĩ. Ông không nói gì về chiếc xe bị mất cắp.

Bác sĩ hỏi ông, Trước kia ông có bao giờ bị như thế này không, hay chuyện gì tương tự như vậy, Không, bác sĩ, thậm chí tôi không phải đeo kính. Thế ông bảo bỗng nhiên nó xảy đến à, Vâng, bác sĩ, Như bóng đèn tắt, Còn hơn bóng đèn tắt, Trong vài ngày vừa qua ông cảm thấy thị lực có gì khác không, Không, bác sĩ, Có hoặc đã bao giờ trong gia đình ông có trường hợp mù nào không, Trong số họ hàng tôi biết hay đã nghe nói thì không có ai, Ông có bị bệnh tiểu đường không, Không, bác sĩ, Bệnh giang mai, Không, bác sĩ. Chứng cao áp huyết động mạch hay tế bào não, Tôi không chắc về tế bào não, nhưng các chứng kia không có, ở sở chúng tôi có khám sức khoẻ đều đặn. Hôm nay hay hôm qua ông có bị đánh mạnh vào đầu không, Không, bác sĩ, Ông bao nhiêu tuổi, Ba mươi tám, Được, hãy khám mắt xem sao. Người đàn ông mù mở to mắt, như thể để cho việc khám được dễ dàng, nhưng bác sĩ nắm cánh tay ông rồi đưa ông ra sau cái máy nội soi mà bất cứ ai có óc tưởng tượng đều có thể xem như một phiên bản mới của phòng xưng tội, mắt thay cho lời, và giáo sĩ nhìn trực tiếp vào linh hồn của kẻ có tội, Đặt cằm ông ở đây, bác sĩ bảo ông, cứ mở mắt, và đừng cử động. Người đàn bà tiến lại gần chồng, đặt tay lên vai ông, và nói, Sẽ tìm ra, anh sẽ thấy. Bác sĩ nâng lên rồi hạ xuống hệ thống ống kính bên phía ông ta, nhẹ xoay điều chỉnh các nút, rồi bắt đầu khám. Ông thấy không có gì trong giác mạc, không có gì trong màng mắt, không có gì trong tròng đen, không có gì trong võng mạc, không có gì trong thủy tinh thể của mắt, không có gì trong vết chấm màu cam, không có gì trong thần kinh thị giác, không chỗ nào có điều gì. Ông đẩy dụng cụ sang một bên, dụi mắt, rồi tiến hành khám lần thứ nhì lại từ đầu, không nói lời nào, và khi khám xong, mặt ông có vẻ bối rối, Tôi không tìm thấy điều gì bất thường, mắt ông hoàn toàn tốt. Người đàn bà chắp hai tay trong vẻ sung sướng và thốt lên, Em đã chẳng nói với anh rồi sao, em chẳng nói với anh rồi sao, việc này có thể giải quyết được. Không để ý đến bà, người đàn ông mù hỏi, Tôi có thể lấy cằm ra được chưa, bác sĩ, Được rồi, ồ tôi xin lỗi, Nếu mắt tôi hoàn toàn tốt như ông nói thì tại sao tôi mù, Ngay lúc này tôi không biết, chúng ta sẽ phải làm những thử nghiệm chi tiết hơn, các bảng phân tích, biểu đồ sinh thái, điện não đồ, Ông có nghĩ là liên hệ tới não không, Có thể, nhưng tôi ngờ lắm. Nhưng ông nói ông không thấy mắt tôi có gì hỏng, Đúng thế, Lạ thật, Tôi muốn nói là nếu thực ông bị mù, bệnh mù của ông lúc này không giải thích được, Ông ngờ là tôi không mù, Không, vấn đề là bản chất bất thường của trường hợp ông, cá nhân tôi trong bao nhiêu năm hành nghề tôi chưa bao giờ gặp điều gì như thế này, và tôi dám nói trong suốt lịch sử khoa mắt chưa bao giờ biết có ca nào như vậy, Ông nghĩ có cách nào chữa không, Trên nguyên tắc, vì tôi không tìm thấy điều gì bất thường hay bất cứ dị tật bẩm sinh nào, câu trả lời của tôi là chữa được, Nhưng hiển nhiên không phải là được, Chỉ dè dặt thôi, chỉ vì tôi không muốn hy vọng quá nhiều rồi hoá ra không đúng, Tôi hiểu, Tình hình là như thế, Và có cách điều trị nào tôi nên theo không, một phương thuốc nào đó, Ngay lúc này tôi không nghĩ là nên cho thuốc, vì như thế giống như viết toa trong bóng tối. Người đàn ông mù nhận xét, Một diễn đạt thích hợp. Bác sĩ giả vờ không nghe, ra khỏi cái ghế đẩu xoay ông đã ngồi để khám bệnh, rồi vừa đứng lên, ông vừa viết trên tập toa thuốc những thử nghiệm và phân tích ông đánh giá là cần thiết. Ông đưa tờ giấy cho người vợ, Cầm lấy và trở lại với chồng bà khi nào có kết quả, trong khi đó nếu tình trạng của ông có gì thay đổi thì điện thoại cho tôi, Chúng tôi phải trả bao nhiêu, bác sĩ, Trả tiền nơi thư ký tiếp khách. Ông đi theo họ ra cửa, lầm bầm vài lời trấn an, Hãy đợi xem sao, hãy đợi xem sao, ông đừng tuyệt vọng, và khi họ đi khỏi ông vào buồng vệ sinh nhỏ bên cạnh phòng khám và nhìn đăm đăm vào gương, Có thể là gì, ông lẩm bẩm. Rồi ông trở lại phòng khám, gọi nhân viên tiếp khách, Đưa bệnh nhân kế tiếp vào.

Tối hôm đó người đàn ông mù mơ rằng ông bị mù.
-----
Nguồn: José Saramago, Ensaio sobre a Cegueira, 1995, chương 1. Dịch theo bản tiếng Anh, Blindness, của Giovanni Pontiero, nxb Harcourt, San Diego, 1997. .
[3]trích trong diễn văn nhận giải Nobel Văn chương năm 1998, How Characters Became the Masters and the Author Their Apprentice.
[4]The Gospel According to Jesus Christ, bản tiếng Anh của Giovanni Pontiero, Harcourt Brace & Company, 1991.
[5]Blindness, bản tiếng Anh của Giovanni Pontiero, Hartcourt Inc., 1995.